Việt Nam thua Trung Quốc trong “cuộc chiến công hàm”…
14-5-2023
Ở Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc Liên Hiệp quốc, Việt Nam “im lặng”, không thể phản biện được các lập luận của Trung Quốc qua công hàm gởi Tổng thư ký LHQ ngày 17-4-2020.
Thông qua nội dung công hàm ngày 17 tháng tư 2020 gởi Tổng thư ký LHQ, Trung Quốc “leo thang” trong ngôn từ, bằng những lời lẽ hăm dọa mà người ta có thể hiểu rằng từ nay Trung Quốc có thể sẽ sử dụng vũ lực để thu hồi các đảo Trường Sa.
Sau đó một ngày, với quyết định của Bộ Dân chính, ngày 18 tháng 4 năm 2020, Trung Quốc tuyên bố thành lập hai Khu nhằm kiểm soát lãnh thổ ở Biển Đông. Một là khu Nam Sa đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa (HS). Hai là khu Tây Sa đặt trụ sở ở đá Chữ Thập, một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (TS), chiếm của Việt Nam bằng vũ lực năm 1988.
Tuyên bố thành lập hai Khu của Trung Quốc có ý nghĩa về pháp lý là “củng cố chủ quyền”. Vấn đề là việc củng cố chủ quyền HS và TS của Trung Quốc chỉ dựa lên những bằng chứng mơ hồ trong lịch sử, ngoại trừ công hàm ngày 10 tháng 9 năm 1958 của chính phủ VNDCCH. Trung Quốc cho rằng, qua văn kiện này, Việt Nam đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo HS và TS.
Theo lập luận của Trung Quốc, Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc “Estoppel”, làm ngược lại những gì đã “hứa”, khi đem quân “giải phóng” Trường Sa ngày 4 tháng 4 năm 1975.
Việt Nam sẽ phải trả lời ra sao với Trung Quốc trong công hàm phản biện gởi LHQ những ngày sắp tới? (Việt Nam đã im lặng suốt hơn 3 năm khi đăng lại bài viết này. Tức là Việt Nam đã thua trong chiến tranh công hàm xảy ra ở Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ).
Khi nại công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, Trung Quốc đặt toàn bộ hồ sơ tranh chấp dưới ánh sáng của công pháp quốc tế.
Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng vắn tắt chỉ hai câu, nhằm đáp lời Tuyên bố đơn phương của Trung Quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958 về chủ quyền lãnh thổ và hải phận.
Ý kiến các học giả “bênh vực” Việt Nam cho rằng công hàm 1958 có nội dung: VNDCCH “ghi nhận và tán thành quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.
Trong khi Tuyên bố của Trung Quốc, nội dung điều 1 ghi rõ: “Lãnh hải của Trung Quốc rộng 12 hải lý. Điều này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)…”
Mục đích các học giả có lẽ nhằm “khoanh vùng” tranh chấp giữa VN và TQ vào nội dung 12 hải lý “hiệu lực của các đảo”.
Lập luận này có điều “nguy hiểm”. Trước hết mặc nhiên nhìn nhận công hàm 1958 của PVĐ có hiệu lực, dưới ánh sáng của luật quốc tế (mà lý ra phải phủ nhận triệt để và toàn diện).
Các học giả không thể “ghi nhận và tán thành” yêu sách của TQ, hiệu lực lãnh hải 12 hải lý ở tất cả các đảo mà TQ ghi rõ trong Tuyên bố, mà không nhìn nhận chủ quyền TQ ở HS và TS. Chính phủ VNDCCH không hề có một bảo lưu nào về điều này.
Theo tập quán quốc tế, thái độ “im lặng” của VN về HS và TS qua công hàm 1958 có nghĩa là VN mặc nhiên nhìn nhận (consentement tacite – implied consent) TQ có chủ quyền tại HS và TS.
Hiển nhiên, khi VN “nói ngược lại”, cho rằng TQ không có chủ quyền ở HS và TS, VN bị “estopped”.
Mặt khác luật về “thời hiệu” cho phép TQ điều chỉnh các “quyền chủ quyền” và quyền tài phán của quốc gia này, áp dụng từ năm 1958, theo tiêu chuẩn của Luật Quốc tế về Biển 1958, sao cho phù hợp với Luật Quốc tế về biển 1982.
Án lệ của Tòa Trọng tài thường trực 1998 giữa Yemen và Erythrée về chủ quyền các đảo trong Hồng hải, đặc biệt đảo Mohabbakah cho ta thấy điều này.
Chủ quyền các đảo trong Hồng hải được quyết định theo Công ước Lausanne năm 1923. Tất cả các đảo nào nằm trong vòng lãnh hải 3 hải lý của quốc gia thì đảo này thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Đảo Mohabbakah nằm ngoài giới hạn lãnh hải 3 hải lý. Nhưng sau đó luật mới về biển 1958 và 1982 cho phép các quốc gia mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý. Tòa áp dụng nguyên tắc “thời hiệu”, phán rằng đảo này thuộc Errythrée, vì nó nằm trong giới hạn lãnh hải 12 hải lý của nước này.
Tức là TQ có quyền áp dụng Luật Biển 1982, mở rộng vùng biển, ngoài lãnh hải 12 hải lý, còn có 12 hải lý vùng tiếp cận lãnh hải, vùng Kinh tế độc quyền (ZEE – rộng 200 hải lý tính từ đường cơ bản), thềm lục địa (có thể rộng tới 350 hải lý)… cho tất cả các đảo cũng như bờ biển thuộc quốc gia họ.
Ngoài vùng biển phát sinh từ các đảo, TQ còn có các yêu sách về “biển lịch sử” (giới hạn theo bản đồ đường lưỡi bò).
Vì vậy việc “khoanh vùng tranh chấp” trong vòng 12 hải lý chưa chắc là thượng sách. Mục đích của TQ trong quá trình chinh phục các đảo HS và TS, ngoài mục tiêu chiến lược “mở rộng tầm ảnh hưởng của đế quốc”, còn có mục tiêu kinh tế là “vùng biển và thềm lục địa phong phú tài nguyên hải sản và dầu khí” ở Biển Đông.
Học giả VN cũng cố gắng phủ nhận hiệu lực công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng bằng các lý lẽ như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không có hiệu lực, vì ông Phạm Văn Đồng không có tư cách pháp nhân, hay “vi hiến”, khi ra một văn bản có liên quan đến lãnh thổ.
Nếu ta xét công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng dưới ánh sáng của công pháp quốc tế, phần nói về hiệu lực ràng buộc của các “tuyên bố đơn phương”. Ta thấy rằng các chức vụ tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng bộ Ngoại giao… là những người có đủ tư cách đại diện quốc gia để ra một “tuyên bố đơn phương”, nhằm thể hiện thái độ, lập trường của quốc gia mình đối với một vấn đề quốc tế.
Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng thực chất không phải là một kết ước về lãnh thổ. Đây chỉ là chỉ là ý kiến của chính phủ VNDCCH trước quyết định của nước CHNDTH về lãnh thổ và hải phận của TQ.
Công hàm 1958 không phải là một tuyên bố từ bỏ chủ quyền.
Ngay cả khi công hàm 1958 mâu thuẫn với Hiến pháp VN. Theo tập quán quốc tế, một tuyên bố đơn phương nếu đi ngược lại tinh thần hiến pháp của quốc gia tuyên bố, thì tuyên bố này vẫn có hiệu lực. Tuyên bố đơn phương không phải là một văn bản “hành chánh” thuộc phạm trù quốc gia mà là một văn bản thuộc phạm trù quốc tế (nếu đặt công hàm Phạm Văn Đồng dưới ánh sáng của công pháp quốc tế).
Một văn bản hành chánh chịu chi phối của luật quốc gia nhưng một tuyên bố đơn phương (liên quan đến một vấn đề quốc tế) chịu chi phối của luật pháp quốc tế. Mà luật quốc tế có giá trị “cao” hơn luật quốc gia.
Ngay cả khi đặt giả thuyết công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không hiện hữu. Tức là khi TQ ra tuyên bố năm 1958, Chính phủ VNDCCH của ông Hồ chọn thái độ “im lặng”.
Quan sát sự việc theo tinh thần công pháp quốc tế, Tuyên bố đơn phương của TQ năm 1958 về hải phận và chủ quyền lãnh thổ có ý nghĩa tương tự như Tuyên bố đơn phương về vùng “Nhận diện phòng không – ADIZ” ngày 23-11-2013.
Nếu các tuyên bố này phù hợp với tập quán quốc tế. Quốc gia nào không “bảo lưu”, phản đối các yêu sách của TQ. Tuyên bố tự động có hiệu lực.
Sự “im lặng” của chính phủ VNDCCH trong trường hợp này được đồng hóa với hành vi mặc nhiên nhìn nhận, một dấu hiệu “thụ động” của nguyên tắc “đồng thuận – acquiescement”. Thái độ “thụ động” này được khẳng định qua các tài liệu bản đồ, sách giáo khoa, bài báo v.v… cho rằng HS và TS (và vùng biển chung quanh) thuộc về TQ.
Yếu tố “thụ động” trong “đồng thuận” trở thành một sự “đồng ý hiển nhiên”, có giá trị pháp lý ràng buộc.
Làm như chưa đủ khó khăn, một số các học giả VN lại chủ trương VNCH và VNDCCH là “hai quốc gia” độc lập, có chủ quyền.
Điều này sẽ đưa hai thực thể VNCH và VNDCCH là “đối tượng” của công pháp quốc tế. (Đối tượng công pháp quốc tế là “Quốc gia – State – Etat. Ý kiến này đi ngược lại nội dung hai hiệp ước Genève 1954 và Paris 1973, mà VNDCCH là “một bên” ký kết. Theo đó nước VN duy nhứt, độc lập, thống nhứt ba miền).
Quí vị này vịn vào lập luận “người ta không thể nhượng cái mà người ta không có thẩm quyền – Nemo dat quod non habet”.
Thật vậy, HS và TS nằm dưới vĩ tuyến 17, thuộc kiểm soát của VNCH. VNDCCH không có thẩm quyền về lãnh thổ ở HS và TS. Tuyên bố của Phạm Văn Đồng vì vậy không hiệu lực pháp lý.
Điều này cũng xác định VNCHCH không có chủ quyền (cũng như không có yêu sách chủ quyền ở HS và TS).
Tức là, lập luận của TQ thể hiện qua công hàm 17-4-2020 là chính xác: từ khi lập quốc VNDCCH và TQ không hề có tranh chấp chủ quyền HS và TS.
TQ chiếm HS trên tay “quốc gia” VNCH. Quốc gia VNDCCH là “bên thứ ba”, tương tự như Mã Lai, Thái Lan v.v…
Các học giả dựa vào yếu tố “kế thừa lãnh thổ” giữa VNCH và chính phủ MTGPMN.
Quan điểm pháp lý của MTGPMN (và VNDCCH) là VNCH do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dựng lên. Chính quyền VNCH là “chính quyền tay sai”, tức là “ngụy”. Lý do hiện hữu của MTGPMN là “đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào”.
Các học giả biện luận rằng, sau 30-4-1975 các ghế đại diện VNCH ở các định chế quốc tế được thay thế bằng người của MTGPMN.
Điều này chứng minh rằng MTGPMN đã “kế thừa” danh nghĩa VNCH.
Vẫn câu hỏi “làm thế nào để kế thừa danh nghĩa VNCH, khi MTGPMN luôn cho rằng VNCH là “ngụy”, một thực thể tay sai do đế quốc Mỹ dựng lên”?
Không hề có việc “bàn giao quyền lực” giữa một chính phủ hợp hiến VNCH với đại diện MTGPMN ngày 30-4-1975. “Quốc gia” VNCH tiêu vong. Trên đống tro tàn VNCH khai sinh Cộng hòa miền Nam VN. Lãnh thổ và dân chúng của quốc gia VNCH trở thành lãnh thổ và dân chúng của quốc gia CHMNVN. Vấn đề là HS và TS là các đảo hoang, không có người ở thường trực, ngoài một số quân nhân VNCH.
Một số các đảo TS được quân miền Bắc “giải phóng”, vào cuối tháng tư và tháng năm 1975. Số phận các quân nhân VNCH đồn trú ở các đảo này xem như bị “mất tung mất tích”. Tức là mọi bằng chứng về việc thực hiện chủ quyền của VNCH tại TS đã bị xóa bỏ.
Chính phủ MTGPMN trong suốt thời gian hiện hữu không hề thể hiện lập trường khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS.
Ngoài ra toàn bộ nhân sự MTGPMN đều là đảng viên đảng CSVN. MTGPMN được thành lập do một nghị quyết của đảng CSVN.
Cả hai “quốc gia” VNDCCH và CPLTCHMNVN đều do đảng CSVN lãnh đạo. Yếu tố này, trên phương diện pháp lý, lập trường về chủ quyền HS và TS của VNDCCH và CPLTCHMNVN là “một”.
Lập trường nào của CHXHCNVN, sau khi “thống nhất đất nước”, nếu không phải là lập trường tiếp nối của VNDCCH?
Theo tôi, lập luận cho rằng có hai quốc gia VNCH và VNDCCH sẽ đưa VN vào “mê hồn trận” công pháp quốc tế của TQ.
VN khó có thể cãi với TQ bằng luật quốc tế về nội dung công hàm 1958.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét