Giải pháp nào cho Biển Đông?
14-5-2023
Thấy học giả Việt Nam lên truyền thông quốc tế “chém gió” thiệt tình sốt ruột. Tình hình nóng bỏng ở Biển Đông, Việt Nam cần các học giả, các giáo sư tiến sĩ… cho một “giải pháp” chớ không cần các lời “gió bay” hay các lời phân tích cao siêu.
Đọc RFI thấy có đăng tin Philippines đặt phao trên biển để đánh dấu ranh giới vùng biển EEZ của quốc gia. Xem ra học giả Phi “quyền biến” hơn học giả Việt Nam rất nhiều.
Còn Việt Nam thì bên quí bạn Đại Sự ký Biển Đông đăng hình cho thấy tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục “rà tới rà lui” trong vùng biển EEZ của Việt Nam.
Nói nào ngay bà con cũng nên cám ơn quí bạn chăm lo trang Đại Sự ký Biển Đông. Không có quí bạn này “ăn cơm nhà vác ngà voi” báo cáo thường xuyên tình hình Biển Đông thì đồng bào ta xem như là “mù và điếc”. Vì vậy tôi đề nghị, các tập đoàn truyền thông lớn (như VOA) khi lấy tin tức của quí bạn ở đây thì “mở hầu bao” rộng rãi một chút. Kho bạc Mỹ chớ đâu phải hủ “gạo” nhỏ xíu của những người nghiên cứu a ma tơ (như tui).
Trở lại chuyện Phi đánh dấu ranh giới biển. Hiển nhiên là nhờ Phán quyết của Tòa PCA 14-7-2016 mà Phi biết đâu là giới hạn pháp lý các yêu sách của Trung Quốc. Ngay cả khi Trung Quốc không tuân thủ Phán quyết thì quốc gia này cũng không dám làm chuyện ngang ngược trên vùng biển được xác định của Phi. Mọi hành vi sử dụng vũ lực của Trung Quốc trên vùng biển (đã được luật pháp quốc tế xác định) của Phi sẽ bị cộng đồng quốc tế xem là “aggression”, xâm lược bằng vũ lực vùng biển của quốc gia khác.
Còn Việt Nam?
Ngay cả lúc viết những dòng chữ này, Việt Nam vẫn còn cơ hội để xác định ranh giới trên biển, vùng Trường Sa, tương tự như Phi. Ngay cả khi Việt Nam thua xiểng liểng “cuộc chiến công hàm”.
Việt Nam có thể tập hợp tất cả các công hàm của các quốc gia đã nộp lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, thuộc Văn phòng Tổng thư ký LHQ, ngoại trừ các công hàm của TQ. Những công hàm có nội dung ủng hộ Phán quyết của tòa PCA 14-7-2016. Dựa theo nội dung các công hàm này Việt Nam đệ đơn yêu cầu một Tòa án quốc tế, tốt nhứt là Tòa Công lý quốc tế, cho một “ý kiến”, hay một “phán quyết”, rằng “cách giải thích Luật Biển và cách áp dụng Luật Biển theo Phán quyết của Tòa PCA ngày 14-7-2016 có giá trị erga omnes cho tất cả các quốc gia có liên quan”.
Nếu Việt Nam không tận dụng hiệu quả của “cuộc chiến công hàm” thì chắc chắn Việt Nam và Trung Quốc đã có những “thỏa thuận riêng” về số phận thềm lục địa của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét