Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

Một số nhận thức nhầm về Đảng và Mác - Lê Nin

 


Một số nhận thức nhầm về Đảng và Mác - Lê Nin

Nguyễn Đình Cống

Rất khó có thể kể ra hết các nhầm lẫn và dối trá trong cách mạng vô sản, trong chuyên chính vô sản. Tôi chỉ nhặt ra vài điều để chứng tỏ rằng một số sai lầm là từ gốc rễ. Và lời bào chữa cho rằng chủ nghĩa và đường lối vẫn đúng, chỉ có cán bộ làm sai là một ngụy biện nguy hiểm.

1. Ai nhận thức nhầm? 

Rất nhiều. Từ những người như Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Hồng Phong, cho đến Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng... Từ những cán bộ cao cấp và trí thức lớn đến đảng viên thường hoặc người dân. Sự nhầm lẫn ở mỗi người là khác nhau. Người nhầm chỗ ấy, kẻ nhầm chỗ kia, người này nhầm ít, người khác nhầm nhiều. Nguyên nhân trực tiếp gây ra nhầm quy nạp về một mối là sự vô minh.

Nhưng không phải tất cả người Việt đều nhầm, chỉ là một số rất đông, gồm nhiều thành phần, nhiều trình độ. Có thể kể ra một số như sau:

Thứ nhất là những người chưa có được khả năng phân biệt đúng sai trong trường hợp phức tạp, chưa biết nhận ra những điều bị che giấu. Họ rất mong ước điều tốt đẹp mà vì còn thiếu kinh nghiệm sống nên dễ bị nhầm, dễ bị cảm tính chi phối. Họ là những người trẻ tuổi ưu tú, có bản lĩnh hoặc là những người có học vấn nhưng thật thà, dễ tin vào những điều hứa hẹn tốt đẹp.

Thứ hai là những người ít suy nghĩ, có thói quen nghe theo lời của người tỏ ra có hiểu biết. Gần hết trẻ con giữ lại cho đến già những điều được dạy bảo từ rất bé. Với người lớn, họ bị người ta đem những lợi ich vật chất làm mồi nhử để lôi kéo, họ đang rất thiếu và thèm khát những thứ này. Thêm nữa là những người vì sợ mà không dám nghĩ khác những điều bị tuyên truyền nhồi sọ. 

Thứ ba là người không có nhận thức gì cả, họ không suy nghĩ, chỉ nói theo người khác mà không hiểu nói gì. 

Thứ tư là bọn người cơ hội. Trong thâm tâm có thể họ hiểu đúng nhưng nói theo người khác nhằm lợi dụng để kiếm chác một thứ gì đó.

Xét về quyền lợi do cách mạng đem lại, chia dân Việt ra làm hai, dân được lợi và dân bị hại (như ông Võ Văn Kiệt từng nhận xét). Đa số những người được cách mạng (CM) mang lại quyền lợi, tin vào tuyên truyền của đảng, họ không dám nghĩ tới việc đã bị nhầm mà còn hết sức bảo vệ cho những điều đã được nghe. Cũng có một số tuy được hưởng lợi từ CM nhưng nhờ có lương tri, có trí tuệ mà nhận ra nhầm lẫn.

Những người Việt không bị nhầm về Cộng sản (CS) có nhiều loại: Thứ nhất là đa số những người bị thiệt hại do CM mang lại. Thứ hai là những người có hiểu biết và suy nghĩ sâu sắc về cách ứng xử của con người trong chính trị và khi có quyền lực. Những người này nhờ kiến thức và kinh nghiệm mà thấy được những chiếc đinh nhọn ẩn trong tấm thảm dẫn đến bữa tiệc bánh vẽ. Thứ ba là những người biết dùng thực tế để kiểm chứng lời tuyên truyền. Số này lúc còn trẻ bị nhầm, khi lớn tuổi mới tỉnh ngộ, họ âm thầm hoặc công khai “Tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Nhiều người nhận ra nhầm lẫn, nhưng chỉ những người có dũng khí mới dám nói ra hoặc có hành động thể hiện đã bị nhầm. Họ đã, đang bị CS bắt chịu các số phận khác nhau, người bị giết, kẻ bị tù đày hoặc bị khủng bố, số khác phải tìm cách ra nước ngoài. Khi ra được nước ngoài khá nhiều người đạt được thành công lớn.

Còn muốn giữ yên cho bản thân và gia đình nơi quê cha đất tổ thì phải im hơi lặng tiếng, chỉ chăm lo đến miếng cơm, manh chiếu và thì thầm với bạn bè những nhận thức về thời cuộc. 

2. Về vai trò và tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)

ĐCSVN được thành lập do hợp nhất ba tổ chức. Giống như mọi đảng khác trên thế giới, mỗi tổ chức do một người nghĩ ra, vận động vài bạn cùng chí hướng sáng lập rồi phát triển dần. Tổ chức trở thành phương tiện giúp cho và cùng với những người sáng lập thực hiện các ý đồ của họ. Như vậy đảng là công cụ của một người hoặc của một nhóm người làm chính trị chứ không phải là một tổ chức siêu phàm, thần thánh. Khi Nguyễn Ái Quốc hợp nhất ba tổ chức thành một đảng thì đã đưa mô hình đảng công nhân kiểu mới của Lê Nin áp đặt vào. Đó là đảng cách mạng. Nhưng đảng không làm cách mạng một mình mà phải tập hợp, vận động, lãnh đạo quần chúng. Để lôi kéo nhiều người tham gia, ủng hộ, họ tuyên truyền rằng ĐCSVN là tổ chức thiêng liêng, lãnh tụ của đảng là vĩ đại, là siêu phàm, là tuyệt vời thông minh và đạo đức, là cứu tinh của dân tộc, gần như một vị thánh sống. 

Khi ĐCSVN đã có chính quyền, người ta tuyên truyền, đề lên rất cao sự vinh dự to lớn, niềm hạnh phúc nhất đời khi được kết nạp đảng. Điều đó đúng một phần vì đảng viên có quyền hành, có điều kiện tiến thân. Người ta phân biệt đảng viên và quần chúng với cách nhìn thiên lệch, Đã có thời kỳ khá dài bí thư chi bộ hành xử như là thiên sứ, như là vua của một khoảnh. 

Về vai trò của ĐCSVN, theo họ nói thì vừa lãnh đạo, vừa cầm quyền. Lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên thực hiện. Cầm quyền là nắm giữ chính quyền.

Theo như thực trạng hiện nay thì ĐCSVN vượt quá xa lãnh đạo và cầm quyền mà thực chất là Thống trị. Đó là nắm và sử dụng bộ máy chính quyền để điều khiển, quản lý, chi phối tất cả. ĐCSVN thực hành Đảng trị.Phương châm đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ là một ngụy biện bậc cao nhằm hợp thức hóa tổ chức ba tầng của nhà nước: Đảng- Chính quyền-Mặt trận, một loại tổ chức quái dị, chồng chéo, dẫm đạp lên nhau, rất kém hiệu quả. 

Sự lãnh đạo của ĐCSVN thể hiện rõ trong lúc làm cách mạng, còn khi đã giành được chính quyền thì vai trò lãnh đạo giảm xuống, vai trò thống trị tăng lên, chiếm gần như toàn phần. 

ĐCSVN lớn tiếng rằng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Nhưng trong thực tế chính quyền là của đảng. Vậy phải chăng đảng đã cướp quyền của dân. Trong thể chế dân chủ thì đảng có thể được dân tín nhiệm, lựa chọn, trao cho việc cầm quyền. Khi đảng hợp lòng dân thì có thể cầm quyền lâu dài. Nếu không hợp thì dân có quyền chọn đảng khác. ĐCSVN tự khẳng định sẽ cầm quyền mãi mãi, thế thì cần gì quan tâm đến việc có hợp lòng dân hay không.

Mong được cầm quyền lâu dài cũng là thường tình, nhưng muốn được như thế thì phải làm những việc hợp Đạo Trời, thuận lòng người, Singapore đang là hình mẫu như vậy.

Hội đồng lý luận rất cần nghiên cứu chuyên đề về lãnh đạo và cầm quyền giống và khác nhau như thế nào. Từ một đảng cách mạng chuyền thành đảng cầm quyền cần có thay đổi gì về tổ chức và công việc. Khi vai trò đã đổi, tình hình thực tế đã khác, đúng ra đảng phải thay đổi về tổ chức cho phù hợp. Cố giữ và mở rộng tổ chức cũ là cách làm không những kém hiệu quả mà còn làm hại. Theo tôi phải cải cách về tổ chức từ cơ sở đến trung ương, thay đổi cách bầu chọn và tổ chức đại hội.

3. Đảng viên và cán bộ

Đảng, đảng viên và cán bộ là ba khái niệm, trong nhiều trường hợp cần phân biệt, nhưng thường bị dùng lẫn lộn.

Đảng, khi chỉ gồm một nhóm ít người, kết nối với nhau thì dễ nhận thấy và phân biệt. Nhưng khi số đảng viên rất đông, ở rải rác khắp nơi, không thể họp toàn đảng lại với nhau thì trong nhiều trường hợp khái niệm đảng có phần trừu tượng. Thí dụ nói “đảng lãnh đạo làm việc nọ, việc kia”. Lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên thực hiện.

Đề ra chủ trương là việc của một người (rồi thảo luận trong một nhóm nhỏ) chứ không lẽ là việc của toàn đảng gồm hàng triệu người. Tổ chức thực hiện chủ yếu là việc của cán bộ các cấp, còn toàn đảng chỉ tham gia vào việc động viên.

Quan trọng của một đảng là chính cương, đường lối, điều lệ. Tuy vậy dân Việt Nam ít biết đến chính cương, điều lệ của ĐCSVN. Người dân chủ yếu nhìn vào hoạt động và ứng xử của đảng viên để đánh giá về đảng. 

Hoạt động và ứng xử đến từ hai nguồn, tự có và thu nạp. Tự có là những phẩm chất, tính cách của người đảng viên đó, phần lớn đã được hình thành trước khi vào đảng. Thu nạp là những tiếp nhận được từ chính cương, đường lối, nghị quyết của đảng. Hai nguồn có thể bổ sung cho nhau hoặc hạn chế lẫn nhau. Câu nhận xét “Người ấy là đảng viên nhưng mà tốt” ẩn chứa tác dụng khác nhau của hai nguồn.

Nhận xét cho rằng đảng trước đây (của Hồ Chi Minh) tốt hơn đảng bây giờ. Hình như đó là hai đảng khác nhau. Đây là một nhận thức nhầm vì đã đồng nhất bản chất của đảng với hoạt động của đảng viên. Bản chất của đảng do chính cương, đường lối, điều lệ quy định, mà những thứ này cơ bản không thay đổi. Chỉ có đảng viên trước đây tốt hơn đảng viên bây giờ, hay là đảng viên bây giờ kém hơn trước đây. Sự tốt hơn không phải do thu nạp mà là nhờ tự có. Ngược lại sự kém hơn chính là do thu nạp trên một nền tự có yếu kém.

ảng hiện nay xấu hơn đảng trước đây là đúng thực tế, vì rằng một số người đã biến đảng thành tổ chức của các nhóm lợi ích. Có ý kiến đề xuất đổi mới tổ chức thành “Một đảng của dân tộc”. Đó là một dạng nhận thức nhầm, vì rằng nếu đảng là của dân tộc thì sẽ dễ nhanh chóng trở thành độc quyền, độc tôn, không chấp nhận đa nguyên hoặc tự đặt cao hơn các đảng chính trị khác, lãnh đạo, chi phối các đảng khác (giống như ba đảng trước đây).

Tại sao đảng viên bây giờ có phẩm chất kém. Đó là do phạm sai lầm khi lựa chọn người để kết nạp. Đáng ra phải xuất phát từ điều kiện cần (làm cho đảng vững mạnh, trong sạch) và bổ sung bởi điều kiện đủ (đạt được các tiêu chuẩn), nhưng đại đa số các chi bộ làm ngược lại. Họ quan tâm và xuất phát từ tiêu chuẩn mà không hoặc rất ít quan tâm đến điều kiện cần. Ở các cuộc họp xét kết nạp đảng viên mới, câu hỏi chủ yếu là đã đủ tiêu chuẩn hay chưa. Cách làm như vậy tạo sơ hở lớn cho những kẻ cơ hội vào đảng.

Hồi tôi còn trẻ (giữa thế kỷ 20) nhiều bạn đoàn viên thanh niên đặt kế hoạch phấn đấu vào đảng. Các bạn khác cho rằng đặt như thế dễ rơi vào cơ hội. Họ đặt kế hoạch học tâp, tu dưỡng thành người chân chính, chuyên môn giỏi, đạo đức tốt, thế rồi đảng có kết nạp họ hay không là tùy yêu cầu của đảng. Những người như thế bị quy là xem nặng chuyên hơn hồng, rất ít người được chi bộ cho trở thành cảm tình và đối tượng.

Cho rằng đảng viên thoái hóa, biến chất làm suy sụp đảng chỉ đúng về hình thức, là nguyên nhân gần, trực tiếp. Nguyên nhân cơ bản, sâu xa nằm ngay trong tổ chức và chủ trương của đảng. Vì đường lối tổ chức sai lầm nên bọn cơ hội mới lợi dụng để chui vào được. Vào được rồi chúng mới dựa vào thể chế độc quyền đảng trị để leo cao. Lên được càng cao thì thu lợi càng lớn. Thế thì làm gì có trong sạch, có liêm chính. Vì quan niệm và cách làm sai trong việc chọn đảng viên, vì chủ trương độc quyền, không dân chủ ngay từ trong đảng nên những người tài giỏi, trung thực đang là đảng viên thì tìm cách từ bỏ, chưa là đảng viên thì xa lánh, để đảng lại cho bọn cơ hội thao túng. Không hoàn toàn giống như nhận xét, rằng thanh niên “nhạt đảng, khô đoàn” vì lo chạy theo đồng tiền. Nếu nói chạy theo tiền thì chính bọn cơ hội trong đảng chạy mạnh nhất. Mà kiếm tiền một cách chân chính cũng đáng được khuyến khích chứ. 

Đảng có vững mạnh mới có khả năng lãnh đạo toàn diện. Mạnh do số lượng và chất lượng. Số lượng cũng cần, nhưng để lãnh đạo thì chất lượng quan trọng hơn, có tính quyết định hơn. Bài học của Singapore là không cần thật nhiều đảng viên mà rất quan tâm đến chất lượng. Họ ưu tiên tìm những người giỏi đã từng phê phán chủ trương và việc làm của đảng. Hình như đảng của họ không lo gì đến việc củng cố và làm trong sạch tổ chức

Lãnh đạo ĐCSVN tự hào vì đã vạch ra một đường lốí cán bộ hoàn hảo, một quy hoạch cán bộ chặt chẽ, đã kiến tạo được “Lồng nhốt quyền lực”, đã nêu ra được khẩu hiệu mạnh mẽ “Triệt để chống chạy chức chạy quyền, chống ham hố quyền lực”, đã quy định được 19 điều cấm đảng viên, đã có nghị quyết đảng viên không được ứng cử. Họ tưởng đấy là sản phẩm bậc cao của những đầu óc thông tuệ. Họ không chấp nhận sự góp ý, phản biện của bất kỳ ai. Thực ra những điều trên đây phạm vào lỗi rất nặng về phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ, phi logic. Vận dụng chúng chủ yếu tìm được bọn cơ hội thiếu thông minh, kém trung thực mà nhiều âm mưu, lắm thủ đoạn. Còn những người tài giỏi và trung thực sẽ tránh xa hoặc bị loại ngay vòng đầu.

Quy hoạch cán bộ là một cách giữ chỗ cho tay chân thân tín, thường kém tài đức. Cứ kiểu này thì trình độ cán bộ càng ngày càng thoái hóa. Tổng bí thư hết sức chống đối Tam quyền phân lập để giữ cho được độc tài toàn trị của đảng. Chống chạy chức chạy quyền, mới nghe tưởng là liêm chính, nhưng ẩn chứa nội dung ngụy biện. 

Chạy chức chạy quyền là sự vu cáo trá hình việc tự vận động hoặc nhờ vận động để cho mình thắng cử hoặc được giao làm một việc gì đó quan trọng. Chống chạy chức chạy quyền phải chăng chức quyên là thứ xấu xa, bỉ ổi. Không phải như thế. Vì quá vô minh mà đã nhận nhầm. Cái rất cần chống là lạm dụng quyền lực để mưu lợi riêng chứ không phải chống ý muốn có quyền lực. Quyền lực có bản chất trung tính, nó có thể làm tha hóa bọn người này, đẩy chúng vào tội lỗi, đồng thời nó có sức mạnh giúp đỡ những người thiện chí, có tài năng và đạo đức thực hiện những tư tưởng tốt đẹp, những dự án ích nước lợi dân. Chủ trương chống ham hố quyền lực là sản phẩm của một trí tuệ thấp kém, không phân biệt được hai mặt của quyền lực. Ham muốn là một động lực giúp thành công. Bầu Quốc hội, giả thử có ứng viên nói rằng không ham muốn làm nghị sĩ thì mọi người không nên bầu cho hắn. Không chỉ bầu Quốc hội mà bầu chức vụ gì cũng nên như thế.

4. Đảng và dân tộc

Có ý cho rằng đảng từ dân tộc sinh ra. Nói điều này là dựa trên việc gần như toàn bộ đảng viên là người Việt. Đó là một nhận thức nhầm. ĐCS là một tổ chức ngoại nhập. Trước nó đã có những tôn giáo và học thuyết ngoại nhập như Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Nho, Đạo Lão...

Khi ví dân tộc Việt như một cây chủ thì ĐCSVN như cành tầm gửi bám vào cây đó, và rồi từ vị thế sống dựa, tầm gửi dần dần biến thành thống trị nhờ việc chiếm được ngọn cây và cắm chặt được các nốt hút vào thân cây, khống chế toàn bộ cành và lá cây.

Sau 80 năm bị đô hộ, nhiều người Việt yêu nước khát khao được đấu tranh giành độc lập. Những người truyền bá CS đã biết lợi dụng điều đó. Họ tuyên bố sẽ đi đầu và lãnh đạo cuộc đấu tranh này, vì thế lôi kéo được nhiều người ưu tú vào tổ chức. 

Thực ra đấu tranh giành độc lập và sau này là thống nhất đất nước chỉ là mục tiêu trước mắt, tạm thời cúa CSVN. Mục đích chính, lâu dài của CS (CS thế giới và cũng là của CSVN) là nắm được chính quyền trong tất cả các nước (trước mắt là trong một số nước) nhằm thiết lập chế độ vô sản chuyên chính để thực hiện chủ thuyết do Mác vạch ra về thế giới đại đồng, do vô sản làm chủ. Độc lập và thống nhất là cho đảng chứ không phải cho dân.

Khi chưa có chính quyền họ vận động nhân dân đóng góp tài sản, sức lực, xương máu để giúp họ giành cho được chính quyền. Ngoài mồm họ nói vì độc lập, thống nhất, nhưng sâu xa họ nghĩ đến sự thống trị trên toàn cõi. Khi đã ở vị trí thống trị, họ vẫn nói chính quyền của dân, nhưng trong đầu họ kiên định chính quyền là của đảng. Họ tạo ra Quốc hội đảng cử dân bầu. Họ kiên quyết bảo vệ sự thống trị bằng mọi cách, sẵn sàng kết tội những ai dám phê phán, phản biện việc làm sai trái của chính quyền, họ trừng phạt người ta bằng việc vu cho những người đó là thế lực thù địch, chống chế độ rồi bắt bỏ tù hoặc đuổi sang nước khác. Họ tạo ra những nhóm lợi ích để chia chác quyền và lợi chiếm được. Họ tuyên truyền rằng ngoài lợi ich của dân tộc họ không còn lợi ích nào khác. Đó là lời nói dối trắng trợn mà chỉ những người quá ngu muội mới bị họ lừa.

Tại các đại hội đảng họ đặt ra những chỉ tiêu về phát trển kính tế. Đặt như vậy chỉ là trò hình thức, duy ý chí còn sót lại từ nền kinh tế theo kế hoạch chứ thực tế chẳng có ý nghĩa gì trong nền kinh tế thị trường. Đề ra các chỉ tiêu chủ yếu để chứng tỏ đảng quan tâm đến phát triển kinh tế. Nhiều người nhận nhầm rằng như thế là đảng thực sự chăm lo đến đời sống nhân dân. Thực ra thì không phải. Nói đảng chăm lo đến dân chỉ là cái che đậy. Đảng sống và hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách, nghĩa là dựa vào tiền thuế của dân. Dân có phát triển, đóng thuế thì đảng mới có nhiều tiền để tiêu xài, quan chức mới có của để tham nhũng. Hình như tiền ngân sách chi cho đảng là bí mật quốc gia mà Quốc hội và chủ tịch nước cũng không được biết.

Người ta ra sức tuyên truyền, tẩy não để mọi người cho rằng đảng đứng trên cả dân tộc. Thà chịu mất nước chứ không để mất đảng.

Nghe đồn rằng Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh từng nói rằng Việt Nam theo Trung Cộng có thể mất nước nhưng giữ được đảng. Sẽ là quá ngu khi mà nghĩ như vậy.

Nhiều người nghĩ rằng mặc dầu Chủ nghĩa Mác Lê nin (CNML) phạm sai lầm cơ bản, nhưng dù sao dân tộc Việt Nam cũng đã nhờ nó mà có những thắng lợi trong chiến tranh. Chưa bàn đến bản chất của chiến tranh, lợi và hại của nó, có thể tránh được hay không và tránh bằng cách nào. Cứ tạm xem rằng chiến tranh là tất yếu và Viêt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thắng lợi. Suy luận như sau: VNDCCH do ĐCS, vận dụng CNML để lãnh đạo, đạt thắng lợi. Vậy rõ ràng có thắng lợi là nhờ CNML. Suy luận như vậy tưởng là chặt chẽ, nhưng thật ra nó ẩn chứa ngụy biện tinh vi. Cho rằng nhờ CNML thì cụ thể nhờ vào cái gì của nó và vận dụng như thế nào. 

Hỡi những người có lương tri. Hãy dẹp bỏ mọi lời truyên truyền một chiều, dẹp bỏ mọi điều đã bị nhồi sọ. Hãy suy nghĩ bằng đầu óc tỉnh táo của mình, không bị chi phối bởi bất kỳ ai, bất kỳ cái gì, rồi trả lời câu hỏi rằng VN DCCH thắng trong chiến tranh vừa qua nhờ cái gì của CNML?

Tôi đã suy nghĩ nhiều và rút ra kết luận là không nhờ cái gì trực tiếp của CNML cả. Thế nhờ vào cái gì? Chủ yếu là nhờ vào lòng yêu nước, đức hy sinh của đại bộ phận nhân dân, nhờ khả năng chỉ đạo tài tình, khôn khéo của các tướng lĩnh quân đội, mà khả năng đó là từ truyền thống chống ngoại xâm của ông cha, từ phẩm chất tự có của họ chứ không liên quan gì đến CNML. Từ đó nhân dân có được lòng tin vào chiến thắng. Ngoài ra là nhờ vào sự giúp đỡ của bè bạn năm châu, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc và phe XHCN.

Có ý kiến cho rằng Liên Xô, Trung Quốc, phe XHCN giúp VNDCCH vì theo CNML, cùng ý thức hệ. Điều này đúng một phần nhỏ và là gián tiếp. Các nước giúp VNDCCH chủ yếu vì nhân đạo. Riêng Trung Quốc, họ giúp VN rất nhiều nhưng không phải với chân tình trong sáng mà với nhiều mưu mô, lợi dụng để có lợi cho họ. Liên Xô giúp cũng không phải là VN theo CNML mà chủ yếu là để VN làm xung kích cho phe XHCN. 

Thế trong lúc tiến hành chiến tranh VNDCCH có thực hiện những điều gì của CNML hay không. Có thực hiện một số điều vì chịu áp lực của Nga Xô và Trung Cộng. Lãnh đạo VNDCCH phải nghe theo họ, chịu sự chi phối của họ để nhận viện trợ mà tiếp tục chiến tranh. Nhưng thực hiện CNML thì càng đẩy dân tộc vào tai họa. Đó là cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương ghiệp tư nhân, lập các tập đoàn kinh tế nhà nước. Rồi vì để thực hiện CNML, cần kiên trì ý thức hệ và ghi sâu thù hận giai cấp mà giam cầm oan trái hàng trăm vạn người của bên thua cuộc, mà đẩy hàng triệu người bỏ nước ra đi trong những điều kiện éo le, khắc nghiệt, tạo ra vết thương lớn của dân tộc, rất khó hàn gắn.

.Một điều nhầm từ truyền thông lan rộng ra toàn quốc là gán cho đảng việc mà họ không làm bao giờ. Đó là khen tặng. Mỗi lần đưa tin các đơn vị, cá nhân được tặng huân chương, danh hiệu cao quý, giải thưởng lớn, thông tin đại chúng thường trình bày là được Đảng và Nhà nước trao tặng. Tôi đã tìm hiếu và tin rằng trong việc này, về pháp lý, về văn bản chính thức thì ĐCSVN không tham dự. Thí dụ trong quyết định của chủ tịch nước về khen tặng không có một căn cứ nào từ phía Đảng.

Thế thì kể Đảng vào cùng Nhà nước để làm gí? Phải chăng là để cho oai, cho người nhận và toàn dân phải ghi nhớ công ơn Đảng. Có người phản biện cho rằng Đảng lãnh đạo toàn diện nên thực tế việc khen thưởng cũng phải được lãnh đạo của Đảng xét duyệt. Đó có thể là sự thật, nhưng thiếu thuyết phục. Nếu việc xét khen thưởng phải được sự đồng ý của Đảng thì trong quyết định nên ghi thêm câu “Được sự đồng ý của ông/ bà X Y bên Đảng”. Nhưng không thể viết, vì như vậy sẽ lộ rõ bộ mặt của chủ tich nước là không có thực quyền. Đây là một nghịch lý khó khắc phục. Đã thế thì tốt nhất là đừng nhắc đến.

5. Nhầm của lãnh đạo

Những việc sau đây lãnh đạo cấp cao vẫn truyền dạy cho cấp dưới, vì vậy xem là họ nhầm. Có khá nhiều, chỉ xin tạm trình bày năm (5) việc.

Đầu tiên là vai trò và tổ chức đảng. Điều này đã viết một đoạn ở mục 1, đó là nhầm của nhiều người, mục này viết về nhầm của lãnh đạo.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Đảng là nhóm người kết với nhau để hoạt động đối lập với những người hoặc nhóm người có quan điểm hoặc mục đích khác với mình. 

Có thể chia đảng là một tổ chức xã hội dân sự ra hai loại: đảng chính trị và đảng cách mạng. Nhóm người được nói đến cần có chung quan điểm, cùng mục đích là chủ yếu. Tùy vào đặc điểm của từng đảng mà có thể thêm vào vài tiêu chuẩn nào đó.

ĐCS nói chung là đảng cách mạng kiểu mới của vô sản theo tiêu chuẩn do Lê Nin vạch ra. Tuy vậy trong quá trình tồn tại và phát triển, nhiều ĐCS đã có những thay đổi cơ bản về tổ chức và đường lối, một số không ít chuyển thành đảng chinh trị, tham gia vào hệ thống đa đảng.

Điều lệ ĐCS Liên Xô trước 1956 viết rằng Đảng CS là của giai cấp công nhân. Khi Khruschev (TBT từ năm 1956) sửa rằng ĐCS Liên Xô là đảng của toàn dân thì bị phản đối, bị chửi rủa, cho là tên xét lại nguy hiểm. Càng ngày càng rõ rằng ĐCSVN thực chất không phải là đảng của giai cấp công nhân mà chỉ là theo mô hình đó, nhưng trong điều lệ cứ cố giữ và đưa ra định nghĩa: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Viêt Nam”. Định nghĩa như vậy đã tách công nhân ra khỏi nhân dân lao động, tách cả công nhân và nhân dân lao động ra khỏi toàn thể dân tộc. Định nghĩa như vậy là ngụy biện, không đúng thực tế, nhưng lãnh đạo ĐCSVN vẫn cố giữ và bắt toàn đảng công nhận. Chỗ này, nếu cho như thế là đúng thì phải chăng đã phạm lỗi vô minh. Khi tự biết là sai mà cố giữ thì phải chăng là là dối trá. Hình như giữ như vậy chỉ để làm hài lòng một vài người cố chấp, bảo thủ, mê muội.

Trong khi ĐCSVN cố giữ cho bằng được “đội tiên phong của giai cấp” thì Trung Cộng, từ năm 2002 đã vứt bỏ nó và thay bằng thuyết ba đại diện. ĐCS Trung quốc là đại diện cho: Lực lượng sản xuất tiên tiến; Nền văn hóa tiên tiến và Lợi ích của nhân dân Trung Quốc.

Thứ hai là nguyên tắc tâp trung dân chủ. Văn kiện của đảng viết rằng tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của đảng, là nguyên tắc thống nhất, không tách rời, không có sự đối lập giữa tập trung và dân chủ. 

Thực hiện nguyên tắc này như sau: Ở cuộc họp tổ chức đảng cơ sở đảng viên có quyền phát biểu, đề đạt ý kiến. Đó là dân chủ. Các ý kiến được gửi lên cấp trên, cấp trên nữa cho đến Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. Đó là tập trung. Nguyên tắc rõ ràng, nhưng cách làm linh động. Mỗi một lần tập trung là một lần sàng lọc, chỉ giữ lại những thứ trên sàng, mà càng lên cao thì lỗ sàng càng rộng, chỉ còn lại những điều mà cấp trên thích nghe chứ không được để sót lại thứ không thích nghe, mặc dầu rất cần nghe. Như thế phải chăng không có đối lập giữa tập trung và dân chủ. Thực chất dùng nguyên tắc này để loại bỏ hết mọi ý kiến của đảng viên không vừa ý cấp trên. Và nếu lãnh đạo hiểu đúng như vậy thì không phải họ bị nhầm mà cố tình lừa dối.

Thứ ba là dùng vũ khí phê bình và tự phê bình. Một thứ vũ khí không biết ban đầu sắc bén đến đâu, hiệu quả cỡ nào, nhưng bây giờ đã bị mẻ, bị cùn, thế mà vẫn được ca ngợi hết lời là rất tốt, vẫn được đưa ra để doạ nhau.

Tự phê bình khác với tự tu dưỡng. Rất nên đề cao việc tự tu dưỡng và tự do ngôn luận với những phản biện, phê phán của công luận.

Thứ tư là tổ chức thi đua

Phong trào thi đua yêu nước được Hồ Chí Minh phát động năm 1948 với mục diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Phong trào đã có tác dụng rất to lớn bằng việc động viên tinh thần mọi người, mọi nhà mọi ngành. Từ phong trào đã bình bầu và khen thưởng nhiều cá nhân, tâp thể đạt thành tích xuất sắc, phong tặng danh hiệu anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tuy vậy, càng về sau phong trào càng xuất hiện một số tiêu cực mà nhiều người thấy rõ, đặc biệt là để được khen thưởng mà sinh ra việc chạy theo thành tích dổm với nhiều thủ đoạn dối trá. Nhà nước tạo ra danh hiệu gì thì người ta cố “chạy” cho được danh hiệu đó. Mặt trái của thi đua thể hiện rõ nhất, gây ra tai họa nhiều nhất trong các trường học phổ thông.

Trong khi kinh tế còn khó khăn, thi đua là biện pháp có hiệu quả động viên tinh thần để người ta làm tốt công việc. Để đánh giá, cần dựa vào sự bình bầu của tập thể và xét duyệt của các Ban Thi đua. Nhưng thi đua không phải là biện pháp tốt nhất. Khi nền kinh tế đã phát triển thì biện pháp chủ yếu để kích thích người lao động bình thường là trả công xứng đáng theo kết quả công việc. Nhưng để làm được việc này cần có người đánh giá có trình độ, có lương tâm. Trong các cơ sở tư nhân, đó là các ông chủ giỏi. Trong các cơ sở nhà nước, đó phải là các thủ trưởng giỏi và có quyền. Nhưng gặp vấn nạn là thủ trưởng như vậy quá hiếm

Xét về hiệu quả thì thi đua ngày nay lợi ít hại nhiều, đáng dẹp bỏ từ lâu, nhưng lãnh đạo đảng lại tìm cách mở rộng, không những là phong trào mà trở thành thường xuyên, có luật đàng hoàng. Phải chăng trong các tổ chức nhà nước, không có ai đánh giá được kết quả công việc của cán bộ, công nhân viên, không ai có thể trả lương hoặc thưởng dựa vào kết quà công việc nên buộc phải duy trì thi đua để dùng tập thể bình bầu. Đây là một giải pháp kém trí tuệ, vì rằng còn duy trì thi đua thì có thể không cần tìm và vận dụng biện pháp khác hiệu quả cao hơn (thậm chí còn cản trở các việc đó). Các lãnh đạo cao cấp không thể nghĩ ra được cái gì hay hơn thi đua, đành ôm lấy nó. Họ không chịu nhìn ra thế giới. Nhưng phải chăng đang có một số người cố duy trì thi đua vì lợi ích cá nhân. Còn phần lớn các cơ sở tổ chức thi đua là phải làm theo chỉ thị của cấp trên, dù có nghĩ ra cách hay hơn cũng không dám làm.

Trước khi tìm ra cách có thể thực hiện trả lương theo kết quả công việc thì nên tạm để cho các đơn vị cơ sở tự chọn hình thức động viên mà không bắt buộc phải thi đua. Rất nhiều nước chẳng có thi đua mà xã hội vẫn ổn định và phát triển tốt, đặc biệt về văn hóa, giáo dục, đạo đức.

Thứ năm là lồng nhốt quyền lực.

Đây lại là một nhận thức ngô nghê, non kém. Ở đoạn trên đã viết sơ qua. Cái cần nhốt, cần hạn chế không phải là quyền lực mà là sự lạm dụng nó. Lạm dụng quyền để tham nhũng, để thực hiện ‘cửa quyền’. Đó là những tật xấu, là tội ác của những tên cơ hội đã được thế lực trên cao lựa chọn, nâng đỡ, bằng quy hoạch, chống lưng, chia chác của phi nghĩa chiếm được. Với những người trung thực, liêm chính, tài năng, sáng tạo thì tại sao phải nhốt quyền của họ, trái lại cần tạo cho họ mở rộng quyền lực. Đó là sự ủy quyền, sự phân quyền trong những tổ chức mạnh.

Người ta nghĩ ra “Lồng nhốt quyền lực” và cho rằng đó là sản phẩm của một đầu óc sáng tạo, rồi thi nhau ca ngợi, tâng bốc, họ cố tình không chịu nghe, không chịu học để biết rằng thế giới đã tìm ra biện pháp ngăn chặn, hạn chế sự lạm dụng quyền lực đã trên hai trăm năm nay và bây giờ gần khắp thế giới vẫn dùng có hiệu quả. Đó là cơ chế Tam quyền phân lập. 

Viết đến đây tôi bỗng liên hệ tới Định luật về Entropy của Nhiệt động học. Entropy là sự rối loạn, sự mất trật tự. Định luật nói rằng: “Trong một hệ vật lý khép kín thì Entropy tăng theo thời gian”. Định luật nói rõ là Hệ Vật lý, nhưng tôi liên tưởng đến tổ chức chính trị-xã hội. Một tổ chức chính trị mà khép kín (không nhận sự phản biện từ ngoài) thì Entropy cũng tăng theo thời gian. Điều này nếu đúng thì chắc rằng các lãnh đạo của đảng không thể dự đoán, không thể biết trước. Mà có biết chắc cũng không chịu từ bỏ sự khép kín để níu giữ độc quyền.

Riêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh có chỗ ông đã nhầm về vai trò của mình và của ĐCSVN khi viết trong di chúc rằng: lòng mong muốn ĐCSVN giúp ĐCS Liên Xô và Trung Quốc giải quyết mâu thuẫn, củng cố đoàn kết phe XHCN. Phải chăng đây là ảo tưởng.

6. Nhầm của các ông tổ

Đây là nhầm lẫn của Mác và Lê Nin trong học thuyết của các ông. Những nhầm lẫn ấy được truyền bá ra khắp thế giới. 

Cơ bản của CNML có ba nội dung chính: (1) Triết học Mác Lê gồm Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử (có tài liệu còn thêm phép biện chứng duy vật); (2) Kinh tế chính trị học Mác Lê và (3) Chủ nghĩa xã hội khoa học. 

Các nội dung ấy được dạy khắp nơi, nhiều cấp. Người dạy, phần nhiều cứ dạy theo tài liệu mà không dám tin chắc vào bài giảng của mình. Tôi từng hỏi vài thầy dạy Mác Lê rằng thầy có thật hiểu và thật tin điều mình giảng hay không thì thường không nhận được trả lời hoặc nói vòng vo. Người học cứ học theo bài giảng, chỉ được thảo luận để nhận thức, không được phản biện. Làm bài thi hoặc kiểm tra phải theo sát từng chữ của tài liệu, nếu thêm hay bớt đi một vài chữ, dù không làm thay đổi nội dung thì vẫn bị điểm kém.

Không phải toàn bộ ba nội dung của CNML đều nhầm lẫn, mà trong mỗi nội dung có những chỗ nhầm hoặc sai, còn phần lớn là chấp nhận được.

Sai cơ bản nhất là phần duy vật trong“Duy vật biện chứng”. Triết học duy vật Mác cho rằng cơ bản của vũ trụ là vật chất, nó có trước và vận động không ngừng. Ý thức, có sau, là sản phẩm bậc cao của vật chất, sinh ra trong não con người. Hiểu như vậy là chưa đúng vì vũ trụ còn chứa thông tin, nó không phải là vật chất, cũng không phải do vật chất sinh ra và nhiều nhà khoa học còn cho rằng thông tin mới là phần cơ bản của vũ trụ.Rồi những vấn đề liên quan đến ý thức. Nó được sinh ra như thế nào, nhân loại chưa biết, và thực tế thấy rằng có nhiều việc rõ ràng ý thức có trước hành động. 

Nhưng sự hiểu biết đúng hay sai về mặt triết học ít quan trọng trong đời sống nhân loại. Điều rất quan trọng và nguy hiểm là khi vận dụng nó vào các đường lối, chính sách trong lãnh đạo và quản trị xã hội. Đó là những việc sau: 

Trước hết là việc quá đề cao vật chất, chạy theo tranh giành quyền lợi vật chất, (Quốc tế ca: “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”). Cuộc sống Con Người có nhu cầu vật chất và tinh thần. Nhu cầu vật chất là cần thiết, nhưng nó liên quan tới phần Con nhiều hơn là đến phần Người. Đấu tranh của Mác cho vô sản trước hết là tranh đoạt vật chất để sống (“Đấu tranh này là trận cuối cùng- Quyết phen này sống chết mà thôi”).

Tiếp theo, duy vật chủ trương vô thần, vô tôn giáo. Điều này làm cho người ta ít quan tâm đến đạo đức, không lo sợ, không chùn tay khi làm việc phi nghĩa, độc ác để kiếm lợi, nghĩ rằng có thể che giấu mọi người, tránh được luật pháp. Mác không biết rằng tôn giáo là một trong những nhu cầu tinh thần của nhân loại, là điều kiện để giúp con người trở thành lương thiện, để giữ gìn và giáo dục đạo đức. 

Về khoa học, Mác tin vào thuyết tiến hóa Darwin. Hiện nay thuyết này đang bị đánh đổ (nhiều ý kiến cho rằng nó đã bị đánh đổ hoàn toàn). Sự thật là mọi sinh vật được sinh ra từ giống (hạt giống), phát triển nhờ môi trường. Vậy môi trường là rất quan trọng, nhưng quyết định là ở giống. Thế nhưng Mác đã đề cao môi trường, vì thế mới cho rằng: “Bản chất con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Cho như thế không sai, nhưng rất thiếu sót, dẫn đến những kết luận sai lạc về vai trò của các tầng lớp người trong các quan hệ xã hội. CNML cho rằng công nhân là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, là giai cấp lãnh đạo. Điều này không đúng với thực tế, là bịa đặt.

Staline lại quá đề cao vai trò của môi trường theo học thuyết của Missurin-Lưxencô và chống đối học thuyết Mendel về giống (gene), vì cho rằng đó là học thuyết phản động của tư bản. Thực ra Mendel (1822-1884), người phát hiện ra các định luật về di truyền, là cha đẻ của khoa sinh học hiện đại. Staline đã hãm hại, tù đày nhiều nhà khoa học của Liên Xô vì họ nghiên cứu và truyền bá thuyết Mendel, việc này làm cho khoa sinh học của Liên Xô lạc hậu so với thế giới hàng trăm năm.

Mác cho rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội loài người, phóng đại và khoét sâu lòng hận thù của vô sản đối với người giàu, cho rằng nghèo khổ của vô sản là do bọn nhà giàu gây ra. Trong thực tế hình như chưa bao giờ tư bản xem công nhân là kẻ thù và rất ít cá thể vô sản xem tư bản, địa chủ là kẻ thù cần tiêu diệt, cần đào mồ để chôn mà chỉ có cộng sản kêu gọi, xui giục công nhân, bần cố nông làm việc trái đạo Trời như vậy.

Về tình trạng nghèo truyền đời qua vài thế hệ, tôi chưa tìm thấy có chỗ nào Mác chỉ ra nguyên nhân cơ bản đầu tiên của tình trạng đó, trong khi ban đầu, ở các bộ lạc nguyên thủy, mọi người bình đẳng trong lao động và thụ hưởng kết quả. Phải chăng ngoài một số ít do tai nạn, rủi ro, còn tuyệt đại đa số trở thành vô sản là do bản thể của họ kém năng lực lao động, trí tuệ phát triển chậm, do lười nhác, thích chơi bời, từ đó dẫn đến không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động, mà bán rẻ vì chỉ là lao động giản đơn. Có một thời gian dài nhiều người tự hào về xuất thân nghèo hèn, những người ở tầng lớp trên bị bắt buộc phải tôn trọng bần cố nông, chịu để họ làm lãnh đạo. Không có suy nghĩ nào kém trí tuệ bằng suy nghĩ như vậy.

Về “Duy vật lịch sử”, Mác cho rằng lịch sử nhân loại cơ bản là sự thay đổi các phương thức sản xuất với khẳng định rằng sau phương thức tư bản là phương thức cộng sản (làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu). Trước đó cần trải qua quá độ Xã hội Chủ nghĩa. Đây thực ra là một dự đoán theo lối “ngoại suy”. Từ dự đoán đến khẳng định phải qua kiểm nghiệm chặt chẽ, nghiêm túc. Thế nhưng Mác không thể kiểm nghiệm và những người Marxit, đáng ra phải làm kiểm nghiệm thì không làm mà khẳng định luôn. Người có trí tuệ không hành động như thế. Dự đoán đó đã sụp đổ, nhưng những người tin mù quáng vẫn cố bào chữa, níu kéo một cách đần độn.

Một số người quá tin vào Mác, cho rằng ông đã phát hiện ra rằng “quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất” và cho đó là một quy luật quan trọng. Vì lực lượng phát triển nhanh nên đến một lúc sự phù hợp bị phá vỡ. Con người phải can thiệp để tạo ra sự phù hợp mới.

Tôi đoán, hình như Mác đưa ra ý kiến trên nhằm tạo cớ để làm cách mạng vô sản, nhằm xóa bỏ phương thức tư bản. Sau khi Mác chết thì người ta mới thêu dệt điều đó thành quy luật. Tôi chưa đủ chứng cứ để đánh đổ toàn bộ ý kiến của Mác và những người theo ông, chỉ xin nêu vài nghi ngờ. 

Lực lượng sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật. Quan hệ sản xuất thuộc ý chí con người. Sự phù hợp giữa hai yếu tố này xảy ra như thế nào hình như chưa được bàn đến. Tại sao cần phù hợp chưa được giải thích. Từ PHẢI trong cụm “Phải phù hợp” hoặc “Phải thống nhất” là khách quan hay là do ý chí con người. 

a- Nếu là do khách quan thì mới có thể nói là quy luật và chúng phải tự động biến đổi để giữ sự phù hợp;

b- Nếu do ý chí con người, cần có sự can thiệp thì đó không phải là quy luật;

Nên chăng sửa lại như sau: Khi quan hệ SX phù hợp với lực lượng SX thì sản xuất phát triển còn khi không phù hợp thì xảy ra trì trệ.

Tôi nghi ngờ sự phù hợp này do Mác bất chợt nghĩ ra, chưa được suy xét kỹ. Tôi cho rằng với một lực lượng giống nhau có thể chấp nhận các quan hệ khác nhau, đồng thời một quan hệ có thể ứng với các lực lượng. Hơn nữa đây không phải là một phát hiện do tìm tòi, khảo sát nghiêm chỉnh mà cũng mới chỉ là dự đoán mà thôi. Không phải Mác phát hiện ra mà là Mác đoán như thế. Trong lịch sử cũng đã có những dự đoán (tiên tri) được kiểm chứng, còn dự đoán của Mác còn mới dừng lại ở mức đoán mò.

Việc Mác tìm ra “Giá trị thặng dư” để giải thích tư bản bóc lột công nhân như thế nào là một ngụy biện đã được nhiều nhà nghiên cứu vạch ra, đó là Mác mới chỉ dùng một phần của chi phí, đã bỏ qua một phần khác là công sức của nhà tư bản trong tổ chức, điều hành, quản lý, công sức của các nhà sáng chế, phát minh, và còn có sự lớn lên của đồng tiền trong quá trình vận động.

Có thể thông cảm khi Mác không thấy phần còn lại, vì ông là nhà lý thuyết suông, chủ yếu đọc tài liệu trong thư viện. Đáng phê phán, chỉ trích nếu ông biết mà bỏ qua. 

Lê nin đã nói về vai trò nhà nước của giai cấp.

“Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy trấn áp của một giai cấp này đối với giai cấp khác”.

Quan niệm như vậy khác xa với rất nhiều nhà nước đã và đang tồn tại. Khi học CNML người ta vẫn dạy và học như thế nhưng trong thực tế hình như việc trấn áp chỉ xảy ra đối với một số cá nhân, còn nhà nước phải làm nhiều việc về kinh tế, văn hóa, giáo dục, công ích, điều hòa quyền lợi giữa các tầng lớp, làm đối ngoại, gìn giữ biên cương v.v. Nhà nước giai cấp của Lê Nin là một quái thai không nên có.

CNML cho rằng trong tương lai, chế độ vô sản chuyên chính sẽ tạo lập ra được phương thức sản xuất cộng sản “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Đó chỉ là một lời đoán, một mơ ước hão huyền, chứ không phải là lời tiên tri. Những người Marxit ca ngợi Mác là tiên tri thiên tài, nhưng có nhiều khả năng ông chỉ là một người cuồng tưởng, rằng phương thức sản xuất và chế độ cộng sản chỉ là cái bánh vẽ để nhìn ngắm từ xa. 

- Lời cuối

Những nhầm lẫn về Cộng sản và Mác Lê có rất nhiều vì rất đông người đã bị tẩy não, bị nhồi sọ từ rất bé, lúc chưa có trí khôn, lúc chưa biết suy nghĩ. Lúc còn quá bé, hễ nghe được cái gì từ người hướng dẫn là nhận rằng đúng và ghi nhớ suốt đời. Phải là những người có bản lĩnh cao, khi lớn lên mới đủ trí tuệ và nghị lực xem xét lại những nhận thức từ bé và mạnh dạn từ bỏ những giáo điều sai lầm. Đây là điều mà hình như các nhà tâm lý học phục vụ cho Hitler phát hiện ra và ứng dụng rất có hiệu quả, đã tạo được những đội quân tuyệt đối trung thành với thủ lĩnh. Tuyên truyền của Liên Xô học được từ người Đức và dạy cho người Việt. Tuyên giáo Việt đã vận dụng khá thành công.

Rất nhiều người Việt bị nhầm từ rất bé. Lớn lên một số không nhỏ nhận ra sự khác biệt giữa thực tế và những điều đã được học, nhưng lại được tuyên giáo của đảng bày cho cách suy nghĩ lạc hướng, cho rằng chủ nghĩa đúng, đường lối vẫn đúng, chỉ vì người thực hiện thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyên hóa nên làm sai mà thôi.

Rất khó có thể kể ra hết các nhầm lẫn và dối trá trong cách mạng vô sản, trong chuyên chính vô sản. Tôi chỉ nhặt ra vài điều để chứng tỏ rằng một số sai lầm là từ gốc rễ. Và lời bào chữa cho rằng chủ nghĩa và đường lối vẫn đúng, chỉ có cán bộ làm sai là một ngụy biện nguy hiểm. 

Trước đây tôi hoạt động, nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực Kết cấu xây dựng. Chỉ mới quan tâm lĩnh vực chính trị trong khoảng hai chục năm gần đây. Vì vậy sự hiểu biết có thể chưa thật đầy đủ. Rất mong nhận được sự chỉ giáo của các vị phản biện, đặc biệt các vị có hiểu biết sâu sắc.

Để kết thúc xin kể chuyện vui về NGÀY MAI

Quán phở treo thông báo, ghi rõ: NGÀY MAI ĂN PHỞ KHÔNG CẦN TRẢ TIỀN. Hôm sau nhiều người đến ăn, ai cũng bị đòi tiền. Khách chỉ vào thông báo. Chủ giải thích rằng hôm nay ăn vẫn phải trả tiền vì chưa phải ngày mai.

Ngày mai, tưởng là hôm sau, rất gần, nhưng không bao giờ đến được.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN 

Ý kiến BVN:  GS Nguyễn Đình Cống là người thích nghiên cứu lý thuyết. Là đảng viên lậu năm, ông cố nhiên đã trải nghiệm nhiều điều trong thực tế, nhưng ông soi nhìn vấn đề không phải chỉ từ thực tế mình trải nghiệm mà từ thực tế của nhiều đảng CS trên thế giới thông qua vô số sách báo được đúc kết lại trong mấy thập kỷ nay. Chính vì thế theo chúng tôi, bài viết của ông là một tổng kết có ý nghĩa lý thuyết ở tầm vĩ mô mà tác giả nêu ra để chúng ta cùng trao đổi nhằm tìm chân lý tối hậu, chứ không nhắm vào một đảng cụ thể nào. Đó là lý do BVN đăng bài này. Về phần BVN chỉ biên tập vài lỗi chính tả trong bài đúng với chức năng một trang báo mạng, ngoài ra không can thiệp vào nội dung bài viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét