Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Thế giới 2023: Một năm nhiều lo lắng

 


Thế giới 2023: Một năm nhiều lo lắng

Danh Đức

02/01/2023 

TTCT - Ở châu Âu, chiến sự vẫn tiếp tục. Ở châu Á, vài nước vẫn cứ đang hầm hè chiến tranh. Ở nhiều nơi, không ít người rơi vào tình trạng túng quẫn. Ở Trung Quốc, đại dịch Covid-19 chưa bớt. Thế giới vẫn sẽ còn nhiều nỗi lo.

clip_image002

Bên trong một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Ảnh chụp tháng 2-2020. Ảnh: AP

Chiến cuộc Ukraine - Nga, như mọi cuộc chiến khác, mỗi bên đều ôm chặt lấy tâm lý giành chiến thắng. Mặt khác, do ngày càng thêm tổn thất, nên càng đòi "ăn tươi nuốt sống" đối phương, thế là không những chưa có cửa cho hi vọng hòa bình, mà còn đe dọa đụng độ trực tiếp giữa hai "ông lớn".

Chuyến đi Mỹ của ông Zelensky

Tính từ ngày khởi sự "chiến dịch đặc biệt" của ông Vladimir Putin, 24-2-2022, tới hôm trước lễ Noel, chiến tranh đã kéo dài đúng 10 tháng, tổng cộng 304 ngày ròng rã! Các bên chưa có dấu hiệu gì cho thấy đang tìm kiếm hòa bình. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đăng trên kênh Telegram của ông hôm thứ Sáu 24-12 đoạn video nói ông đã trở lại Kiev sau chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Washington vào đầu tuần, một chuyến làm việc "để hướng tới chiến thắng", theo lời ông trong video. 

Andriy Yermak, chánh văn phòng phủ tổng thống Ukraine, nói với The Guardian 24-12 rằng chuyến đi đã củng cố mối quan hệ của ông Zelensky với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các đảng viên cấp cao Đảng Cộng hòa Mỹ, và Nhà Trắng đã lần đầu tiên trong lịch sử xác nhận Ukraine và Mỹ là "đối tác chiến lược".

Nhìn trong góc độ quan sát ngoại giao quen thuộc, việc ông Biden lên lịch tiếp ông Zelensky như quốc khách đầu tiên sau đại dịch COVID-19 cho thấy tình cảm quan hệ song phương Mỹ - Ukraine. Trong lịch sử, từng có quốc trưởng đồng minh sang xin viện trợ, nhưng chỉ được tiếp ở trại David, mà viện trợ thì không thấy đâu. Được biết, hai bên đã nói tới và chuẩn bị chuyến đi này từ mấy tháng trước.

Chuyến thăm Mỹ cũng cho thấy "giá trị" của ông Zelensky với phía Mỹ, đồng thời nhắm vào tạo tác động truyền thông. Việc các lãnh tụ Đảng Cộng hòa Mỹ cùng ông Biden tiếp tổng thống Ukraine khẳng định sự hậu thuẫn lưỡng đảng ở Mỹ cho Ukraine vẫn còn. Ông Biden long trọng mô tả trong họp báo hôm 21-12: "Sự ủng hộ từ khắp đất nước này, người Mỹ thuộc mọi tầng lớp xã hội - Đảng Dân chủ cũng như Đảng Cộng hòa - cho Ukraine, thật rõ ràng và kiên định".

Kinh nghiệm cho thấy ngày nào ông Zelensky còn được cả hai đảng lớn của Mỹ ủng hộ, Ukraine và bản thân ông còn hy vọng "sống còn". Hiện tượng "mệt mỏi" vì chiến tranh Ukraine kéo dài nay có vẻ đã chuyển sang một giai đoạn mới, là chấp nhận và tiếp tục.

Cũng vì vậy, trước Quốc hội Mỹ, ông Zelensky đã nhanh chóng đi vào trọng tâm của chuyến đi: "Nhưng để quân đội Nga rút lui hoàn toàn, thì cần nhiều đại bác và đạn pháo hơn... Trận chiến giành Bakhmut sẽ thay đổi quỹ đạo cuộc chiến vệ quốc vì độc lập và tự do của chúng tôi. Nếu các tên lửa Patriot của quý vị ngăn chặn sự khủng bố của Nga nhắm vào các thành phố của chúng tôi, điều đó sẽ cho phép những người yêu nước Ukraine dốc hết mình để bảo vệ nền tự do".

Từ bên kia Đại Tây Dương, ông Putin nghe thấy hết. Ông đã "trả lời" trong cuộc họp báo ngày hôm sau, bắt đầu là câu hỏi thẳng thắn của Thông tấn xã TASS: "Thành thật mà nói... rõ ràng năm nay không phải là năm dễ dàng nhất và cũng không phải là năm bình thường nhất. Vậy kết quả chính của năm này đối với ngài là gì?". 

Ông Putin đáp: "Không có tình hình nào là lý tưởng cả. Tình hình lý tưởng chỉ có trong kế hoạch, trên giấy tờ và ta luôn muốn hơn thế nữa. Nhưng nói chung, tôi nghĩ nước Nga đã vượt qua năm nay một cách khá tự tin. Chúng ta không lo ngại rằng tình hình hiện tại sẽ ngăn cản chúng ta thực hiện các kế hoạch cho tương lai, kể cả cho năm 2023". 

Ông cũng không quên nhắc lại lý do thúc đẩy ông hành động: "Tôi xin nhắc lại một lần nữa, chúng tôi tin rằng - tôi muốn nhấn mạnh điều này - mọi thứ đang xảy ra, và mọi thứ liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt, là biện pháp hoàn toàn bắt buộc và cần thiết".

Không lạ khi ông Zelensky ngày hôm trước, lúc nói chuyện viện trợ quân sự với Quốc hội Mỹ, đã khẳng định: "Sẽ là ngây thơ nếu chờ đợi những bước đi hướng tới hòa bình từ Nga". Xem ra, chiến tranh sẽ vẫn còn đó trong năm tới.

Đông Á bất ổn

Vừa yên ổn trải qua lễ Noel, sáng thứ Hai 26-12, tình hình biên giới liên Triều lại đột ngột khẩn trương. Theo Bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc, một số vật bay không xác định, nghi là UAV, đã vượt giới tuyến quân sự (DMZ), xuất hiện ở khu vực Gimpo, đảo Ganghwa và Paju, tỉnh Gyeonggi miền bắc Hàn Quốc vào sáng cùng ngày, khiến nước này phải tạm thời ngưng các chuyến bay dân sự ở các sân bay Gimpo và Incheon, hai sân bay lớn nhất nước (Yonghap 26-12).

Không rõ các UAV này có vũ trang không, song phía Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo, tung máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang "nghênh tiếp". Tuy không có đụng độ, song cũng có một máy bay chiến đấu hạng nhẹ KA-1 của Hàn Quốc rơi, không rõ lý do, hai phi công thoát chết.

Đây không phải lần đầu Triều Tiên tung UAV vào không phận Hàn Quốc. Các năm 2014 và 2017 từng diễn ra những vụ tương tự. Vụ mới nhất đáng lưu ý bởi nó diễn ra sau khi Triều Tiên bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm 23-12, và hai tên lửa đạn đạo tầm trung trước đó năm ngày.

Còn nhớ hôm 1-10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã công bố "kế hoạch phòng thủ 3K Hàn Quốc (ROK 3K Defense)", bao gồm:

(1) Kill Chain (Dây chuyền sát diệt) - chủ yếu là trinh sát, do thám bằng vệ tinh nhằm đảm bảo thông tin quân sự cốt lõi về các hoạt động liên quan đến tên lửa và hạt nhân của miền Bắc.

(2) KAMD (Korean Anti-Missile Defense) - xây dựng lá chắn tên lửa cấp thấp gồm các tên lửa đánh chặn Patriot 2 và 3, tên lửa SM-2 đặt trên tàu và phương tiện thủy, và tên lửa đất đối không tầm xa - nhằm đối phó nguy cơ tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm của miền Bắc, vốn bắt đầu thử nghiệm từ năm 2017 và đạt tầm bắn 500 km.

Và (3) "Hệ thống trừng phạt và trả đũa ồ ạt của Hàn Quốc" (KPMR) - với mục tiêu là xóa sổ thủ đô Bình Nhưỡng. Tất nhiên, 3K vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển, chưa khả dụng đầy đủ (Asianews 14-12).

Trong khi đó, Triều Tiên đã tỏ rõ sức mạnh không quân khi vào hôm 12-10 họ tung đến 150 máy bay để thị uy, đa số là các máy bay MiG-17, MiG-19, MiG-21, cùng vài chiếc MiG-29, tuy cũ nhưng đông đúc.

Nói tóm lại, trò "Tom & Jerry" trên bán đảo Triều Tiên còn lâu mới kết thúc.

Trong khi đó, chuyện Trung Quốc muốn giải phóng Đài Loan cũng có những diễn biến mới đáng lo ngại về khả năng nổ ra xung đột vũ trang, nhất là sau Đạo luật Ủy quyền quốc phòng cho năm tài khóa 2023 được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký duyệt hôm 23-12. Theo đó, Mỹ sẽ chi cho Đài Loan 10 tỷ USD viện trợ quân sự trong năm năm tới, ngoài 2 tỷ USD cho vay nữa nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý các yêu cầu mua vũ khí của hòn đảo này.

Đạo luật còn bao gồm một số điều khoản về Hong Kong và Tân Cương mà phía Trung Quốc cho là "tiêu cực". China Daily 26-12 trích lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Hành động này [của Mỹ] vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định trong ba thông cáo chung Trung - Mỹ, đồng thời can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc".

Phản đối bằng miệng xong, qua hôm Chủ nhật 25-12 và sáng thứ Hai 26-12, Trung Quốc tung số lượng máy bay quân sự kỷ lục để đe dọa Đài Loan - tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn duy trì áp lực lên Đài Loan ngay cả khi căng thẳng Trung - Mỹ đã giảm ít nhiều, The New York Times 26-12 đánh giá. Tờ báo Mỹ dẫn các nguồn Đài Loan nói hoạt động quân sự mới nhất từ Trung Quốc bao gồm ít nhất 71 máy bay chiến đấu, tuần tra biển và không người lái. Đài Loan cho biết 47 máy bay trong số đó đã vượt qua đường trung tuyến eo biển.

Dịch giã

Tuy nhiên, hiện có lẽ chưa phải lúc để Bắc Kinh có một động thái gì triệt để với Đài Loan.

Cũng NYT 26-12 so sánh dịch COVID đang lan nhanh ở Trung Quốc như đám cháy rừng. Một quan chức tỉnh Chiết Giang, nơi có 65 triệu dân, ước tính số ca nhiễm hằng ngày trong tỉnh đã vượt quá 1 triệu. 

Tại thành phố Thanh Đảo, dân số 10 triệu người, một chức sắc y tế cho biết có khoảng nửa triệu ca mắc mới mỗi ngày, và dự đoán sẽ còn tăng mạnh trong những ngày tới. Từ đó, NYT bình luận: "Những con số này trái ngược với con số từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, mà hôm thứ Sáu [23-12] cho biết có khoảng 4.000 trường hợp nhiễm COVID trên cả nước".

Trong lớp sương mù thông tin đó, mục Ý kiến của tờ China Daily 26-12 đăng một bài khá thẳng thắn của người viết không nêu tên, mà ấn bản tiếng Anh thuộc Ban Tuyên truyền, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc này giới thiệu là "giáo sư nghiên cứu quản trị xã hội tại Học viện Quản trị Trung Quốc". Tác giả hô hào: "Bảo vệ tốt hơn các khu vực nông thôn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát".

Có thể thấy cho đến nay, trong khi báo chí phương Tây hầu hết loan tin về dịch COVID tại các thành phố lớn của Trung Quốc, thì bài viết trên China Daily mô tả một bức tranh khác trong tình hình dịch giã, mà chính nhiều người Việt Nam ắt chưa quên: "Trong bối cảnh các ca nhiễm gia tăng, cơ quan y tế ở khu vực nông thôn, nơi có nguồn lực hạn chế, đặc biệt gặp khó khăn trong cắt đứt hoặc ngăn chặn chuỗi lây lan. Để bảo vệ tốt hơn các nhóm dễ tổn thương như người già, vốn là thành phần dân cư chính của vùng nông thôn, và nhân viên y tế, các cơ quan chức năng cần dự trữ đủ thuốc và thiết bị y tế, đồng thời xây dựng trước hệ thống dịch vụ y tế theo tầng".

Tác giả nhấn mạnh những khó khăn của khu vực nông thôn: "bất lợi trong sử dụng công nghệ", không được như ở thành thị, nơi "cư dân đã dự trữ sẵn thuốc hạ sốt và bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên", "thiếu thuốc và dụng cụ y tế ở cả hiệu thuốc thật và trực tuyến". Thật khó cho một đất nước 1,4 tỷ dân để "không ai bị bỏ lại", nhất là trước một dịch bệnh mà cả thế giới đều đã phải "sợ xanh mặt". 

Bấp bênh cuộc sống

Câu chuyện về mối đe dọa COVID ở Trung Quốc nêu bật tính bấp bênh của cuộc sống với một số đông trong 580 triệu người vẫn còn sống ở các vùng nông thôn nước này (khoảng 43% dân số, theo borgenproject.org). Chỉ có điều, năm tới được dự báo sẽ còn bấp bênh hơn nữa, và không chỉ với Trung Quốc.

Bấp bênh (précaire) là một trong những từ khóa thịnh hành nhất ở Pháp năm vừa qua. Đời sống đấy được mô tả là "không đảm bảo về thời gian ổn định và luôn ở trong tâm trạng ngờ vực", tỷ như sức khỏe bấp bênh, việc làm bấp bênh, nơi cư trú bấp bênh. Không phải ngẫu nhiên mà một thăm dò gần đây cho thấy tới 70% số người trẻ ở Pháp muốn làm việc trong nền công vụ, lĩnh vực nổi tiếng là ổn định. Rồi năm qua lại thêm một kiểu bấp bênh mới: không còn hơi ấm, theo cả nghĩa bóng là tình người, lẫn nghĩa đen, do không trả nổi tiền điện hay khí đốt tăng vọt.

Đó cũng là tình cảnh của châu Âu nói chung. Viện thăm dò ý kiến Ipsos phỏng vấn 6.000 người châu Âu từ 18 tuổi trở lên, từ ngày 17-6 đến 6-7-2022 ở sáu quốc gia Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Hy Lạp và Anh. 27% nói cuộc sống của họ "bấp bênh", 55% trả lời "bình thường", và chỉ 18% nói họ đang có một cuộc sống "tốt". Dân Hy Lạp là lo lắng nhất: hơn một nửa những người được hỏi nói "một khoản chi phí đột xuất có thể làm cuộc sống của họ đảo lộn" (ở Pháp là 24%).

D.Đ.

Nguồn: Tuổi Trẻ cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét