Câu chuyện tại Quân Khu 7, HUFLIT, và bài học về giải trình
Ngay trong đêm 11/1/2023, văn bản do một viên đại tá là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (TT GDQP AN) thuộc TQS QK7 gửi Ban Giám hiệu HUFLIT được công bố rộng rãi như một cách… “giải độc dư luận” song nội dung lại chẳng khác gì… “đầu độc dư luận”!
Cuối cùng, Trường Quân sự Quân khu 7 (TQS QK7) cũng phải phối hợp với Đại học Ngoại ngữ – Tin học TPHCM (HUFLIT) tổ chức một buổi họp báo để giải trình về câu chuyện “nữ sinh viên bị hiếp”. Tại buổi họp báo, một viên đại tá là Phó Chính ủy Quân khu 7 thú nhận: Thông tin thất thiệt lan truyền ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín danh dự của hai trường (1). Chỉ tiếc là viên đại tá này nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam nói chung vẫn không nhìn ra… tại sao lại thế?
***
Tối 11/1/2023 nhiều người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ bắt đầu chuyền cho nhau xem hai video clip được cho là mới được ghi tại TQS QK7 và có nội dung được cho là hai nữ sinh viên của HUFLIT đang phải tham dự khóa học quân sự bắt buộc tại đó bị một số quân nhân cưỡng hiếp nên phẫn uất, nhảy lầu tự tử… Đã có rất nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ, chỉ trích kịch liệt cả TQS QK7 lẫn Ban Giám hiệu HUFLIT và đòi giới hữu trách phải điều tra, trả lời công chúng (2).
Nếu chịu khó đọc các bình luận trên mạng xã hội Việt ngữ chắc chắn sẽ nhận ra, sở dĩ công chúng phẫn nộ, chỉ trích kịch liệt và tin sự kiện vừa đề cập là thật vì TQS QK7 hành xử theo kiểu… “bố đời”. Ngay trong đêm 11/1/2023, văn bản do một viên đại tá là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (TT GDQP AN) thuộc TQS QK7 gửi Ban Giám hiệu HUFLIT được công bố rộng rãi như một cách… “giải độc dư luận” song nội dung lại chẳng khác gì… “đầu độc dư luận”!
Khi chuyện chưa rõ thực – hư, công văn vừa kể của TQS QK7 lại chỉ nhằm cảnh cáo công chúng rằng… “thông tin đang lan truyền trên một số trang mạng xã hội là thông tin thất thiệt, không đúng sự thật, xuyên tạc với dụng ý xấu” và yêu cầu Ban Giám hiệu HUFLIT… “phối hợp ngăn chặn thông tin sai sự thật”, đồng thời lưu ý công chúng là TQS QK7… “đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh người đưa thông tin trên”(2). Ban Giám hiệu HUFLIT cũng xử sự gần giống như thế qua một thông báo trên fanpage của trường này: “Yêu cầu sinh viên không lan truyền thông tin thất thiệt, tránh bị dư luận dẫn dắt” (3). Thậm chí TQS QK7 còn cảnh cáo mọi người trên trang facebook của trường này rằng: Các bạn hãy cẩn thận. Luật An ninh mạng sẽ không chừa bất cứ một ai (4). Những người thay mặt TQS QK7 sử dụng trang facebook của trường còn dạo qua nhiều trang facebook để dọa cả chủ trang và bạn bè của họ giống y như vậy!
Nếu TQS QK7 đừng hành xử theo kiểu… Chúng mày tin hay không ‘bố’ không cần biết, ‘bố’ bảo câm mà chúng mày không nín thì ‘bố’ sẽ trị chúng mày… thì câu chuyện không khuấy động dư luận đến mức như đã thấy. Trên mạng xã hội đã có không ít người phản ứng như Nhật Huỳnh: Ai cũng một lần chết cả nhưng đừng có sống hèn! Nghe chưa? Lấy Luật An ninh mạng doạ ai vậy? Tôi kêu gọi hệ thống báo chí hãy dũng cảm vào cuộc điều tra! Hãy chứng tỏ chúng ta là đồng bào đi (5)!
Cũng vì giới hữu trách chỉ dọa thực thi… Luật An ninh mạng, Nguyễn Quốc Tấn Trung – một Nghiên cứu sinh Tiến sĩ về Công pháp quốc tế tại Canada – mới góp ý: Liên quan đến các thông tin về vụ hai nữ sinh và hai ngôi trường, về mặt pháp lý, mình đã nhắc nhiều lần rằng Luật An ninh mạng 2018 chỉ là một văn bản quy phạm về thủ tục, tổ chức và quy trình. Tự thân nó không có nội dung thực định liên quan đến việc xử lý hay trừng phạt “vi phạm” ngôn luận trên không gian mạng xã hội. Cơ quan, đoàn thể mà cứ mang văn bản mang tính thủ tục ra hù thiên hạ như người ta mang “Baba Yaga” ra hù trẻ con như thế thì lại thành trò cười. Các bác đã máu thì cứ mang hẳn Bộ luật Hình sự ra hù. Cùng lắm không về nước nữa thôi chứ làm gì mà căng…
Nguyễn Quốc Tấn Trung bàn thêm: Nghiêm túc hơn và ở khía cạnh khác, đọc từ Facebook cho đến Twitter thì diễn biến, thông tin câu chuyện đang được mỗi người kể một phách.Thậm chí nhiều bạn Facebook của mình đang tự kể lại câu chuyện thông qua cách hiểu các “bằng chứng” của họ. Mình không nghĩ điều này có gì tốt đẹp cho môi trường thông tin hiện nay. Hy vọng chúng ta tập trung chia sẻ và duy trì sự hiện diện của các “cáo buộc” ở phương diện truyền thông và từ đó yêu cầu hai trường trả lời một cách sòng phẳng. Đây là cơ hội để chúng ta thực hành ngôn luận và dân chủ, đừng để tư tưởng yếm thế chính trị (Political Cynicism) chiếm diễn đàn. Nó chỉ càng bị lợi dụng cho kiểu lý luận “Vì dân trí thấp nên nhà nước phải…” mà thôi (6).
***
Từ vụ này, Cù Tuấn giới thiệu cặn kẽ về “Hiệu ứng Streisand” (mô tả tác dụng ngược, ngoài dự kiến khi nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát thông tin qua trường hợp ca sĩ kiêm diễn viên Barbra Streisand kiện nhiếp ảnh gia Kenneth Adelman và pictopia.com đòi bồi thường vì vi phạm quyền riêng tư) để chứng minh: Những nỗ lực nhằm kiểm duyệt hoặc ngăn cản mọi người nhìn thấy thứ gì đó sẽ dẫn đến sự chú ý ồ ạt dành cho chính thứ đó là một ví dụ điển hình về phản ứng của tâm lý.
Đây là xu hướng phản đối mạnh mẽ của mọi người khi quyền tự do của họ bị tước đoạt. Mặc dù nếu không bị tước quyền này chưa chắc họ đã sử dụng nó nhưng họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để khôi phục quyền tự do đó. Vì vậy, nếu mọi người biết rằng có thứ gì đó mà họ không được phép xem, họ sẽ có động lực đáng kể để xem nó cho bằng được. Việc che giấu các nỗ lực kiểm duyệt và thao túng những người luôn có khả năng kết nối Internet như hiện tại là vô cùng khó khăn.
Nhận thức về kiểm duyệt cũng có thể dẫn đến những hậu quả không liên quan khác. Theo đó nó có thể thay đổi thái độ của mọi người đối với những gì đang bị kiểm duyệt. Cũng như mong muốn được xem/nghe tài liệu bị kiểm duyệt ngày càng tăng, việc nhận thức được ai đã thực hiện việc kiểm duyệt khiến mọi người ít nhiều trở nên có thiện cảm với tài liệu bị chặn. Việc biết rằng ai đó mà họ tán thành đã kiểm duyệt nội dung nào đó sẽ khiến mọi người ít ủng hộ tài liệu bị kiểm duyệt hơn, trong khi nếu đó là người bạn không thích mà lại kiểm duyệt thứ gì đó thì bạn có nhiều khả năng sẽ ủng hộ tài liệu bị kiểm duyệt bất kể đó là gì. Người Việt Nam gọi đó là “giấu voi đụn rạ”, hay “giấu đầu hở đuôi” (7).
Có thể đó cũng là lý do để Nguyen Phuong Mai luận về minh bạch: Gần như toàn bộ các link mà bạn đọc gửi tôi về vụ việc tại TQS QK7 chỉ qua một đêm đều không còn vào được. Điều này khiến dư luận nghi ngờ. Liệu các bài đó là (1) tự gỡ vì thấy sai, (2) buộc phải gỡ vì sợ hoặc có sức ép, (3) hay đã bị đánh sập? Nó khiến nhiều người băn khoăn về khả năng sự thật bị can thiệp. Không phải sự man rợ trong câu chuyện của tin đồn mà sự NGHI NGỜ mới chính là dầu đổ lửa. Nghi ngờ tạo ra võ đoán. Võ đoán có thể tạo ra những câu chuyện xa rời sự thật nhất. Việc mất lòng tin sẽ dẫn tới chuyện khi chính người trong cuộc lên tiếng thì thiên hạ vẫn có thể nghi ngờ nạn nhân đã bị thao túng.
MINH BẠCH là điều cần thiết để thể hiện sự công minh. Thật – giả vụ việc chưa rõ nhưng những cái link không hiển thị chỉ làm cho thật – giả càng thêm lẫn lộn. Minh bạch là khi có một vụ việc xảy ra, không có các video, post và page đồng loạt bay màu, không có các bài báo thậm chí ở kênh chính thống đã lên rồi lại gỡ. Minh bạch là nếu đăng tin sai thì phải xoá và “đính chính” và xin lỗi chứ không phải chỉ “xoá” là xong. Minh bạch là không xuất hiện các yêu cầu kiểm tra điện thoại hay xoá ảnh. Minh bạch là không xuất hiện các lời khuyên và yêu cầu phải bảo vệ uy tín, phải giữ danh dự, trật tự cho một tổ chức nào đó. Minh bạch là có một cuộc điều tra về sự việc, tốt nhất là do bên thứ ba có chuyên môn (trong trường hợp này là về an toàn giới và phụ nữ) đảm nhiệm.
Cuộc điều tra này nhằm tìm ra nguyên nhân, người tung tin, cơ chế loan tin, thu thập nhân chứng bằng chứng, lập báo cáo và tìm ra giải pháp dài hạn… Nó đảm bảo các bước thực hiện đúng pháp luật. Nó cũng đảm bảo cho các nạn nhân (nếu có) được bảo mật danh tính, tránh sức ép quyền lực nhưng cũng có thể cất tiếng nói trong an toàn. Do vây, minh bạch không chỉ là một cuộc họp báo tuyên bố, mà là một VĂN HÓA, một quá trình NHẬNTHỨC và một CHUỖI HÀNH ĐỘNG. Nó khiến mỗi cá nhân và tổ chức phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Điều đó sẽ giúp ngăn chặn tin giả, đồng thời không bịt mồm tin thật và những lo ngại chính đáng của người dân(8).
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét