Cuối năm Nhâm Dần nhìn lại… (Phần 1)
9-1-2023
Cuối năm nhìn lại Việt Nam thấy có vô số vấn đề cần được quan tâm, cần xét lại, hoặc cần giải thích lại. Từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, giáo dục, y tế, pháp lý… cho tới những vấn đề lịch sử như chiến tranh VN, về lăng kính chính trị của tuyên giáo, vấn đề tham nhũng… Một số sự kiện đặc biệt, theo ý kiến chủ quan của tôi, cần được nhắc lại. Đó là:
1/ Tình trạng thối nát cấp quốc gia, đảng viên CSVN “ăn của dân không từ một thứ gì”, xuyên qua hai vụ (Test Kits) Việt Á và “các chuyến bay giải cứu”.
2/ Từ vụ “cúp điện” buổi trình diễn ở Hà Nội của ca sĩ Khánh Ly sau khi bài “Gia tài của mẹ” được trình diễn.
3/ Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine và chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.
4/ Vấn đề Đài Loan và Biển Đông.
5/ Chuyện “hồi hương” cái ấn “Hoàng đế chi bảo” của vua Bảo Đại trở thành chuyện “hài hước” của các tập đoàn “báo lớn” hải ngoại.
I. Vụ Việt Á và vụ “Các chuyến bay giải cứu”
Vụ Việt Á, dưới cái nhìn của bộ Chính trị đảng CSVN, đó chỉ đó là một vụ “tham nhũng” đơn thuần. Trên BBC có bài báo cho rằng, vụ Việt Á “cho thấy quản lý nhà nước có vấn đề”. Báo chí còn đăng bài viết khác, cho rằng vụ Việt Á là một “hình thức lũng đoạn nhà nước”.
Theo luật Việt Nam, tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức…
Tháng 6 năm 2022, sau khi họp Bộ Chính Trị kết luận:
“Các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế…”
Bộ Chính trị đóng khung vụ Việt Á ở các vấn đề chính trị, kinh tế và đạo đức của đảng viên. Nội dung này không ra ngoài nội hàm cán bộ tham nhũng. Không thấy Bộ Chính Trị nói một chữ về nạn nhân, hàng chục ngàn người, có thể chết oan vì kít Việt Á, chết vì các hành vi vô luân, vô đạo, phi nhân… của lớp “tinh hoa” trong đảng CSVN.
Báo “lề trái” nói ông Trọng đã “nghẹn ngào” khi ra quyết định (như trên) để kỷ luật các “đồng chí thân thương” của mình.
Theo tôi, vụ Việt Á không phải là một vụ “tham nhũng”, suy đồi đạo đức hay “trục lợi” đơn thuần. Hành vi “tham nhũng”, theo luật đã dẫn trên, chỉ đóng khung ở không gian kinh tế.
Thực tế cho thấy đã có chết người. Nạn nhân là hàng chục ngàn người đã chết. Vụ Việt Á lý ra phải xử như một đại án giết người có tổ chức.
Đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội. Nếu “quản lý nhà nước có vấn đề”, nói như BBC, thì vấn đề ở đây chính là đảng.
Cũng không thể có cái gọi là “lũng đoạn nhà nước”, với ý nghĩa nhân sự Việt Á sử dụng tiền bạc để điều khiển công chức nhà nước.
Đây là cách tác giả phê phán “bẻ cổ logic” và đơn thuần dựa trên kinh tế.
Vụ Việt Á cũng không đơn giản là một chỉ dấu “suy thoái” (về tư tưởng, chính trị, đạo đức…) của một số quan chức.
Sự việc xảy ra tuần tự là: Việt Á mua kít của TQ với giá rẻ (như bèo) khoảng 1 đô la/kit. Bộ quốc phòng nhập cuộc, qua đại diện là “Học viện Quân y”, biến kít TQ thành sản phẩm phát minh khoa học nội địa. Tới phiên Bộ Khoa học, Bộ này “bảo kê” kít Việt Á là hàng thứ xịn, do quốc nội sáng chế, được chuẩn nhận phẩm chất ngang hàng kít quốc tế. Kế tới là Bộ Y tế. Bộ này ra đủ thứ luật lệ buộc dân chúng phải thử nghiệm “đại trà”, ai cũng có thể bị ép ngoáy mũi thử nghiệm. Giá kít được đội lên 470.000 đồng/ kít.
Cuối cùng (trùm cuối) ra chỉ thị khuyến cáo các cơ sở y tế địa phương phải mua kít Việt Á trong chiến dịch “chống dịch như chống giặc”. (Trùm này có vẻ là Vũ Đức Đam?)
Hàng chục ngàn người dân đã có thể không bị chết oan. Hàng ngàn xí nghiệp đã có thể không bị phá sản. Hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu cá nhân, gia đình… gia sản đã không bị tiêu tan, gia đình không bị ly tán (do cách ly). Vô số gia đình nhuốm cảnh tang thương, của mất, người chết…
Ngoài việc gây thiệt hại kinh tế, “hệ thống Việt Á” còn giết chết nhiều người và gây xáo trộn xã hội. Tổn thất kinh tế chưa thể kiểm kê. Suy trầm kinh tế dĩ nhiên có đóng góp của hệ thống Việt Á.
Nhưng trầm trọng hơn cả là cú chấn thương tâm lý và đạo đức.
Dân nhìn cán bộ đảng viên như những kẻ tội phạm.
Đó là chưa nói tới vụ “các chuyến bay giải cứu” của Bộ Ngoại giao.
Còn lại gì ở cái gọi là “nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” qua các vụ này?
Không đơn thuần chỉ là tham nhũng. Cũng không hẵn là do nhà nước yếu kém trong mục quản lý. Cũng không phải là nhà nước bị lũng đoạn.
Luật lệ không ra gì thì tất cả những gì của nhà nước là một cái thây ma thúi nát. Thúi nát toàn diện. Hệ thống Việt Á, bao gồm các bộ quốc phòng, bộ y tế, bộ khoa học công nghệ… cho tới “các chuyến bay giải cứu” của bộ ngoại giao.
Đảng viên nào có quyền lực đảng viên đó thúi nát.
Tất cả nhân sự lãnh đạo “nhà nước và xã hội” hiện nguyên hình là những con giòi đang rỉa rói cái thây ma tên gọi “nhà nước pháp quyền XHCNVN”.
Tội giết người, do cố ý hay do vô tình, cũng là tội giết người. Tội phá hoại nền kinh tế quốc dân là chống lại lợi ích của nhân dân và đất nước.
Ông Trọng xử các đảng viên của đảng ông bằng kỷ luật đảng, trên quan điểm đạo đức, buộc họ “chịu trách nhiệm chính trị” bằng cách cảnh cáo, hay nặng hơn là đuổi họ ra khỏi đảng. (Điển hình Vũ Đức Đam).
Còn trách nhiệm hình sự của đảng viên (như Vũ Đức Đam) về các tội giết người, các tội phá hoại nền kinh tế quốc dân, tội gây xáo trộn xã hội và bần cùng hóa đời sống đại đa số nhân dân thì sao?
Riêng cá nhân ông Trọng, ngoài trách nhiệm liên đới đối với các đảng viên dưới quyền, về các tội trạng đã dẫn trên. Ông còn có trách nhiệm hình sự về tội bao che đàn em phạm tội.
(Còn tiếp…)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét