Chuyện không biết để nói với chú nhà thơ Phùng Quán (Phần 1)
Dương Tự Lập
13-1-2023
Theo lời nhắn, buổi sáng hôm ấy tôi tới số 49 Trần Hưng Đạo gặp Giám đốc Nhà xuất bản Văn học Lữ Huy Nguyên. Ngồi đó có Phó Giám đốc, dịch giả Thúy Toàn và bác nhà thơ Tế Hanh. Bác Hanh đang là Chủ tịch Hội đồng thơ Việt Nam khi ấy vừa mới nghỉ hưu.
Sau một hồi dài nghe các chú, bác vào chuyện, phân tích, phê bình, nhận xét, lý giải này nọ. Tôi cầm lại tập bản thảo thơ trào phúng của cha. Đồng nghĩa với việc nhà xuất bản từ chối khéo vì nhiều lý do, tự mình hiểu vậy. Như an ủi tôi, chú Nguyên nắm cánh tay tôi bảo:
– Em về nói lại với mẹ em để thư thư thời gian nữa vậy.
Chào mọi người, tôi đứng lên mời bác Tế Hanh:
– Mắt bác kém lại đi bộ, chi bằng để cháu đèo bác về. Đằng nào cháu cũng đi qua nhà bác mà, bác ở số 10 Nguyễn Thượng Hiền.
– Thôi cháu cứ về trước, để bác đi bộ cho thoải mái, bác còn ngồi đây lâu – Có thể bác từ chối khéo.
Ra đến cổng, tôi ngó vào quầy sách, lúc này Nhà xuất bản mở quầy sách nhỏ bán thêm sách Văn học, nhằm cải thiện cho Nhà xuất bản quá nghèo nàn. Mà sách lúc đấy cũng khan hiếm. Chị Nhàn thấy tôi nói ngay:
– Có được việc gì không em?
Tôi lắc đầu. Chị nói tiếp:
– Hôm trước em dặn chị nhưng sách chưa về nay đã có.
Chị vừa nói vừa rút dưới quầy bỏ ra ngoài hai tập “Chuông nguyện hồn ai” của Ernest Hemingway. Tôi rút tiền trả và cảm ơn chị rối rít. Chưa kịp mở khóa xe thì nghe tiếng gọi, quay lại thấy anh họa sĩ Hoa Bằng. Bằng bô bô:
– Tao đến gặp ông chú mày có việc đây – Hình như anh mới có chút hơi men trong người.
Chú họ tôi là họa sĩ Dương Viên, khi ấy đang là Tổng thư ký hội Mỹ thuật tạo hình Việt Nam nằm ở số 51 Trần Hưng Đạo, chung bức tường ngăn với nhà xuất bản Văn Học. Chẳng biết sao ngày đó khu nhà này tập trung nhiều cơ quan Trung ương lớn đến vậy. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Phải thừa nhận khuôn viên ngôi nhà từ thời Pháp để lại đẹp tuyệt.
Biệt thự 51 Trần Hưng Đạo được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 19. Lịch sử dinh thự này là của một ông Đốc lý Hà Nội người Pháp. Năm 1945, ông Hồ Chí Minh nhờ nhà tư sản yêu nước Ngô Tử Hạ vào Huế thuyết khách để cựu hoàng Bảo Đại thoái vị, ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội, ông Bảo Đại cũng sống tạm tại căn biệt thự 51 Trần Hưng Đạo này.
Hai anh em đi vào trong sân nhà 51 thì gặp chú nhà thơ Phùng Quán và một người bạn đi ra, hôm ấy chú Quán mặc bộ đồ áo quần cùng đồng màu nâu, cùng loại vải sợi thô, hàng khuy áo bằng mẩu gỗ cài, vai khoác túi thổ cẩm, chân đi đôi guốc mộc, tóc búi tó củ kiệu, dáng điệu xiêu xiêu trông như người dân tộc. Bất ngờ anh Hoa Bằng gãi đầu, chìa tay:
– Anh Quán có mấy đồng bạc lẻ ở đấy cho thằng em xin.
Hoa Bằng xưng anh em với chú Quán. Chú Quán đưa tay lục túi có vẻ bối rối, biết ý tôi đỡ lời:
– Thôi khỏi đi chú, cháu có đây mà. Sao anh không nói em?
Hoa Bằng nhìn tôi cười khì khì. Thật ra trong túi tôi chỉ còn vài đồng bạc nhưng trong đầu tôi đã có cách. Vì đã lâu lắm không được gặp chú Quán, tôi chủ động:
– Nếu có thời gian cháu mời chú và anh ra chỗ quán phía trên kia ngồi một chút. Anh Bằng cứ vào làm việc, khi nào xong qua góc quán nước phố Hàng Bài nhìn sang Nhà xuất bản, em chờ.
Không biết bây giờ thì sao, chứ hồi đó, dọc vỉa hè, từ Nhà xuất bản Văn học kéo dài xuống Đại sứ quán Cộng hòa Pháp, góc ngã tư Bà Triệu, (dốc Hàng Kèn) Trần Hưng Đạo, không hề có quán nước nào, kể cả đối diện bên kia đường. Đoạn đường này có hàng sấu già càng tôn vẻ đẹp cổ kính. Lại gặp anh họa sĩ Văn Hảo, nhà ở phố Chợ Gạo, đi chiếc Dream sang trọng, đèo sau ca sĩ Hồng Nhung (Nhung Bống), khoe:
– Bọn anh đang nhận mông má lại nội thất Câu lạc bộ Thanh Niên đầu Tăng Bạt Hổ, tháng sau báo Tiền Phong sẽ tổ chức cuộc thi hoa hậu ở đấy.
Tôi nhìn Hồng Nhung ngượng ngùng, vì có một việc trước đó Nhung nhờ mà tôi không giúp được. Nhung mỉm cười chào, giữ ý, mắt xéo qua nơi khác.
– Nếu có vé, anh lấy cho chú mày một xuất.
Tôi cười cảm ơn anh Hảo. Không đi xem nhưng tháng 11 năm 1988, cô sinh viên Bùi Bích Phương của Hà Nội, là người đẹp đầu tiên đoạt vương miện hoa hậu nhân 35 năm ngày thành lập báo Tiền Phong. Mở màn cho các cuộc thi hoa hậu tiếp nối mà càng về sau này ngày càng xô bồ, hổ lốn, không còn ra thể thống gì nữa.
Tôi chỉ chú Phùng Quán và người bạn chú đi cùng, cứ sang bên quán trước, rồi tạt vào quầy sách Văn học nói nhỏ với chị Nhàn:
– Xin lỗi em gửi lại chị hai cuốn sách em vừa lấy, chị đưa lại em tiền vì có việc cần ngay mà em sợ thiếu. Giữ cho em sáng mai hoặc sáng mốt em qua lấy.
– Giời ạ, thì cứ cầm đấy, tiền đây hôm nào qua cũng được, chị em với nhau mà cứ khách khí rõ mệt.
Đợt này nhìn chú Phùng Quán khỏe, giọng Huế kể chuyện đọc thơ vẫn sang sảng. Cộng thêm hai niềm vui đến với chú tôi gọi đùa “song hỷ”. Con gái đầu Phùng Quyên kém tôi mấy tuổi, năm trước, năm 1987 được sang Ky-ép, Ukraina (Liên Xô cũ) làm việc. Cùng lúc chú nhận giải A văn học toàn quốc cuốn “Buổi đầu thử thách”, Nhà xuất bản Thuận Hóa in năm 1983. Năm nay tái bản, in làm ba tập, đổi tên thành “Tuổi thơ dữ dội”. Duy có cậu con trai út Phùng Quân ngang tuổi em trai tôi thì vẫn lông bông chưa có công ăn việc làm ở đâu.
Cha tôi và chú Phùng Quán biết nhau từ lâu, nhưng cả hai luôn giữ tình bạn đồng nghiệp ở độ “thường thường bậc trung”. Chỉ có người anh “rể hụt” của tôi, cựu kiến trúc sư, cựu phóng viên báo Tiền Phong, Phan Xuân Trung, chơi gắn bó với vợ chồng chú nhà thơ Phùng Cung – cô Kim Thoa và chú Phùng Quán – cô Bội Trâm, mấy chục năm trời như anh em. Mẹ nuôi chú Quán thường gọi là bà Trưởng Giơi (Nguyễn Thị Mùi), có người con trai tên Trưởng, hy sinh thời chống Pháp, nhà sát vách nhà anh tôi, ở trong làng Nghi Tàm, xã Quảng An, bên Hồ Tây. Chính bài thơ: “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe” của chú là ở ngôi nhà bà mẹ nuôi này.
Hồi đi đánh thằng giặc Tàu về, tôi tới chơi nhà chú số 10 Thụy Khuê nằm trong trường “vườn Bưởi” Chu Văn An, dù nơi đây chẳng có cây bưởi nào nhưng tôi hay gọi đùa như vậy. Cái “xó” phòng quây tạm từ kho chứa dụng cụ tạp nham của trường. “Xó” này một năm trước thương cảnh tù túng, nhà trường phân cho bà giáo dạy văn thâm niên Vũ Bội Trâm hơn 10 mét vuông ở tạm cũng là ở thật luôn.
Tiết trời cuối năm 1982 Hà Nội se lạnh, ngồi trên chiếc giường ọp ẹp nhà cô chú nhìn thốc ra “mặt gương Tây Hồ” hơi “mịt mù ngàn sương” chút chút, cũng chẳng nghe “tiếng chuông Trấn Vũ” cùng “nhịp chày Yên Thái”, cũng chẳng thấy “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”. Mấy năm sau, nhạc sĩ họ Trịnh ra thăm đất Bắc, tới dạo Hồ Tây, vô tình nhìn được cảnh tượng đó rồi đưa vào lời ca tiếng hát của mình.
Có gì vướng vướng dưới chân, cúi xuống thấy cái cán cần câu cá bị gẫy, chú Quán nhét dưới gầm giường. Bây giờ nói phải tội với vong linh chú Phùng Quán, chứ số lượng cá Hồ Tây mà chú “câu, xiên trộm” bao nhiêu năm để cứu sống gia đình, có lẽ phải lên con số tạ. Chú Quán thường tự nhận mình là người sát cá, cứ chỉ ngửi hơi nước từng ngày là biết hôm nay loại cá mè nào nổi, hôm sau loại cá chép nào chìm. Loại nổi thì cầm theo xiên, loại chìm thì dùng cần câu.
Trời thương và biết lòng Phùng Quán ao ước làm người lương thiện: “Đi trọn đời trên con đường chân thật“, nên vụ trộm nào Trời cũng độ cho chú, dù Đảng đã loại Phùng Quán ra ngoài lề xã hội. Tôi cứ nghĩ, rủi chú mà bị bắt với núi cá khổng lồ ấy, thì Đảng cho chú rũ tù tiếp. Vào đó thì có ối đá, nhiều đá lắm, nhưng làm gì có dao để khát khao: “Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá“.
Lâu lâu mới gặp nhau, chú cháu nói nhiều chuyện.
– Cho chú gửi lời thăm mẹ cháu. Hình như thằng cháu chú có chuyện gì phải không?
Tôi không giấu chú:
– Vâng! Chú có hai chuyện vui thì cháu có hai chuyện buồn.
Tôi thuật lại chuyện tập thơ của cha tôi bị từ chối in và chuyện Công ty ăn uống Đống Đa của tôi đang làm có nguy cơ giải thể.
– Hôm trước đến đây, chú nghe anh Trương Hạnh, Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật bảo được rồi.
Tôi lắc đầu.
– Đừng buồn, nếu không in lúc này thì rồi lúc khác sẽ được thôi, vấn đề bây giờ là việc làm để đỡ gánh nặng cho mẹ.
Chú nói tiếp:
– Cháu còn yêu hội họa và vẽ tốt thì nên phát huy sở trường của mình, sau tìm cách liên hệ đâu đấy xem, vẫn khối nơi cần mà…
Tôi nắm bàn tay chú:
– “Những phút ngã lòng chú còn có thơ vịn vào đứng dậy“. Giờ cháu ngã lòng biết vịn vào đâu.
Chú cười nhìn sang người bạn:
– Thằng con trai anh Dương Quân đấy!
Bình Minh, tên người bạn chú Quán bảo:
– Lúc anh Dương Quân còn, tôi gặp anh đến báo Hà Nội Mới suốt.
Gặp chú Phùng Quán một lần nữa sau đó rồi tôi đi, đi hoài, đi mãi, đi đến tận bây giờ vẫn còn đi.
***
Ngày trẻ, hay hóng chuyện ông tôi kể và đọc thơ cho khách đến chơi. Ông ở 113 phố Hàng Buồm. Ông là Phan Hữu Thờm, thường gọi ông giáo Thờm. Khi viết lách thì ký tên dưới bài Phan Tùng Lĩnh. Năm 1971 ông được giải A cuộc thi thơ Phụ lão Thủ đô, với bài thơ viết cho anh tôi: “Tiễn cháu đi bộ đội”. Ông thích tên này theo nghĩa cây tùng bách, mọc trên núi Hồng Lĩnh, còn gọi Hồng Sơn, hay Ngàn Hống. Có tiếng: Hoan Châu Đệ Nhất Danh Thắng – là dãy núi cao nhất Hà Tĩnh, khi ông hoạt động ở đây với ông cựu Ủy viên Bộ chính trị Hoàng Văn Hoan.
Họ Phan Việt Nam, một dòng họ giàu truyền thống văn chương và khoa bảng từ thế kỷ 18. Dòng họ này đã định cư 18 đời từ đầu thế kỷ XVII đến nay, ở tỉnh Hà Tĩnh, nhưng ông tôi ngụ Nghệ An. “Bao giờ Ngàn Hống hết cây / Sông Lam hết nước họ này hết quan” muốn chỉ cả dòng họ Cụ Tiên Điền Nguyễn Du nữa.
Ông là bạn thân, cùng học, lại cùng năm sinh 1905 với ông Hoan. Về sau người chị ruột ông là bà Phan Thị Uyển, nên duyên vợ chồng với bạn của em trai mình là Hoàng Văn Hoan. Ông bà Uyển – Hoan sinh được người con trai duy nhất là chú Hoàng Nhật Tân, nhà sử học và dịch thuật nổi tiếng. Còn ông Phan Tùng Lĩnh lấy cô ruột cha tôi là bà Dương Thị Đơ, có cháu là nhà thơ trào phúng Dương Quân (Dương Tự Cường).
Ông tôi và ông Hoan xuất thân trong gia đình học thức nho nhã uyên thâm. Đời ông sẽ khác nếu không vì lần ấy quân Pháp rượt đuổi, để cùng đường, buộc ông chạy vào ẩn náu trong một nhà thờ gần đấy. Vô tìn, có người nhìn thấy báo với Việt minh. Từ đó lý lịch của ông không còn làm được việc gì nữa ngoài cắp sách, cắp ô đi gõ đầu trẻ. Mà đám trẻ ông dạy rất nhiều người thành đạt như Giáo sư Phan Cự Đệ, sau này chẳng hạn.
Mỗi lần nhắc đến ông, cha tôi chép miệng, đọc câu cảm thán của Lý Lăng, kiệt tướng nhà Tây Hán, Trung Hoa:
“Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Tái hồi đầu thị bách niên thân”.
(Một bước sa chân muôn kiếp hận
Ngoái đầu nhìn lại đã trăm năm)
Rồi phố Hàng Buồm bỗng thành phố chợ ồn ào ngày đêm, không hợp với ông. Ông tìm cách đổi lên phố Hòe Nhai yên ắng cho nhàn cảnh như tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn, người đến chốn lao xao“.
Lúc này tôi đã thêm lớn nhưng chưa thêm khôn. Lên thăm ông bà vẫn cứ ngáo ngáo, ngơ ngơ, lẩn thẩn, bâng quơ nghe thơ ông vịnh. Khi ông Hoàng Văn Hoan đương chức Phó Chủ tịch Quốc hội, nhà ở 78 Phan Đình Phùng, đến chơi với ông tôi tại số 15 Hòe Nhai, chỉ chưa đầy vài trăm bước chân ngắn. Trên danh nghĩa anh rể tới chơi với em, nhưng thực tình các ông vẫn coi nhau thân thiện như bạn ngày thơ.
Từng được nghe lỏm ông tôi giảng giải cho bạn bè khi nói chuyện, ông Hoan rất thích hình tượng cây trúc. Trúc vươn thẳng thì cành, nhành, nhánh (chi) cũng thẳng. “Trúc Chi” tức nhành trúc, biểu tượng của mẫu người quân tử bởi loài cây này dẫu bão to gió lớn mà vẫn mềm mại, dẫu đổ ngã, ngả nghiêng mà vẫn không bị gẫy. Cho nên đâu đó dưới các bài viết của mình Hoàng Văn Hoan ký: Trúc Chi, nhưng cực ít.
Xin trích bài thơ của ông Hoàng Văn Hoan đối lại bài thơ của nhà thơ Hồ Sĩ Giàng, tặng ông Hoan năm 1977 khi ông Hoan ở tuổi 72:
Bảy mươi hai tuổi, tuổi chưa cao
Học thói Ngu Công núi vẫn đào.
Cứu nước chính là làm nghĩa vụ,
Vì dân đâu dám kể công lao.
Chân mềm đá cứng đành như vậy
Gánh nặng đường xa dám quản bao
Cảm tạ lời thơ anh cổ vũ,
Tùng Mai xin giữ nét thanh tao.
Độc giả chú ý sẽ thấy trong bài thơ đối lại này có một câu bất thường bởi người ta hay nói: “Chân cứng đá mềm” chứ ông Hoan thì ngược lại “Chân mềm đá cứng”.”Cảm tạ lời thơ anh cổ vũ” tức lời cảm ơn đến Hồ Sĩ Giàng. Tới câu kết: Tùng Mai còn là biểu tượng cho người quân tử, khí thế hiên ngang. Bài thơ trả lời được viết sau khi ông Hoan bị loại khỏi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cuối năm 1976. Nó ra đời muộn nên không nằm trong tập thơ “Một Đôi Vần” của Hoàng Văn Hoan, mà Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc Việt Bắc ấn hành năm 1975. Lần in đầu tiên cũng là lần cuối cùng, tới nay không thấy tái bản.
Đọc thơ để ta hiểu thêm con người Hoàng Văn Hoan, không phải kẻ bình thường. Chẳng phải loại thất phu, càng không đúng hạng vai u thịt bắp. Dứt khoát chỉ có thể là kẻ sĩ học thức mới viết nên ý thơ cùng ý chí quyết tâm “Ngu Công di sơn” đến vậy. Và Hoan đã âm thầm lặng lẽ di thân thành công đến đất nước “Ngu Công” tháng 7 năm 1979. Mấy tháng sau khi quân dân Việt Nam đánh cho bọn Trung Quốc ăn cướp tan tác trên miền biên cương. Như lịch sử vua – tôi nhà Trần cùng dân nước Nam một thuở đồng lòng “Sát Thát”, đánh lụn bại lũ giặc phương Bắc muôn đời quyết không bạc nhược.
(Còn tiếp)
Một số hình ảnh của tác giả Dương Tự Lập gửi tới:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét