Các kỹ sư, nhà sử học và các bà nội trợ người Ukraine đều đang chiến đấu với Putin
Cù Tuấn, dịch
17-1-2023
ODESSA, Ukraine — Với băng garô, không có cách nào để làm với giá rẻ. Thiết bị cứu sinh này, được sử dụng để cầm máu khi có một chi bị thương và ngăn ngừa tử vong do chảy máu. Chúng cần phải đáng tin cậy 100 phần trăm: Một dải băng Velcro chắc chắn, rộng đủ dài để quấn quanh đùi và một tay quay cứng để kéo chặt, với một cơ chế khóa cứng mạnh mẽ.
Một garô tốt có giá từ 20 đến 30 đô la và loại tốt nhất được sản xuất tại Mỹ. Cũng như nhiều sản phẩm khác, các nhà cung cấp Trung Quốc bán nhiều loại hàng nhái — thứ đơn giản như một sợi dây buộc vào một cái que cũng có hàng giả. Thậm chí còn là vô dụng, hàng nhái Trung Quốc trở thành một gánh nặng khi chúng nằm trong bàn tay run rẩy, trơn trượt của một người đang chảy máu.
Băng garô có lẽ không được đề cập nhiều tại các cuộc họp cấp cao nơi các quan chức quân sự và chính trị gia thảo luận về việc vận chuyển HIMARS, Bradleys và Patriots, nhưng bản chất của cuộc chiến ở Ukraine khiến băng garô trở nên vô cùng cần thiết: Cuộc chiến này được tiến hành từ xa, bằng tên lửa bắn từ đất liền, trên biển hoặc trên không và bom thả từ máy bay hoặc máy bay không người lái. Chấn thương do mảnh đạn hoặc mảnh tên lửa ngày càng thường xuyên hơn so với trúng đạn trực tiếp.
Trong những ngày đầu khi Nga xâm lược Ukraine, rất khó để có được băng garô. Quân đội Ukraine bảo vệ đất nước của họ thường phải sử dụng săm xe đạp hoặc các đồ tương tự màu đen. Giờ đây, hầu hết binh sĩ đều có “ga rô ứng dụng chiến đấu”, viết tắt CAT (combat application tourniquet). Tuy nhiên, đối với nhiều mặt hàng khác cần thiết cho quốc phòng của họ, người Ukraine đã tìm ra giải pháp tự sản xuất. Điều này phần lớn là nhờ vào một đội quân thường dân tự gọi mình là “volonteri” – tình nguyện viên. Những người này có thể thuộc hoặc không thuộc một tổ chức phi chính phủ địa phương nào đó, nhưng họ biết rằng đất nước của họ cần họ và họ đã đáp lại lời kêu gọi.
Một đặc điểm man rợ của cuộc chiến này là Nga tấn công các công trình dân sự như bệnh viện, trường học, nhà trẻ, nhà hát và trung tâm văn hóa. Gần đây, các cuộc tấn công dữ dội của Nga tập trung vào lưới điện của Ukraine và phần còn lại của cơ sở hạ tầng của đất nước này. Vì vậy, việc thường dân tham gia rộng rãi vào việc bảo vệ tổ quốc của họ là điều đương nhiên. Những người yêu nước này — nguồn hỗ trợ quan trọng cho lực lượng vũ trang tận tụy và dũng cảm — là bất ngờ lớn nhất đối với Vladimir Putin, người nghĩ rằng việc tiếp quản Ukraine là dễ dàng, có thể còn được hoan nghênh nữa. Chúng khiến ông khó chịu chẳng kém hệ thống tên lửa Patriot mà Hoa Kỳ tuyên bố sẽ gửi tới Ukraine. Cả những người yêu nước và những tên lửa Patriot sẽ bảo vệ Ukraine, mặc dù Tổng thống Nga nói rằng cả hai đều là mối đe dọa đối với đất nước của ông. Nhưng Tổng thống Nga thì đã nói nhiều điều lắm.
Khi bắt đầu cuộc xung đột, các volonteri tập trung vào việc ngăn chặn bước tiến của Nga và bảo vệ các thị trấn của Ukraine. Điều này đã xảy ra ở Odesa và khắp đất nước: Đường ray xe lửa được cắt thành nhiều mảnh và hàn lại với nhau để tạo thành hàng rào chống tăng được gọi là hàng rào nhím. Khắp các thị trấn được đặt rải rác những thứ này; bây giờ chúng ít phổ biến hơn và thường được sơn màu xanh lam và vàng, theo màu quốc kỳ Ukraine.
Trong tuần đầu tiên sau cuộc xâm lược, người dân thường đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt trực tiếp với những kẻ tấn công, và người dân Ukraine thuộc mọi tầng lớp xã hội đã điên cuồng sản xuất cocktail Molotov. Tuy nhiên, những vũ khí gây cháy tự chế đó không được sử dụng nhiều trong một cuộc chiến mà những kẻ xâm lược Nga hiếm khi đủ gần để tấn công bằng một quả cocktail Molotov.
Các tình nguyện viên đã học hỏi tại chỗ, bằng cách thử và sai. Lấy ví dụ áo giáp: Những người lính Ukraine hiện mặc áo khoác chống đạn, nhưng không phải lúc nào họ cũng vậy. Ngay sau cuộc xâm lược, cộng đồng doanh nghiệp của Odesa bắt đầu mua áo chống đạn trực tuyến, chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, nhưng – do không có kinh nghiệm về chiến tranh trên bộ trước đây – những nhà cung cấp quân đội đặc biệt này đã chọn loại áo dễ kiếm hơn loại thường được quân đội, cảnh sát sử dụng. Chúng bảo vệ, chống lại đạn súng ngắn nhưng không chống lại vũ khí hạng nặng hơn.
Vào đêm trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga ngày 24 tháng 2, Nikolay Viknyanski, một nhà sản xuất đồ nội thất từ Odesa, đã triệu tập một cuộc họp của các doanh nhân địa phương để kêu gọi họ ủng hộ cho nỗ lực quân sự. Do đó, một nhà điều hành hậu cần hàng hải tên là Oleksandr Yakovenko đã hợp tác với một số người khác — giám đốc ngân hàng, nhà thầu cho công ty luyện kim Azovstal, chủ một chuỗi nhà hàng — và chẳng bao lâu sau áo khoác phòng không “Made in Ukraine” xuất hiện.
Hồi tháng 2, áo chống đạn vẫn được chế tạo ngẫu hứng từ bất cứ thứ gì có sẵn. Aleksandr Babich, một nhà sử học từng làm hướng dẫn viên du lịch trước chiến tranh, đã nhận được những chiếc áo khoác nam không tay được trang bị những mảnh lưỡi cày đã cưa với hy vọng chúng sẽ hoạt động như những tấm chống đạn. Lúc đầu, một số áo khoác phòng hộ tự chế này có các tấm kim loại không được che chắn, không có gì để hấp thụ chấn động; một vài người lính mặc chúng đã bị thương. Nhanh chóng, một giải pháp đã được tìm ra: Khi được cắt thành từng mảnh, dây đai truyền động cho máy xúc lúa ở cảng Odesa đã trở thành một bộ giảm chấn cao su phù hợp. Tấm kim loại và bộ giảm chấn cao su được giữ với nhau bằng băng keo, nhưng tổng thể chúng trông gọn gàng một cách đáng ngạc nhiên.
Giờ đây, áo khoác chống đạn được sản xuất tại địa phương và áo khoác mang các tấm chắn — ở cả mặt trước và mặt sau — được may từ vải kaki, rằn ri hoặc vải không bắt lửa “có hoa văn pixel” trông chuyên nghiệp. Những chiếc áo vest này có các túi và ngăn để đựng garô và mọi thứ khác mà một người lính cần mang theo. Công việc may vá có thể gọn gàng hơn, nhưng nhiều phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ, những người có nhiều kinh nghiệm nhất với đường kim mũi chỉ, đã rời Ukraine cùng con vào đầu chiến tranh nên các xưởng sản xuất thiếu các nhân viên lành nghề.
Một thiết bị quân sự quan trọng khác được giao cho volonteri sản xuất là kính tiềm vọng, thứ mà binh lính sử dụng để quan sát chiến trường từ chiến hào và dưới hầm trú ẩn. Những chiếc đầu tiên được sản xuất trên máy in 3-D, nhưng đây là một quy trình tốn kém và chậm chạp, chỉ có 5 chiếc được chế tạo mỗi ngày. Chẳng mấy chốc, một sự thay thế dùng công nghệ thấp hơn đã được thực hiện: Lấy một ống nước và đặt hai chiếc gương ở mỗi đầu của ống đặt song song với nhau ở một góc 45 độ, và thế là xong.
Igor Yakovenko, một kỹ sư đã sản xuất 3.000 kính tiềm vọng, nghĩ ra một thiết bị khác để giải quyết một vấn đề khác mà binh lính Ukraine phải đối mặt: cái lạnh. Cuộc tấn công dữ dội của Nga bắt đầu trong một số ngày lạnh giá nhất của mùa đông, vì vậy cần khẩn cấp có một hệ thống sưởi ấm cho quân đội trên chiến trường. Ông Yakovenko bắt đầu sản xuất bếp di động được làm bằng cách hàn hai bình ga rỗng từ phía sau tủ lạnh lại với nhau (thật khó hiểu là chúng luôn có màu nhạt – xanh da trời, xanh nhạt, hồng hoặc cam), được gắn với một ống kim loại và một cánh cửa trên mặt đất để nhét củi vào. Mùa đông năm ngoái, những thiết bị này, được biết đến rộng rãi là “bourzhuyki” (“tư sản”, vì vẻ ngoài mập mạp của chúng), đã được binh lính sử dụng trên chiến trường, nhưng kể từ tháng 10, khi các cuộc tấn công của Nga vào lưới điện trở nên phổ biến hơn, toàn bộ người dân Ukraine bắt đầu sống “trên cánh đồng”.
Trong thời gian dài ở trong hầm tránh bom, phụ nữ dệt lưới ngụy trang bằng cách buộc các mảnh vải vụn lại với nhau để làm vỏ bọc cho xe tăng, các phương tiện khác và binh lính. Phiên bản Ukraine của bộ đồ ghillie – ngụy trang toàn thân được thiết kế để khiến binh lính hòa lẫn vào bụi rậm, cây cối và đống cỏ xung quanh họ – là rất tinh vi. Nhưng những thứ này chủ yếu được các tay súng bắn tỉa dùng, vì vậy chúng không được nhìn thấy thường xuyên.
Quân đội Ukraine trông giống như một nhóm hỗn tạp vì đồng phục của họ đến từ nhiều nguồn khác nhau; các nhóm tình nguyện địa phương gây quỹ để mua thiết bị, mua bất kỳ bộ đồng phục nào họ có thể – ít nhất hàng chục mẫu nước ngoài đang được sử dụng – miễn là màu sắc không quá giống với màu sắc của quân Nga đang sử dụng. Để tránh nhầm lẫn, các binh sĩ Ukraine dán một dải băng keo lớn có màu sắc rực rỡ trên mũ bảo hiểm của họ, hoặc sử dụng nó làm băng tay hoặc gắn vào áo khoác chống đạn của họ. Màu sắc thay đổi theo lệnh của chỉ huy; đầu tiên nó có màu xanh lá cây, sau đó là màu xanh lam, bây giờ là màu vàng.
Ngay cả máy tính bảng, điện thoại thông minh và máy tính xách tay cũng đã được triển khai như một phần của lực lượng phòng thủ dân sự kể từ những ngày đầu của cuộc chiến. Một số ứng dụng đưa ra cảnh báo về các cuộc không kích; thông báo cũng xuất hiện trên hầu hết các kênh Telegram địa phương.
Ukraine vẫn được truy cập internet rộng rãi, nhờ dịch vụ Starlink, do SpaceX của Elon Musk tạo ra và chi trả phần lớn. Nhưng sau khi tuyên bố vào đầu tháng 10 (trên Twitter mà ông chưa sở hữu) rằng Crimea phải là của Nga và số phận của các khu vực Ukraine nên được quyết định bởi “các cuộc bầu cử” mới, thì bản thân ông Musk cũng là một người không được hoan nghênh. Khuôn mặt của Musk đã được che đi trên các bảng quảng cáo xung quanh Odesa, nơi trước đây bày tỏ lòng biết ơn vì sự ủng hộ của ông ta.
Những người Ukraine muốn xác định vị trí tên lửa, máy bay không người lái, máy bay trực thăng hoặc máy bay và cung cấp tọa độ của nó cho lực lượng phòng không có thể làm như vậy với ứng dụng ePPO, dựa trên nguyên tắc giống như các ứng dụng đã thông báo cho mọi người về việc tiếp xúc với Covid. Khi phát hiện một mối đe dọa trên không, chẳng hạn như máy bay không người lái kamikaze Shahed-136 do Iran sản xuất có biệt danh — vì tiếng ồn mà nó tạo ra — là “xe tay ga bay”, người dùng chọn trên ứng dụng loại đối tượng, hướng điện thoại thông minh theo hướng chuyển động của nó và nhấn một nút để tải lên tọa độ GPS của họ. Lực lượng phòng không Ukraine sẽ đối chiếu, cập nhật dữ liệu và có thể theo dõi mục tiêu để tiêu diệt chúng.
Việc cài đặt ứng dụng bị hạn chế đối với công dân Ukraine, do đó người Nga và những kẻ khác không thể lạm dụng nó. Nhưng người Nga chủ yếu phóng máy bay không người lái vào ban đêm, vì vậy tiện ích của ứng dụng này bị hạn chế. Sau đó, một trong những người tạo ra nó đã nảy ra ý tưởng chiếu sáng bầu trời bằng những ánh sáng mạnh thường được sử dụng cho các buổi hòa nhạc rock. 24 trong số những chiếc đèn sân khấu đó đang được sử dụng ở Odesa, sẵn sàng bật ngay khi có tiếng vo ve từ xa. Vào đầu tháng 11, lần đầu tiên đã xảy ra: Một máy bay không người lái bị phá hủy từ trên không, nhờ thông tin được công cụ do dân sự vận hành này cung cấp.
Ukraine có nhiều chuyên gia IT tài năng làm việc để hack hoặc chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc tấn công mạng của Nga và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Ukraine vẫn vững mạnh bất chấp các cuộc tấn công mạng không ngừng của Nga. Nhiều công nhân IT trở về từ công việc ở nước ngoài khi chiến tranh bắt đầu; một số người hiện không thể trở về đã tình nguyện làm việc từ xa. Trong khi đó ở vùng đất của kẻ xâm lược, các “IT-shniki” người Nga chia sẻ trên mạng các hướng dẫn về cách tránh tổng động viên và cách trốn thoát khỏi nước Nga. Bất kể tuyên truyền của Kremlin nói gì, đây là một bằng chứng nữa cho thấy Ukraine và Nga là hai quốc gia rất khác nhau.
Tháng 9 năm ngoái, khi quân Nga ngày càng tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đã viết trên tài khoản Telegram của mình về sự khác biệt này giữa hai quốc gia và nhấn mạnh rằng người dân của ông không bao giờ được đầu hàng kẻ xâm lược, thậm chí không được đổi lấy quyền tiếp cận khí đốt, điện, nước hoặc thức ăn.
Nói chuyện với người Nga, ông hỏi: “Các bạn vẫn tin rằng chúng ta là một dân tộc chứ? Bạn vẫn nghĩ rằng bạn có thể khiến chúng tôi sợ hãi, nghiền nát và khuất phục sao? Bạn thực sự không hiểu gì à? Bạn không nhận ra chúng tôi là ai ư? Những gì chúng ta đại diện cho là gì? Chúng ta là gì? Hãy đọc môi tôi: Không có xăng hay không có bạn? Không có bạn. Không có ánh sáng hay không có bạn? Không có bạn. Không có nước hay không có bạn? Không có bạn. Không có thức ăn hay không có bạn? Không có bạn“.
Đối mặt với địa ngục mà người Nga đang cố gắng áp đặt lên họ, người Ukraine đã thể hiện chính xác sự kiên cường mà ông Zelensky đã ám chỉ trong bài phát biểu đó. Với sự tháo vát và cống hiến của mình, các thường dân Ukraine đã kề vai sát cánh bên cạnh những “chàng trai và cô gái” mặc đồng phục của họ, như cách mà ông Zelensky gọi những người lính.
Chừng nào quân Nga còn ở trên đất của họ, người Ukraine sẽ kháng cự và đấu tranh để giành lại từng tấc đất Ukraine bị chiếm đóng. Họ sẽ làm như vậy với những vũ khí tinh vi do liên minh NATO cung cấp và với tất cả các loại thiết bị được chế tạo tại địa phương, bởi vì – như những dòng mở đầu của bài quốc ca Ukraine tuyên bố – “Vinh quang của Ukraine vẫn chưa bị diệt vong, cũng như ý chí“. Nhưng điều này không có nghĩa là băng ga rô, áo khoác chống đạn, bourzhuyki và kính tiềm vọng sẽ sớm bị lỗi thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét