Cuối năm Nhâm Dần nhìn lại… (Phần 4)
13-1-2023
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 và Phần 3
IV. Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine nhìn qua chính sách “ngoại giao cây tre” và “quốc phòng bốn không” của Việt Nam.
Năm qua Việt Nam (ít nhứt) ba lần bỏ phiếu trắng trước Đại Hội đồng LHQ về các vấn đề liên quan đến cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine.
Lần thứ nhứt vào ngày 1 tháng 3 năm 2022, nghị quyết Đại hội đồng LHQ lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, trong buổi họp khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ lần thứ 11. Lần thứ hai, ngày 24 tháng 3, nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về việc yêu cầu bảo vệ thường dân trong cuộc chiến. Lần thứ ba ngày 12 tháng 10 năm 2022, nghị quyết LHQ kêu gọi thế giới lên án chống việc Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào lãnh thổ Nga.
Đó là chưa kể đến lần Việt Nam bỏ phiếu chống lại đề nghị trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền của LHQ ngày 7 tháng 4.
Việt Nam không lên án Nga xâm lược Ukraine. Việt Nam không yêu cầu Nga tôn trọng sinh mạng của người dân trong chiến tranh. Việt Nam không chống Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine vào lãnh thổ nước Nga.
Đồng tiền có hai mặt: mặt phải và mặt trái. Việt Nam không chọn mặt nào nhưng thực ra Việt Nam đã chọn bên: Việt Nam chọn đứng bên ngoài cộng đồng các quốc gia văn minh.
Ta có thể giải thích ra sao về quyết định “đứng ngoài cộng đồng văn minh” của Việt Nam trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine?
Để ý sự lựa chọn của Trung Quốc.
Như Việt Nam, Trung Quốc cũng ba lần bỏ phiếu trắng, không chống cũng không ủng hộ Putin. Trung Quốc nói là họ “đứng bên lẽ phải của lịch sử trong cuộc khủng hoảng Ukraine”.
“Lẽ phải của lịch sử” đó là trong cuộc chiến này chỉ Trung Quốc là phía có lợi.
Nga thắng, có nghĩa là Mỹ “bỏ” Ukraine. Trung Quốc có lợi về địa chiến lược. Các quốc gia ASEAN và Đông Á, nhứt là Đài Loan, sẽ không còn “niềm tin chiến lược” đối với Mỹ nữa. Trung Quốc sẽ làm vua một cõi ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Nga thua, Trung Quốc càng có lợi vì Trung Quốc có thể áp đặt ý chí của mình về các vấn đề lãnh thổ, năng lượng, chuyển giao công nghệ… đối với Nga.
Trung Quốc còn có lý do khác để bỏ phiếu trắng.
Putin và Tập Cận Bình nhiều lần khẳng định hai bên Nga-Trung là một “liên minh không giới hạn lãnh vực”.
Trước chiến tranh quốc hội Nga ra luật về “hoạt động quân sự” bên ngoài lãnh thổ mà không tuyên bố chiến tranh. Luật này cho phép Putin xâm lược Ukraine dưới danh nghĩa “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Tháng 6 năm 2022, Trung Quốc công bố “đề cương hoạt động quân sự phi chiến tranh”. Trung Quốc rập khuôn Nga, công bố đề cương “hoạt động quân sự phi chiến tranh” ở ngoài lãnh thổ để làm gì?
Ta có thể liên tưởng Trung Quốc đang chuẩn bị mở những cuộc chiến, với danh nghĩa tương tự “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin, tại Đài Loan, Điếu Ngư và Biển Đông.
Trung Quốc bỏ phiếu trắng, không chống Nga, vì Trung Quốc có thể sẽ làm những thứ mà Nga đã làm.
Nhưng đối với Việt Nam, hành vi lựa chọn đứng ngoài cộng đồng văn minh nhân loại của Việt Nam, sẽ đem lại lợi lộc gì cho quốc gia, dân tộc?
Thái độ bỏ phiếu trắng của Việt Nam có nghĩa là Việt Nam không có ý kiến, thứ nhứt, ở vấn đề “dân tộc tự quyết” ở hai vùng Donetsk và Luhansk của Ukraine.
Thứ hai, Việt Nam không ý kiến về hành vi một quốc gia (Nga) sử dụng vũ lực xâm lược một quốc gia độc lập có chủ quyền (Ukraine).
Thứ ba, Việt Nam không có ý kiến về việc một quốc gia (Nga) sáp nhập một vùng lãnh thổ (Crimée, Donetsk, Luhansk…) của một quốc gia độc lập có chủ quyền (là Ukraine).
Nhắc lại vài chi tiết lịch sử: Đất nước Việt Nam chỉ mới thống nhứt từ năm 1975 đến nay. Từ 1954 đến 1975 ta có hai nước Việt Nam: VNDCCH và VNCH. Từ 1874 đến 1954, Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Hiệp ước Thiên tân 1885, Thanh triều “giao” Việt Nam cho Pháp. Tức Việt Nam đã từng là “thuộc quốc” của Trung Hoa. Điều cần nhấn mạnh, Nam kỳ là nhượng địa vĩnh viễn cho Pháp. Xa hơn nữa, nhưng chỉ vài trăm năm, ta cũng có hai nước Việt Nam thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Miền trung trước đó là nước Chiêm Thành. Đất miền Nam thuộc Chân Lạp. Lãnh thổ Việt Nam chỉ quanh quẩn ở châu thổ sông Hồng.
Việt Nam im lặng khi Nga ủng hộ nền độc lập của hai cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk. Việt Nam mặc nhiên nhìn nhận hiệu lực “quyền dân tộc tự quyết” cao hơn nguyên tắc “toàn vẹn lãnh thổ” trong nội bộ của một quốc gia độc lập có chủ quyền (Có nghĩa là biên giới bất khả xâm phạm và lãnh thổ bất khả phân chia). Trong khi luật pháp và tập quán quốc tế “im lặng” (không phân biệt cao thấp) về hai quyền này.
Việt Nam có thể bị hệ quả “gậy ông đập lưng ông”.
Hiệp định Paris 1973 điều 1 qui định nước Việt Nam độc lập có chủ quyền và thống nhứt ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhưng điều 9 lại qui định “dân tộc miền Nam giữ quyền dân tộc tự quyết”.
Quyền dân tộc tự quyết của một dân tộc không bị mất theo thời gian. Dân tộc đó còn hiện hữu thì quyền đó còn gắn liền với dân tộc đó. Dân miền Nam, một ngày nào đó, có thể vịn quyền “dân tộc tự quyết” để đòi độc lập, với lãnh thổ từ nam vĩ tuyến 17.
Dân “Nam kỳ” (thuộc Pháp cũ, tức miệt lục tỉnh), cũng có thể nại “quyền dân tộc tự quyết” để ly khai. Nam kỳ đã từng có tên là Nam kỳ quốc, có quốc ca, quốc kỳ… riêng biệt.
Việt Nam im lặng về hành vi một quốc gia sử dụng vũ lực xâm lược một quốc gia độc lập có chủ quyền. Việt Nam im lặng trước việc Putin nại cớ bảo vệ hai cộng hòa độc lập Luhansk và Donetsk để xua quân vào đánh Ukraine.
Một cường quốc nào đó, thí dụ Nam Mông cổ (?) hay Đông Thái Bình Dương (?), vì quyền lợi địa chính trị, có thể nại cớ bảo vệ “cộng hòa ly khai” ở miền Nam để đem quân vào Việt Nam. Điều này nếu xảy ra, các đại cường (Mỹ, Trung, Nga, Anh, Pháp…), những quốc gia “bảo kê” Hiệp định Paris 1973, có thể sẽ đứng về phía Cộng hòa Miền Nam. Ngay cả Đại hội đồng LHQ cũng vậy. Hồ sơ Hiệp định Paris 1973 vẫn còn lưu trữ tại cơ quan quốc tế này.
Ngay cả khi Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo Trường Sa của Việt Nam để để “thống nhứt đất nước”, Việt Nam cũng khó có thể mở miệng yêu cầu giúp đỡ từ LHQ hay từ các đại cường. Công hàm Phạm Văn Đồng 1958, Việt Nam nhìn nhận (mặc nhiên) chủ quyền của TQ ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Chuyện “Tứ sa” vì vậy trở thành chuyện “nội bộ” của Trung Quốc.
Các dân tộc Tây nguyên, Tây Bắc… đều có thể ly khai, đòi độc lập, như dân Crimée, Luhansk, Donetsk… một khi Việt Nam suy yếu.
Rõ ràng, hành vi bỏ phiếu trắng của CSVN không hề đem lại lợi ích nào cho Việt Nam. Ngược lại, đảng CSVN tạo những tiền lệ nguy hiểm không chỉ cho an ninh quốc gia mà còn đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ.
Tại sao Việt Nam lại có lựa chọn “nguy hiểm” như vậy?
Thứ nhứt, câu trả có thể rất đơn giản, là Việt Nam, một cách có ý thức, chỉ làm theo Trung Quốc. Trung quốc làm cái gì, Việt Nam làm cái nấy. Thời ông Hồ đã vậy, bây giờ càng hơn vậy, nhứt là sau khi Việt Nam “cầu hòa” với tư thế thất bại trước Trung Quốc năm 1991.
Thời ông Trọng, sự lệ thuộc càng thêm lộ liễu.
Thực tế cho thấy Việt Nam đã mất độc lập về ngoại giao, ở bất cứ sự kiện quốc tế nào có liên quan đến Trung Quốc. CSVN biện hộ việc này bằng cách nại ra “sách lược ngoại giao cây tre”.
Nói tới cây tre, ta liên tưởng đến tính mềm dẻo, chịu đựng được giông bão mà không gãy đổ như cổ thụ.
Công việc “ngoại giao” trong một “quốc gia bình thường” là những công việc chỉ có mục đích bảo vệ uy tín, cũng như quyền và lợi ích của quốc gia trước trường quốc tế. Tức là mọi sách lược ngoại giao của một quốc gia đều xuất phát từ lợi ích của quốc gia dân tộc.
Như trên đã viết, Việt Nam bị đe dọa an ninh quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ khi ba lần (theo TQ) bỏ phiếu trắng.
Sách lược quốc phòng “bốn không” của Việt Nam càng cho ta thấy Việt Nam đã mất độc lập về TQ như thế nào.
Nội dung chính sách quốc phòng bốn không của Việt Nam: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế“.
Nội dung 4 không về quốc phòng ta thấy CSVN đã từ bỏ chủ quyền về quốc phòng của Việt Nam.
Gia nhập liên minh quân sự để tự vệ là quyền chính đáng của mọi quốc gia. Quyền tự vệ (đơn phương hay đa phương) là chủ quyền của quốc gia và quyền này được ghi trong Hiến chương LHQ.
Một quốc gia cho phép một quốc gia đồng minh đặt căn cứ quân sự trên đất nước mình, với mục tiêu phòng thủ, là một lựa chọn chiến lược của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Nam Hàn, Nhật, Ý, Đức và nhiều quốc gia khác cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự trên đất nước của họ, vì lý do bảo vệ đất nước trước sự đe dọa của các đại cường khác.
Trên thế giới này chỉ có các quốc gia trung lập như Thụy sĩ, Phần lan, Áo… mới có chủ trương không liên minh quân sự và cũng không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của nước mình. Ngoài ra có Nhật, bị hạn chế quốc phòng (ở nhiều mặt như không được lập bộ quốc phòng, không được tham gia chiến tranh ở nước ngoài, ngân sách quốc phòng không quá 1% GDP…) vì Nhật là quốc gia bại trận, quốc phòng bị hạn chế do áp đặt của Mỹ và các quốc gia thắng trận (Thế chiến II). Nhưng Nhật vẫn giữ quyền liên minh quân sự với các quốc gia đồng minh khác. Bởi vì đó là một quyền chính đáng của một quốc gia độc lập.
Không tuyên bố “trung lập”, vậy tại sao Việt Nam từ bỏ chủ quyền về quốc phòng?
Tuyên bố trung lập, kiểu Phần Lan, Việt Nam có quyền nâng cao quan hệ của Mỹ (Anh, Pháp v.v..) lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện” để quân bình với TQ và Nga.
Câu trả lời, Việt Nam làm vậy vì TQ có lợi.
Thứ hai, theo ý kiến nhiều học giả quốc tế, Việt Nam bỏ phiếu trắng vì Việt Nam có truyền thống theo Nga. Chiến tranh 54-75 nhờ các viện trợ của Liên Xô (nay là Nga) và Trung Quốc mà quân miền Bắc thắng Mỹ và quân miền Nam.
Nếu đúng vậy thì CSVN vì “ơn nghĩa” với Nga mà bỏ phiếu như vậy.
Vấn đề là đối với nhân dân Việt Nam thì chưa chắc. Dân VNCH cũ càng không mấy ai “mang ơn” Nga và TQ.
Lý do khác, Việt Nam lệ thuộc vào nguồn vũ khí của Nga. Bắt buộc Việt Nam phải ủng hộ Nga để có sự liên tục trong nguồn cung cấp khí tài.
Vấn đề là Nga cũng là nguồn cung cấp vũ khí cho TQ. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc có chung đối thủ là Mỹ. Tức là TQ và Nga chia sẻ một quan ngại về chiến lược.
Một sự xung đột nếu có xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam, xác suất rất nhỏ để Nga ủng hộ Việt Nam.
Suy nghĩ cách nào thì việc “chọn bên” của Việt Nam cho thấy là Việt Nam chọ phe “thất bại”. Việc này chỉ đem lại thiệt hại cho quyền và lợi ích của quốc gia và dân tộc.
Vấn đề là Việt Nam đã từng đứng về phe “thất bại”.
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga hiện nay cho ta thấy viễn ảnh một “cuộc chiến tranh lạnh” mới sắp thành hình. Ngay cả khi Nga rút quân, không có gì cho thấy các biện pháp “trừng phạt” của Mỹ và EU lên Nga sẽ được dỡ bỏ. Cũng không có gì ngăn cản ta nghĩ đến việc Mỹ và đồng minh Tây Âu, cùng các quốc gia dân chủ tự do Đông Á… sẽ đặt một “bức màn sắt” mới, bao vây cả TQ, Nga và các xứ độc tài.
Cuộc “cách mạng dân chủ” kỳ này do Mỹ cầm đầu, được các quốc gia dân chủ tự do ủng hộ. Sẽ không có trận “sống mái” nào giữa bên dân chủ với bên độc tài. Huyết mạch kinh tế bị tắc nghẽn khiến Nga (và TQ) kiệt quệ và “quốc gia” Nga có nguy cơ “giải thể”.
Việt Nam sẽ ra sao nếu lần nữa đứng về “phe thua cuộc”?
Đứng về phe thua cuộc trong chiến tranh lạnh, Việt Nam mất thời gian 50 năm, đất nước trở thành bãi chiến trường với khoảng 4 triệu dân Việt Nam chết thảm. Đất nước bị bom đạn tàn phá. Lòng người dân sau ½ thế kỷ vẫn còn bất an.
Trung Quốc sớm thức thời, từ 1979 đã bắt tay với Mỹ, nhờ vào tư bản và khoa học kỹ thuật của Mỹ để phát triển đất nước. Việt Nam đến bây giờ vẫn còn quan niệm xem Mỹ là “kẻ thù chiến lược” và thành phần người Việt di tản ra nước ngoài năm 1975 là “kẻ thù tiềm tàng”.
Việt Nam không hề có cái gọi là “ngoại giao cây tre” mà chỉ có “ngoại giao tầm gởi”.
Tiếp tục chính sách ngoại giao tầm gởi, nếu lần nữa nếu đứng về phe thất bại, quốc gia Việt Nam có nguy cơ phân hủy (thành nhiều nước).
Việt Nam cần phải có một sách lược đối ngoại khôn ngoan, có bên tả, bên hữu, bên trung dung để bảo vệ đất nước hữu hiệu và việc phát triển được bền vững.
Bài học từ nước láng giềng Thái Lan, thời Thế chiến thứ II. Nước này ký hiệp ước liên minh với Nhật từ năm 1934, đứng trong khối Đại Đông á. Đến các năm 1943, 1944… nhận thấy Nhật sẽ thua trong chiến tranh, vị thủ tướng thân Nhật từ chức để một thủ tướng thân Mỹ lên nắm chính phủ. Rốt cục trong Thế chiến thứ II Thái Lan đứng về “phe chiến thắng”.
Ngay cả nước Ý, vốn là đồng minh với Nhật trong phe Trục (Đức-Nhật-Ý), những ngày cuối chiến tranh cũng “tuyên bố chiến tranh” với Nhật để được đứng về phe “chiến thắng”. Họ làm vậy vì không muốn bị “xử” như Nhật và Đức. Hai nước Đức và Nhật phải bồi thường chiến tranh và lãnh thổ bị mất cho các quốc gia khác. Chủ quyền hai quốc gia này cũng bị hạn chế do sự áp đặt của phe chiến thắng.
Ông Trọng nhiều lần nói rằng, mục tiêu duy nhứt của đảng là phụng sự cho lợi ích của đất nước và dân tộc. Nếu thật sự ông Trọng có niềm tin như vậy thì ông Trọng phải phế bỏ chính sách “ngoại giao cây tre” mà thực chất là ngoại giao tầm gởi, chỉ có hại cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Thay vào đó, một cuộc cải tổ chính trị vĩ đại và toàn diện. Áp dụng thể chế chính trị tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Từ đó môi trường chính trị của Việt Nam mới có đủ các thành phần tả, hữu, trung dung. Có như vậy Việt Nam mới có thể “trở tay” kịp thời, và đúng lúc, để “đứng về phe chiến thắng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét