Không minh bạch thì cuối cùng chính nhà nước độc tài cũng sẽ bị thiệt hại
12-1-2023
Các chế độ độc tài trong đó có Việt Nam, thường sử dụng biện pháp bưng bít, giấu nhẹm mọi thông tin bất lợi cho chế độ, đối với những sai lầm lớn trong chủ trương chính sách, những tội ác tày đình của một nhóm người hay một cá nhân họ che giấu đã đành, nhưng họ cũng che giấu cả những chuyện có khi không thật sự gây hại lắm nếu bị lộ ra. Chẳng qua do thói quen đã ăn sâu vào tư duy, cách hành xử của chính quyền rằng dân chỉ được phép nghe, biết những gì mà họ cho phép biết, ngoài ra không được quyền đòi hỏi, thắc mắc gì cả.
Nhưng từ khi có internet thì các chế độ độc tài đứng trước những thử thách lớn: Không thể nào giấu nhẹm mọi thứ, và rất nhiều vụ việc trong khi báo chí chính thức đành “thúc thủ” tuân theo “luật im lặng”, hoặc chỉ được phép đưa tin theo nguồn của công an, của chính quyền, thì báo chí ở bên ngoài cho tới mạng xã hội, kênh Youtube cá nhân đã đưa tin rất nhanh chóng, rất chi tiết rồi. Mặc dù vậy nhà cầm quyền vẫn tiếp tục cách ứng xử cũ là bưng bít và tìm cách lý giải theo hướng khác (bất chấp có logic hay không), tìm cách bịt miệng nạn nhân, để cho sự việc “chìm xuồng” hoặc xử lý không thỏa đáng.
Nhưng nhà cầm quyền không hiểu rằng cách giải quyết như vậy giữa thời đại internet này thực sự ra không có lợi cho chính họ. Khi không có thông tin chính thức hoặc khi thông tin chính thức không đầy đủ, không thỏa đáng, thì người dân sẽ tự đi tìm hiểu từ những nguồn thông tin bên ngoài. Và đây sẽ là cơ hội cho mọi nhà báo – tử tế lẫn không tử tế, chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp – khai thác, trong đó không loại trừ đủ thứ thuyết âm mưu, đủ thứ tin giựt gân từ những người chỉ muốn câu views. Và nó sẽ càng làm người dân mất lòng tin vào chính quyền, vào luật pháp, còn sự xử lý không thỏa đáng thì chỉ khiến cho sự phẫn nộ trong lòng người dân bị dồn nén, cho đến một ngày nào đó sẽ bùng lên.
Một nhà cầm quyền khôn ngoan sẽ lựa chọn chẳng thà minh bạch, giải quyết thỏa đáng những sai phạm, tội ác ở mức độ nhỏ để tránh những đổ vỡ lớn hơn cho chế độ.
Còn mạng xã hội, bên cạnh những cái lợi trong đó quan trọng nhất là đã mở rộng chân trời, cung cấp kiến thức, thông tin đa chiều cho con người – nhất là người dân sống tại các quốc gia độc tài, thì nó cũng có rất nhiều cái hại mà nhiều nhà xã hội học, tâm lý học trên thế giới đã chỉ ra từ lâu. Đó là bao nhiêu tin giả, tin rác, thuyết âm mưu lan tràn, và con người thì dễ bị dẫn dắt, bị rối trí.
Ngay tại các cường quốc dân chủ hàng đầu, nạn tin giả, thuyết âm mưu cũng lan tràn không tránh khỏi, nhưng các chế độ dân chủ có hệ thống báo chí độc lập luôn đưa tin kịp thời, đầy đủ, sẵn sàng moi móc mọi sai lầm của chính phủ nên người dân cũng không cần phải đọc thêm trên mạng hay các kênh cá nhân nhiều như ở VN.
Đối với mỗi người dân Việt Nam, bây giờ họ không chỉ phải “đọc giữa hai hàng chữ” từ những thông tin chính thức của báo chí nhà nước để tìm hiểu những gì nhà nước che giấu, mà họ còn phải giữ cái đầu bình tĩnh, lựa chọn giữa muôn vàn tin bên ngoài, cái nào nên tin, cái nào không, càng khó khăn gấp bội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét