‘Nạn nhân vẫn còn sợ hãi’: Ukraine phát hiện quân đội Nga phạm các tội ác tình dục với người dân
Cù Tuấn, dịch
7-1-2023
Tóm tắt: Các quan chức Nga đã phủ nhận các hành vi lạm dụng đối với dân thường mặc dù có nhiều bằng chứng về bạo lực tình dục của quân đội Nga do các nhà điều tra Ukraine và quốc tế ghi lại.
KHERSON, Ukraine – Vào ngày thứ tám hoặc thứ chín bị giam giữ ở Nga, Olha, một phụ nữ Ukraine 26 tuổi, bị trói vào bàn, cởi trần đến thắt lưng. Trong 15 phút, người thẩm vấn cô dùng những lời tục tĩu với cô, sau đó ném áo khoác lên người cô và để bảy người đàn ông khác vào phòng.
“Họ muốn dọa làm tôi sợ”, cô nhớ lại. “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.”
Ngồi trong căn bếp chật chội của Olha nhiều tuần sau đó ở Kherson, miền nam Ukraine, Anna Sosonska, một điều tra viên của văn phòng tổng công tố, lắng nghe cô kể lại thử thách – ép cô khỏa thân cưỡng bức mà, theo các công tố viên, đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy quân Nga đã lạm dụng tình dục làm vũ khí chiến tranh ở những nơi họ từng chiếm đóng.
Cô Sosonska, 33 tuổi, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy vấn đề bạo lực tình dục này ở mọi nơi mà Nga chiếm đóng. “Mọi nơi: tại vùng Kyiv, vùng Chernihiv, vùng Kharkiv, vùng Donetsk và cả ở đây, vùng Kherson.”
Sau nhiều tháng trì hoãn do thủ tục và chính trị, các quan chức Ukraine đang tăng tốc trong việc lập hồ sơ các tội phạm tình dục, vốn khá phổ biến và tàn nhẫn trong thời chiến nhưng thường bị che giấu dưới nhiều tầng của sự xấu hổ, kỳ thị và sợ hãi.
Sosonska cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy tất cả các loại trường hợp tội ác chiến tranh: cưỡng hiếp, cưỡng bức khỏa thân, tra tấn tình dục” đối với đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Cô nói thêm rằng một có mô hình bài bản cho các tội ác. “Bây giờ chúng ta thấy có một loạt các tội ác chiến tranh do binh lính Nga và các chỉ huy Nga thực hiện.”
Các quan chức Nga đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền, bất chấp các bằng chứng và tài khoản được các nhà điều tra Ukraine và quốc tế thu thập được. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, gần đây đã bác bỏ một báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc là những lời khai không có căn cứ và không gì khác hơn là các “tin đồn và chuyện ngồi lê đôi mách”.
Sau khi điều tra một số khu vực mà quân Nga đã rút lui, một ủy ban quốc tế độc lập đã báo cáo với Liên Hợp Quốc vào tháng 10 rằng “một loạt các tội ác chiến tranh đã gây ra ở Ukraine” bao gồm các trường hợp bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Báo cáo cho biết các nạn nhân có độ tuổi từ một bé gái 4 tuổi đến bà già 80 tuổi đã bị buộc phải thực hiện quan hệ tình dục bằng miệng cho một người lính, đó là hành vi cưỡng hiếp. Báo cáo này nêu chi tiết hơn chục trường hợp liên quan đến cưỡng hiếp tập thể, các thành viên gia đình buộc phải chứng kiến người thân bị tấn công tình dục, và bạo lực tình dục đối với những người bị giam giữ.
Iryna Didenko, người đứng đầu bộ phận công tố điều tra những tội ác như vậy, đã ghi nhận 154 vụ bạo lực tình dục trong cuộc chiến. Con số thực, bà nói, còn “nhiều, nhiều hơn nữa.”
Tại một ngôi làng trước đây bị chiếm đóng ở vùng Kyiv, các nhà tâm lý học nhận thấy cứ chín phụ nữ thì có một người từng bị bạo lực tình dục, cô nói. Bà Didenko cho biết thêm, hàng trăm người đã bị bạo hành và tra tấn tình dục khi bị giam giữ ở Nga.
Các chấn thương tâm lý rất tàn nhẫn và gây ức chế. Viktoriya, một phụ nữ 42 tuổi ở vùng Kyiv, run rẩy khi mô tả hồi đầu tháng 3, binh lính Nga đã bắn chết người hàng xóm của bà và sau đó lôi bà cùng vợ của người hàng xóm đi cưỡng hiếp.
Viktoriya nói: “Nỗi sợ hãi vẫn còn đó. Đôi khi mất điện, tôi vô cùng sợ hãi và tôi lo ngại bọn họ có thể quay lại.”
Viktoriya là một trong số ít những người sống sót sau khi bị bạo lực tình dục sẵn sàng kể lại một cách công khai. Bà yêu cầu không nhắc đến họ của mình và không chụp ảnh khuôn mặt của bà, cũng như một số phụ nữ khác, vì sợ bị quân Nga trả thù.
Nhưng sự kỳ thị và phán xét của hàng xóm và người quen cũng là một nỗi đau dai dẳng.
“Họ bàn tán về tôi, và tôi hầu như chỉ ở trong nhà”, bà nói.
Người hàng xóm của Viktoriya, Nataliia, người cũng bị cưỡng hiếp và chồng bị giết, đã đau buồn đến nỗi phải đi tỵ nạn ở nước ngoài. Bà Didenko cho biết cậu con trai 15 tuổi của Nataliia đã tự sát trong vài tuần sau vụ tấn công.
Là một nhà tâm lý học và luật sư, bà Didenko đã đến gặp Nataliia khi cô đến thăm ngôi làng của họ sau khi quân đội Nga rút đi. Bà nói, vào thời kỳ trước chiến tranh, bà phụ trách xử lý các tội phạm bạo lực gia đình và cô biết rõ những khó khăn mà phụ nữ gặp phải khi báo cáo tội ác tình dục.
Phần lớn các khó khăn này liên quan đến sự kỳ thị về việc hiếp dâm trong một xã hội tôn giáo bảo thủ, nhưng cũng có sự ngờ vực sâu sắc đối với chính quyền trong một hệ thống hậu Xô viết, vốn hiếm khi tập trung vào nhu cầu của nạn nhân và thay vào đó thường đổ lỗi cho họ.
Bà Didenko nói: “Từ kinh nghiệm của chúng tôi với bạo lực gia đình, chúng tôi nhận ra rằng nạn nhân hầu như không muốn nói về nó”. Bà nói, điều đó thậm chí còn khó khăn hơn trong một cuộc chiến khi họ có thể bị buộc tội là có quan hệ gần gũi với kẻ thù.
“Sẽ không có ai chạy đến kể chuyện họ đã bị lạm dụng tình dục cho chúng tôi”, bà nói. “Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định rằng chúng tôi phải đến gặp họ.”
Các nhà hoạt động cho biết nhu cầu giúp đỡ những người sống sót sau bạo lực tình dục ở Ukraine là rất lớn. Một số nơi trú ẩn quy mô toàn quốc dành cho phụ nữ đã bắt đầu tiếp nhận các nạn nhân chiến tranh. Các tổ chức viện trợ như Women for Women International và Andreev Foundation bắt đầu cung cấp các phòng khám phụ khoa di động và các buổi tư vấn.
Trong số hơn 800 phụ nữ và trẻ em gái mà tổ chức đã tư vấn kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, 22 người thừa nhận đã trải qua bạo lực tình dục trong chiến tranh. Tám người trong số này dưới 18 tuổi.
Anna Orel, một trợ lý giám đốc dự án tại quỹ cho biết, một số người sống sót đã bày tỏ ý định tự tử. “Một cô gái nói rằng cô ấy muốn tự rạch da của mình”, cô nói. “Cô gái này không thể chịu được mùi nước hoa đàn ông.”
Những người khác trở nên sợ hãi quân phục, kể cả của lính Ukraine, và kinh sợ đàn ông nói chung.
“Nhiều người trong số họ không muốn tiếp tục sống,” cô Orel nói. “Việc một người có chuyên môn tâm lý nào đó giữ họ lại và cùng họ vượt qua khủng hoảng này là rất, rất quan trọng.”
Các quan chức cho biết, từ lời kể của những người đã đứng ra tố cáo, có bằng chứng cho thấy các chỉ huy Nga đã biết hoặc thậm chí khuyến khích việc cưỡng hiếp. Wayne Jordash, một luật sư người Anh cố vấn cho các công tố viên Ukraine, cho biết ông đã nhận thấy dấu hiệu đồng ý của các chỉ huy Nga trong số 30 trường hợp mà ông đã xem xét.
Bà Didenko cho biết có một mô hình hành động rõ ràng khi quân đội Nga chiếm giữ một khu vực: “Lực lượng bộ binh đến và các vụ cưỡng hiếp bắt đầu vào ngày thứ hai hoặc thứ ba sau đó.”
Các nhân chứng cho biết các chỉ huy đã ra lệnh hãm hiếp hoặc đưa ra chỉ thị gợi ý rằng họ bỏ qua việc đó, chẳng hạn như bảo các binh sĩ “hãy thư giãn chút đi”.
Trong một trường hợp mà bà Didenko mô tả, một chỉ huy nói với người lính dưới quyền mình, “OK, tới đi” khi anh ta đợi bên ngoài một ngôi nhà. Người ta nghe thấy một người lính nói: “Chúng tôi sẽ đánh cô ta,” khi nói về một phụ nữ và “Người này chúng tôi sẽ hãm hiếp”.
Trong một trường hợp khác, tám binh sĩ Nga đã hãm hiếp và hành hung một người đàn ông mà bị chặn lại tại một trạm kiểm soát.
“Đây không phải là những trường hợp đơn lẻ”, bà Didenko nói.
Bà nói, thậm chí còn có một mô hình rõ ràng hơn về lạm dụng tình dục có tổ chức trong các cơ sở giam giữ do quân đội, cảnh sát và lực lượng an ninh Nga điều hành.
Các nhà điều tra đã tìm thấy ít nhất bốn cơ sở giam giữ lớn ở Thành phố Kherson, với bằng chứng đồ họa về sự tra tấn có hệ thống dưới thời Nga chiếm đóng.
Trong tầng hầm của một trung tâm thương mại, những người bị giam giữ ngủ trên những miếng bìa cứng trong bóng tối hoàn toàn và họ đã khắc những con số đếm ngày và thông điệp lên tường. Một thông điệp là “Chúa ơi, hãy ban cho con sức mạnh.”
Yaroslav Manko, 30 tuổi, công tố viên trong vùng cho biết: “Đây là phòng tra tấn. Cảnh sát tìm thấy một dùi cui cao su, còng tay bằng kim loại và một vỉ nướng điện mà ông Manko cho biết được dùng để đốt ngón tay của những người bị giam giữ. Họ cũng tìm thấy một danh sách có tên các sĩ quan Nga từng làm việc ở đó.”
Các công tố viên và quan chức thành phố cho biết đã có nhiều vụ lạm dụng tình dục trong các trung tâm giam giữ, bao gồm hãm hiếp bằng dùi cui và dùng điện giật bộ phận sinh dục.
Olha, người phụ nữ Kherson, nói rằng trong hơn 14 ngày bị giam giữ vào mùa thu, cô đã bị đe dọa cưỡng hiếp, và cô bị đấm đá vào đầu và ngực, làm gãy một chiếc xương sườn. Cô cho biết, những người Nga đã kẹp vào chân, tay và dái tai của cô để truyền điện qua cơ thể cô, đồng thời dìm cô xuống nước để khiến những cú sốc điện trở nên tồi tệ hơn.
Những người thẩm vấn cô biết rằng cô đã làm việc với các tình nguyện viên mang hàng viện trợ từ lãnh thổ do Ukraine kiểm soát tới dân thường ở Kherson. Họ yêu cầu cô quay một video tuyên truyền và phân phát đồ tiếp tế dưới danh nghĩa Nước Nga Thống nhất, đảng chính trị cầm quyền của Tổng thống Vladimir V. Putin.
Một nhà hoạt động khác, Andriy, 35 tuổi, đã bị giam giữ trong năm ngày vào tháng Tám. Những người Nga chiếm đóng cáo buộc Andriy giúp đỡ quân kháng chiến ngầm và yêu cầu anh ta từ bỏ bạn bè và người quen của mình.
“Họ sốc điện bạn, sau đó bạn được nghỉ ngơi”, anh nói. “Khi bạn hồi phục, họ đánh bạn bằng dùi cui hoặc nắm đấm.” Andriy cho biết vết bầm trên lưng anh có hình chữ Z, biểu tượng của các chiến binh Nga ở Ukraine. Điện giật vào dái tai khiến anh bất tỉnh. Những cú sốc vào bộ phận sinh dục của anh vẫn còn gây ra đau đớn bốn tháng sau đó.
Sự giống nhau của các bằng chứng và các câu chuyện được kể lại ở khắp các thành phố, mô tả các phương pháp tra tấn, thẩm vấn và các sĩ quan từ cơ quan tình báo chính của Nga, FSB, đã thuyết phục các công tố viên Ukraine rằng các vụ lạm dụng có thể bắt nguồn từ giới lãnh đạo Nga.
Bà Didenko nói: “Không thể có việc một người lính làm điều này mà không có lệnh. Bà nói: “FSB tỏ ra khá hiệu quả, họ biết phải làm gì, họ tra tấn mọi người ở bộ phận sinh dục. “Đó chắc chắn là một hệ thống.”
Nhiều người Ukraine và những người ủng hộ họ nói rằng họ tin rằng Nga muốn đè bẹp tinh thần phản kháng của Ukraine và phá hủy xã hội của nước này.
“Đó là một phần của tội ác diệt chủng”, bà Didenko nói, “nhưng để chứng minh điều đó, chúng tôi cần thời gian.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét