Xét xử đồng loại
6-5-2020
Lần đầu tiên trong lịch sử xét xử của nước Việt Nam, ông Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình, chủ tọa một phiên tòa đỉnh cao, xét xử đồng loại, nhân danh đồng loại, quyết định mạng sống đồng loại là con người Hồ Duy Hải.
Trong thế giới của muôn loài thì chỉ có loài người là có cơ chế xét xử đồng loại, nghĩa là, nhân danh đồng loại, ra quyết định tước tự do hoặc mạng sống của đồng loại.
Đối với loài vật thì hành xử theo luật rừng, luật biển. Khi có mâu thuẫn thì cứ xô vào cấu xé nhau, giành đực cái, giành thức ăn, mạnh được – yếu thua, có khi tước mạng sống của nhau.
Con người thì khác. Con người có cơ chế xét xử đồng loại. Cho nên, nghề thẩm phán là nghề thiêng liêng, liên quan đến tự do, mạng sống con người. Từ cơ chế xét xử thô sơ, mông muội xa xưa của các tộc trưởng, tù trường, của các vua quan phong kiến; loài người đã tiến xa, đi đến tổ chức ra một hệ thống xét xử văn minh bằng một hội đồng – bồi thẩm đoàn độc lập, xét xử hai cấp hoặc 3 cấp, để khâu sau kiểm tra khâu trước, trên tinh thần khách quan, toàn diện và đầy đủ, để sao cho, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Trong đó, không tước đi mạng sống người vô tội là chân lý mang tính tuyệt đối của mọi nền tư pháp văn minh.
Bởi vậy, ở các nước văn minh, các thẩm phán được chọn lựa rất kỹ và được bảo vệ rất nghiêm ngặt để họ độc lập, khách quan vô tư khi làm nhiệm vụ. Người ta có thể tranh cãi nảy lửa khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì mọi người tin rằng đó là chân lý. Cưỡng chế thi hành án, có thể tước đi tài sản, tự do hoặc tính mạng của con người nhưng không gây oán thù cá nhân vì đó là chân lý, là ý chí của luật pháp.
Các thẩm phán của nước Anh đều do Nữ Hoàng Anh bổ nhiệm và được hưởng qui chế rất đặc biệt. Gần 200 năm qua, nước Anh chưa một lần bãi nhiệm thẩm phán vì lý do nghiệp vụ pháp luật hoặc nhận hối lộ để làm lệch cán cân công lý.
Singapore thì nghiệm ngặt, không để những phụ nữ đang mang thai tham gia xét xử những vụ án có khung hình phạt tử hình vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Người phụ nữ đang mang thai thường có xu hướng làm phúc cho con, rất ngại tuyên những bản án nghiêm khắc.
Những người theo đạo Phật thì trước khi xử án đại hình sẽ tìm hiểu rất kỹ vụ án, sẽ ăn chay niệm Phật cầu nguyện cho mình được sáng suốt, sao cho, không làm oan người vô tội.
Còn những người thật sự tin Chúa thì đọc rất kỹ bản án, hỏi han những chỗ còn chưa rõ, cầu Chúa cho mình được sáng suốt – thiện lành để không giết người vô tội. Đêm trước ngày mở phiên tòa, họ tắm gội sạch sẽ, cầu nguyện đấng tối cao ban cho họ sáng suốt và thiện lành để không làm oan người vô tội. Đối với họ, giết người vô tội là quá khủng khiếp.
Trong lúc thi hành công vụ, dù đã tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì họ vẫn day dứt khi phải tước đi mạng sống con người. Nhiều người đã không ăn nổi bữa vì đã từng tham gia vào các khâu tuyên án, thi hành án tử hình. Đó là lý do lớn nhất mà thế giới văn minh yêu cầu Việt Nam phải bỏ án tử hình.
Nhưng nền tư pháp của chúng ta thì khác. Mấy chục năm nay, các thẩm phán của ta theo chủ nghĩa vô thần, xét xử tùy tiện. Nói khách quan vô tư “không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội“, nhưng sai sót thì không kể xiết. Có những vụ án kéo dài hàng chục năm, phải xét xử đến hơn 11 lần mà vẫn sai.
Không ít người vô tội phải ở tù. Thậm chí, người vô tội, có bằng chứng ngoại phạm, vẫn bị kết án giết người nhưng không thể minh oan, cho đến khi, người bị giết đã không chết, trở về hoặc kẻ thủ ác bỗng dưng khai ra sự thật.
Một số vụ án đại hình, họ không những không đọc kỹ, mà sau khi xử họ cũng không quan tâm đến số phận con người. Có một thẩm phán mà tôi có quen biết, sau khi tuyên án tử hình, ra quán ngồi uống bia với tôi, nói rằng “em mới tuyên chặt 2 cái đầu” – nghĩa là, anh ta đã tuyên hai bản án tử hình. Tôi nghe mà đắng họng.
Và tôi cũng đã chứng kiến không ít thẩm phán nữ, sau khi tuyên án đại hình nghiêm khắc, họ đánh phấn thoa son, mang giỏ đi chợ như không có chuyện gì vừa xảy ra. Họ không trăn trở, không buồn cho thân phận con người.
Mạng sống của đồng loại đã bị coi thường như thế thì tự do và tài sản là cái thá gì?
Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập với thế giới văn minh Âu – Mỹ đã gần 30 năm mà hệ thống xét xử của chúng ta vẫn như ngày xưa. Sợ thật!
Hy vọng rằng tình trạng này sẽ sớm chấm dứt trên đất nước Việt Nam yêu dấu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét