Dịch Covid-19 và hai quốc gia, một chế độ
Jackhammer Nguyễn
28-5-2020
Hai quốc gia một chế độ
Nếu Trung Hoa lục địa và Hồng Kông là “một quốc gia hai chế độ”, thì Việt Nam và Trung Quốc lại là “một chế độ hai quốc gia”. Và cả hai đang được dịch Covid-19 củng cố sức mạnh của mình.
Sau khi kiểm soát được dịch viêm phổi Vũ Hán, Bắc Kinh chuẩn bị tung ra một bộ luật an ninh áp đặt lên Hồng Kông, mà những người yêu dân chủ Hồng Kông cho rằng, bộ luật này sẽ chấm dứt sự tồn tại của đặc khu hành chính này.
Tại phía Nam, người anh em cùng ý thức hệ là Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng nhân đại dịch, bắt các nhà hoạt động xã hội ôn hòa: Trần Đức Thạch, Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy.
Các nhà quan sát thời cuộc dễ nhận ra sự tương đồng trong hành động của “hai đất nước, một chế độ” này. Dịch Covid-19 đã cho họ cơ hội ngàn vàng để củng cố sức mạnh toàn trị của mình.
Việc Hà Nội và Bắc Kinh kiểm soát được dịch bệnh có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một nguyên nhân mà tất cả các nhà phân tích đều đồng ý là, cả hai đều huy động được một hệ thống xã hội toàn trị vào việc chống dịch (trừ bà Phương Nga của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời BBC rằng, chế độ không phải là nguyên nhân giúp Việt Nam chống dịch thành công).
Dù nguyên nhân là thế nào đi nữa, cái kết quả mà họ đạt được đã nâng cao uy tín của đảng cầm quyền, nhất là tại Việt Nam (còn ở Trung Quốc, việc giấu diếm dịch lúc đầu vẫn để lại tì vết không phai trong dư luận trong và ngoài Hoa Lục). Kết quả này làm cho người dân đặt các mục tiêu khác như dân chủ, dân sinh, chống tham nhũng,… trong cuộc sống của mình xuống hàng thứ yếu. Cả hai Đảng Cộng sản thừa gió bẻ măng, và chắc chắn sẽ không gặp nhiều trở ngại.
Để giải quyết dứt điểm cái xương gà “một đất nước, hai chế độ”, trở thành “một đất nước, một chế độ” sớm hơn vài chục năm, Bắc Kinh bèn ra luật an ninh. Theo thỏa thuận giữa Luân Đôn và Bắc Kinh, cho đến năm 2047, Hồng Kông vẫn có những quyền tự do riêng, khác với Hoa lục.
Nhưng cuộc khủng hoảng luật pháp, và có thể là kinh tế nữa, đã đưa hàng triệu người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình hồi năm 2019. Điều này làm cho Bắc Kinh rất lo ngại và bây giờ Covid-19 là cơ hội vàng. Người dân Hồng Kông chưa kịp hoàn hồn trước đại dịch truyền nhiễm từ người anh em Hoa lục, liên tục bị áp lệnh cấm tụ tập, bị tước hội đồng lập pháp, và đang lo lắng những quyền tự do cuối cùng biến mất.
***
Ở Việt Nam, các ông Trần Đức Thạch, Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy đều là những người trưởng thành trong lòng chế độ cộng sản và đều bác bỏ nó. Họ là những người đấu tranh ôn hòa, “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”, họ không phải là những nhà tổ chức đám đông đường phố. Nhưng bài viết, sách vở của họ, với sự giúp đỡ của không gian mạng, đã làm đau đầu Hà Nội trong chục năm qua. Việc tống giam họ vào đúng thời điểm đại dịch đang diễn ra, là điều mà nhiều người Việt … không quan tâm vì họ đang có mối bận tâm khác, lớn hơn.
Nếu Hồng Kông, kinh đô tài chính của Á châu còn có thể thu hút được sự lo ngại của thế giới, thì những người đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam vừa bị bắt, lọt thỏm trong hàng núi tin tức xám xịt về đại dịch mà hàng tỷ người trên thế giới lo âu hàng ngày, hàng giờ.
Nhưng lại đồng sàng dị mộng
Ông James Griffiths, một nhà phân tích của hãng tin CNN, Hoa Kỳ, viết về những leo thang mới đây của Trung Quốc: “Khi một tay chơi bắt đầu quậy phá, chưa chắc vì hắn ta đang mạnh mà là vì đối thủ của hắn ta đang yếu”.
Điều này đúng đối với cả hai tay chơi Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc ‘thừa gió’ Covid để bẻ măng ‘dân chủ’ đang diễn ra. Nhưng phạm vi của những cuộc quậy phá này khác nhau.
Với Cộng sản Việt Nam thì mục tiêu rất khiêm tốn, họ chỉ muốn duy trì sự độc đảng, loại bỏ các tiếng nói đối lập. Và như đã phân tích ở trên, dân chúng Việt Nam đang thờ ơ, trong khi các chính phủ dân chủ phương Tây thường xuyên lên tiếng bênh vực người bất đồng chính kiến cũng không còn hơi sức đâu mà lên tiếng.
Với Bắc Kinh thì đó là đấu trường thế giới. Những đối thủ của họ đang ngập đầu trong đại dịch. Tây Âu vốn cũng đã yếu đi với sự chia rẽ nội bộ sau cuộc “ly dị” với nước Anh, những bất đồng về quota di dân, về giải nợ Hy Lạp,… Hoa Kỳ thì đang ở mức tệ hại nhất từ một trăm năm qua, dưới sự điều hành quốc gia một cách dốt nát của một Tổng thống dân túy bất tài Donald Trump, khi có 100 ngàn người Mỹ thiệt mạng do virus, cả hệ thống kinh tế tê liệt, mà không khéo là cả sức mạnh quân sự nữa (tàu sân bay hạt nhân Theodore Roosevelt đã có hơn 1000 người nhiễm virus, trong đó có một người chết).
Và chính cái đấu trường thế giới này là nơi “hai người anh em thù hận”, Hà Nội Bắc Kinh va vào nhau, đồng sàng dị mộng.
Một tàu đánh cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào tháng Tư, hàng đoàn tàu chiến Trung Quốc bắt đầu tung hoành ở phương Nam.
Hà Nội nên suy nghĩ kỹ, những bài chỉ trích chế độ của nhà báo Nguyễn Tường Thụy, hay những lời phê bình cay độc của nhà văn Phạm Thành đối với Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng, nguy hiểm bằng Nam hải Hạm đội hay không?
Nguyễn Phú Trọng đằng nào cũng sẽ biến mất khỏi tâm trí người Việt, hoặc để lại những ký ức xấu, nhưng những người như các ông Thạch, Thành, Thụy, là những người dân thường Việt Nam, sẽ sống mãi trong lòng người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét