Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Điểm sách: Trật tự Thế giới của Henry Kissinger

Điểm sách: Trật tự Thế giới của Henry Kissinger

Đỗ Kim Thêm
25-5-2020
Chúng ta đang sống trong một thế giới hỗn loạn và không có đối sách. Với cuốn sách World Order, Henry Kissinger đã thảo luận về những vấn đề trật tự cơ bản cần giải quyết, đó là ngăn chặn xung đột mà tất cả các nước đồng ý thực hiện, ngõ hầu mang lại hòa bình cho thế giới.
Qua cuốn sách này, Kissinger tổng kết những những trải nghiệm phong phú qua hơn sáu thập niên trong chính trường thế giới. Là một người theo trường phái Hiện thực cực đoan (Hard-core Realist) trong lý thuyết Bang giao Quốc tế, ông đã phân tích theo khảo hướng lịch sử một cách xuất sắc về hệ thống chính trị châu Âu, các nước theo Hồi giáo, Trung Quốc và Mỹ, nhưng không đề cập đến sự phát triển tại châu Mỹ La tinh.
Ông kết luận rằng, có một hình thái mới trong quan hệ các siêu cường, nó dựa trên hệ thống theo Hoà ước Westphalen, sự cân bằng quyền lực trên toàn cầu và các nguyên tắc không can thiệp, tất cả sẽ là một mệnh lệnh chung cho việc xây dựng trật tự thế giới ngày nay.
Tuy nhiên, nhìn chung, Kissinger không thể cung cấp các giải pháp khả thi hay bước đầu hữu ích. Có nhiều lý do để phản luận Kissinger mà bài điểm sách sau đây sẽ đề cập.
***
Đầu tiên, một câu hỏi nền tảng trong các tranh luận học thuyết của Bang giao Quốc tế cần đặt ra: Lý thuyết Hiện thực (Realism) có sai lầm nào? Tại sao lý thuyết này vẫn còn chiếm ưu thế và vấn đề này vẫn còn quan trọng hơn bao giờ hết?
Nền ngoại giao phần lớn tập trung vào cuộc tranh luận giữa hai trường phái đối lập: Lý tưởng (Duy tâm, Idealism) và Hiện thực. Dựa theo tư tưởng của Tổng thống Woodrow Wilson, chủ trương Lý tưởng nhấn mạnh về vai trò của ý thức trong sứ mệnh truyền bá đạo đức, một học thuyết chiếm ưu thế trong quá khứ. Nhưng chủ trương Hiện thực cổ vũ cho các mối quan tâm thực tiễn trong quyền lợi quốc gia và địa chiến lược, lập luận này thu hút được Tổng thống Theodore Roosevelt theo đuổi và đã khiến chúng ta mù quáng tin theo.
Thực tế ngày nay cho thấy là chủ trương Hiện thực thường bị gạt bỏ như một tập hợp những sai lầm về chính sách đối ngoại. Vào thời hoàng kim của chủ trương Lý tưởng, chắc chắn họ đã bảo vệ một số quan niệm dẫn tới việc thúc đẩy cho dân chủ và nhân quyền. Như Kissinger lập luận, người theo chủ nghĩa Duy tâm không có độc quyền về các giá trị đạo đức, những người theo chủ nghĩa Hiện thực phải nhận ra rằng lý tưởng là một phần của tình hình thực tế.
Việc lý giải này phụ thuộc vào một niềm tin cho là chủ trương Hiện thực có thể giải quyết các vấn đề hiện tại của chính trị thế giới. Để trả lời là nó có thể giải quyết được hay không, chúng ta cần phải xem lại nguồn gốc của cuộc khủng hoảng trong hiện tại.
Thế giới đang trải qua vô số thách thức nghiêm trọng gây bao tai hoạ, bao gồm các tình trạng biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng tài chính, giáo dục bất toàn, nghèo đói lan rộng, an ninh lương thực, y tế bất công và cuộc chiến chống khủng bố. Cần thiết quan trọng nhất cho chúng ta là tìm ra một khái niệm mới để đóng góp cho việc xây dựng hòa bình thế giới, vì bản chất của binh pháp cho chiến tranh hiện đại thay đổi.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về hòa bình cho rằng, hầu hết các cuộc chiến tranh hiện nay là trong phạm vi quốc gia, không trên trường quốc tế, 93% các cuộc xung đột vũ trang mang màu sắc và bản chất dân tộc, tôn giáo và địa phương. Chiến tranh giữa hai nước dân chủ là một ngoại lệ. Để đáp ứng vấn đề này, chúng ta nên khởi động một sự tìm hiểu chung trong việc xử lý các cuộc xung đột theo các phương pháp thuộc về địa phương và gây ý thức về nhiệm vụ trong khu vực và trong nước.
Trường phái Hiện thực vẫn còn tồn tại và hữu hiệu, đó là một sự thật. Các cuộc xung đột còn đang tiếp tục, trong khi các lý thuyết gia còn tranh luận là khuôn khổ học thuyết Thể chế (Institutionalism) và Cấu trúc (Constructivism) có thể định hình cho một động lực chính của nền ngoại giao tương lai không. Hai học thuyết này có thể bổ sung lý giải giúp cho nhà nước củng cố quyền lực của cơ quan trung ương để giải quyết các vấn đề chính trị phức tạp trong nước và thế giới.
Các lập luận trong quá khứ theo chủ trương Hiện thực không còn hiệu quả đáp ứng cho nhu cầu đang thay đổi, nó đơn giản hoá sự phân hoá sâu xa xuất phát từ nền tảng đạo đức để quy định cho các quy tắc. Việc áp đặt các quy định và thể chế cho cấu trúc cân bằng quyền lực sẽ không tự nó xóa đi sự phẫn nộ, hận thù và đấu tranh quyền lực. Do đó, các nguyên tắc theo Hoà ước Westphalen không nhất thiết cần thiết để xây dựng trật tự cho thế giới ngày nay.
Để tìm ra một lối thoát, luật pháp và tôn giáo đang đề ra các trách nhiệm nền tảng cho từng các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức để nhằm cải thiện trật tự cho thế giới. Luật pháp quốc tế đang theo dõi và thích nghi với các điều kiện thay đổi trong các quy tắc của binh pháp chiến tranh.
Tuy nhiên, nếu Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực, chính phủ, doanh nghiệp, xã hội dân sự, tôn giáo và cộng đồng khoa học cùng nhau xây dựng một nền tảng – được suy đoán là tất cả cùng nhau hoạt động hữu hiệu – để thúc đẩy sự hiểu biết, ngăn chặn và đáp ứng về vấn đề trật tự cho thế giới, thì chúng ta hy vọng rằng Liên Hiệp Quốc có cơ hội chia sẻ giải pháp hiệu quả nhất có thể, đó là một mục tiêu đáng theo đuổi.
***
Thứ hai, Kissinger đào sâu về các khía cạnh lịch sử và văn hóa trong quan niệm ngoại giao và bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ đang suy tàn và Trung Quốc đang trỗi dậy. Dựa trên lịch sử lâu dài của hai khái niệm lãnh đạo khác nhau cho trật tự thế giới, Kissinger mô tả rằng Mỹ phấn đấu cho Chủ nghĩa thực dụng và Trung Quốc mơ làm bá chủ thiên hạ. Kissinger viện dẫn các mô hình về thái độ và kinh nghiệm để dự đoán về cuộc xung đột Mỹ-Hoa. Tuy nhiên, khái niệm trình bày hoàn toàn sai lạc.
Ngày nay, là nhà xuất khẩu, sản xuất và dự trữ tài sản lớn nhất thế giới, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề quản trị toàn cầu đang nổi lên. Với sức mạnh kinh tế và chính trị đang gia tăng, giới lãnh đạo Trung Quốc đã định hình lại thế giới theo trường phái thực dụng. Có rất nhiều bằng chứng cho vấn đề này.
Trung Quốc có yêu sách lãnh thổ trên các đảo khác nhau trong Biển Đông với Việt Nam, Brunei, Philippines, Malaysia và Nhật Bản. Thật khó để tiên đoán rằng những tranh chấp này sẽ được giải quyết dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế. Phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế trong vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là thí dụ điển hình. Do đó, triển vọng cho hòa bình khu vực là không hứa hẹn.
Đối với người Việt, chỉ khi nào ổn định được mối quan hệ Hoa-Việt, thì một nền ngoại giao khu vực nhằm hỗ trợ cho hòa bình và thịnh vượng chung có thể đạt được. Nhưng sự hợp tác như vậy là không khả thi, Trung Quốc không công nhận Việt Nam là một đối tác bình đẳng mà chỉ có các lập luận hoa mỹ khoa trương tình láng giềng huynh đệ, trong khi chúng ta lại chứng kiến hải quân Trung Quốc tự do thao túng trên Biển Đông của Việt Nam.
Người Việt đang lo lắng khá ồn ào về xu hướng Việt Nam có thể bị xoá sổ trong thầm lặng khi Trung Quốc có dã tâm quyết thống trị kinh tế và chính trị ở Việt Nam. Hiểm hoạ cho sự diệt vong này có lý do chính là do tinh thần nô lệ tự nguyện của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Mật ước Thành Đô năm 1990 là cái bẫy tự tạo.
Gần đây, Trung Quốc đang tạo ra Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á. Điều quan trọng là khi bằng vành đai mới của Con đường tơ lụa, Trung Quốc tìm đến với các nước láng giềng; con đường tơ lụa hàng hải mới tạo thuận lợi cho thương mại cho Trung Quốc ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Một tuyến đường sắt cao tốc khoảng 8.100 dặm kết nối Trung Quốc, Canada, Nga và Mỹ thông qua eo biển Bering đã được lên kế hoạch. Mọi con đường đều dẫn đến Bắc Kinh về các phương diện chính trị và kinh tế.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang đấu tranh để giữ ngọn đuốc soi đường của chủ trương Thực dụng và hy vọng thuyết này sẽ thực hành sống động, mặc dù họ không bao giờ thừa nhận điều đó. Nhiều nhà quan sát xem Trung Quốc rốt cuộc chỉ theo chủ trương bá quyền. Tất nhiên, không có gì đảm bảo rằng tất cả những tham vọng bình thiên hạ sẽ diễn ra trong suôn sẻ vì sẽ có phản ứng dữ dội ở trong nước và nước ngoài đang xảy ra.
Do đó, không có biện pháp nào của Trung Quốc, dù là đàn áp ở trong nước hay xâm chiếm lân bang, mà họ mệnh danh là để xây dựng cho nền hòa bình là hợp pháp. Sự lãnh đạo toàn cầu mới của Trung Quốc là một thách thức nghiêm trọng. Hành động sai trái này là ảnh hưởng trực tiếp với lợi ích của Hoa Kỳ, thí dụ như tự do hàng hải, hòa bình thông qua chính sách tự do thương mại và quyền tối thượng của hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Đối với các nhà hoạch định chính sách của Washington, tự kiềm chế có thể là một chiến thuật tốt nhất trong phản ứng linh hoạt để tránh bị khiêu khích, nhưng nó không thể thuyết phục được các gian ý của Bắc Kinh. Các nước châu Á và các nước khác còn lại của thế giới mong rằng là một cường quốc Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ phản ứng gay gắt. Việc triển khai quân sự để chống lại mối đe dọa của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương có thể chỉ là một trong những lựa chọn tốt nhất, nhưng hiện tại, Hoa Kỳ không muốn làm như vậy.
Đứng trước tình hình này, làm thế nào Kissinger có thể nhấn mạnh việc định hình lại luật quốc tế dựa trên các nguyên tắc không can thiệp? Trong việc tái cân bằng ở khu vực Thái Bình Dương, làm thế nào chiến lược của Kissinger có thể áp dụng theo chủ thuyết Thực dụng kiểu Mỹ đang lúc suy tàn? Làm thế nào để Kissinger giải thích tầm quan trọng của chủ nghĩa Thực dụng kiểu Mỹ như ông đã giả định?
***
Thứ ba, Kissinger xem trật tự cho thế giới như một khái niệm khả thi do sự sắp xếp trong toàn cầu. Sự chung sống của các tôn giáo và chính phủ trong quá khứ lịch sử của châu Âu là mô hình của sự cân bằng quyền lực, nó có thể có tác dụng phù hợp cho một sự hợp tác hiệu quả trong bối cảnh quốc tế hiện tại. Các quyền lực được định hình như Mỹ và châu Âu và quyền lực đang lên như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ có thể thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử cho tương lai.
Nhưng chiến lược này có thể yêu cầu các nước tham gia thực hiện trong phương cách nào? Có ràng buộc hay không ràng buộc về mặt luật quốc tế? Theo luật cứng rắn (Hard Law) hay mềm dẻo (Soft Law)? Đây là một vấn đề gây tranh cãi về chi phí tuân thủ (Compliance Costs) mà Kissinger không thảo luận sâu xa hơn.
Những khó khăn thực tế trong việc áp dụng luật cứng là vi phạm chủ quyền quốc gia, đó là một loại phí tổn phải trả. Khi nào các quốc gia tham gia có thể hy sinh chủ quyền tối thượng thế nào, và buộc các chủ thể trong lụật quốc nội phải tuân theo kỷ luật quốc tế, thật khó tiên đoán. Chừng nào các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới không thể thỏa thuận trong các mục tiêu chung trong hình thức và tiến trình thực thi, thì chúng ta không có cơ sở để tin rằng việc thực hiện theo cách quốc tế ủy nhiệm sẽ suôn sẻ. Sự hợp tác toàn cầu trong việc việc biến đổi khí hậu là một bước đột phá ngoại lệ, nhưng cũng không thực hiện thành công khi Hoa kỳ trong thời của Tổng thống Donald Trump bất hợp tác.
Thay vào đó, phương sách dùng luật mềm (soft law approach) sẽ hữu ích trong việc khắc phục những khó khăn hiện tại khi giải quyết các vấn đề hợp tác kinh tế quốc tế, ví dụ như luật quốc tế về ngân hàng, chống độc quyền hay tài chính.
Tất cả các cách thực hành tốt nhất (Best practices) của các định chế quốc tế như International Organization of Securities Commission, International Association of Insurance Supervisors và International Competition Network là thi dụ điển hình. Các cơ quan này đề ra các tiêu chuẩn của luật mềm. Thử nghiệm thành công này chứng minh rằng các luật mềm là các lựa chọn hợp lý và hiệu quả trong tiến trình lập pháp quốc tế.
Theo Kissinger, với một hệ thống như theo châu Âu trong thế kỷ XIX là một mô hình thích hợp, thực ra, là không hợp thời sau Chiến tranh Lạnh. Chúng ta không thể triển khai một tầm nhìn từ quan điểm lịch sử của Kissinger.
Do đó, trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, cách phối hợp hai phương sách của luật mềm và hợp tác khu vực được coi là lựa chọn khả thi tốt nhất để hợp tác trong chính sách và luật quốc tế
***
Thứ tư, trong việc định hình cho trật tự thế giới, Kissinger thừa nhận các hậu quả trong các cuộc xung đột tôn giáo là vấn đề đặc biệt và nhấn mạnh đến vai trò của các nước Hồi giáo và phương sách của Iran. Thay vì tập trung cho củng cố hòa bình thông qua đối thoại liên tôn, Kissinger kêu gọi tìm một định nghĩa mới về tính hợp pháp trong chính trị quốc tế khi đề nghị cấm can thiệp trong nội bộ của các quốc gia khác. Kissinger tạo ra một chiến lược hướng tới tương lai mà không xem xét rằng trong bối cảnh an ninh quốc gia vẫn còn mong manh và chúng ta cần nhiều biện pháp cụ thể hơn cho việc xây dựng hòa bình như sau Chiến tranh Lạnh.
Ngược lại, chính phủ dân chủ có thể xuất hiện từ sau một tình trạng chiến tranh. Để có khả năng này, đòi hỏi chúng ta phải đề ra các quy tắc pháp luật. Những nỗ lực để đạt được dân chủ này thường không thành công, vì giới lãnh đạo không muốn từ bỏ quyền lực của mình. Hơn nữa, hành sử bạo lực hoặc đe dọa bạo lực vẫn tồn tại.
Lập luận thuyết phục nhất đề chống lại chủ trương bất can thiệp của Kissinger là thế giới có phần nào sẽ tốt đẹp hơn, nếu chúng ta ngăn chặn bạo lực và nhận ra tiềm năng xây dựng hòa bình ngay từ trong nội bộ với cán cân sức mạnh trong quá khứ. Những nỗ lực đem lại hòa bình có thể được biện minh về mặt hợp pháp và đạo đức. Kissinger không quan tâm tới vai trò đóng góp của Phật giáo và triết lý hòa bình của Immanuel Kant là hai khởi điểm khả thi.
Thời đại của cuộc chiến chống khủng bố trong toàn cầu đòi hỏi một con đường mới dẫn đến hòa bình cho thế giới. Trong tiểu luận Toward a Perpetual Peace: A Philosophical Sketch, 1795 Immanuel Kant chỉ ra rằng sự tuần tự tiến hóa của các thể chế con người là chìa khóa cho hòa bình thế giới và các nguyên tắc của luật pháp, đạo đức và chính trị có thể được thiết lập một cách toàn diện và thúc đẩy một cách hệ thống về quyền tự quyết của cá nhân, dân tộc và toàn thể nhân loại. Một liên minh quốc tế vì hòa bình, một hiến pháp theo nền cộng hòa quốc gia và luật công dân thế giới là những công cụ pháp lý cần được thực thi.
Hơn nữa, Phật giáo coi trọng hòa bình cả về hai khiá cạnh vừa trong bản chất và là một công cụ. Phật giáo xác định bản chất con người và nguyên nhân cấu trúc của bạo lực. Từ trong giáo lý nền tảng tâm bình, thế giới bình, Phật giáo có sức mạnh văn hóa để thúc đẩy và giữ mọi người có trách nhiệm đạo đức để đạt được những lý tưởng hòa bình: đó là các cơ sở chung của các giá trị, đức hạnh, quyền và trách nhiệm, bất bạo động, đoàn kết và khoan dung. Bằng cách đồng hành với các Phật tử, mọi người trên khắp thế giới có thể cảm thấy đủ mạnh mẽ để đối phó với các vấn đề bất ổn trong thế giới đương đại.
Do đó, đạo đức Phật giáo được xem là một kỹ năng cho một dự án giáo dục vì hòa bình trong khi đạo đức theo Kant được xem là một kỹ năng chuyên biệt cho một phong trào phát triển về tinh thần trọng pháp. Cả hai là phương tiện bảo đảm tối hậu cho hòa bình, trở thành một mô hình mới có thẩm quyền trong việc thúc đẩy sự hiểu biết về các phương tiện để đạt được hòa bình. Sự hợp tác địa phương như vậy có thể góp phần vào việc xây dựng và gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới. Hiện nay là thời điểm chín muồi cho việc du nhập một cách tiếp cận tích hợp như vậy.
***
Cuối cùng, cuốn sách World Order cũng đem lại một số biện minh cho hành động trong quá khứ của Kissinger. Tuy nhiên, trong chuyện chiến tranh Việt Nam, Kissinger vẫn giữ một chút gì đó cho riêng mình. Cảm tưởng chung của độc giả là sách lặp lại những điều quen thuộc trong những cuốn sách khác đã xuất bản trước đây. Bi kịch Việt Nam kết thúc, nhưng đáng chú ý nhất là Kissinger, người tạo dựng bi kịch, không kể thật toàn bộ câu chuyện. Hiện nay, khi đối phó với các cáo buộc về sự sụp đỗ của miền Nam, Kissinger tìm cách hạ thấp vai trò của mình, tiếp tục đổ trách nhiệm cho quyền định đoạt số phận của người miền Nam, Nixon trong vụ Watergate và Quốc hội không tiếp tục viện trợ.
Trong thực tế, Kissinger là người định hình chính của Hiệp định Paris năm 1973. Chúng ta sẽ còn khó khăn vì chưa bao giờ biết sự thật về Hiệp định này. Dựa trên những gì Kissinger đã làm, có những cuốn hồi ký hoặc sách khác viết về thời đó đã được xuất bản. The Trial of Henry Kissinger (2001) của Christopher Hitchens và No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam (2001) của Larry Berman là hai trong số những tác phẩm được giới chống đối Kissinger trích dẫn nhiều nhất. Liệu những cáo buộc trong hai tác phẩm này có đúng không, vấn đề còn đang được thảo luận sâu xa hơn.
Thời gian trôi qua, lịch sử sang trang, vết thương chiến tranh với Mỹ được Việt Nam hàn gắn thành công. Báo chí và công luận thế giới biết nhiều chi tiết hơn về những gì mà Kissinger đã làm. Hầu hết người miền Nam nguyền rủa Kissinger là một kẻ cơ hội vì xem Hiệp định Paris là một món quà triều cống cho Trung Quốc, Sự hạ mình đầy sĩ nhục này đã vượt quá giá trị sống còn của người miền Nam, đó chính là một tác hại nghiêm trọng về mặt đạo đức của Hiệp định. Trong những năm gần đây, sự căm thù của người miền Nam dành cho Kissinger chìm trong quên lãng, vì thế hệ tham chiến lần lượt ra đi và thế hệ trẻ không quan tâm nghiêm túc để xem lại những thao túng của Kissinger.
Mặc dù với tất cả sự thông tuệ của mình, Kissinger không thể đối phó và giành chiến thắng trên bàn đàm phán Paris. Kissinger đã bị Hà Nội, kẻ thù gian trá nhất, lừa đảo trong toàn diện, đó là việc không còn nghi ngờ gì nữa. Tại sao khi lường đoán là Hà Nội không tôn trọng Hiệp định, Kissinger không chuẩn bị các biện pháp ngăn chặn hậu quả tàn khốc của Hiệp định. Đây là những câu hỏi vế mặt đạo đức rõ ràng là quan trọng cần biện minh hơn bao giờ hết
Nhưng điều đó có thể chỉ là mơ khi Kissinger hồi tưởng mà không bị ràng buộc, nó vượt ra ngoài những lời buộc tội cay đắng. Cho đến nay, nhiều người Việt không biết hết những gì thực sự xảy ra với họ trong quá khứ. Lịch sử về sự tham chiến của Mỹ ở Việt Nam sẽ phong phú hơn với sự hồi tưởng trung thực của Kissinger. Nó sẽ là một điều công ích cho mọi người muốn hiểu về những gì đã xảy ra trong hậu trường của Hiệp định mà Kissinger dàn dựng. Sự biện minh bổ sung của Kissinger làm cho cuốn sách có thể thú vị hơn.
Ngược lại, trong các cuộc thảo luận công cộng và ngay trong tác phẩm này, Kissinger tiếp tục né tránh đặt vấn đề đạo đức trong Hiệp định Paris. Khi tham gia tranh luận, Kissinger đã miễn cưỡng khiến chúng ta phải kết luận về những thao túng của ông là các thù thuật vô đạo đức.
Kissinger là nhân vật quan trọng trong chính trường quốc tế và người đang ở tuổi lão niên đáng kính, nhưng không muốn biện minh cho những sai lầm trong quá khứ. Những hành động vô đạo đức này là không thể tha thứ khó quên và đáng ghê tởm. Trong việc xây dựng hoà bình cho Việt Nam, Kissinger không có thiện chí, chúng ta có thể kết luận chung là cuốn sách World Order là một Bad World Order.
***
Phụ chú cập nhật
Tác phẩm World Order ra đời trong năm 2015, nên tác giả không thể đề cập đến các chuyển biến quốc tế cực kỳ bất ổn và dồn dập như Brexit, Donald Trump, Thương chiến Mỹ-Hoa và gần đây nhất là Covid-19. Trong một bài bình luận cho nhật báo Wall Street Journal ngày 3 tháng 4 năm 2020, The Coronavirus Pandemic Will Forever Alter the World OrderKissinger có trình bày về dịch Covid-19, nhưng không đi vào chi tiết để bổ sung cho tác phẩm World Order.
Theo Kissinger, virus corona sẽ thay đổi triệt để trật tự thế giới và vấn đề trị liệu sẽ trở thành mối quan tâm cấp thiết cho các quốc gia. Để nâng cao khả năng phục hồi sau khi virus corona bị tận diệt, Mỹ có thể học kinh nghiệm qua chương trỉnh viện trợ Marshall, các quốc gia tiếp tục duy trì các nguyên tắc cơ bản của thế giới tự do và phát huy các thành quả khoa học như thời kỳ khai sáng của châu Âu; để ngăn chận mọi xung đột trong tương lai, thái độ kiềm chế càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Cho dù có cập nhật vấn đề thời sự, nhưng tụu chung, Kissinger đã không thuyết phục được độc giả vì các lý do chính.
Một là, bốn trụ cột nền tảng của văn minh phương Tây là dân chủ đại nghị, kinh tế thị trường, thể chế pháp quyền và xã hội dân sự không còn đứng vững. Dù phương Tây có ý thức là phải cải cách toàn diện, nhưng suy trầm kinh tế kéo dài, nợ công chồng chất, khí hậu biến đổi khắc nghiệt, nạn khủng bố lan tràn nghiêm trọng, làn sóng di dân ào ạt và dân số lão hoá đáng ngại, tất cả trở lực này làm cho tình hình chung trầm trọng hơn.
Hai là, chính quyền ở các nước nghèo (như tại châu Phi) còn phải đấu tranh chống bất công xã hội, tham nhũng, bảo vệ môi trường, kiểm soát an ninh nội địa và gia tăng hợp tác khu vực và quốc tế. Chính quyền ở các nước độc tải (như tại Trung Quốc và Việt Nam) không muốn thay đổi chính thể trong khi dân chúng không quan tâm đến dân chủ hoá, nên triển vọng chung càng bi quan hơn.
Ba là, về mặt học thuyết, Kissinger không nhận ra vai trò của các mạng lưới dân sự trong việc tăng cưồng hiệu năng phát triển cho các thể chế quốc nội và quốc tế; hiệu ứng lan toả của soft law trong tiến trình thành lập luật quốc tế.
Bồn là, về mặt thực tế, ông không quan tâm đến vai trò năng động của châu Mỹ La tinh đang là một hậu phương chiến lược của Hoa Kỳ.
Thật ra, đối sách cho dịch Covid-19 là vấn đề hợp tác y tế quốc tế,  cần có các mục tiêu toàn diện. Đầu tiên, y học phải tập hợp các nguồn lực nghiên cứu để sản xuất các phương pháp điều trị mới và vaccine phát minh phải được coi là dược phẩm công ích cho nhân loại. Thứ hai, để hạn chế thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra, chính quyền cần có các biện pháp hợp tác thông tin, khích lệ tài chính và huy động tiền tệ. Thứ ba, ngay khi được cơ quan y tế cho phép, chính quyền mở lại biên giới và bảo vệ cho việc lưu thông thương mại hàng hóa.
Sai lầm của Kissinger là đề cao vai trò của Mỹ trong việc điều hành kế hoạch tái thiết Marshall. Thực tế cho thấy dịch bệnh còn kéo dài cho đến cuối năm 2021 và sẽ làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ bị lâm vào cảnh suy trầm mà các nhà kinh tế học so sánh với khủng hoảng trong những năm của thập niên 1930.
Ở châu Âu, sản lượng kinh tế sẽ xuống dưới mức -7% trong năm 2020, nghĩa là bị đình trệ hơn sau Đệ nhị Thế chiến. Để ứng phó cho tình hình bất trắc, châu Âu đang thiết lập một kế hoạch hồi phục trị giá trên 500 tỷ Euro.
Kinh tế Trung Quốc cũng không thể hồi phục nhanh hơn khi chình quyền không dám công bố chính thức mức tăng trương cho năm 2020 trong khi các lĩnh vực hàng không, du lịch, vận chuyển đều tê liệt, trừ công nghiệp chế biến và thiết bị y tế.
Trong bối cảnh này, không ai có thể lường đoán một mô hình nào thích hợp cho thế giới. Do khả năng hồi phục sẽ trì trê, nên không thể đề ra trong lúc này việc đáp ứng hữu hiệu giống như các chương trình tái thiết sau Đệ nhị Thế chiến.
Do đó, Mỹ chưa thể đóng vai trò chủ động như đã áp dụng kế hoạch Marshall. Châu Âu tê liệt và phân hoá càng trầm trọng, tinh thần châu Âu bài Mỹ còn nặng nề và bây giờ đến lượt bài Hoa cũng trỗi dây, nó làm cho các phong trào dân túy gây thu hút mạnh và phe cánh tả thắng cử. Triển vọng bi quan nên không thể so sánh chung với hậu qủa của nạn đại dịch Covid-19 với Đệ nhị Thế chiến.
Tuy nhiên, Covid-19 đem lại các tín hiệu khác. Cộng đồng quốc tế nhận ra nhiều điều là: Gian trá của Trung Quốc đối với dân trong nước và quốc tế đã phơi bày, lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc như là một công xưởng của thế giới sẽ mang đến thảm hoạ, hung đồ của Trung Quốc trong việc giải phóng Đài Loan, bình định Hong Kong và đồng hoá Việt Nam làm cho an ninh khu vực càng bất ổn, tốc độ toàn cầu hoá tại các nước sẽ chậm lại, phong trào bài ngoại sẽ tăng lên, hợp tác về truyền thông xã hội dân sự sẽ chặt chẽ hơn, tinh thần đoàn kết tương trợ và ý thức về giá trị sức khoẻ và môi trường được đề cao hơn.
Riêng Việt Nam, vấn đề có khác hơn. Thành công trong việc ngăn chận dịch Covid-19 lan truyền đem lại một điểm son cho chế độ. Tác động bài Hoa khắp thế giới làm cho mơ ước “Thoát Trung” dễ có cơ may thành hiện thực, nhất là khi các doanh nghiệp quốc tế tìm cách tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc, thị trường Việt Nam sẽ “toả sáng“ hơn bao giờ hết.
Thực ra, Covid-19 là một đại nạn cho nhân loại, không liên quan đến chuyện thoát Trung của Việt Nam, bản chất thoát Trung cho Việt Nam là tránh hiểm hoạ diệt vong và mang lại sự vẹn toàn lãnh thổ mà giải pháp là ý chí chính trị của chính quyền và quyết tâm của dân chúng. Đảng phải bỏ tinh thần nô lệ tự nguyện và dân chúng thoát ra tình trạng vô cảm. Đó là hai yếu tố chính. Khi nào cả hai cùng nhận ra và can đảm hành động bài Hoa thì vấn đề thoát Trung có thể đặt ra.
Về khía cạnh kinh tế, khi doanh nghiệp quốctế lo thoát Trung, không đương nhiên có nghĩa là Việt Nam là thị trường duy nhất thay thế. Việt Nam không có tiềm năng là một công xương toàn cầu thay cho Trung Quốc. Nhưng Việt Nam có thể chuẩn bị gây cho môi trường đầu tư thu hút hơn bằng cách cải cảch cơ chế thị trường, không duy trì các nhóm lợi ích hay bám theo cơ chế tư bản thân tộc và cải cách giáo dục để tăng năng xuất lao động. Còn quá sớm để lo cho điều kiện chuẩn bị thoát Trung, nên cũng không thể kết luận một chiều như hiện nay trong khi quyền sở hữu một phần đất đai, quàn trị doanh nghiệp và nhân dụng còn nằm trong tay thân nhân của Trung Quốc.
Hung đồ của Trung Quốc thì người Việt đã biết từ lâu trong lịch sử. Nhưng tại sao vấn đề thoát Trung không phải là chuyện đã không thể và vẫn còn không thể tránh khỏi? Tại sao chúng ta phải chờ cho đến sau khi doanh nghiệp quốc tế thoát Trung và đại dich Covid-19 chấm dứt mới lo bài Hoa? Tại sao vẫn có “nhà nghiên người Việt“ hô hào chúng ta nên khôn ngoan tiếp tục bám lây thị trường Trung Quốc?
_______
World Order: Reflections on the Character of Nations and the Course of History, 420 pp, 2015 Penguin Press.
Nguyên tác: Kim Them Do, Book Review Essay – World Order by Henry Kissinger. The Contemporary Way to World Peace without a little Help of Soft Law and Buddhism is questionable.
Bài liên quan: THAM LUẬN VESAK 2014 – CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HOÀ BÌNH THẾ GIỚI: https://thuvienhoasen.org/a19527/tham-luan-vesak-2014-cua-do-kim-them

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét