Vai trò của chứng cứ trong việc thực thi công lý
Lê Học Lãnh Vân
Công Lý (Justice) là một khái niệm gắn liền với xã hội. Đây là một khái niệm rất rộng, liên kết với nhiều khái niệm phức tạp như luận lý, đạo đức, tôn giáo, luật pháp, công bằng, công dân…
Là khái niệm gắn liền với xã hội, Công Lý cũng gắn với các tính chất công khai, minh bạch, trung thực, công bình… Nghĩa là Công Lý không thuộc về một cá nhân hay một nhóm người, mà phải thuộc về toàn xã hội. Việc bảo vệ và thực thi Công Lý có thể được giao cho những nhà chuyên môn được bổ nhiệm chính danh, nhưng việc đó phải được công khai trong sự hiểu biết và chấp nhận của xã hội.
Chứng Cứ (Evidence) là bất kỳ vật liệu vật chất hoặc dữ kiện có thể trình ra trước phiên tòa nhắm xác minh sự thực của một sự việc đang được điều tra. Về triết học, khái niệm về Chứng Cứ rất phức tạp. Bài viết này đề cập Chứng Cứ dưới dạng đơn giản trong thực tiễn. Chứng Cứ được chia ba loại: chứng cứ nói (do nhân chứng trình bày), chứng cứ tài liệu do tòa án điều tra, và chứng cứ đồ vật, còn gọi chứng cứ thật, thí dụ con dao, khẩu súng gây án, quần áo nạn nhân, vết máu, dấu vân tay…
Chứng cứ đóng vai trò trung tâm trong các vụ án. Chứng cứ quyết định tính phạm tội của nghi can chứ không phải điều ngược lại.
Từ chứng cứ trình ra cho tới lúc tòa lấy quyết định, còn phải qua các bước tiến hành tố tụng để nghe và cân nhắc chứng cứ. Điều này được qui định bởi qui định tố tụng (procedural regulations) liên quan nhằm xác định một chứng cứ có liên quan tới vụ án không, có thể chấp nhận hoặc cần bị loại bỏ hay không.
Chứng cứ đã được trưng ra phải đáp ứng hai tiêu chí chứng cứ rất quan trọng, đó là tiêu chí khách quan và tiêu chí đúng luật. Hai tiêu chí đó qui định chứng cứ phải là những tài liệu, sự kiện có thật, phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án đã xảy ra, không bị xuyên tạc, bóp méo theo ý chí chủ quan của con người. Chứng cứ không thể là những gì được suy đoán, tưởng tượng ra. Và chứng cứ phải được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định của luật tố tụng hình sự.
Đây thường là khâu mà sự tranh cãi rất quyết liệt, các bên tranh cãi không phụ thuộc vào nhau. Vị chánh án chỉ là người lắng nghe cả hai bên, không thiên vị bên nào. Vị trí chánh án đòi hỏi một sự độc lập, và do đó bất kỳ một hoàn cảnh nào có thể ảnh hưởng tới sự độc lập, tới công tâm của chánh án cần phải triệt để loại bỏ!
Từ những kiến thức căn bản trên, chúng ta có thể đặt rất nhiều câu hỏi về vụ án Cầu Voi… Ít nhất, về Chứng Cứ, người ta sẽ thắc mắc:
1) Trong vụ án giết người tại bưu điện Cầu Voi, có Chứng Cứ Thật nào được trưng ra không?
2) Các loại Chứng Cứ được trưng ra có được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự không?
3) Các Chứng Cứ được trưng ra, nếu có, có đáp ứng đủ điều kiện Chứng Cứ khách quan không? Nghĩa là có dấu hiệu phi tang Chứng Cứ thật không? Có dấu hiệu sửa đổi lời khai của nghi can và/hay của nhân chứng không?
4) Có loại bỏ những điều kiện ảnh hưởng sự phán xử độc lập và công tâm của chánh án trong phiên tòa giám đốc thẩm không?
Bài viết này cho rằng trong ba câu hỏi (1), (2), (3) trên, chỉ cần có một vấn đề sơ sót hay sai sót là không đủ thẩm quyền kết luận nghi can phạm tội. Câu hỏi số (4) có nhiều người nêu rồi, bài viết xin nhấn mạnh rằng bất kỳ điều kiện nào ảnh hưởng sự phán xử độc lập và công tâm của chánh án trong phiên tòa đều cần bị loại bỏ. Với một Chứng Cứ được chứng minh gian dối, một chánh án này có thể bác bỏ, và một chánh án khác có thể nhắm mắt làm ngơ.
Đây là việc không thể coi nhẹ, nhất là trước sinh mạng một con người, và cũng rất quan trọng, trước tính nghiêm minh và cách hành xử đúng nguyên tắc của một phiên tòa!
Ngày 18 tháng 5 năm 2020
L.H.L.V.
Nguồn: vandoanviet.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét