Khi cái chết cũng không còn quan trọng
31-5-2020
Phàm được sinh ra làm người, ai cũng rất quý trọng sự sống của mình. Nhưng phải tự tước đoạt đi điều mà mình quý trọng nhất, chọn cái chết, ắt hẵn họ đã phải rất tuyệt vọng, đến mức không còn thiết đến sự sống nữa. Hoặc giả, với họ, những giá trị tinh thần như công lý, như danh dự … mới chính là những điều quý trọng nhất, quý đến mức, cao hơn cả sự sống mà họ đang có.
Với lời di nguyện và chọn cách tự xử ngay trong khuôn viên trụ sở tòa án, thông điệp của ông LƯƠNG HỮU PHƯỚC để lại cho đời không gì có thể rõ ràng hơn nữa, ông muốn “làm thức tỉnh nền tư pháp”! Ngẫm xem, ông ấy không yêu cầu công lý cho chính mình, vì công lý có ích gì cho người đã chết. Mà ông ấy chỉ mong làm thức tỉnh nền tư pháp.
Nhưng đau xót hơn, cái nền tư pháp ấy lại giết chết ông ấy lần nữa khi lần lượt, những người ban phát bất công đã khẳng định rằng họ đã “công tâm”. Tự nhiên, tôi mong người chết là hết, không còn cả linh hồn để ông ấy không phải tuyệt vọng lần nữa vì phải “nghe” những lời tuyên bố “công tâm” của các thẩm phán.
Cái chết của ông gây chấn động công luận, nhưng với nền tư pháp, vẫn chỉ như viên đá ném ao bèo, chỉ gợn tí sóng bằng một buổi họp báo với tuyên bố lạnh lùng “công tâm” rồi đâu lại hoàn đấy. Nền tư pháp mà ông đã mong “thức tỉnh” ấy lại vẫn bương về phía bất công, phía của vô cảm, phía của chiếc cân tiểu ly chứ không phải chiếc cân công lý.
Thế nên, với công chúng, khi công dân đã phải viện dẫn đến cái chết của chính mình để thức tỉnh nền tư pháp, thì sự “công tâm” mà các thẩm phán đã hùng hồn tuyên bố phải đặt trong dấu ngoặc kép.
Và chúng ta cũng tin rằng, nhất thời, cái chết của ông ấy không thức tỉnh được nền tư pháp bất lương, nhưng vẫn góp phần làm thức tỉnh những người cuối cùng còn tin cậy vào nền tư pháp đó, vẫn góp phần làm nén chiếc lò xo đang được đẩy đến những giới hạn cuối cùng của nó, để “cùng tắc biến”, để “biến tắc thông”. “Chết, chết đi, không thành công cũng thành nhân”[1].
Không thể cổ võ, khuyến khích những hành vi làm thiệt thân như ông ấy, nhưng nền tư pháp xứ sở này phải hàm ơn sự xả thân của ông ấy. Do vậy, mai hậu, nếu nền tư pháp vẫn giữ ý định xây những tượng đài công lý, thì bên cạnh những khuôn mặt Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Hồ Duy Hải, Trần Văn Thêm, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh … thì cũng đừng nên quên một cái tên đã vừa xả thân giúp thức tỉnh công chúng xứ sở này, ông LƯƠNG HỮU PHƯỚC.
Để mọi thẩm phán khi rảo bước ngang qua những tượng đài ấy, phải biết hổ thẹn về món nợ công lý của dân tộc mình, mà hành nghề theo cách tử tế nhất.
____
[1] Lời của lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, Nguyễn Thái Học
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét