Thoáng lạnh gáy về thực tế giết chóc tại Trung Quốc
Nhà làm phim Nick Holdsworth
Minh Nhật dịch
Thứ Ba, 26/05/2020
Ngày 21/5 vừa qua, trên chuyên trang phê bình phim tài liệu Modern Times, nhà báo, tác giả, nhà làm phim, chuyên gia truyền hình Nick Holdsworth đã đăng tải đánh giá của mình về bộ phim tài liệu “Finding Courage” (Tạm dịch: Đi tìm dũng khí), bộ phim mang đến cho ông một “thoáng lạnh gáy về thực tế giết chóc tại Trung Quốc”. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết, bản gốc xem tại đây. https://www.moderntimes.review/the-agonising-campaign-for-…/
Một cuộc vận động trong khổ đau để tìm kiếm sự thật.
Thoáng lạnh gáy về thực tế giết chóc tại Trung Quốc trong cuộc đàn áp phong trào thiền định Pháp Luân Công.
Đây là một bộ phim không dễ xem. Đây là câu chuyện về một cuộc vận động khổ đau của nhà báo Trung Quốc Yifei Wang nhằm vén màn sự thật đằng sau vụ việc em gái của cô bị giết hại dã man trong một nhà tù Trung Quốc 20 năm về trước, trong khi đang bị giam giữ vì kháng nghị cho Pháp Luân Công, một phong trào thiền định bị đàn áp ở Trung Quốc. Tuy nhiên bộ phim tâm huyết của đạo diễn Kay Rubacek này rất đáng xem cho bất cứ ai quan tâm tới vấn đề nhân quyền quốc tế, với những đoạn phim bí mật có một không hai, ghi lại cảnh bên trong một văn phòng của giám đốc nhà tù, nơi em gái của Yifei là Kefei Wang đã qua đời.
Cô Keifei Wang.
“Đi tìm dũng khí” là một tựa đề thích hợp với các tình tiết lớp lang của bộ phim tài liệu này.
Nó cho thấy dũng khí mà Yifei, một người Hoa lưu vong sống tại San Francisco, tìm kiếm để công khai câu chuyện của gia đình mình [tại Mỹ]. Hành động đó thậm chí xảy ra khi chồng cô, Gordon, phóng viên trong cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, chưa bị hại vì [chưa bị phát hiện là một người] tập Pháp Luân Công, đang bí mật tìm kiếm và thu thập chứng cứ về cái chết của em vợ Kefei.
Nó cho thấy dũng khí của anh trai Yifei là Leo, người đã sống sót sau nhiều năm bị tra tấn trong tù. Khi tị nạn tại Hoa Kỳ, anh đã tái hiện lại một cách tỉ mỉ cách những người cai ngục tàn bạo tra tấn anh trên một chiếc ghế đặc biệt trong thời gian ở tù.
Và nó còn cho thấy dũng khí của những người còn lại trong gia đình Yifei và của những người Hoa bất đồng chính kiến trên khắp thế giới đã dám công khai tiết lộ vai trò [trong chế độ trong quá khứ] của họ, và dám công khai phân tích về một nhà nước công an trị.
Đột ngột và tàn bạo
Hầu hết những người để ý [tới tình hình Trung Quốc] đều biết về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, nhưng rất nhiều người sẽ không hiểu rõ căn nguyên, hoặc không hiểu rõ tại sao Pháp Luân Công lúc đầu được nhà nước ủng hộ, mà sau đó lại bị lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân yêu cầu đàn áp tàn bạo vào năm 1999.
Trong những năm đầu, môn tập luyện kết hợp việc thực hành đạo Phật cùng các động tác và việc thiền định, lấy “Chân, Thiện, Nhẫn” làm nguyên lý, đã thu hút hàng triệu người theo tập, kể cả đảng viên và quân đội. Nhưng sự phổ biến rộng rãi của môn tập đã khiến kẻ hoang tưởng lãnh đạo Đảng bấy giờ coi Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với chế độ độc tài toàn trị. Ở một quốc gia kiểm soát toàn diện và toàn trị, không có chỗ cho tự do lương tri hay tâm linh.
Chính quyền hành động nhanh chóng và tàn bạo; hàng triệu gia đình tan nát, bị bỏ tù, bị đánh đập và tra tấn. Các cơ quan chức năng chất đống xuất bản phẩm, biểu ngữ, và sách của môn tập trên các con phố rồi đốt đi. Và như trong bộ phim đã đề cập đến, đó chỉ là một chiến dịch đàn áp tiếp theo trong số hơn 50 cuộc đàn áp của chế độ Cộng sản từ khi nó lên nắm quyền vào năm 1949, trong đó nổi bật phải kể đến Đại Cách mạng Văn hóa vào cuối thập niên 60, và sự kiện Thiên An Môn nổi tiếng năm 1989.
Cây gậy và củ cà rốt
Đạo diễn Kay Rubacek sắp xếp bố cục phim thông qua những bình luận của một cựu giám đốc trại lao động, một cựu thẩm phán, một nhân viên cảnh sát ngầm, một nhân viên truyền thông và một sĩ quan quân đội. Những người này đã từng trung thành phục vụ chế độ, và trong một số trường hợp, họ là công cụ trong việc trấn áp Pháp Luân Công. Họ đã trở thành những người bất đồng chính kiến đang tị nạn an toàn ở Mỹ, Pháp, Úc và các quốc gia khác, vì vậy giờ đây họ có thể tự do bình luận về những điều đã khiến con người hoạt động [như ốc vít] bên trong chế độ. Lý do chủ yếu đó là tiền: vì không có tín ngưỡng hay đức tin ngoài việc phục tùng Đảng một cách tuyệt đối, nên điều duy nhất mà chế độ cho phép con người quý trọng là tiền. Chủ nghĩa duy vật đã trở thành một vị thần mới của Trung Quốc, và Bắc Kinh đã sử dụng cám dỗ và áp lực kinh tế như cây gậy và củ cà rốt đối với mọi người.
Kefei và Yifei Wang kháng nghị cho Pháp Luân Công tại Bắc Kinh. (Ảnh: Youtube/Fox11)
Em gái Yifei qua đời sau khi bị bắt giam vì kháng nghị ở Thiên An Môn chống lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 2001. Nhà nước Trung Quốc chỉ cần 6 tuần để biến một người phụ nữ 34 tuổi khỏe mạnh thành một người suy sụp hoàn toàn vì bị tra tấn. Cô đã qua đời do bị đánh đập, bị sốc điện bằng dùi cui, bị bức thực trong khi bị trói trên chiếc giường sắt chữ X – hay còn gọi là Chiếc giường Tử Thần. Yifei cũng bị bắt trong cuộc thỉnh nguyện đó, và cô đã cố gắng để nhìn thi thể em gái trước khi người ta mang đến nhà xác (nơi cái xác vẫn được giữ lại mà không được chôn cất vì chính quyền sợ phản ứng của người dân địa phương nếu họ cho phép tổ chức đám tang). Yifei cho biết khi đó em gái cô “khuôn mặt sưng phù” và cơ thể trần truồng từ thắt lưng trở xuống (trước đó trong bộ phim, Yifei đã nhắc tới việc những phụ nữ tập Pháp Luân Công bị lột trần, bị quẳng vào xà lim của tù nhân nam và chịu một số phận thê thảm).
Chưa bị buộc tội
Sự căng thẳng của phim tăng lên khi chồng của Yifei, khi đó vẫn ở Trung Quốc, nỗ lực để được xem thi thể của Kefei. Từ những đoạn phim ghi hình bí mật, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng ngay cả nhân viên nhà xác cấp thấp nhất cũng biết điều gì đã xảy ra với cô gái trẻ.
Đạo diễn Rubacek đã đặt một đoạn phim bí mật ở cuối phim, đó là đoạn phim ghi lại cuộc gặp với giám đốc nhà tù nữ nơi Kefei bị giam giữ và bị tra tấn tới chết. Gordon đến nhà tù với các thành viên khác trong gia đình. Là một nhà báo có tiếng, và có các mối quan hệ, anh có thể nói chuyện theo cách của mình và được sắp xếp một cuộc gặp mặt với giám đốc nhà tù. Không thể nói bà ta là một con quái vật, nhưng thái độ coi thường sự thật và trắng trợn mặc cả với gia đình Yifei (bà ta cho biết người nhà có thể thấy xác Kefei nếu họ chịu đưa ra tuyên bố rằng cái chết của cô không phải vì bị tra tấn) cho thấy bà là một thành viên được trả lương, là một phần của chế độ giết người.
Anh Gordon và cô Yifei Wang. (Ảnh: Youtube/Fox11)
Vì lý do đại dịch COVID-19 khiến liên hoan phim bị hoãn, bộ phim “Đi tìm dũng khí” chưa được công chiếu và phát hành rộng rãi. Nó như thường lệ sẽ khiến chế độ Bắc Kinh phản đối và phủi tay chối bỏ. Nhưng trong một đất nước cũng khét tiếng về việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, lời kết của bộ phim đã nói lên tất cả:
“Những kẻ giết Kefei Wang vẫn chưa bị đưa ra công lý. Chế độ cộng sản Trung Quốc vẫn chưa bị buộc tội vì cái chết của hàng triệu người. Những người tập Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ, tra tấn và giết hại.”
Xem phim tài liệu “Đi tìm dũng khí”
Nick Holdsworth, Modern Times
Minh Nhật biên tập và bổ sung ảnh trong bài
Minh Nhật biên tập và bổ sung ảnh trong bài
Xem thêm:
Nguồn: Tri thức VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét