Oan và oan điều gì?
7-5-2020
Một số bạn đã hỏi tôi: “Liệu Hồ Duy Hải có oan thật không?”. Dĩ nhiên, câu hỏi của các bạn ấy bao hàm ý “Hồ Duy Hải có giết các 02 cô gái ấy không?”. Thoạt nghe, hai câu hỏi chỉ là một, nhưng thật ra, chúng khác biệt nhau lắm. Rất dễ dàng để trả lời câu hỏi trước, nhưng trả lời câu hỏi sau là điều không hề đơn giản.
Với câu hỏi trước, Hồ Duy Hải có oan hay không? Tất nhiên, Hồ Duy Hải oan! Vì lẽ, hồ sơ kết tội của Hồ Duy Hải đầy rẫy những điều phi lý. Theo thống kê, đã có khoảng hơn 40 điều phi lý, mà lẽ ra, chỉ cần có 01 hay 02 trong số hơn 40 điều phi lý ấy tồn tại, thì hồ sơ kết tội ấy đã phải hủy, Hồ Duy Hải đã được tự do rồi chứ không thể dùng để kết án tử hình một công dân. Cho nên, đánh giá về phương diện pháp lý với hồ sơ kết tội như thế, thì Hồ Duy Hải bị oan là điều không cần phải bàn cãi quá nhiều.
Nhưng với câu hỏi sau, “Hồ Duy Hải có giết 02 cô gái ấy không?”, thì câu trả lời không đơn giản. Vì lẽ, ngoài những người có liên quan, như: 02 cô gái nạn nhân đã chết, Hồ Duy Hải hoặc thủ phạm nào đó đã ra tay thủ ác, thì không có ai tận mắt chứng kiến thấy diễn biến sự việc để mà có thể khẳng định sự việc.
Thực tế, như phần lớn các vụ sát nhân, thì không mấy ai có thể cho rằng mình biết rõ tội phạm là ai được cả, ngoại trừ có nhân chứng tận mắt thấy rõ diễn biến sát nhân, hoặc clip ghi âm, ghi hình giúp xác định tội phạm thì không kể. Đôi khi, trong một số trường hợp, chính nạn nhân cũng chưa hẳn biết rõ ai là người đã ra tay thủ ác tước đoạt sinh mạng của mình? Vì thế, các điều tra viên, giám định viên tư pháp, kiểm sát viên, thẩm phán và các luật sư lại càng không thể biết. Cái “biết” được tranh cãi trong phiên tòa, cũng như cái “biết” ghi trong bản án tử hình chỉ là cái “biết” từ sự xét đoán mà thôi.
Việc điều tra tội phạm sau án mạng là việc ráp nối lại các kết quả điều tra để giúp xác định tội phạm. Việc điều tra là do con người thực hiện, con người thì không hoàn hảo, cho nên, kết quả điều tra không phải lúc nào cũng bảo đảm đúng đắn, chuẩn xác. Sự đúng sai tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu trong vụ án phân công được điều tra viên giỏi nghiệp vụ, công tâm và thận trọng… thì kết quả điều tra sẽ hiệu quả, mức độ khả tín cao. Nhưng nếu điều tra viên kém, nghiệp vụ chuyên môn chỉ bao gồm sự lạm dụng quyền hạn, bức cung, nhục hình. Bên cạnh đó, bị áp lực vì thành tích thi đua, vì chỉ đạo của cấp trên hay những lý do kém minh bạch khác để đổi trắng thay đen… buộc “gấu chắp tay nhận là thỏ”, thì hậu quả gây ra án oan sai cho công dân là điều có thấy trước.
Cho nên, trong vụ án Hồ Duy Hải, với những chứng cứ phi lý tồn tại trong hồ sơ, thì về phương diện pháp lý, Hồ Duy Hải bị oan. Nhưng Hồ Duy Hải có ra tay tước đoạt 02 mạng người hay không, thì công chúng chỉ có thể xét đoán bằng niềm tin, rằng Hồ Duy Hải không phải là kẻ thủ ác.
Theo đó, bất luận như thế nào, thì vụ án Hồ Duy Hải cũng cần phải hủy.
Hôm qua, ngày 06/05/2020, vụ án Hồ Duy Hải được Tòa án tối cao đưa ra xét xử trong một phiên tòa giám đốc thẩm khá rình rang, với hình ảnh 17 vị thẩm phán mặc áo thụng đỏ đẹp mắt, trong khung cảnh phòng xử ốp toàn gỗ nguy nga được truyền đi cả nước, kể cả sự kiện lần đầu một luật sư được mời dự phiên tòa như vậy, thì đã giúp thu hút sự quan tâm rộng rãi chưa từng có của công chúng. Đây quả là một cơ hội lớn để pháp đình Việt Nam gỡ gạc lại chút niềm tin của công chúng sau khá nhiều các vụ án oan tày trời như Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh…
Bóng đã ở trong chân, liệu họ sẽ bỏ lỡ hay tận dụng cơ hội sút vào một khung thành trống để ghi điểm? Cân nhắc lợi hại, chắc hẳn công chúng sẽ nhanh chóng chọn lựa giải pháp “sút ghi điểm”. Nhưng với tư cách là người hiểu biết nhiều về các sinh hoạt pháp đình của xứ sở này trong một phần tư thế kỷ qua, tôi vẫn đang phân vân chọn câu trả lời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét