Hồ Duy Hải và thân phận người dân Việt Nam dưới Pháp chế xã hội chủ nghĩa
LS Đào Tăng Dực
Một trong những lập luận rất lạ lùng của Tòa án Nhân dân Tối cao là: những vi phạm pháp luật liên hệ đến Bộ luật tố tụng hình sự khi truy tìm chứng cứ của công an, không làm thay đổi bản chất của vụ án, nên không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.Khi lập luận như thế 17 vị thẩm phán này đã lập luận không phải như những luật gia, mà như những đảng viên trung kiên của ý thức hệ Mác Lê.
Việt Nam không phải là một quốc gia có một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên như các quốc gia dân chủ trên thế giới. Chính vì thế hệ thống pháp lý của Việt Nam là “Pháp chế xã hội chủ nghĩa”, không phải là chế độ pháp trị bình thường như tại các quốc gia dân chủ.
Lý do pháp chế xã hội chủ nghĩa khác biệt với chế độ pháp trị bình thường là vì sự vắng bóng của yếu tố hiến định (tức là tính tối cao của một hiến pháp nghiêm chỉnh, thay vì tính tối cao của điều lệ đảng CSVN) và sự vắng bóng của yếu tố đa nguyên (tức sự hiện diện của đối lập chính trị nhằm giám sát hoạt động của đảng CSVN).
Sự vắng bóng của hai yếu tố này đưa đến sự lệ thuộc của hệ thống tư pháp, gồm các tòa án vào sự lãnh đạo chính trị của đảng và từ đó, thiếu yếu tính độc lập và công lý có thể bị bức tử dễ dàng.
Chính vì thế, không những anh Hồ Duy Hải mà bất cứ công dân Việt Nam nào khác, đứng trước vành móng ngựa của một tòa án theo pháp chế xã hội chủ nghĩa này, cũng có xác suất chịu một số phận như nhau.
Tuy nhiên, lý do chúng ta chú tâm nhiều đến vụ án này, ngoài tính nghiêm trọng của nó vì liên quan đến tội cố sát và án tử hình, là vì những vi phạm không những các nguyên tắc luật pháp bình thường tại các quốc gia dân chủ, mà nó còn vi phạm ngay cả những thủ tục pháp lý của pháp chế xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam nữa.
Trước khi phân tích và đánh giá vụ án này, chúng ta xác định các sự kiện như sau, theo Wikipedia Việt Ngữ:
“1. Thảm sát xảy ra ngày 13/1/08:
Tại Bưu điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, hai nữ nhân viên bưu điện tên Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987) bị giết bằng cách cắt cổ.
2. Ngày 21 tháng 3 năm 2008, nghi phạm Hồ Duy Hải sinh năm 1985 bị bắt.
3. Qua hai lần xét xử sơ thẩm (năm 2008 tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An) và phúc thẩm (năm 2009 tại Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh), Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Tuy nhiên, gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan.
4. Năm 2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình quyết định không kháng nghị vụ án.
5. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó, trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc hội Việt Nam, năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
6. Ngày 22 tháng 11 năm 2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, sau khi nhận được đề nghị xem xét giải quyết đảm bảo đúng pháp luật vụ án từ Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 năm 2019.
7. Ngày 8 tháng 5 năm 2020, sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm vụ án, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua bỏ phiếu công khai, quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
8. Đây là một vụ án có nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án như:
a. Thay đổi vật chứng;
b. Bỏ sót các chứng cứ pháp y như vân tay, vết máu tại hiện trường;
c. Bỏ qua một số bản khai cung không nhận tội của bị cáo;
9. Tuy nhiên Tòa án nhân dân tối cao nhận định những vi phạm pháp luật này không làm thay đổi bản chất của vụ án nên không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
10. Tại thời điểm xảy ra vụ án, nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng đang có mối quan hệ tình cảm với ba người đàn ông: Nguyễn Mi Sol (người yêu cũ), Nguyễn Văn Nghị (người yêu mới) và một kĩ sư tên Trung (bạn mới quen). Trần Văn Chiến và Nguyễn Tuấn Anh “đang theo đuổi Hồng”.
Thành viên Hội đồng Thẩm phán gồm 17 người và chủ tịch Hội đồng là thẩm phán Nguyễn Hòa Bình, người mà năm 2011, trong chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao nhân dân, đã quyết định không kháng cáo vụ án này.
Một cách tổng quát, thế giới đương đại có hai hệ thống tư pháp thịnh hành, một là hệ thống tư pháp phát xuất từ Anh Quốc theo truyền thống Common Law căn cứ nhiều trên án lệ và hai là hệ thống phát xuất từ Pháp gọi là Code Napoleon hay Civil Code, chịu ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, căn cứ nhiều trên luật thành văn.
Hệ thống luật pháp Cộng Sản tuy gọi là pháp chế xã hội chủ nghĩa, và không còn yếu tố độc lập và vô tư của Civil Code hiện hành tại Pháp hoặc phần lớn các quốc gia lục địa Âu Châu, nhưng chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũ và qua Liên Xô cũ, chịu ảnh hưởng của Civil Code nhiều hơn.
Tuy nhiên cả Common Law (Anh Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Tân Tây Lan…) lẫn Civil Code (Pháp, các nước lục địa Âu Châu, các cựu thuộc địa các quốc gia trên) đều tôn trọng những nguyên tắc nền tảng sau đây:
1. Các khái niệm giả định vô tội (presumption of innocence) và trách nhiệm chứng minh (onus of proof):
Một bị cáo tự thể được giả định là vô tội (presumption of innocence) và trách nhiệm chứng minh (onus of proof) một bị cáo có tội hòng kết án về hình sự là trách nhiệm của Công tố Viện (Prosecutor’s Office), trong trường hợp của Việt Nam là Viện Kiểm sát tối cao nhân dân, không phải trách nhiệm của bị cáo.
Tuy bị cáo có thể nêu ra chứng cớ phản bác những chứng cớ của Viện Kiểm sát và chứng minh sự vô tội của mình, nhưng chỉ cần VKS bày tỏ nghi vấn về phẩm chất của chứng cứ đã trình tòa, hoặc minh thị rút lại chứng cứ, thì nguyên tắc “giả định vô tội” lập tức được kích hoạt và tòa án không còn sự chọn lựa nào ngoài hủy án, tái xét hoặc tha bổng cho bị cáo.
Trong trường hợp của HDH, một khi vào “ngày 22 tháng 11 năm 2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, sau khi nhận được đề nghị xem xét giải quyết đảm bảo đúng pháp luật vụ án từ Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 năm 2019” thì điều này chứng minh có nhiều khiếm khuyết về phẩm chất cũng như số lượng chứng cứ đưa đến việc kết án, và ông Nguyễn Hòa Bình cũng như 16 vị thẩm phán TANDTC còn lại không có sự chọn lựa nào ngoài chấp nhận kháng nghị của VKS, hủy bỏ bản án, tái điều tra và tái xử hoặc tuyên bố HDH vô tội.
2. Cấp độ chứng minh (standard of proof):
Vấn đề chứng cứ trong một phiên tòa, dù là những phiên tòa dân sự hay hình sự cũng vô cùng quan trọng, nhất là về hình sự thì lại càng nghiêm khắc hơn.
Phiên xử HDH cho thấy nhiều khuyết điểm về chứng cứ như:
a. Thay đổi vật chứng;
b. Bỏ sót các chứng cứ pháp y như vân tay, vết máu tại hiện trường;
c. Bỏ qua một số bản khai cung không nhận tội của bị cáo;
Trong hệ thống hình sự Common Law có 2 cấp độ chứng cứ rõ rệt trước khi tòa tuyên phán. Cấp độ chứng minh trong các phiên tranh tụng dân sự là “có xác suất phải chăng” (On the balance of probability) có thể đồng nghĩa với xác suất một sự kiện xảy ra trên 50% là thắng kiện. Tuy nhiên trong một phiên tòa hình sự thì cấp độ chứng minh phải là “Không còn lý do chính đáng để nghi ngờ” (Beyond Reasonable Doubt) có nghĩa một người phải chăng (reasonable person) không còn lý do để nghi ngờ tội phạm của một bị cáo. Hầu như xác xuất là 90% hay hơn nữa.
Hệ thống tư pháp Civil Code tại Pháp và Âu Châu khác với Anh Quốc và Hoa Kỳ ở điểm then chốt này. Trong cả dân sự lẫn hình sự, cơ quan hoặc cá nhân trách nhiệm phải thuyết phục quan tòa đến mức độ quan tòa đạt đến một “sự thuyết phục thâm tâm” (intime conviction) trước khi phán quyết. Ý niệm “thuyết phục thâm tâm” này buộc quan tòa phải xét đến tất cả mọi chứng cứ từ lời nói, văn kiện, khoa học, tâm lý v.v… và quyết định trong khi ý thức hoàn toàn tính chủ quan của chính vị thẩm phán.
Tuy về dân sự, cấp độ quan tòa phán xét một vụ tranh chấp căn cứ trên nguyên tắc “sự nổi bật của chứng cứ” (preponderance des preuves). Nhưng sự nổi bật của chứng cứ này không phải tương xứng với ý niệm “có xác xuất phải chăng” trong Common Law mà đòi hỏi một cấp bực chứng cứ tương đối cao hơn. Chính vì thế tranh tụng về dân sự tại Pháp đòi hỏi nhiều chứng cứ hiển nhiên hơn tại Anh hay Hoa Kỳ như giao kèo thành văn chẳng hạn.
Trong khi đó, trong một phiên xử hình sự, tuy mức độ “thuyết phục thâm tâm” áp dụng, nhưng dĩ nhiên vì hình sự liên hệ đến sự tự do và đôi khi tính mạng của một công dân nên, trong thực tế, yếu tố “nổi bật của chứng cứ” sẽ cao hơn và tương tự với “beyond reasonable doubt”.
Chính vì thế trong trường hợp của HDH, nếu đứng trước một pháp đình nghiêm chỉnh trong truyền thống Common Law lẫn Civil Code, HDH đều vô tội vì những chứng cứ nhiều khuyết điểm như thế sẽ không đủ sức thuyết phục một Bồi Thẩm đoàn “beyond reasonable doubt” tại Anh Quốc hay Hoa Kỳ và cũng sẽ không thể thuyết phục một Thẩm phán hay Thẩm phán Đoàn tại Pháp đến mức độ “intime conviction” và HDH sẽ được tuyên bố vô tội tại cả 2 pháp đình.
Thêm vào đó, vì cấp độ chứng minh của cả 2 khái niệm “beyond reasonable doubt” hoặc “intime conviction” trong án hình sự rất cao, nên sự hiện hữu của những nghi can khác (như Nguyễn Mi Sol (người yêu cũ), Nguyễn Văn Nghị (người yêu mới) và một kĩ sư tên Trung (bạn mới quen). Trần Văn Chiến và Nguyễn Tuấn Anh đang theo đuổi Hồng.), hầu như chắc chắn sẽ làm các vị thẩm phán vô cùng nghi ngờ phẩm chất các chứng cớ về tính tội phạm (criminality) của HDH và xác suất trắng án của bị cáo lại càng cao hơn nữa.
3. Khái niệm xung đột quyền lợi (conflict of interests)
Đây là một khái niệm then chốt của công lý nhân loại đương đại, phát xuất từ một phiên tòa tại Anh Quốc năm 1924 và xuất xứ của một câu châm ngôn lừng danh trong giới luật sư và thẩm phán thời đại.
Đó là câu:
“Justice must not only be done, but must be seen to be done” dịch ra tiếng Việt là “Công lý không những phải được thực thi, mà phải làm sao cho mọi người nhìn thấy nó được thực thi” của Chánh Thẩm Phán Lord Chief Justice Hewart trong phiên xử R v Sessex Justices, ex parte McCarthy, năm 1924.
Phiên xử này quy định những nguyên tắc nền tảng liên hệ đến tính vô tư và sự vắng mặt cần thiết của các thẩm phán khi có xung đột quyền lợi.
Chính vì thế TP Nguyễn Hòa Bình và 16 vị Thẩm Phán trong phiên xử HDH cần học hỏi phiên xử này.
Theo Wikipedia Anh Ngữ, thì phiên xử được tóm lược như sau:
“Năm 1923 một người đi xe gắn máy là McCarthy dính vào một tai nạn xe cộ và bị truy tố trước tòa về tội lái xe gây nguy hiểm (dangerous driving). Cả bị cáo lẫn luật sư của ông đều không biết thư ký của các chánh án là thành viên của một công ty luật đại diện trong một phiên xử dân sự chống lại McCarthy đòi bồi thường thiệt hại liên hệ tới tai nạn xe cộ này. Các quan tòa kết tội McCarthy sau đó.
Sau khi biết được quan hệ trên của thư ký này thì McCarthy kháng cáo yêu cầu hủy án. Các quan tòa nộp một văn kiện hữu thệ xác định họ đã phán quyết kết án bị cáo nhưng không hề tham khảo người thư ký này”.
Theo chánh thẩm phán Lord Chief Justice Hewart này thì tuy các thẩm phán xử án thực sự vô tư, nhưng chỉ cần hình thức bề ngoài có vẻ không vô tư thì công lý đã không được thực thi rồi.
Chính vì thế ngài đã phải hủy bản kết án và phán xét này đã đi vào lịch sử.
Khi nguyên tắc này áp dụng cho HDH thì 2 sự kiện:
a. Một là ông Nguyễn Hòa Bình vào năm 2011 làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và đã quyết định không kháng nghị vụ án và;
b. Hai là ông ngang nhiên trở thành Chánh Thẩm phán trong phiên xử ngày 8 tháng 5/2020
đã vi phạm trầm trọng nguyên tắc xung đột quyền lợi (conflict of interests) vô cùng hiển nhiên và cũng vì thế sự phán xét của tòa bị hoen ố toàn diện khi ông làm chánh thẩm.
4. Tương quan nghiêm chỉnh giữa Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) và Bộ Luật Hình Sự (BLHS)
Một trong những lập luận rất lạ lùng của Tòa án Nhân dân Tối cao là: những vi phạm pháp luật liên hệ đến Bộ luật tố tụng hình sự khi truy tìm chứng cứ của công an, không làm thay đổi bản chất của vụ án, nên không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Khi lập luận như thế 17 vị thẩm phán này đã lập luận không phải như những luật gia, mà như những đảng viên trung kiên của ý thức hệ Mác Lê.
Trong khi tương quan giữa BLTTHS và BLHS không những là một tương quan có tính phương tiện và cứu cánh (means and end), mà kèm theo đó là một tương quan có tính nhân quả (cause and effect).
Một mặt BLTTHS cần phải được tuân thủ nghiêm cẩn hầu bảo đảm phẩm chất của chứng cớ (phương tiện) và đạt đến mục tiêu công lý của BLHS (cứu cánh).
Mặt khác nếu không có chứng cớ phẩm chất cao qua tuân thủ BLTTHS (nguyên nhân) thì công lý như quy định trong BLHS sẽ không được thực thi (hậu quả).
Không những trong chế độ pháp trị dân chủ chân chính mà ngay cả dưới chế độ pháp chế xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, nguyên tắc này phải được mọi luật gia đả thông.
Chính vì thế, điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Lập luận nêu trên của 17 vị thẩm phán là lập luận cố hữu của các đảng viên CS giáo điều tức “cứu cánh biện minh cho phương tiện”.
Vì họ đã cả quyết HDH là có tội thì BLTTHS chỉ là một phương tiện, nếu không cần thiết thì vứt đi, vì mục tiêu đã đạt được.
Câu hỏi chúng ta đặt ra là:
Tại sao những quan tòa tối cao của đất nước lại có thể quan niệm về luật pháp lạ lùng như thế?
Câu trả lời đơn giản là dưới trật tự chính trị Mác Lê và pháp chế xã hội chủ nghĩa, các thẩm phán, thay vì là những luật gia uyên bác và vô tư thì chỉ là những đảng viên thuộc các phe nhóm, được gài ghép vào những vị trí hòng ban thưởng hoặc củng cố quyền lực, hoàn toàn không đủ phẩm chất của những thẩm phán nghiêm chỉnh như tại các quốc gia pháp trị nghiêm minh.
Ngay cả trong trường hợp Hồ Duy Hải được tái thẩm đúng theo công lý hoặc phán xét vô tội, thì số phận của nhân dân Việt vẫn không được cải thiện, trừ khi một hệ thống pháp lý nghiêm chỉnh được hình thành tại Việt Nam trong phạm trù của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.
Đ.T.D.
Nguồn: FB Đào Tăng Dực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét