Có hay không thời mạt pháp
Tương Lai
Tình cờ qua dịch vụ Zalo biết được sinh nhật của ông bạn luật sư nên có mấy lời mừng: “Chúc anh luôn khoẻ, mọi sự an lành, tiếp tục góp phần giúp dân, giúp nước, trước mắt là góp tiếng nói của luật sư cứu mạng Hồ Duy Hải đang là nạn nhân của một thể chế độc tài vô pháp vô luân”. Ông bạn luật sư lại trang trọng hồi âm: “Cám ơn gs viện trưởng “sống... có một tấm lòng để gió cuốn đi. Thời Mạt pháp”.
Thế là ông luật sư làm khó cho tôi rồi đây. Mấy từ “thời mạt pháp” động đến dự ngôn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà về lĩnh vực này thì tôi dốt đặc. Ông bạn tôi lại gắn cái khái niệm đáng sợ này vào với những suy niệm riêng tư chỉ “để gió cuốn đi” những “mênh mông thế sự” nhặt nhạnh được rồi ngẫu nhiên đậu lại đâu đó, bất định, đến và đi, ai vui thì đến, hững hờ thì đi, chẳng làm vướng bận bất cứ ai. Vậy thì làm sao hiểu được câu chuyện đượm màu huyền sử cách nay 2500 năm được ghi chép trong “Phật thuyết pháp diệt tẫn kinh”? Đó là những lời tiên tri mà người đời sau nhớ và ghi chép lại nên thật khó để cam đoan là hoàn toàn chuẩn xác. Ấy vậy mà vẫn không thể không suy ngẫm về những dự ngôn của Đức Phật: Rằng sau khi Ngài ly thế, cũng chính là thời kỳ Mạt pháp thì Phật Pháp mà Ngài truyền sẽ bị phá huỷ, diệt vong.
Lúc ấy, có bao nhiêu điều đã xảy ra? Có bao nhiêu điều đang xảy ra? Còn bao nhiêu điều sắp xảy ra? Theo sách ấy, trong thời Mạt pháp, sẽ nảy nòi ra rất nhiều tăng nhân giả làm thiện, đưa chúng sinh lầm đường lạc lối. Thời Mạt pháp cũng sẽ xuất hiện rất nhiều dị thường và cũng chính là lúc con người không còn tâm Pháp để câu thúc đạo đức... “Thuỷ hạn bất điều, ngũ cốc bất thục, dịch khí lưu hành tử vong giả chúng” tạm hiểu là khí hậu dị thường, thiên tai nhân hoạ xảy ra thường xuyên, hạn hán, ngũ cốc không chín, dịch bệnh chết người... Và rồi, “Ác nhân chuyển đa như hải trung sa, thiện giả thậm thiểu nhược nhất nhược nhị” ý nói đạo đức xã hội trượt dốc, người ác nhiều như cát trong biển, người lương thiện lại càng hiếm hoi!
Hay là ông bạn luật sư của tôi mượn chuyện nhà Phật để nói lên nỗi đau đời theo cách tác giả của bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” mượn chuyện Phật để biểu đạt chuyện đời:
“...ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe dông bão nổ trăm miền...
Như từ vực thẳm đời nhân loại.
Bóng tối đùn ra trận gió đen...
Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”.
Hai câu chuyện Phật cách nhau hơn hai thiên niên kỷ, thế nhưng “sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố” mà Einstein đã từng nhắc nhở. Câu hỏi lớn “như từ vực thẳm đời nhân loại, bóng tối đùn ra trận gió đen” ấy vẫn liền mạch với hôm nay và vẫn đang chờ câu trả lời.
Đang chờ. Bởi vì, chẳng phải những dự ngôn của Đức Phật dường như đang hiển hiện ngay trước mắt chúng ta đó sao! Môi trường sống biến đổi dữ dội, quả đất nóng dần lên, băng tan, nước biển dâng, hạn hán bão lũ dồn dập, và rồi đại dịch xuất phát từ Vũ Hán ở Trung Quốc đang gây nên một tai hoạ khủng khiếp cho con người trên toàn cầu, làm đảo điên nhiều quốc gia. Đó là “một thông điệp không lời về tính vô thường của vạn sự” mà chúng tôi đã nói đến trong “Mênh mông thế sự” số 91. Nhưng rồi tôi nghĩ, ông bạn của tôi khi nhắc đến “thời mạt pháp” chắc là muốn nói nhiều hơn đến thực trạng “vô pháp, vô luân”, những thuật ngữ tôi viết trong tin nhắn mừng sinh nhật ông luật sư, một người am hiểu về đạo lý và luật pháp – lĩnh vực chuyên môn của ông – nơi đang có cả rừng luật nhưng người ta lại quen dùng “luật rừng”, trái với luân thường đạo lý!
Thì đó, mấy ngày vừa rồi dư luận đang nóng lên xoay quanh phiên toà Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao do chính ông Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao (trước đây là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) ngồi ghế Chánh án với 17 vị thẩm phán “chăm phần chăm” (100%) rất chi là tuyệt đối nhất trí để Hội đồng Thẩm phán kết luận: “Quá trình điều tra, xét xử có thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Do vậy không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao”.
Ngay lập tức, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định các nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là đúng thẩm quyền và không sai luật. Ông nói trong quá trình xem xét vụ việc thì có nhiều chứng cứ chưa rõ, cần phải làm rõ. Căn cứ vào Bộ luật tố tụng hình sự, khi có dấu hiệu thế thì phải kháng nghị xem xét lại... vụ án còn mâu thuẫn cần phải kháng nghị điều tra lại, đảm bảo khách quan, bảo vệ tính mạng của người dân khi không có chứng cứ trực tiếp. Ông Lê Minh Trí khẳng định “Chắc chắn viện trưởng kháng nghị không sai luật và đúng thẩm quyền. Viện trưởng cũng có báo cáo với các cấp có thẩm quyền để xem xét và đúng pháp luật” (Tuổi Trẻ. 18.5.2020). Xin lưu ý đã có báo cáo với các cấp có thẩm quyền rồi đấy nha! Mà “cấp có thẩm quyền” này chắc chắn phải ở cao chót vót khiến vị Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao phải dè dặt.
Vậy mà ngày 20.5.2020 báo Công Lý choang ngay một bài: Vụ án Hồ Duy Hải: “Cái nhìn khách quan từ chứng cứ, tài liệu tố tụng” trong đó ghi rõ: “Kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi, kết quả nhận dạng có đủ cơ sở xác định con dao, cái thớt là những vật có thật ở hiện trường vụ án, là hung khí mà Hồ Duy Hải dùng để giết các nạn nhân”.
Chỉ có điều “Công Lý” quên mất một chi tiết: “con dao và cái thớt đó đã biến mất tăm”!?. Nhà báo Lưu Trọng Văn đã tường trình rõ chi tiết bị “Công Lý” bỏ quên đó: “Theo lời khai của bốn người dọn dẹp hiện trường vụ án (Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng và Nguyễn Tuấn Ngọc) thì trong ngày 14 tháng 1 năm 2008, lúc họ dọn dẹp hiện trường đã phát hiện một con dao mới và sạch nhét sau tấm bảng treo trên tường gần chỗ nằm của hai nạn nhân Hồng và Vân. Họ đã báo cho công an xã và huyện nhưng được lệnh đốt bỏ. Họ đã dùng con dao này để cạo vết máu trên nền gạch rồi đốt bỏ nó”. Ơ hay, tang chứng vật chứng quyết định cho kết quả điều tra vụ án giết người sao lại có cái lệnh tai quái này? Mà sao “Công Lý” lại quên không nói nhỉ, hay sợ nói ra thì công lý bị vấy bẩn mà vì vậy mà đã có lệnh phải “đốt bỏ”?
Đừng quên rằng cũng báo Công Lý ngày 12.5.2020 đã có bài của một vị đại tá Công an cao giọng cảnh cáo: “Thực tế, vụ án Hồ Duy Hải và một số vụ án khác đã bị các thế lực cơ hội chính trị lợi dụng và chúng tôi cũng biết rất rõ ai đứng đằng sau những “thông tin bẩn” để lôi kéo người ít hiểu biết về pháp luật và những vấn đề chuyên sâu của vụ án, nhằm tạo “sức ép” lên cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng, thậm chí với cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước.Trước đây những thành phần này tập trung vào vụ Đồng Tâm, nhưng sau đó, do dịch bệnh COVID-19 nên tạm thời lắng xuống, và giờ chúng lại bám vào vụ án Hồ Duy Hải, coi như một miếng mồi mới, để tiếp tục trào lưu kích động dư luận, xuyên tạc bịa đặt, chống phá Nhà nước... tình trạng “trong nghiêm ngoài phá” như hiện nay chắc chắn đang có sự lợi dụng của các thế lực thù địch bên ngoài... Thậm chí, có những ĐBQH không phải chuyên ngành luật, không nắm rõ về hồ sơ vụ án mà vẫn lên tiếng đánh giá, chưa kể những nhận định đưa ra sai hoàn toàn so với thực tế, điều này rất nguy hiểm. Để ngăn chặn tình trạng “nhiễu thông tin’ và “truyền thông bẩn” như hiện nay, các cơ quan tố tụng Trung ương cần báo cáo sự việc với cấp trên mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị về vụ án và cả vấn đề truyền thông hiện nay”.
Thật tội nghiệp cho ngài “Tổng Chủ” long thể chưa được an khang, lại bị lôi vào một vụ án không lấy gì làm lớn tại Bưu cục Cầu Voi ở một nơi hẻo lánh của tỉnh Long An kéo dài hơn cả thập kỷ, đang biến thành một vụ án tầm quốc gia cuốn theo cả “hệ thống chính trị” được khoác cho tấm áo Nhà nước Pháp quyền XHCN của dân, do dân vì dân luôn “thượng tôn pháp luật”!
Nhưng rồi thượng tôn kiểu gì để rồi chưa bao giờ pháp luật lại bị phê phán một cách quyết liệt như hiện nay, không chỉ là do các thế lực thù địch, mà còn là “các thế lực cơ hội chính trị... bám vào vụ án Hồ Duy Hải, coi như một miếng mồi mới, để tiếp tục trào lưu kích động dư luận, xuyên tạc bịa đặt, chống phá Nhà nước”, trong đó có cả “những ĐBQH không phải chuyên ngành luật, không nắm rõ về hồ sơ vụ án mà vẫn lên tiếng đánh giá, chưa kể những nhận định đưa ra sai hoàn toàn so với thực tế rất nguy hiểm” như ông đại tá nọ viết trên tờ Công Lý.
Đấy là ngài đại tá tránh chưa nói đến chính những quan chức, những chuyên gia cao cấp trong ngành luật pháp đang thẳng thừng bác bỏ những phán quyết của Hội đồng Thẩm phán của phiên toà Giám đốc thẩm! Họ điểm mặt chính Chánh án ngồi ghế Chủ toạ Phiên Giám đốc thẩm ấy là vi phạm Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự.
Một vị nguyên Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao viết rất rành mạch: “Ông Nguyễn Hoà Bình phải từ chối tham gia xét xử Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì ông Bình đã ký quyết định không kháng nghị vụ án này với tư cách là Viện trưởng VKS NDTC. Sở dĩ luật quy định như vậy để bảo đảm tính vô tư, khách quan, tránh áp đặt ý muốn chủ quan của người ngồi xét xử vụ án... Ông Bình ngồi xét xử, lại là Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao chủ tọa phiên toà làm cho người ta đặt câu hỏi về tính Khách Quan, Vô Tư của phán quyết”.
Trường hợp này chắc chắn không là “trong nghiêm ngoài phá” mà vị đại tá Công an nọ lên án trên tờ Công Lý. Mà đích thực là ở “trong” đấy chứ. Mà đâu chỉ có vị nguyên Thẩm phán Toà án Tối cao này, còn khá nhiều những vị đích thực là ở “trong” như một vị luật sư từng là Phó giám đốc Công An - Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã thẳng thừng trả lời báo Phụ Nữ ngày 13.5.2020: “Vụ án gì mà bày ra bao nhiêu thứ sai sót, xã hội thấy những sai sót này là không thể chấp nhận được, nhưng ông Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thản nhiên nói “sai sót này không thay đổi bản chất vụ án”. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vừa rồi có những chi tiết và lập luận không đủ sức thuyết phục”.
Ông luật sư này còn nói rõ: “Chúng ta lại công khai một nền tư pháp lỏng lẻo, thiếu thuyết phục, thậm chí làm mất lòng tin nơi nhân dân…”! “Nền tư pháp lỏng lẻo” ấy được nguyên Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao chỉ ra trong lập luận của Chủ toạ Phiên toà Giám đốc thẩm về “hiệu lực pháp luật” để bác bỏ kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cứ tiếp tục tiến hành phiên toà là không đúng! Không đúng, vì theo ông: “Không có quy định nào về vấn đề này trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự cả”. Vì vậy “Thông thường khi xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm HĐXX phải xem xét ngay đến cơ sở của trình tự tố tụng này là Kháng cáo, kháng nghị. Một kháng cáo hoặc kháng nghị đã không hợp pháp thì không có phiên toà”.
Ông còn nói rõ: “Trong vụ án này, việc điều tra đã có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục tố tụng hình sự từ khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, dấu vết, nhận dạng vật chứng, mua cái không phải là vật chứng để cố tình hợp pháp hoá vật chứng… Khi mà các cái gọi là chứng cứ được thu thập trái pháp luật, không đúng quy định của pháp luật và lại được sử dụng như là chứng cứ buộc tội thì không ổn vì đó không phải là chứng cứ. Vì thế nó không có sức thuyết phục, không đủ để chứng minh tội phạm và đương nhiên nó làm ảnh hưởng hoặc thay đổi nội dung, bản chất của vụ án.
Sẽ là một tiền lệ và nguy hiểm hơn là án lệ cho các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự nói riêng và pháp luật tố tụng nói chung”.
Vậy là, từ quá trình điều tra, thu thập chứng cứ cho đến phiên toà Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, ông chủ toạ và các vị thẩm phán đều có vấn đề – nói theo ngôn từ dân dã – thì đã bị “lên thớt”! Mà việc bị “lên thớt” này lại không dễ phi tang như cái thớt và con dao của hung thủ dùng để giết người vừa được nhà báo miêu tả. Và không chỉ nhà báo, Bản báo cáo của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội trực tiếp giám sát, kiểm tra và báo cáo Quốc hội ngày15.2.2015 đã tường trình rất rõ ràng: “Cái thớt gỗ được cho là hung khí gây án được công an sai người ra chợ mua về; biến thành tang vật gây án. Con dao được cho là hung khí giết người được dân phòng lượm khi thu dẹp hiện trường nhưng công an không thu giữ mà đem đốt đi. Sau đó, con dao tang vật được “tưởng tượng” và vẽ lên trên giấy”! Không hiểu bà Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hôi (nay là Chủ Nhiệm) có bị ông đại tá Công an trên báo “Công Lý” xếp vào loại gây “nhiễu thông tin’ và “truyền thông bẩn” cần phải ngăn chặn và cần phải báo cáo sự việc với cấp trên mà trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị không nhỉ?
Thế rồi, cứ như cố tình phơi ra “công khai một nền tư pháp lỏng lẻo” đến tệ hại ấy, một tình tiết vừa được tung ra “tên tuổi, địa chỉ cư trú của cá nhân trong một vụ án phức tạp, kéo dài hơn 12 năm lại bất ngờ thay đổi: sau hơn 12 năm, từ "Nguyễn Văn Nghị" lại thành "Nguyễn Hữu Nghị"”,... “Sau khi Dân Việt thông tin việc không thể tìm ra tung tích Nguyễn Văn Nghị (Cai Lậy, Tiền Giang), người từng được cho là "nghi can" trong vụ án Hồ Duy Hải thì ngay sau đó, Công an tỉnh Long An lại khẳng định: Không có Nguyễn Văn Nghị mà chỉ có Nguyễn Hữu Nghị ở Long An (?)”. [Dân Việt ngày 17.5.2020]
Đến lúc này, dư luận mới đặt câu hỏi: Vậy trong hơn 12 năm qua, hầu hết cơ quan luật pháp và công luận chỉ gọi tên Nguyễn Văn Nghị trong hàng trăm hồ sơ, tài liệu và cả trong các đơn từ, bài báo liên quan tới vụ án, nhưng Công an tỉnh Long An không có ý kiến gì. Mãi đến bây giờ, Công an Long An mới lên tiếng phủ nhận sự tồn tại của người có tên Nguyễn Văn Nghị (ở Tiền Giang) liên quan tới vụ án, thay vào đó là người có tên Nguyễn Hữu Nghị (ở Long An).
Vậy suốt 12 năm qua, Nguyễn Văn Nghị bị nêu tên và có lúc trở thành "nghi can số 1" của vụ kỳ án Hồ Duy Hải thực chất là ai?... Nếu lời khẳng định của lãnh đạo Công an tỉnh Long An là chính xác, thì hơn 12 năm qua, không chỉ dư luận, báo chí, cơ quan luật pháp..., cho đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và cả Hội đồng thẩm phán – gồm 17 thành viên của Tòa án nhân dân tối cao – đã bị nhầm lẫn khi nhất nhất tin rằng chỉ có nhân chứng Nguyễn Văn Nghị trong hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải. Và nếu đúng vậy, tại sao trong suốt 12 năm qua, hoặc ít nhất là từ năm 2016 (thời điểm Công an Long An có văn bản chính thức trả lời bà Loan khi phủ nhận không có cái tên Nguyễn Văn Nghị trong vụ án của con bà), Công an tỉnh Long An không lên tiếng hoặc yêu cầu các cơ quan tố tụng các cấp đính chính lại “sai sót” này trong các văn bản, hồ sơ, giấy tờ của vụ án? Để rồi, cái tên Nguyễn Văn Nghị cứ thế được lặp đi lặp lại qua các cấp tòa và tới tận phiên Giám đốc thẩm, như một tình tiết quan trọng trong vụ án, một cách rất hiển nhiên?
Đúng là “Một câu hỏi lớn. Không lời đáp”. Nhưng công chúng không chỉ “cho đến bây giờ mặt vẫn chau” mà ầm ầm phẫn nộ! Chỉ cần điểm qua những bài viết trên báo “lề phải” vốn phải đưa tin và bình luận theo cái gậy chỉ huy từ bên trên, nay bỗng phá khung, vượt rào! Hãy nhìn lướt qua một vài tờ báo ra ngày 18.5.2020 để thấy một chỉ báo về tính đột biến này:
- “Dân trí”: Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chuyên môn xem xét vụ án Hồ Duy Hải (trước VietnamNet 6 phút) – “VietnamNet ”: Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chuyên môn xem xét vụ Hồ Duy Hải - “VOV ”đưa sau VietnamNet 1 phút: “Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu vụ Hồ Duy Hải“ - Pháp luật HCM sau VOV 1 phút: UBTVQH đang nghiên cứu, xem xét vụ án Hồ Duy Hải - Tiền phongsau PLHCM 10 phút: Uỷ ban Thường vụ QH đang giao cơ quan chuyên môn xem xét vụ Hồ Duy Hải - Dân Việt trước Tuổi trẻ: Vụ Hồ Duy Hải: Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lên tiếng - Tuổi trẻ sau Tiền phong 5 phút: Cơ quan của Quốc hội đang xem xét vụ Hồ Duy Hải...!
Thế là, Quốc hội cũng phải vào cuộc vì “Đây là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm nên trong nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát của Quốc hội để giám sát, xem xét, tránh trường hợp án oan sai. Từ đó khởi động quá trình xem xét lại vụ án, cho đến khi có phiên tòa giám đốc thẩm vừa qua” và nay “để xem xét thật toàn diện vụ án này, UB Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xem xét, xử lý”. Với“một loạt sai phạm hết sức nghiêm trọng, ngớ ngẩn và đầy chứng cứ ngụy tạo của cơ quan công an, Tòa án Việt Nam đã 4 lần một mực quyết định tước đoạt mạng sống của một con người vẫn còn rất trẻ” như báo cáo Ủy ban Tư pháp Quốc hội trực tiếp giám sát, kiểm tra và báo cáo Quốc hội ngày15.2.2015 đã chỉ ra thì “hướng xem xét, xử lý” là cực kỳ quan trọng. Hướng nào đây? Lại “một câu hỏi lớn” đang chờ lời đáp.
Xem ra đây cũng lại là một chỉ báo sống độngvề tác động và tính lan toả ngày càng rộng rãi, ngày càng trực tiếp của công luận xã hội, một biểu hiện có thể định tính và định lượng về vai trò ngày càng tăng của các hoạt động mang tính ôn hoà, bất bạo động của xã hội dân sự. Sự chuyển động khá ngoạn mục của những tờ báo “lề phải”, gọi đúng tên là báo “chính thống”, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và nghiệt ngã của bộ máy chuyên chính, cho thấy sức nén xuống càng chặt thì sức bật dậy càng mạnh. Để nồi hơi không bị vỡ, phải tìm cách tháo một vài cái van. Và rồi cuộc sống sẽ tự mở lấy đường thoát cho nó không tuỳ thuộc vào sự ngoan cố với những toan tính và thủ đoạn vừa trắng trợn vừa tinh vi nhằm duy trì hiện trạng trong cơn bấn loạn.
Sự chuyển động ngoạn mục của nhiều tờ báo vừa dẫn ra phải chăng là động tác tháo van ấy? Dù sao thì cũng do đó mà dòng chảy cuộc sống đang ách tắc tạo nên sự tù đọng và hôi hám vì bị ô nhiễm quá nặng nề cũng được khơi thông đôi chút. Đương nhiên, cái lực chìm sâu dưới dòng chảy đã và đang tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, nhất thời hoặc dai dẳng, thúc đẩy sự chuyển biến của những tờ báo “lề phải” này, lại là sức nặng của công luận xã hội dồn lên ngòi bút của nhà báo, cộng thêm vào đó – nói theo ngôn ngữ dân dã – là họ “đã đánh hơi” thấy một cái gì đó để dám giữ thẳng ngọn bút mà không sợ vỡ niêu cơm. Đặc biệt là “niêu cơm” đáng nể của các Tổng Biên tập.
Cho dù vậy thì xem ra có cho ăn gan hùm họ cũng chưa dám nhúng ngòi bút vào nghiên mực của sự thật thấm đầy máu và nước mắt để viết đúng những nỗi đau mà người dân đang ngày ngày gánh chịu khi cuộc sống đang bị luật rừng khống chế. Mà vì thế, tuyệt đối không có dòng nào động chạm đến ông Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao vừa ngồi ghế Chủ toạ Phiên toà Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải như kiểu báo mạng đưa tin: Điểm mặt hàng loạt căn nhà mặt tiền, biệt thự, căn hộ cao cấp tại Hà Nội... Khối tài sản của ông “bao công” lên đến hàng ngàn tỷ, nhà cửa quá nhiều, ông Nguyễn Phú Trọng có biết không? Ông có muốn người dân chỉ cho ông biết không khi mà ông vừa khẳng định: “Nhân sự khoá XIII không để lọt người giàu nhanh, nhiều đất không rõ nguồn gốc”.
Vậy là, nếu là người thật lòng muốn “làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân” thì phải loại bỏ ngay những người đã gây tai tiếng bằng việc dùng chính công cụ của pháp luật để làm sụp đổ niềm tin của dân mà ông muốn củng cố. Nếu không làm được như thế mà chỉ muốn dùng pháp luật như một công cụ bạo lực thể củng cố cái ghế quyền lực của ông và phe nhóm của ông thì càng đẩy cái thể chế toàn trị phản dân chủ sớm sụp đổ. Sụp đổ vì niềm tin của dân đã sụp đổ như chính ông đã nhiều lần nhắc lại câu nói quen thuộc: “Mất dân là mất tất cả”! Cái gọi là “Phiên toà Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao” đã cho thấy cái thể chế này với cái hệ thống lập pháp, tư pháp và hành pháp này đã và đang bục vỡ thảm hại đến cỡ nào. Sự phẫn nộ dâng trào khi “Mạng người mong manh. Công lý xa vời. Đau cho thân phận con người. Đau cho một xã hội thiếu vắng công lý. Khi nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung bị gạt bỏ, nguyên tắc suy đoán vô tội bị bước qua, thì có thể sẽ còn nhiều người mẹ khác phải khóc, sẽ còn nhiều em gái khác phải kêu gào thảm thiết như hôm nay. Tương lai nào cho một đất nước mà ở đó công lý đã mù loà” như nữ phóng viên BH đã viết trên Facebook của mình được nhiều người nhắc lại.
Công luận phẫn nộ không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, quả là “dông bão nổ trăm miền”! Ngày 14.5.2020, đúng 1 tuần sau Phiên toà Giám đốc thẩm, một Kiến Nghị đòi công lý cho tử tù Hồ Duy Hải do những trí thức, nhân sĩ Việt Nam sống ở nước ngoài khởi xướng được sự hưởng ứng của trí thức, nhân sĩ và nhiều người thuộc các tầng lớp nhân dân trong nước ký tên đã được gửi đến Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Các Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Quyền Tổng thư ký Ân xá Quốc tế, Tổng thư ký Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn, Chủ tịch Tổ chức Công giáo Chống tra tấn Pháp, Giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Trưởng ban Nhân quyền, Văn phòng Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Các ngàì Đại sứ của các nước tại Hà Nội. Vào cuối ngày 14.5.2020 đã có 1435 chữ ký. Đến thời điểm tôi đang viết bài này là 7.420 chữ ký.
Kể từ lúc khai mở cho đến lúc kết thúc Phiên toà Giám Đốc Thẩm vụ án Hồ Duy Hải cho đến nay, “dông bão” của lòng dân vẫn đang gào thét thì dù ai đó có giả ngây giả điếc vì màn kịch được dàn dựng với kịch bản quá thô thiển và đạo diễn lại quá bấn loạn đang đâm lao phải theo lao, cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt để mà cứu vãn tình thế, xoa dịu lòng dân! Liệu có phải vì thế mà cử tri được nghe một lời nói chân thành của ông nghị L.Th.V: “việc thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết. Tôi nguyện sẽ hết sức mình để thúc đẩy công việc ấy”! Mong sao tâm nguyện ấy không chỉ của riêng một đại biểu Quốc hội đang có mặt trong Hội trường của Kỳ họp có quá nhiều vấn đề quốc gia đại sự khiến cho không ít người phải “Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau. Quay theo tám hướng hỏi trời sâu”. Ai đó sẽ bảo người viết lếu láo này rằng: “Họ không hỏi trời đâu, đang ngồi trong Hội trường trang trọng và hoành tráng này, với sứ mệnh và lợi ích rất trần thế của mình, họ phải hỏi ngài “Tổng Chủ” chứ!”. Cũng có lý.
Nhưng sao tôi vẫn chưa dứt ra được câu chuyện các vị La hán chùa Tây Phương của Huy Cận với nỗi ám ảnh có sức lay động tâm tư không chỉ của riêng tôi mà chắc của nhiều người khác nữa, trong đó e cũng có một số các vị đang ngồi trong hội trường Quốc hội để rồi lẩn thẩn mà tưởng tượng ra rằng các vị “ngồi đây trong lặng yên. Mà nghe dông bão nổ trăm miền”! Thế rồi từ câu chuyện đời sống chính trị đang nóng bỏng để trở lại với câu chuyện Phật với một niềm day dứt “Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau? Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão. Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời” mà Huy Cận từng đặt ra trong bài thơ kia.
Vậy là lại phải trở về với dự ngôn của Đức Phật về thời “Mạt Pháp” khi mà “đạo đức xã hội trượt dốc, người ác nhiều như cát trong biển, người lương thiện lại ít như lá mùa thu”. Câu chuyện đời sống của chúng sinh bằng xương bằng thịt: “Mạng người mong manh. Đau cho thân phận con người. Đau cho một xã hội thiếu vắng công lý. Tương lai nào cho một đất nước mà ở đó công lý đã mù loà” liệu có chút âm vang nào khi soi lại dự ngôn của Đức Phật về “thời mạt pháp” kia không? Bỗng nhớ đến lời của một nhà sư Đài Loan mà tôi sẽ kể vài dòng kết thúc bài mênh mông thế sự này.
Hoà thượng Quảng Khâm viết: “Phật pháp không có mạt pháp mà “người” thì có mạt pháp. Người không biết kính Phật trọng pháp. Người già đặt Phật pháp tại chỗ mạt nhất trong các sinh hoạt: đặt sau tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghê, đặt sau trà dư tửu hậu, đặt sau “nhân tình thù tạc”. Người đem tính trọng yếu của việc học Phật đặt vào chỗ tối mạt là người của thời đại mạt pháp. Người kính trọng Phật, trọng pháp thì mãi mãi là người của thời đại pháp”. Quảng Khâm là vị hoà thượng được người dân Đài Loan sùng kính vì cuộc đời và con đường tu tập kỳ diệu của ngài. Hoà thượng viên tịch ngày 13.2.1986 tại Diệu Thông Tự ở Cao Hùng, một tỉnh phía Nam, thành phố lớn thứ hai của Đài Loan.
Cũng là cơ duyên sao đó, năm năm sau, 1989 tôi có dịp cùng với anh Đào Dậu, bạn rất thân suốt hơn nửa thế kỷ từ 1951 mà chúng tôi vừa chuyện gẫu với nhau qua điện thoại. Dậu thông thạo tiếng Trung nên tôi đề nghị cùng đến Đài Loan theo lời mời của một cơ quan Văn hoá Đài Loan. Chúng tôi có dịp viếng thăm Diệu Thông Tự và được vị sư trụ trì tiếp. Quanh ấm trà, nhà sư kể lại những hiện tượng kỳ diệu về cuộc đời của Hoà thượng Quảng Khâm. Điều để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi là thời khắc trước khi viên tịch, Hòa thượng nói với các đệ tử đang tụng niệm bên ngài: “Vô lai vô khứ, một hữu sự!” và gật đầu mỉm cười rồi nhắm mắt ngồi bất động. Thế đấy, sống gần một trăm tuổi, thanh thản nhẹ bước vào cõi hư vô “chẳng đến chẳng đi, chẳng việc gì”. Câu nói đơn giản, thâm thuý và sâu thẳm như một châm ngôn ấy gợi trong tôi dự ngôn của Đức Thích Ca Mâu Ni “Các hành là vô thường, các vị hãy tinh tấn”!
Từ câu chuyện Phật mà đến với ít nhiều bóng dáng của “thời mạt pháp” hiển hiện ngay trước mắt chúng ta để khơi dòng cho mạch suy tư về thời cuộc với dồn dập những sự kiện. Điều cần nói là chỉ có thể hiểu sâu sắc những sự kiện ấy khi đặt chúng trong bối cảnh của thảm hoạ toàn cầu với đại dịch Covid 19 đến từ Vũ Hán làm “loài người rúng động, xã hội suy sụp vì một thứ xoàng xĩnh nhỏ nhoi...” đúng như nhà văn châu Phi Moustapha Dahleb viết. Thâm trầm và dữ dội hơn, nhà văn chưa được nhiều người biết đến ấy, còn quyết đoán rằng: “Chỉ cần vài ngày để nhân loại ý thức được rằng mình chỉ là làn hơi và hạt bụi”. Ý tưởng đậm chất triết lý ấy cứ như liền mạch với dự ngôn của Đức Phật “các hành là vô thường”, với câu nói nhẹ nhàng thấm đẫm chiều sâu triết lý “vô lai vô khứ, một hữu sự” của Hoà thượng Quảng Khâm... Sự liền mạch đó dẫn ta trở lại với luận điểm Einstein “Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố”!
Cho nên, việc ngộ ra được thân phận con người “chỉ là làn hơi, hạt bụi” mà nhà văn xứ Chad ở Châu Phi nói đến nhân cơn đại dịch thế kỷ 21 này thì dường như cũng là vang bóng của hình ảnh “con người chỉ là cây sậy yếu ớt” mà Pascal đã nói từ thế kỷ 17. Là nhà toán học và nhà triết học và cũng là người chế tạo chiếc máy tính đầu tiên, khi trả lời câu hỏi của người bạn “Con người chỉ là một cây sậy yếu ớt trước tạo hóa vô biên. Làm sao anh có thể đương đầu nổi với giông tố cuộc đời”, thiên tài trẻ tuổi ấy đã tự tin mà rằng: “Đúng, con người chỉ là một cây sậy mềm yếu, nhưng là một cây sậy biết tư duy”.
Nếu hoà thượng Quảng Ngâm mỉm cười “chẳng đến chẳng đi, chẳng việc gì” rồi nhẹ bước vào cõi hư vô thì Pascal quan niệm “Con người chỉ là hạt bụi, óc tưởng tượng không quan niệm nổi cái vô cực lớn đến thế nào, cũng như đối với cái cực nhỏ như nguyên tử? Không ai có khả năng nhìn thấy cái vô cực là nơi mình sẽ chìm vào” trong luận điểm “Hai Vô Cực” (Les deux infinis) của ông khiến ta nhớ đến tương đối luận của Trang Tử. Với Pascal con người không là thiên thần cũng chẳng là ác quỷ, nhưng điều bất hạnh là họ đóng vai thiên thần mà hành động như ác quỷ! Luận điểm của ông gợi cảm hứng sáng tạo cho trường phái văn học hiện sinh viết về con người chống lại số phận.*
Nghiệt ngã thay khi phải chứng kiến những gì viết trên trang giấy kia đang phô diễn giữa cuộc đời này. Nhan nhản những kẻ khoác mặt nạ “thiên thần” để hành động như “ác quỷ” mà những sự kiện, hiện tượng vừa trình bày ở trên là những minh hoạ sống động. Vậy thì băn khoăn làm gì cho mệt với câu hỏicó hay không “Thời Mạt Pháp”! Thì chẳng Phiên toà Phúc thẩm vụ án Hố Duy Hải đã là một bi kịch về “đau cho thân phận con người, đau cho một xã hội thiếu vắng công lý”, đầy rẫy những “ác quỷ” mang mặt nạ “thiên thần” đó sao? Khi “công lý đã mù loà” thì đúng như dự ngôn của Đức Phật “con người không còn tâm Pháp để câu thúc Đạo đức”.
Chỉ có điều “Lịch sử luôn tự lặp lại: ban đầu là bi kịch, sau là hài kịch”. Marx đã thật sâu sắc khi đưa ra sự đúc kết giàu tính triết lý tiến trình hưng thịnh và suy tàn của những triều đại trong lịch sử nhân loại. Cần phải có “hài kịch” để con người vui vẻ từ bỏ cái hiện tồn đang thối rữa mà hăng hái bước vào xã hội mới đang hình thành. Phải chăng chúng ta đang chứng kiến một vở hài kịch vừa được công diễn tuy có hơi vụng về và lúng túng. Liệu rồi công chúng còn được thấy những gì khi màn hài kịch hạ xuống đây. Có lẽ phài “xin chờ, hồi sau sẽ rõ”!
Ngày 25.5.2020
T. L.
Tác giả gửi BVN
____________
*Tham khảo từ những công trình nghiên cứu và bài báo của học giả Hữu Ngọc
Chú thích ảnh từ trên xuống
1. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
2. Đường lên chùa Tây Phương
3. Phiên toà Giám đốc thẩm
4. Viện trưởng Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí
5. Bưu cục Cầu Voi vẫn bỏ hoang tàn suốt 13 năm qua
6. Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TPHCM
7. Tử tù Hồ Duy Hải
8. Ba trong các bức tượng gỗ các vị La Hán ở Chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội
9. Hoà thượng Quảng Khâm
10. Tượng Pascal
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét