Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Chỗ đứng của Đô đốc Tư lệnh Hải quân

Chỗ đứng của Đô đốc Tư lệnh Hải quân

Phạm Đình Trọng
MỘT.  Là tư lệnh thứ tám quân chủng Hải quân, ông quan võ chỉ huy sức mạnh bảo vệ biển lâu năm nhất trong các tư lệnh Hải quân, 11 năm, tư lệnh Nguyễn Văn Hiến là Đô đốc thứ hai của Hải quân Việt Nam. Những ngày này ông Đô đốc thứ hai của lịch sử đương đại Việt Nam Nguyễn Văn Hiến đang phải phơi mặt ở bục bị cáo trước tòa án binh.
Nhìn dáng người đẫy đà béo tốt, nhìn bộ mặt trắng trẻo hồng hào phương phi nhưng ánh mắt nhìn băng quơ, xa vắng, không dám nhìn vào bất cứ ai, không dám nhìn vào bất cứ vật cụ thể nào của ông Đô đốc thứ hai đứng ở bục bị cáo tòa án binh, tôi lại nhớ đến gương mặt đen xạm nắng gió và dáng đứng như tượng đài trên tháp chỉ huy con tàu đang băng băng rẽ sóng ra quần đảo Trường Sa của vị Đô đốc đầu tiên quân chủng Hải quân, đô đốc Giáp Văn Cương.

HAI.  Tháng Năm, 1978. Tôi cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa cầm giấy giới thiệu của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội đến Cục Chính trị quân chủng Hải quân xin được hòa nhập vào cuộc sống người lính Hải quân. Chúng tôi liền được cùng đoàn văn công quân chủng tham gia vào đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân đi kiểm tra tất cả các đảo đã có mặt lính ta và những mỏm cát san hô chưa nổi hẳn sẽ đưa lính lên giữ.
Đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân đi Trường Sa do Tư lệnh Giáp Văn Cương và chính ủy Hoàng Trà chỉ huy. Ngày đó hàm tướng của quân đội còn hiếm hoi như sao ban ngày. Chỉ huy sư đoàn cũng chỉ thượng tá, đại tá. Hai vị thống lĩnh lực lượng hải quân đều mang hàm thiếu tướng và quân phục thiếu tướng cũng chỉ như quân phục thiếu úy, chuẩn úy, áo sơ mi trắng, quần xanh. Cũng chưa có bậc hàm Chuẩn Đô đốc, Phó Đô đốc, Đô đốc dành riêng cho những vị tướng ăn sóng ngủ gió như bây giờ. 
Ảnh: Một số gương mặt trong đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân đi Trường Sa tháng Năm, 1978. Tư lệnh Giáp Văn Cương hàng ngồi, thứ hai từ phải. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đứng hàng trước, ngoài cùng bên trái. Phạm Đình Trọng đứng sau Tư lệnh Giáp Văn Cương. 
Đảo đầu tiên đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân đặt chân lên là đảo Song Tử Tây. Song Tử Tây và Song Tử Đông là cặp đảo sinh đôi ở cực Bắc của quần đảo Trường Sa. Đứng trên Song Tử Tây nhìn về phía Đông chếch lên Bắc thấy trên ngọn sóng một nét xám mờ. Đó là đảo Song Tử Đông do quân Philippines chiếm đóng. Lên đảo, việc đầu tiên Tư lệnh Cương làm là cùng một số cán bộ đến thắp hương viếng ngôi mộ duy nhất trên đảo, liệt sĩ Tống Văn Quang hy sinh trong đêm tấn công giành lại đảo từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa. Lùm lùm một mô cát san hô trắng xóa, trần trụi không một ngọn cỏ. Phía Tây mô cát, phía Đất Mẹ Việt Nam mấy bông đá san hô xếp quanh chân tấm bia gỗ với hàng chữ vạch vụng về, lờ mờ nhưng cũng đọc được: Hạ sĩ Tống Văn Quang. Quê Bắc Thái. Hy sinh 14.4.1975.
Vì không có điện sinh hoạt, buổi chiều tốp văn công Hải quân đã biểu diễn ngay trong nhà lính. Buổi tối dưới trăng suông, hàng dừa in bóng lay động trên cát đảo, lính đảo ngồi theo đội ngũ nghe chính ủy và tư lệnh quân chủng nói chuyện. Tiếng chính ủy Hoàng Trà lào thào trong tiếng gió. Có lẽ lính chỉ ngồi hóng gió biển và ngắm trăng, ngắm những bóng dừa xõa tóc trong gió nên dù tiếng chính ủy nổi chìm mơ hồ trong tiếng gió nhưng đội hình lính vẫn ngay ngắn, vuông vức. Đảo có 54 cây dừa có dáng rất cổ thụ lâu đời nhưng không cây nào có dáng to đậm, thẳng đứng, không cây nào có tàu lá tỏa rộng xanh tốt như bãi dừa Sa Huỳnh, Tam Quan, Bình Định. Dừa Song Tử Tây cây nào cũng bị gió biển suốt đêm ngày vuốt cho thon nhỏ, dài ngoằng, thân cây bị xoắn vặn hình sin, hình sóng, bị xô nghiêng ngả, tàu lá nhỏ phong trần và gan góc như những cây bonsai trông thích thú vì lạ mắt. 

Khi Tư lệnh Giáp Văn Cương cất tiếng thì đội hình lính ngồi nghe không còn hàng ngũ chỉnh tề nữa. Tiếng Tư lệnh vang to nhưng nhiều lúc vẫn bị gió biển ào đến thổi bạt đi. Lính lặng lẽ chuyển dịch dồn lên thành vòng cung sát Tư lệnh. Tôi đứng xa không biết Tư lệnh Giáp Văn Cương nói gì với lính nhưng nhìn lính đảo ngồi vòng trong vòng ngoài quanh Tư lệnh, tôi cũng thấy được sức hút của Tư lệnh với lính đảo và tình cảm ấm áp giữa lính và Tư lệnh. Hôm sau tôi nghe lính còn bàn tán về những mẩu chuyện của Tư lệnh nói tối hôm trước. Lính nhắc nhiều nhất một chi tiết nhỏ thời Tư lệnh còn là lính bộ binh chiến đấu ở Khu Năm có lần mấy người lính nhịn đói nhiều ngày trong vòng vây giặc phải chia nhau cầm hơi bằng chén cám công nghiệp nuôi heo.
Đến đảo Đá Giữa lính mới lên ở. Kế hoạch của đoàn kiểm tra chỉ lên đảo thăm lính, mang quà, thư từ, sách báo, rau xanh lên cho lính đảo rồi đi ngay. Sóng lớn. Tàu vận tải HQ 604 chở lương thực, thực phẩm phải chạy vòng quanh đảo mãi mới thả neo được. Mãi chiều tối mới chuyển được mấy sọt rau xanh và mấy tảng thịt heo ướp lạnh từ tàu hậu cần HQ 604 vào đảo. Lính đảo thèm khát rau xanh như tuổi trẻ thèm khát tình yêu. Mấy người lính bơ vơ giữa biển cả còn thèm có người từ đất liền ra như thèm rau xanh vậy. Thấy lính quấn quýt với cán bộ đoàn kiểm tra, Tư lệnh liền quyết định cả đoàn ở lại với lính đảo một đêm. 
Trên đảo chỉ có mái nhà bạt lớn căng giữa đảo. Cả đoàn Bộ Tư lệnh ngủ lẫn với lính đảo trong nhà bạt. Đêm đó Tư lệnh Giáp Văn Cương đã có một giờ được trở về làm người lính ôm súng gác đảo. Người lính gác phiên trước hết một giờ thức với đảo, vào nhà bạt gọi gác. Giấc ngủ đêm của lính đảo cũng chỉ như giấc ngủ tạm. Dừng công việc, ngả lưng xuống tấm bạt, chìm vào giấc ngủ. Thức dậy lại lăn ngay vào việc. Ai cũng để nguyên quần áo đang mặc đi ngủ. Trong bóng tối lờ mờ, trước song sóng những quần xanh áo trắng, trước ngổn ngang chân cẳng những người lính ngủ mê mệt trên tấm bạt trải trên cát san hô, anh lính gác sờ sẫm rồi nắm ống chân Tư lệnh giật giật. Tư lệnh liền nhỏm dậy, lặng lẽ nhận bàn giao khẩu AK, chui ra khỏi nhà bạt ôm súng đứng gác đảo.
Ba con tàu chở đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân rời đảo Sơn Ca đi về phía Nam quần đảo Trường Sa dưới vòm trời âm u. Phía trước những mảng mây đen sà sát biển. Gió lạnh nổi lên và mưa sầm sập trút xuống. Những ngọn sóng như vách núi dựng lên đổ ập xuống trùm kín con tàu. Nhiều cán bộ Bộ Tư lệnh đã ở Hải quân lâu năm cũng say sóng, chui xuống hầm tàu nằm la liệt. Tư lệnh Giáp Văn Cương vẫn đứng cạnh thuyền trưởng trên tháp chỉ huy con tàu vật vã trong sóng gió bất thường Thái Bình Dương. 
Năm 1988, ở tuổi 67, Tư lệnh Giáp Văn Cương mới được phong hàm Đô đốc và là Đô đốc đầu tiên của Hải quân Việt Nam. Cũng năm đó, Tết Mậu Thìn 1988, Đô đốc Giáp Văn Cương rời không khí gia đình đoàn tụ ấm cúng thiêng liêng ngày Tết đi vào sở chỉ huy tiền phương chiến dịch CQ88 ở Cam Ranh. Sáng mồng một Tết, thắp hương vái ông bà tổ tiên rồi Đô đốc Giáp Văn Cương vội vã lên ô tô ra sân bay Gia Lâm lên chiếc máy bay quân sự đã nổ máy.

BA.  Dù là Đô đốc, Đại tướng hay Nguyên soái cũng là người lính. Dù là ông quan võ trong triều đình, dù là ông Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Chính phủ, nhưng ông quan võ, ông Bộ trưởng, Thứ trưởng đang mặc áo lính thì vẫn là người lính. Người lính chỉ có một chỗ đứng thiêng liêng, cao cả, chỗ đứng cầm súng bảo vệ từng tấc đất, tấc biển cương vực lãnh thổ quốc gia.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến phải đứng ở bục tội phạm trong tòa án binh vì chủ trương quân đội làm kinh tế của một nhóm lợi ích đang thống lĩnh quân đội, một chủ trương sai trái nặng nề, vô cùng tệ hại, nguy khốn cho quân đội, cho đất nước.
Hãy nghe cáo trạng của viện Kiểm sát quân chủng Hải quân luận tội Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: 
Bị can Nguyễn Văn Hiến đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa ba khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, của Chính phủ và Luật Đất đai năm 2003 . . .  Hậu quả, Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng ba khu đất (số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, quận Một thành phố Hồ Chí Minh) trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 939 tỷ đồng.
Quân đội làm kinh tế, Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Văn Hiến mới hăm hở mang đất quốc phòng là bản doanh phía Nam của Bộ Tư lệnh Hải quân ra liên doanh làm kinh tế. Lời lãi ăn chia với liên doanh kinh tế tính sau. Để có chữ ký của Đô đốc Tư lệnh quân chủng biến đất bản doanh Bộ Tư lệnh quân chủng thành đất liên doanh, phía liên doanh phải biết việc đầu tiên phải làm là gì. Trong những công văn, mệnh lệnh của Tư lệnh gửi các đơn vị trong quân chủng, dấu son và chữ ký của Đô đốc, Tư lệnh hoàn toàn vô tư. Nhưng dấu son và chữ ký của Đô đốc Tư lệnh trong văn bản biến đất bản doanh Bộ Tư lệnh thành đất liên doanh kinh tế thì không thể vô tư. Quân đội làm kinh tế đã làm méo mó từ chữ ký của người lính tham gia vào ma trận lợi nhuận, lỗ lãi.
Đưa người lính đi làm kinh tế, chuyển những đơn vị quân đội thành những công ty thương mại, thành những tổng công ty kinh doanh sân sau của tướng nọ, tướng kia là làm hư hỏng quân đội, hủy hoại sức mạnh quân đội, làm nhụt ý chí chiến đấu người lính, là từ bỏ bổn phận người lính, rời bỏ chỗ đứng đích thực và cần thiết của người lính.
Người lính chỉ có một chỗ đứng cao cả, một nhiệm vụ thiêng liêng: cầm súng bảo vệ từng tấc đất, tấc biển cương vực lãnh thổ quốc gia. 
Vì chỗ đứng cao cả, thiêng liêng đó mà người lính có vị trí thương cảm đặc biệt trong tình cảm người dân và được đặc biệt ưu ái trong chính sách quốc gia. Chính sách quốc gia nhìn nhận: Người lính đồng nghĩa với hy sinh. Trong cương vực lãnh thổ quốc gia, nơi nào người dân không thể có mặt, người lính phải có mặt. Những công việc nguy nan, khẩn cấp, người dân không thể làm, người lính lao vào làm. Công cụ lao động của người lính là khẩu súng, là lao động bằng máu, bằng tính mạng. Chính sách quốc gia dành cho người lính mức lương cao hơn hẳn mọi công việc lao động khác vì thứ lao động đặc thù của người lính. Nhận mức lương cao đặc thù rồi chen vào giành giật làm những công việc bình thường của người dân. Đó là sự hèn nhát ô nhục của hạng người quyền lợi thì hưởng, trách nhiệm thì trốn.
Quân đội làm kinh tế đã biến hàng trăm hecta đất quân sự sân bay Gia Lâm, sân bay Tân Sơn Nhất của dân, của nước thành tài sản riêng của nhà tư sản, thành sân golf của doanh nghiệp tư nhân, thành tiền tỷ hoa hồng, tiền tỷ lót tay cho ông tướng nọ, ông tá kia. Quân đội làm kinh tế là làm việc không chính đáng, là kinh doanh lậu. Kinh doanh lậu đã biến tâm hồn người lính trong sáng, trung thực thành tâm hồn gian thương tăm tối, gian tham.
Quân đội làm kinh tế, nên đất lúa, đất ngô ở cánh Đồng Sênh của người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội bỗng trở thành đất quốc phòng! Người dân Đồng Tâm yêu nước, lương thiện quyết giữ đất Đồng Sênh cho lúa cho ngô bỗng thành thế lực thù địch, để phải nhận bạo lực nhà nước trong vụ thảm sát dân Đồng Tâm rùng rợn đêm 9.1.2020.
Quân đội làm kinh tế làm hư hỏng đội ngũ sĩ quan, hàng chục tướng tá bị kỷ luật quân đội và trở thành tội phạm trước pháp luật nhà nước. Quân đội làm kinh tế đã làm hỏng một trí tuệ, một tài năng của quân đội, đẩy một Đô đốc được quân đội đào tạo bài bản, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến trở thành tội phạm, đẩy Đô đốc thứ hai của Hải quân Việt Nam đến chỗ đứng của bị can trước tòa án binh.
Làm kinh tế đương nhiên phải chạy theo lợi nhuận, phải thèm khát lợi nhuận. Quân đội làm kinh tế là rời bỏ chỗ đứng chính đáng, chạy theo lợi nhuận bất chính. Quân đội còn làm kinh tế, còn chạy theo lợi nhuận bất chính, còn phải rời bỏ chỗ đứng chính đáng, cao cả của người lính, sẽ còn nhiều tội phạm Nguyễn Văn Hiến.
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét