Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Vẫn chuyện của “Vũ lùn”

Vẫn chuyện của “Vũ lùn”

Dương Tự Lập
25-4-2020
Tôi đã từng kể về Vũ “lùn” trong câu chuyện: “Cướp không phải là từ đểu“. Ba mươi năm sau gặp lại Vũ, chỉ khác chăng thời gian bào mòn mất đi tuổi thanh xuân trai trẻ của con người, chứ Vũ vẫn là thằng Vũ có giọng nói đểu đểu nhưng đểu tốt của ngày nào. Như một câu đúc kết: Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.
Tờ mờ sớm cả đơn vị dậy ra sân tập thể dục như thường lệ đã thấy đồng đội Dụng, trực ban thông tin đêm qua cầm cuốn sổ từ lán Tổng đài đi lên nhà đại đội đưa cho giao liên Dũng ký, báo trong ngày hôm nay có Chính ủy Phó Trung đoàn trưởng xuống kiểm tra nói chuyện.
Trời đã gần trưa nóng nực, Đại đội trưởng Hảo cũng vã mồ hôi thúc giục kiểm tra đôn đốc lính tráng rất kỹ càng. Anh em toàn đơn vị không còn ai ở lại lán, tất cả đều ra hết ngoài trận địa bãi pháo bảo quản lau chùi binh khí, khí tài, xắp xếp thùng đạn, ngụy trang hệ thống ra đa, kê máy nổ phát điện, phạt cỏ dại chiến hào, đắp cho chắc thêm công sự…
Ai cũng cố gắng nhanh tay muốn xong công việc để trở vào lán tránh nắng và chờ anh nuôi phát ăn bữa cơm trưa. Sốt ruột hơn là chưa thấy Chính ủy Trung đoàn tới kiểm tra cho xong đi kẻo ai cũng phấp phỏng như còn dở dang việc chưa làm. Lúc này nếu có muốn đem bài ra chơi hay ngả bàn cờ ra đấu với nhau một ván cũng ngại.
Thằng Khoản “khỉ” trung đội tôi vừa vào giường đã ngã người, nằm dài thườn thượt gối đầu lên hai bàn tay mắt nhìn thẳng nóc lán nghêu ngao hát: “Muốn làm con chim ca hát quanh năm, muốn làm bông hoa hương tỏa đâu đây, muốn làm cây tre trung hiếu chốn này“.
Vũ “lùn” bên trung đội bốn đi ngang nghe tiếng hát, bỗng quay lại cúi người bò nhẹ tới giường rồi bất ngờ chồm lên úp mạnh bàn tay vào mồm thằng Khoản. Khoản ta ú ớ vùng lên nhưng bị Vũ dùng luôn bàn tay còn lại đè chặt đầu Khoản xuống giường. Thằng Khoản dùng hết sức vùng ra khỏi tay Vũ, chắc bị đau và nóng nực nên giáng thẳng cái tát vào mặt, nhưng không, Vũ tuy thấp hơn gần một cái đầu rồi rất nhanh, hắn vừa né vừa đưa tay thoi trúng giữa mặt thằng Khoản tóe me máu. Anh em trung đội một tôi lao đến can hai thằng…
Có tiếng xe con U-oát dừng phía sau nhà đại đội, tiếng la hét: Chính ủy đến kìa, Chính ủy tới rồi. Cùng lúc tiếng kẻng báo anh nuôi đã gánh cơm lên, tập trung ra lán ăn trưa. Tiếng la ó gọi y tá Sùng đưa bông băng thấm máu cho thằng Khoản, cứ nháo nhào nhào cả một lượt. Đại đội trưởng Hảo nghe tiếng ầm chạy xuống, thấy Khoản đang ôm mặt đầy máu thì dẫm chân dẫm cẳng chẳng biết sao nữa quát anh em quân phục chỉnh tề chuẩn bị tất cả ra sân tập trung đón Chính ủy tới kiểm tra quán triệt tình hình.
Đúng lúc Chính ủy đi vào nhìn thấy cảnh tượng bắt Đại đội trưởng Hảo đưa hai quân nhân vi phạm kỷ luật chưa được ăn cơm lên nhà đại đội ngồi viết bản kiểm điểm. Không cần tiếp đón, ông vẫn cho anh em ra lán ăn cơm bình thường. Bản thân Chính ủy Khánh cùng Đại trưởng Hảo, Chính trị viên Hoằng, Đại đội phó Đạt đi ra xem xét kiểm tra công việc tác chiến của đơn vị ngoài trận địa.
Thiếu tá Chính ủy Phó Trung đoàn trưởng Trịnh Trọng Khánh đã trải qua nhiều năm lăn lộn ở chiến trường Tây Nam bộ thời chống Mỹ, ông diễn thuyết hay, khúc chiết mạch lạc, dũng cảm mưu trí. Là Chính ủy nhưng ông thông hiểu cả bên quân sự thế mới giỏi, được phong anh hùng, nổi tiếng là người liêm khiết, đức độ, nghiêm khắc, quân lệnh như sơn, tên ông vang cả sư đoàn 363 binh chủng Phòng không mà lúc ấy chúng tôi cũng lấy làm hãnh diện được là lính của Trung đoàn 591 do ông chỉ huy. Còn Trung đoàn trưởng trung tá Nguyễn Đình Tứ nhưng nghe tên, bọn lính chúng tôi không sợ bằng nghe nhắc đến tên ông Chính ủy.
Khi kiểm tra xong, lúc ông quay về cũng là lúc chúng tôi xong bữa trưa, nhìn mặt Chính ủy có vẻ hài lòng công tác chuẩn bị của đơn vị. Lúc này Đại trưởng Hảo cho tập trung Đại đội, nghe ông quán triệt tình hình chiến sự đang xảy ra rất xấu ở các tỉnh phía Bắc đánh bọn Trung Quốc mấy ngày nay. Ông cho gọi cả Vũ “lùn” và Khoản “khỉ” ra đứng tách riêng phía trên nghe ông nói chuyện:
– Hôm qua Trung đoàn đã biết tin chính thức thiếu tá Hỷ Đăng Sồi người Việt gốc Hoa, trợ lý cho tham mưu trưởng sư đoàn, bỏ trốn về Trung Quốc, thực sự nguy hiểm cho chúng ta, khi đi hắn cuỗm theo nhiều tài liệu, bản đồ tác chiến rất quan trọng của Sư đoàn. Sáng qua bọn chúng bắc loa to trên biên giới đã phong cho Sồi quân hàm cấp tướng đứng lên kêu gọi anh em binh lính Việt Nam, hoăc bỏ súng quay về với gia đình hoặc mang súng đi theo Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc sẽ được thăng thưởng, đãi ngộ đặc biệt. Sồi vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam đã phản bội nhân dân Việt Nam và phản bội, ăn cháo đá bát đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc…  Một tiếng giữa trưa nắng, nghe ông nói mới đích thực cảm phục sự hiểu biết sâu rộng của ông. Xong việc ông mới quay lại hỏi tội Vũ, Khoản.
– Đồng chí tên gì?
– Thưa thủ trưởng tôi tên Vũ.
– Còn đồng chí kia?
– Dạ, tôi tên Khoản. Lúc ấy hai cục bông nhét mũi Khoản đã thấm đỏ máu, nhìn rất ngại.
– Tại sao lại dẫn đến đánh nhau đổ cả máu?
– Dạ thưa thủ trưởng, tôi chỉ có hát bài Vào Lăng Viếng Bác thế thôi, mà đồng chí Vũ bảo tôi hát nhăng hát cuội nghe ngứa tai thì đánh.
– Đúng thế không đồng chí Vũ?
– Thưa thủ trưởng đúng thế.
Cả đơn vị bọn tôi bị bất ngờ vì không nghĩ Vũ “lùn” dám trả lời mạnh bạo trước mặt Chính ủy như vậy. Đại đội trưởng cùng Chính trị viên đứng hàng đầu đổi sắc mặt. Chính ủy Khánh vẫn cứ thản nhiên hỏi tiếp:
– Hát nhăng hát cuội chỗ nào, đồng chí nói cho mọi người nghe.
– Thưa thủ trưởng sinh ra được làm con người là quá hạnh phúc, chẳng ai dại gì ước thành con chim, ước thành cây tre để đứng bên lăng bên mộ cả. Nếu mà trở thành hiện thực ngay bây giờ tôi thách đồng chí Khoản có dám ước không. Hạng tiểu nhân mới ước thế, nghe ngứa tai mà tôi cũng chỉ có ý nhắc nhở thôi, không ngờ đồng chí ấy đánh tôi trước, có mặt anh em trung đội một đây làm chứng.
Cả Đại đội đứng giữa trưa nắng nóng im phăng phắc.
– Thế mà có người lại ước làm cây thông giữa trời thì đồng chí nghe có ngứa tai không?
Thật bất ngờ trước câu hỏi khó của Chính ủy Khánh. Nhưng không, mặt Vũ vẫn nghền nghệt đểu đểu thế nào ấy.
– Thưa thủ trưởng đó là bậc quân tử, chỉ bậc quân tử mới ước thành cây thông đứng giữa trời vi vu như cụ Nguyễn Công Trứ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Cụ không ước làm cây thông đứng cạnh đâu đó mới thanh khiết, cao nhân.
Mặt Chính ủy nhíu lại như chính ông cũng bị bất ngờ trước sự am hiểu của Vũ. Chà chà, dưới hàng quân có nhiều tiếng thì thào thán phục.
Con người Vũ là vậy, Vũ có kiểu nói tưởng đểu đểu nhưng lại rất thật. Ngay sau đấy Vũ bị Chính ủy đề nghị Đại trưởng Hảo đưa vào danh sách quân nhân yếu kém gửi ngay đi lao động phá đá ba tháng hè rực lửa ở chân núi đá sân bay Kiến An. Ba tháng đen nhẻm, rộp da lưng, phồng da tay, để Vũ không quên cái mặt anh hùng Chính ủy Trịnh Trọng Khánh sáng giá của trung đoàn tôi.
Tôi ra quân trước Vũ. Cuối năm đấy Huy “đen” nói cho tôi hay, Vũ “lùn” cũng ra quân rồi. Ít lâu sau tôi đạp xe lên tìm Vũ ở cuối Hoàng Hoa Thám. Ngày ấy chỉ nhìn nhà cũng đoán, bố, mẹ Vũ chức vụ cỡ nào của Nhà nước. Bố Vũ là chuyên viên cao cấp nhưng Vũ ít lộ ra, chỉ biết lần Vũ bị kỷ luật mà là lý lịch kẻ khác thì chắc còn phải lao động dài.
Vũ không có nhà, khi tôi nói, bà mẹ biết tôi ở cùng đơn vị với Vũ. Bà bảo Vũ mới vào Nam làm ăn với người chú hay cậu nó ở trong đó. Vừa nói, tay bà vừa mở cổng nhưng tôi từ chối xin phép về và nói:
– Nó ra bác cứ nói có thằng bạn ở khu Trung Tự đến chơi là nó biết cháu.
Lúc ấy mẹ Vũ mới à lên một tiếng:
– Cô (chứ không xưng bác) nghe thằng Vũ nói về cháu rồi.
Vũ làm ăn ở trong Nam một thời gian thất bại, trở ra anh em gặp nhau vài bận rồi thằng nào lại đi đường thằng nấy. Phải 30 năm sau tôi mới gặp lại Vũ trong lần về thăm quê hương trùng vào dịp kỷ niệm thành lập Trung đoàn. Chúng tôi tập trung trước cửa Nhà hát lớn Thành phố từ sáng sớm, lúc chuẩn bị lên ô tô khách đã đặt thuê mấy hôm trước, thì thấy một gã thấp nhưng béo chắc, chạy hớt ha hớt hải, khi tới gần, tôi mới nhận ra Vũ.
Thấy tôi hắn sững người lại, lùi ra nhìn như nhìn quái vật rồi dang hai tay ôm chặt tôi, mắt hắn ngấn lệ. Vũ vậy thôi mà hắn sống tình cảm. Anh Tráng có nói, tao nghe mày về đợt này. Lòng xót xa thấy đầu Vũ tóc đã bạc trắng xóa.
Anh Tráng, trung đội bốn với Vũ, Hội trưởng hội cựu chiến binh Hà Nội biết tính nết chúng tôi nên khi thuê khách sạn Hàng Hải cuối phố Đà Nẵng – Ngô Quyền – Hải Phòng, xếp hai thằng chung phòng với hai chiến hữu nữa Toàn “toác” với Dũng “gấu”, cũng rất tâm đắc một thời. Ba mươi năm trước, nếu có đứng nơi này thì còn nhìn ra được bến tàu, nghe thấy tiếng sóng biển đập vào bờ cảng Chùa Vẽ. Giờ nhà cửa đua chen xây lên cao lấp hết cả rồi.
Tôi chủ động vào chuyện:
– Mấy mươi năm không gặp mày, làm ăn ra sao Vũ? Vợ con gia đình thế nào? Ông bà già còn hay mất?
– Lần cuối ngồi uống bia với nhau ở cửa hàng ăn uống Kim Liên, chia tay mày. Sau đó tao đi học lái xe để rồi quay vào Nam lái cho Công ty Thủy sản chỗ ông chú tao quen biết họ. Được bằng, hí hửng, định vào thì ông ấy báo ra, thôi khỏi vì có con cháu đứa nào quyền thế cao hơn mình nhét vào rồi. Ông già tao an ủi xin cho vào Học viện Chính trị Quân đội Nhân dân, lái xe con phục vụ cho mấy ông “Cớp” – ông lớn – tiếng lóng thời tôi. Chết đói ở nhà chứ tao không chịu đi hầu mấy ông ấy, bố mẹ đẻ ra tao, tao còn chưa phục vụ được huống hồ. Tao nghĩ mấy thằng cha ở Học viện Chính trị nếu mà giải thể thì về nhà không biết chúng làm được gì, bọn này chỉ giỏi nói chứ nghề ngỗng có đâu. Cũng may hồ sơ ông già tự làm tự gửi nó trả lại vì mình không đảng viên, lý lịch xấu.
Vụ Chính ủy Trung đoàn Trịnh Trọng Khánh tống tao đi lao động bắt buộc hồi đánh nhau với thằng Khoản “khỉ” chúng mày nhớ chứ, tưởng thế mà rồi nó ghi vào lý lịch mới ác. Nằm nhà dài, sốt ruột, ông già tao bảo nếu đồng ý thì ông ấy xin cho đi xuất khẩu hợp tác lao động Liên- Xô. Xuất khẩu gì, thực chất chỉ là để trả nợ chiến tranh cho chúng nó mà bọn đảng Cộng sản Việt Nam ký mua chịu bao nhiêu vũ khí của Nga Xô – Tầu khựa, đưa về xúi giục Bắc – Nam nồi da xáo thịt, đất nước tương tàn. Tao từ chối bảo, con không đi. Mấy chú bên Tổng cục đường sắt đến chơi, nói bà già tao, nếu cháu đồng ý em xin cho chân bảo vệ ngoài ga Hàng Cỏ. Tao nghe bà già nói thế, thấy hay hay vì nghĩ cũng nhàn nên đồng ý đi làm. Đeo băng đỏ đứng phơi mặt ngoài sân ga trông non trật tự đã mệt, lại suốt ngày chỉ chỗ ỉa, chỗ đái cho khách đi tầu xuống hỏi còn mệt hơn cả lính làm cửu vạn.
Ga Hàng Cỏ – Hà Nội do Pháp xây dựng được khánh thành vào năm 1902.
– Không có biển chỉ dẫn nhà đi vệ sinh à?
– Nó có phải như bọn bên Tây chúng mày đâu? Làm mãi cũng dần dần rút kinh nghiệm cho nên đ3o dài dòng nhiều mệt xác. Có ai hỏi cứ thẳng tay chỉ nhà vệ sinh góc đằng kia, lên đầu Lê Duẩn đấy mà đái ỉa. Hôm đang chỉ cho người khách chỗ vệ sinh, ông trưởng nhà ga đi qua ngoắc tay gọi vào phòng trực tưởng có chuyện gì, hóa ra ông ta giáo huấn một bài về học ăn, học nói, học gói, học mở, cách chỉ dẫn người đi vệ sinh nghe cho nó lịch sự thì có bà quẩy đôi quang gánh đứng trước cửa hỏi với vào: Khí không phải chỗ đi vệ sinh đâu ta các bác cho em hỏi?
Ga Hà Nội ngày hôm nay, nơi Vũ “lùn” từng làm bảo vệ trước đây và thất bại.
Tao đang ngồi nghe ông ấy lên lớp, quay lại chỉ dẫn rất tử tế:
– Bác cứ đi nữa qua ba cái cửa chính, đến cái cửa phụ thứ tư nhỏ hơn thì rẽ trái, ra mặt đường, từ mặt đường, bác quay sang phải nhìn thẳng phía trước có cái cột điện gắn biển phố Lê Duẩn, đi tuốt tới đó là nhà vệ sinh.
– Ối giời ơi, cứ nói ra đường nhìn thẳng phía phải là thấy, việc gì dài dòng Duẩn với diếc nào bà đâu thèm biết, để bà đái cả ra quần rồi.
Đã không được lời cảm ơn, vừa chạy bà ta vừa chửi. Tức quá tao đứng phắt dậy lao ra cửa to giọng:
– Bà kia bà chửi ai?
– Bà chửi chúng mày đấy, có giỏi bà thách chúng mày ra đây mà cắn phụ khoa bà này, bà ta dạng háng ưỡn người.
Có tiếng đập bàn: Thôi! Tao quay vào.
Đã gần sáu tháng thử thách sắp được biên chế thì đùng một cái có giấy báo cho thôi việc. Vào ký giấy thôi việc và nhận tháng lương cuối cùng, buồn như đưa đám. Lúc ấy kiếm được việc làm khó hơn cả tay không xuống hồ bắt cá. Biết nói thế nào với ông bà già đây, tao đâu có lười, chúng mày biết Vũ “lùn” mà.
Ba anh em nằm im phăng phắc nghe nốt đoạn trường ai có qua cầu mới hay tiếp theo của Vũ.
– Tao gấp giấy cho nghỉ việc cùng tháng tiền lương đút túi áo cẩn thận chào mọi người lần cuối rồi dắt xe đạp ra ngoài cổng đường Lê Duẩn thì gặp ngay thằng Luận “cứt” trung đội 2, bọn mày nhớ không?
– Sao lại không nhớ, Luận “cứt” bên Gia Lâm. Đúng đấy. Tao kể lại nó đây là ngày làm cuối cùng, thế mới buồn. Nó vẫn “cứt” như ngày xưa trên đồi 74 ấy.
– Không việc gì phải buồn, đời người ai cũng có số phận định trước rồi, sắp tối trời, có tiền lương đấy tao dẫn mày đi giải “ngố” để qua vận hạn đang bám người mày.
– Đi đâu?
– Tao đưa mày đi chơi “phò” (gái) trên đầu Nguyễn Văn Cừ.
– Phò nào mà trên đầu Nguyễn Văn Cừ hả Luận?
– Ông ngố vừa vừa thôi, thế mới phải đi giải ngố. Phố đấy bên Gia Lâm chạy qua nhà tao bây giờ nổi tiếng của dân chơi thường gọi phố điếm Nguyễn Văn Cu, vui lắm.
– Sao lại gọi là cu?
– Thì đến đấy toàn những thằng vác cu đến như mày chứ vác gì đến đó nữa? Tối tối cứ như bọn buôn bán bạc giả, dọc Nguyễn Văn Cừ nhà trọ nào cũng đầy gái điếm. Tao theo Luận “cứt” sang với nó bên cầu Long Biên chơi “phò” cho giải vận đen như nó nói. Thằng Luận đúng là thổ công đất ấy. Nó đưa tao tới ngôi nhà bốn tầng hơi thụt vào bên trong hơn các nhà khác. Có cô gái nhìn rất bắt mắt ăn mặc kín đáo thơm thoang thoảng mùi nước hoa dễ chịu:
– Các anh cứ để xe vào đấy không cần khóa cũng được, ở đây an toàn lắm.
Cô gái nói chữ an toàn ngầm bảo các anh tới chơi gái nhà em cứ yên tâm, khỏi phải lo bệnh tật.
– Có ghi chứng minh thư không chị, con bé ngồi bàn phía trong hỏi ra.
Cô gái chỉ dẫn để xe ấy lắc đầu bảo không cần, chắc đấy là bà chủ vì nghe cung cách khéo ăn khéo nói lắm.
– Các anh chỗ quen biết chỉ vào một tí lại đi thôi, người nhà cả mà.
Tao chắc thằng ôn Luận hay dắt bạn bè, chiến hữu mò đến đây. Người nữ vừa hỏi liền chìa tay đưa hai chìa khóa có lủng lẳng miếng sắt dập chìm số phòng cho hai thằng bọn tao nói:
– Các anh cứ lên có người trên đó tiếp các anh, lúc nữa xuống trả tiền cũng được.
Vừa lên tới tầng ba thấy cánh cửa ngách phòng bên mở, cô gái đưa tay vuốt má gã đàn ông rồi mới khẽ đẩy nhẹ ra như hẹn lần sau nhớ đến em chiều. Ông ta cúi mặt lao nhanh xuống gác. Thằng Luận hơi ngờ ngợ nhưng tao giật áo thằng Luận quay lại gọi to:
– Chính ủy Khánh.
Không thèm nhìn, Khánh lao nhanh. Xuống nhà Khánh vẫn phải dừng lại thanh toán tiền phòng và trả chìa khóa. Tao nói:
– Chính ủy cứ đùa, lẽ nào lại không nhận ra Vũ “lùn” C7 mười mấy năm trước.
Khánh sợ trả thù nhưng tao chủ động mời Khánh đi uống nước và bảo thằng ôn Luận xin lỗi trả lại khóa phòng hẹn con bé tí nữa hai đứa quay lại, nó cũng vui vẻ.
Luận lại đưa bọn tao tới quán nước giải khát cách đó một đoạn nằm ngoài trời thoáng đãng tuy trời vẫn nóng nực. Tao cởi áo vắt sau ghế hỏi thủ trưởng Khánh uống rượu, bia, hay nước ngọt, nước mía bọn em mời. Nói thế nhưng tao vẫn gọi bồi mang cho ba vại bia.
– Sao thủ trưởng biết bên này mà sang?
– Thôi đừng gọi tao thủ trưởng thêm ngượng mặt, cứ mày tao anh em cho hòa đồng. Có mấy thằng cùng cảnh đã đôi lần rủ tao qua bên này rồi.
Luận cười:
– Hôm nay thủ trưởng đi “ăn mảnh”?
Tao bảo:
– Ma xui quỉ khiến thế nào mà lại gặp thủ trưởng ở chốn này? Cứ nghĩ thủ trưởng hồi kỷ luật em công minh, chính trực, phải đeo lon tướng lâu rồi, thật lòng nhìn thủ trưởng cũng già đi nhiều.
Khánh thở dài bảo:
– Mày bỏ qua chuyện cũ đó đi, tao thành thật xin lỗi mày. Cái số con người ta ai mà nói trước. Hồi ấy run rủi để tao gặp con bé nó mời tao về nhà nó chơi ở khu Vạn Mỹ gần cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng nơi trung đoàn mình đóng doanh trại. Hôm đấy nhà có mỗi một mình nó, thế là tao vập vào…
– Chắc phải trẻ đẹp thì mới dụ được thủ trưởng, ôn Luận chêm vào.
– Ừ thì có ngờ đâu ít lâu sau nó vác bụng vào trung đoàn làm ầm lên. Tao bị kỷ luật mất chức mất đảng, mất hết tất cả trở về lại quê Thanh Hóa. Con vợ khinh bỉ cũng bỏ tao mang con đi theo thằng khác. Bà mẹ buồn vì tao mà đổ bệnh chết. Con em gái nghe chồng nó xui về đòi chia nhà chia đất. Chán đời tao thu gom bỏ quê vào Nam mấy năm buôn bán mất cả vốn lẫn gốc, lại phải trở ra. Một đám trai làng không công ăn việc làm rủ tao ra Hà Nội ngồi vật vờ đầu đường Giảng Võ nếu ai cần thì họ cho gọi vào làm thuê công việc gia đình họ.
Đang nghe Khánh kể thì có thằng ôn trẻ đi ngang loạng quạng động vào bàn ngồi cạnh đổ cả mấy cốc bia, bọn nó đứng lên đấm đá thằng này túi bụi, ba đứa tao lao sang can chưa đầy một phút quay lại thấy thằng ranh con cầm cái áo tao để ở ghế lao vút qua phố lẩn vào cái ngõ mất hút, tao đuổi theo không kịp.
Tưởng được chơi “phò” trên đầu Nguyễn Văn Cừ, rồi cũng xôi hỏng bỏng không. Ngày hôm ấy bước chân ra cửa đi làm có dẫm vào cứt đâu mà nó đen nhẻm. Ôn Luận móc túi lấy tiền trả mấy cốc bia an ủi và bảo tao về nhà nó, đưa tạm áo nó cho mặc. Tao bảo trời nóng, mặc thế này cũng chẳng sao.
Chia tay nhau, Luận “cứt” về nhà nó gần đấy, còn tao với Khánh qua cầu đến Trần Nhật Duật. Tao thật lòng mời Khánh về chơi cho biết nhà, nhưng Khánh có vẻ ngượng, từ chối. Khánh còn xót xa việc tao vừa mất cả tháng lương, mặc mỗi cái áo may ô về khuya thế này thì biết nói gì với ông bà già ở nhà.
– Thôi vậy lúc nào em qua đầu Giảng Võ chắc gặp anh ở đấy?
– Cũng có lúc Vũ ạ, chứ không phải lúc nào anh cũng ngồi một nơi.
Toàn “toác” nằm giường bên với Dũng “gấu” đập đùi chửi đổng:
– Đ.M, nếu Vũ “lùn” không gặp Khánh thì anh em mình cứ nghĩ con người nghiêm nghị liêm khiết như Khánh phải lên tướng lâu rồi. Đúng là l*n cấu mát sao, l*n cào mất gạch… Anh hùng nan quá mỹ nhân quan.
Tao vật vờ như con chó đói mãi. Rồi cũng phải lập gia đình, sinh đứa con gái đầu lòng. Vợ tao làm bên Công ty công viên cây xanh Hà Nội, lương vừa đủ nuôi thân, hai vợ chồng dặt dẹo chẳng đâu ra đâu. Ông già tao vừa lên chức ông Nội ít lâu sau lâm bệnh mất, bà già thì càng yếu tợn mà cái bằng lái xe ô tô cũng chẳng giúp được gì tao xin việc làm ở nơi nào.
Tình cờ ngồi quán nước đọc báo, thấy mục bán nhà có giao bán căn hộ ở phố Lạc Long Quân, tao hay lọ mọ nên tao biết nhà này điểm mặt phố buôn bán được, nếu mình có vốn đầu tư. Nhà tao kiểu biệt thự to, đẹp nhưng để làm gì nếu không buôn bán ra tiền.
Tao mò đến thỏa thuận với ông bà chủ kia xong, về tao cũng vận động mẹ tao bán nhà ở Hoàng Hoa Thám như mày thấy. Lúc đầu bà khăng khăng không chịu vì ngôi nhà yên tĩnh mát mẻ, ở đấy bao nhiêu năm đã quen rồi. Nhưng sau cũng đồng ý vì mong cho vợ chồng tao ổn định chứ thấy tao không nghề ngỗng, lông bông lang bang bà cũng chẳng yên.
Giá tiền bán được nhà đang ở, thừa mua lại căn nhà Lạc Long Quân. Tao tu sửa cho nó dễ nhìn để đưa vào buôn bán, vốn liếng còn lại tao dồn hết vào việc kinh doanh chăn ga, gối, nệm Hàn Quốc, lúc ấy rất hiếm nhưng được ưa chuộng ở Hà Nội mình. Nhu cầu người tiêu dùng đòi hỏi ngày một cao hơn. Trời cho vào “cầu” son tao hóa thằng tiểu thương buôn bán tự lúc nào không biết, có tiền nó khôn hẳn lên bọn mày ạ, nhiều mánh tìm đến móc nối với mình hợp tác làm ăn.
Vợ chồng lại đẻ thêm con vịt giời nữa, nó ra đời bọn tao lại càng có lộc, vợ tao bỏ việc làm ở Công ty về nhà trông con. Hơn hai năm có lắm khách quen giới thiệu tìm đến mua vào bán ra hàng Hàn Quốc, những tưởng trời thương nên ỉa cho vợ chồng tao một niêu vàng, ai dè niềm vui ngắn ngủi chẳng tày gang tay.
Vừa năm mới năm me, hôm ấy có cặp vợ chồng trẻ bước vào để mua tấm đệm gối cùng chăn ga, trọn bộ, nhưng cứ thấy vợ chồng nó giơ lên đặt xuống ngắm nghía thì thào nhỏ to đắn đo do dự. Theo kinh nghiệm kiểu mua trọn bộ như vậy ắt là dân có tiền. Tao chộp liền:
– Tiền nào của nấy, đắt nhưng nó sắt ra miếng, vợ chồng trẻ cứ mua về đắp thử đi chẳng lại ấm sướng rên người lên ấy chứ. Vợ nó cười đỏ mặt, mà này nhé tớ nói cho mà biết hàng Tư bản Korea chứ đâu phải hàng Xã hội Chủ nghĩa nước Nga, chớ có tin gì mấy lão già Bộ Chính trị suốt ngày thở ra là Tư bản giẫy chết.
Chợt thấy thằng chồng thò tay túi quần rút điện thoại nhìn rất đắt tiền, tưởng xem tin ai vừa nhắn rồi nó lại đút túi. Tao như thấy vợ chồng nó đã say nên càng cao hứng:
– Cứ mua dùng đi thì sẽ rõ, tại sao Tư bản nó sống lù lù mãi dù mình cứ rủa nó giãy chết với sắp chết. Nó chưa chết mình đã ngáp chết, cả khối Xã hội Chủ nghĩa đã chết mất ngáp. Tớ nói cho các bạn biết lão Tổng Bí thư Lê Duẩn nhà mình cũng chỉ là lão già khùng điên thôi, vừa thống nhất đất nước được một năm họp đại hội Đảng toàn quốc đã ngoa ngôn lộng ngữ nói như thánh như tướng rằng, chỉ mươi mười lăm năm sau nước Việt ta sánh ngang với Nhật Bản và còn vượt xa nữa xa mãi.
Thôi ai chấp cái lão già thôn quê heo hút biết đếch gì ngoài theo cách mạng nằm bờ nằm bụi như chồn như cáo bao nhiêu năm trong rừng ông ta không đưa dân tộc này hóa khỉ, hóa vượn, hóa rồ hóa dại là may cho vận nước lắm rồi. Nói nhỏ nhé, mấy thằng cha Bộ Chính trị đều được học từ nơi hoang dã rừng rú Pác Bó ăn tục, nói phét, mị dân thành thần. Tôi chẳng dám ước hão huyền như lão Duẩn, chỉ ước sao một trăm năm nữa nước Việt mình bằng gót chân thằng Thái thằng Sinh thôi đã mãn nguyện lắm rồi. Các bạn đi du lịch sang Thái, sang Sinh chưa? Tuyệt vời.
– Anh nói xong chưa?
– Xong rồi, vợ chồng bạn cứ nghe tôi mua đi, tôi bớt cho các bạn gọi là chút lộc năm mới có hàng của tôi trong nhà sẽ son cả năm.
– Bây giờ em mời anh đóng cửa theo em đi về đồn ta nói chuyện.
– ???
Hắn rút thẻ công an đặt trước mặt bàn tao, đứng:
– Lê Thanh Bình, cấp úy.
– Ông bạn cũng biết đùa hay phết.
– Tôi mời anh về đồn, hắn nghiêm giọng.
– Ông không đủ tư cách gì để mời tôi lên đồn, còn ông mua thì mua, không mua thì thôi, biến. Tôi cũng mời ông ra khỏi nhà tôi.
Tao thấy nóng mắt thằng ôn này.
– Chừng này đã cho anh vào ngồi nhà đá chưa? Hắn thò tay rút điện thoại bật lên. Rõ ràng tiếng của mình phát ra. Tao nghe xanh mặt, thôi năm mới gặp phải thằng hủi rồi. Trong đầu tao lóe lên ý nghĩ đành cho nó một thứ gì cho nó tếch đi chứ để nó đứng ám kiểu này hãm cả năm lắm, coi như mình bị trộm bẻ khóa vào nhà, nó có cả bằng chứng mười mươi thế này thì mình ăn đòn đủ. Tao xuống giọng:
– Thôi cũng là năm mới, tôi chỉ lấy tiền cái đệm gọi là chút chút, còn mấy thứ kia kỷ niệm ông. Nó đưa mắt cho vợ hiểu ý đi ra ngoài. Nó vẫn không chịu buông tha. Tao nghĩ đành thí cho nó cả bộ cho nó biến đi. Tưởng nó chừa cái mặt tao, thế mà sau lần ấy cứ thỉnh thoảng nó đem cái mặt thớt đến mua cái này biếu “Sếp”, mua cái kia biếu “Sếp”. Mình chỉ dám lấy hòa vốn, nó vẫn chê đắt đắt rẻ rẻ nhục ơi là nhục.
Gần nửa năm sau đấy có thông báo của Ủy ban phường mở đường Lạc Long Quân mà lại mở đường phía bên nhà tao mới chó. Mấy chục hộ dân họp lại phản đối đền bù không thỏa đáng, họp lên họp xuống cả mấy tháng trời đ3o ăn thua với bọn đảng cướp. Sau năm đấy bọn tao rời về tòa nhà cao tầng ở khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính. Tao nhận nhà mới 707, số nhà bẩy, trên tầng bẩy, hai con thất liền nhau như thế thì coi như đời “bạch định”.
Vợ chồng buồn hết chỗ buồn, biết làm gì ăn đây. Hôm thuê xe chuyển đồ đạc về nhà mới lại gặp thằng chó công an mua hàng của mình cũng đang chuyển nhà lên tầng bẩy số 709 cạnh nhà mình. Trời ơi đất hỡi, hãm ơi là hãm, đúng là ghét của nào trời trao của nấy. Chúng mày cứ nghĩ xem cỡ thằng này mà lên tá, rồi lên tướng, không biết đất nước này mạt đến kiếp nào.
– Bây giờ mày làm gì hả Vũ? Tôi hỏi nó.
– Còn biết làm gì nữa, vác xe máy xuống đường kết bạn với bọn xe ôm. Cái Huyền vợ tao xin suất trồng rau tỉa hoa trông nom nhà cửa cho thằng triệu phú dưới mạn Bắc Linh Đàm ấy.
– Mày vẫn chỉ có hai cô con gái?
– Hai đứa thôi đã đủ chết rồi, gái hay trai đối với tao không quan trọng, quan trọng giờ phải làm gì đây để có cái đút vào bốn miệng ăn hàng ngày cho đỡ bạc mặt.
Vũ thở dài cám cảnh:
– Trông lên cũng chẳng bằng ai, ngó xuống mới thấy chẳng ai bằng mình. Giờ này mình nằm đây, chứ như Chính ủy Trịnh Trọng Khánh chẳng biết còn hay mất. Nếu còn không biết trôi dạt phương trời nào. Nói như Luận “cứt”: “Đời người ai cũng có số phận định trước rồi”.
Có tiếng gà gáy đâu đó cất lên báo hiệu ngày mới. Tiếng còi tầu ngoài cảng Chùa Vẽ rúc hồi dài rời bến, không còn nghe sóng biển ì oạp như mấy chục năm trước. Nhưng tiếng sóng gầm gào dữ dội trong lòng của mỗi con người cuộc đời này thì chẳng bao giờ lặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét