Sự thất bại về khả năng lãnh đạo của Trump làm cho nền kinh tế yếu ớt và virus có cơ hội hồi sinh
Tác giả: Robert J. Samuelson
Dịch giả: Bùi Như Mai
17-5-2020
Có những lúc các nước phải làm những việc không ai thích và chán nản – và đó là những lúc mà quốc gia cần một nhà lãnh đạo. Lãnh đạo của chúng ta đã mất tích khi đang làm nhiệm vụ. Tệ hơn nữa, Tổng thống Trump đang phá hoại sự lãnh đạo này. Kết quả là một khoảng trống quyền lực đã tạo ra sự rối rắm và hỗn loạn, khi các thống đốc, các thị trưởng, thành viên của Quốc hội, bác sĩ và các nhà khoa học đang cố gắng lấp đầy khoảng trống này.
Công việc của một nhà lãnh đạo trong một cuộc khủng hoảng là tạo ra sự đồng thuận cho toàn xã hội đối phó với khủng hoảng, đại dịch coronavirus là một cuộc khủng hoảng thật sự chứ không chỉ là sự báo động. Điều này thật khó vì nó đòi hỏi người lãnh đạo phải giải thích những điều thường rất khó giải thích. Và giải thích cũng không đủ mà mọi người dân phải có lòng tin vào chính quyền để làm việc hoặc chấp nhận những điều mà họ phản đối hoặc không ủng hộ.
Khá thường xuyên, điều này có liên quan đến việc giảm sút thu nhập – chịu mức thuế cao hơn hoặc các chương trình trợ cấp của chính phủ bị giảm thấp hơn – và chính sự giảm sút này sẽ làm thay đổi niềm tin và các giá trị lâu dài. Một vài thí dụ cho thấy, rất khó để đạt được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề như: (1) biến đổi khí hậu toàn cầu – giảm lượng khí nhà kính, chắc chắn giá cả của nhiên liệu hóa thạch sẽ cao hơn ; (2) vấn đề phá thai – ít nhiều gì thì đường dẫn đến quy trình phá thai sẽ gây phẫn nộ cho những người thua cuộc (Người dịch: Chưa biết phía chống/chấp nhận phá thai sẽ là kẻ thắng/ thua); và (3) luật lệ về súng cũng giống như các điểm trên.
Tất cả mọi người cố gắng nhìn nhận đây là cuộc khủng hoảng toàn diện; và tất cả đã thất bại. Vấn đề ở đây không phải là tranh luận cho chuyện người này đúng hay người khác sai. Mà là nhận ra sự khó khăn trong việc tạo được sự đồng thuận trong xã hội dân chủ. Thật sự khó khăn khi lãnh đạo đất nước này từ bỏ vai trò truyền thống của nhà lãnh đạo – đó là điều mà Trump đã và đang làm. Một nhà lãnh đạo thật sự sẽ sử dụng các cơ hội thuyết phục có thể có để huy động toàn thể xã hội chấp nhận những thay đổi mà mọi người tuy không thích nhưng không thể tránh được.
Thay vào đó, Trump theo thói quen của ông ta là phủ nhận. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng này không tệ như mọi người nghĩ. Nền kinh tế sẽ quay trở lại mạnh mẽ, và năm 2021 sẽ là năm mạnh nhất từ trước đến nay.
Đây là cách nói chuyện cho vui [của Trump]. Tỷ lệ thất nghiệp gần 15%, cao nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng hồi thập niên 1930. Theo Ủy ban về Ngân sách Liên bang, là một nhóm không đảng phái chuyên nghiên cứu và ủng hộ các chính sách công cộng cho biết là tòa Bạch Ốc, Quốc hội và Cục Dự trữ Liên bang đã chấp thuận cho các chương trình trị giá khoảng 9.5 ngàn tỷ đô la để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế toàn diện (Trong đó có khoảng 3.7 ngàn tỷ đô la đã được giải ngân). Hiện đang có cuộc thảo luận về một gói cứu trợ khác trị giá hàng ngàn tỷ đồng.
Đây là điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm?
Cuộc tranh luận mà chúng ta nên có thường bị phân tán, tranh luận về cách tốt nhất để thích nghi với thực tế mới. Lẽ dĩ nhiên, Trump là một người góp phần trong việc này, nhưng động cơ chính trị của ông ta rành rành ra đó (dành phần tốt là do công sức của mình và đổ lỗi cho người khác khi thất bại) đến mức nhiều người không tin ông ta nữa. Những người còn sót lại để đối phó với các vấn đề của quốc gia là một đám đông các học giả, chính trị gia, bác sĩ và khoa học gia, xin kể vài cái tên như: Nhà miễn dịch học – bác sĩ Anthony S. Fauci; Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Jerome H. Powell; Chủ tịch Hạ viện bà Nancy Pelosi (Dân chủ, bang California); Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hòa, bang Kentucky); Thống đốc New York Andrew M. Cuomo (Dân chủ); và ngưởi chuyên phụ trách mục y tế của đài CNN là Bác sĩ Sanjay Gupta.
Triển vọng thì tương tự. Doanh số bán lẻ bị sụt thê thảm, giảm 16.4% trong tháng 4 so với tháng 3. Cửa hàng bán bàn ghế giảm 58.7%, cửa hàng quần áo giảm 78.8%.
Cần phải có sự tự tin. Chỉ số tâm lý tiêu xài do Đại học Michigan khảo sát cho thấy, nó đã giảm 26 điểm trong tháng 5 so với một năm trước đó. Nhà kinh tế học Richard Curtin, người đứng đầu cuộc thăm dò nhiều năm, nghi ngờ về một sự phục hồi nhanh chóng trong những ngày tới. Ông viết: “Tâm trạng của người tiêu thụ khi trải qua nạn đại dịch này không thể dễ dàng hoặc nhanh chóng trở lại như xưa. Tâm trạng tiêu xài là sự độc lập đối với sự kiểm soát của ý thức … Sức mạnh và sự ổn định của họ khuyến khích sự nhất quán trong hành vi [tiêu xài]”.
Tương tự, kỳ vọng về doanh thu trong sáu tháng tới cho các doanh nghiệp nhỏ NFIB (National Federation of Independent Business: Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ) giảm xuống mức thấp nhất trong tháng Tư, trong lịch sử 46 năm của hiệp hội này. Về khía cạnh lạc quan hơn, nhiều người trả lời là nền kinh tế sẽ phục hồi trong sáu tháng.
Chúng ta sẽ có một chặng đường dài trước mặt, cần một chính sách hợp lý cho cả nền kinh tế và đối phó với virus corona. Canh bạc này đáng giá bao nhiêu nếu chúng ta mở cửa nền kinh tế quá sớm? Cái giá phải trả nếu chờ đợi quá lâu mới mở cửa sẽ là gì? Chúng ta đã vượt qua ngưỡng cửa “một đi không trở lại” khi chúng ta không thể chế ngự được virus và để nó chế ngự chúng ta? Triển vọng về một vaccine hữu hiệu là gì?
Với sự trốn tránh trách nhiệm một cách rõ ràng, liệu chúng ta sẽ tiến tới một đoạn kết tồi tệ nhất của cả hai phương diện: Một nền kinh tế yếu ớt và một loại virus đang hồi sinh chăng?
______
Tác giả: Robert J. Samuelson có hơn 50 năm cầm bút. Ông là phóng viên báo Washington Post từ năm 1969. Ông viết cho các tạp chí The Sunday Times, The New Republic, the Columbia Journalism Review, the National Journal… Ông bắt đầu viết về các vấn đề doanh nghiệp và kinh tế cho Washington Post từ năm 1977. Ông viết cho tạp chí Newsweek từ năm 1984 – 2011.
Trong sự nghiệp báo chí của mình, ông nhận được nhiều giải thưởng cao quý như National Magazine Award, Gerald Loeb Awards, National Headliner Award, John Hancock Award…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét