Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Pháp luật không vì công lí

Pháp luật không vì công lí

Phạm Đình Trọng
9-5-2020
Chính quyền vì người dân và pháp luật vì công lí là hai thành tố cơ bản nhất, quyết định nhất, tạo nên nền tảng bền vững của một xã hội, một nhà nước, một thể chế.
Tuyên y án tử hình với Hồ Duy Hải, phiên tòa Giám đốc thẩm ngày 8.5.2020 chà đạp lên công lí cũng đã tuyên tử hình với nhà nước thối nát đã dựng lên phiên tòa Giám đốc thẩm bất lương, bất công ngày 8.5.2020.
NHÀ NƯỚC THỐI NÁT
1. Dùng sức mạnh bạo lực nhà nước đàn áp dân. Chính quyền hèn nhát khoanh tay nhìn giặc bắn giết dân, bình thản nhìn giặc làm chủ lãnh thổ của cha ông để lại ngoài biển Đông. Nhà nước bạc nhược với giặc xâm lược nhưng lại hùng hổ động binh xuất tướng, xuất quân đánh dân. Huy động cả Bộ Công an mở chiến dịch lớn do trung tướng thứ trưởng Bộ Công an chỉ huy, điều động cả một trung đoàn cảnh sát cơ động thiện chiến với xe bọc thép, vũ khí điện tử đánh úp thôn xóm nhỏ bé, hiền hòa và người dân lương thiện ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Đang đêm cảnh sát vũ trang phá cửa, xông vào nhà dân, bắn chết cụ Lê Đình Kình 84 tuổi đời, gần 60 tuổi cộng sản ngay trên giường ngủ. Chỉ nhà nước tận cùng thối nát mới hành xử với dân như vậy.
2. Cả những quan chức cấp cao của đảng cầm quyền, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương đảng, cả bộ máy nhà nước từ trung ương đến điạ phương hối hả cướp bóc của dân, vơ vét của cải, tài nguyên của nước. Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải, Ủy viên Trung ương đảng Tất Thành Cang hơn chục năm ngang ngược lộng hành vi phạm pháp luật, cướp đất của dân, phá nát qui hoạch một khu đô thị hiện đại nhất Đông Nam Á, gây thất thoát hàng ngàn ngàn tỉ đồng tiền của dân của nước, gây nên cái chết thảm cho nhiều người dân, gây tang thương tan nát cho nhiều gia đình, đẩy hàng trăm ngàn người dân vào cuộc sống vất vưởng, khốn cùng, đau đớn, không nhà cửa, không gia đình, không đường kiếm sống.
Tội trời không dung, đất không tha, nhưng Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang chỉ bị đảng của Hải và Cang kỉ luật nhẹ như không, cách chức vụ trong đảng mà Hải đã bàn giao cho người khác từ lâu. Còn pháp luật nhà nước thì không dám động đến lông chân hai tên tội phạm kếch xù Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang. Chỉ nhà nước tận cùng thối nát mới diễn ra sự bất công, bất lương ngang nhiên như vậy, mới thao túng, dung dưỡng bọn sâu dân mọt nước và mới khinh bỉ pháp luật, khinh bỉ người dân như vậy.
3. Vụ án hai cô gái ở bưu điện Cầu Voi, Long An, cô Hồng và cô Vân bị giết đêm 13.1.2008 là một vụ án quá đơn giản. Nghi phạm số một của vụ án là một gã trai nghiện ma túy tên Nghị si mê nhan sắc cô Hồng nhưng Hồng đã có người đàn ông của Hồng là Mi Sol. Tuy chưa cưới nhưng họ vẫn thường xuyên công khai ăn ngủ với nhau ở ngay bưu điện Cầu Voi.
Tối 13.1.2008, Nghị đến bưu điện Cầu Voi gặp Hồng thì thấy Hồng đang chuyện trò với một người trai trẻ. Nghị hằn học ra ngồi quán cà phê. Với nỗi hằn học, Nghị đã gây sự ở quán cà phê ngay tối đó. Và ngay đêm đó án mạng bưu điện Cầu Voi xảy ra.
Nghị đã bị bắt, đã khai cung. Nhưng vụ việc đơn giản không còn nữa, vụ án trở thành phức tạp, mờ ám, lắt léo khi một loạt bất thường, sai phạm cố tình liên tiếp diễn ra: Nghị bỗng được thả ra và lập tức trốn biệt tăm. Cùng với sự biệt tăm của Nghị là biến mất những vật gây án mang dấu vân tay, dấu máu hung thủ: Cái thớt đập đầu cô Hồng. Con dao cắt cổ cô Hồng. Cái ghế i nốc phang cô Vân. Cùng với sự biệt tăm của Nghị là biến mất khỏi hồ sơ vụ án những trang hồ sơ về Nghị. Và Hồ Duy Hải bị bắt thế mạng Nghị. Dù các dấu vân tay để lại ở bưu điện Cầu Voi đêm 13.1.2008 không có dấu vết nào trùng với vân tay Hồ Duy Hải.
Cảnh sát điều tra Việt Nam phá án bằng nhục hình ép cung buộc nhận tội đã trở thành bình thường, như là đương nhiên. Báo cáo với Quốc hội, một ông tướng công an đã phải thú nhận chỉ từ tháng 11. 2011 đến tháng 9.2014, chưa tới ba năm đã có 226 người bị chết trong các trại giam do công an quản lí. Dù con số thú nhận còn xa lắc xa lơ với sự thật nhưng chưa tới ba năm mà có tới 226 tội phạm và nghi phạm bị tước đoạt mạng sống cho thấy mức độ bạo lực khủng khiếp như thế nào sau cánh cửa trại giam.
Có người chưa bị bắt về nhà tạm giam, chỉ vừa giáp mặt công an đã bị công an tới tấp vụt dùi cui đánh gãy cổ chết trong đau đớn như ông Trịnh Xuân Tùng bị công an đánh chết ở bến xe Giáp Bát, Hà Nội ngày 28.2.2011. Nhục hình, ép cung đã dẫn đến muôn vàn những bản án oan khiên mà điển hình là những bản án tử hình oan giáng xuống những dân lành Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long. Hồ Duy Hải làm sao không bị đòn tra đến phải nhận tội khi những kẻ làm án mờ ám đã thả nghi phạm Nguyễn Văn Nghi và bắt Hải thế mạng!
Mọi khuất tất, lắt léo đều hướng vào kẻ nghiện ma túy, kẻ hằn học thất tình và là nghi can rõ nhất của vụ án, nghi can Nguyễn Văn Nghị. Nhưng Nghị đã được cảnh sát điều tra mau lẹ giải thoát và cho biến mất.
Mọi bằng chứng đều gỡ tội cho Hồ Duy Hải. Căn cứ duy nhất buộc tội Hải là lời cung nhận tội của Hải. Lời cung nhận tội bởi nhục hình, ép cung đã dẫn đến nỗi ô nhục của các quan tòa, nỗi ô nhục mang tên Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long. Nay phiên tòa giám đốc thẩm của tòa án tối cao với ông chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng bộ máy 17 cánh tay biểu quyết lại chuốc nỗi ô nhục đó khi 17 cánh tay rô bốt biểu quyết y án tử hình Hồ Duy Hải. Chỉ ở nhà nước tận cùng thối nát mới diễn ra một phiên tòa nhục nhã như vậy.
NHỮNG MẠNG NGƯỜI CHẾT OAN
Tôi đã để lại toàn bộ năm tháng tuổi trẻ rực rỡ, quí giá của cuộc đời tôi vào cuộc chiến tranh lê thê, khốc liệt để mang lại chiến thắng cho nhà nước thối nát này. Tuổi trẻ của tôi đã bị chêt oan ức, tức tưởi.
Hàng triệu con trai, con gái phơi phới tuổi xanh đã bỏ xác trong bão lửa ngoài mặt trận, đã bỏ xác trong âm thầm rừng sâu vì sự tồn tại của nhà nước thối nát này. Cả triệu cái chết oan ức, tức tưởi.
Nhà nước thối nát mới có những tướng cảnh sát như Trần Đại Quang gây ra cái chết đau đớn cho người dân lương thiện là ông Trịnh Xuân Tùng. Mới có ông tướng cảnh sát Tô Lâm gây ra cái chết rùng rợn cho người dân trung thực như cụ Lê Đình Kình. Mới có ông quan tòa như Nguyễn Hòa Bình tuyên bản án tử hình với Hồ Duy Hải.
Nhà nước thối nát, chính quyền không vì người dân, pháp luật không vì công lí, một cuộc chiến tranh đang âm thầm và khốc liệt diễn ra trong đạo đức xã hội sẽ còn gây ra nhiều cái chết oan cho người dân mang thân phận con ong cái kiến, thấp cổ bé họng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét