Bản tin ngày 9-5-2020
BTV Tiếng Dân
9-5-2020
Hà Nội tuyên án tù cho hai người chống “BOT bẩn”
Hôm 8/5, Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, kết án bà Đặng Thị Huệ 18 tháng tù giam, và ông Bùi Mạnh Tiến 15 tháng tù giam về tội “gây rối trật tự công cộng”, theo khoản 1, Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các nguồn tin dẫn lại cáo trạng cho biết, bà Đặng Thị Huệ và ông Bùi Mạnh Tiến đã không chấp hành các quy định về trả phí đường bộ và dừng đỗ xe gây mất an ninh trật tự tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài do công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 làm chủ đầu tư.
Trang Báo Sạch đưa tin, bà Huệ và ông Tiến là những người thường xuyên đấu tranh chống tại các trạm thu phí BOT đặt sai vị trí, hay thu phí quá hạn mà dân gian gọi “BOT bẩn”. Bà Huệ và ông Tiến không đồng ý trả tiền khi đi qua trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài vì trạm này đặt tại TP. Hà Nội nhưng lại thu phí cho tuyến đường tránh tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong khoản một năm trở lại đây, Việt Nam ghi nhận phong trào chống lại BOT bẩn lan rộng từ Bắc chí Nam. Dưới sức ép đấu tranh của các tài xế và sự ủng hộ của xã hội, nhiều BOT bẩn đã bị xóa bỏ như BOT Tân Đệ, tạm dừng thu phí như BOT Cai Lậy, hay phải giảm giá 50% như BOT Mỹ Lộc.
Qua đó ghi nhận, có khoảng 10 người đã bị bắt và bị kết án trong quá trình đấu tranh với các BOT bẩn. Trường hợp đáng chú ý, vào tháng 7 năm ngoái, ông Hà Văn Nam cùng 6 tài xế đã bị kết án từ 18 đến 36 tháng tù khi chống việc thu phí tại trạm BOT Phả Lại.
Các BOT bẩn được đánh giá là sản phẩm “sân sau” của các quan chức, hoặc các nhóm lợi ích. 100% là chỉ định thầu, các doanh nghiệp đầu tư BOT thường kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc”.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Một người vừa mới nhập trại đã bị đánh chết
Báo chí trong nước loan tin, nạn nhân là Nguyễn Quang Lập (36 tuổi) bị một phạm nhân cùng buồng giam đánh chết bằng “gậy cao su” vào ngày 8/5, trong nhà tạm giữ Công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Các nguồn tin này cho biết, Nguyễn Quang Lập đã bị TAND huyện Châu Đức tuyên phạt 6 tháng tù về tội đánh bạc. Ngày 4/5, phạm nhân Lập thực hiện thi hành án tại Nhà tạm giữ Công an huyện Châu Đức trong điều kiện sức khỏe bình thường, đến ngày 8/5 thì tử vong.
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời lãnh đạo Cơ quan CSĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết: Phạm nhân Nguyễn Quang Lập được bố trí ở cùng phòng với năm phạm nhân khác, trong đó có Lê Hoàng Quang. Khoảng 17h chiều ngày 7/5, Lập yêu cầu mở cửa buồng giam để Lập về nhà, Quang khuyên Lập giữ trật tự nhưng Lập không nghe mà lớn tiếng nói lại, nên Quang dùng tay chân đấm, đá vào người Lập.
Sau đó, lợi dụng lúc đi lấy thức ăn, Quang lén lấy trộm gậy cao su (công cụ hỗ trợ của công an quản giáo) giấu vào ống quần rồi quay trở lại phòng giam. Đến 21 giờ cùng ngày, Lập lại đòi mở cửa buồng giam, nên Quang dùng chân đá vào ngực Lập, dùng gậy cao su đánh liên tục cho đến khi Lập không phản kháng nữa thì Quang dừng lại… Đến sáng 8/5, Quang phát hiện Lập nằm chết dưới sàn buồng giam. Quang báo với cán bộ quản giáo và mang cây gậy cao su lấy trộm cất lại vào trong phòng quản giáo.
Báo Thanh Niên đưa tin, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được trưng cầu khám nghiệm tử thi, bước đầu ghi nhận, “nạn nhân tử vong do đa chấn thương, trên người đầy thương tích nghi do bị đánh”.
Được biết, gia đình nạn nhân đã không đồng tình về những thông tin ban đầu do công an cung cấp. Gia đình nạn nhân đã không nhận xác, mà yêu cầu làm rõ về những dấu vết thương tích như bị chích điện. Gia đình cũng đặt nghi vấn, tại sao phạm nhân Quang lại trộm được gậy cao su để đánh Lập và dễ dàng vào trong phòng quản giáo cất lại gậy.
Hôm 7/5, Luật Khoa đã công bố một bài báo “8 màn tra tấn có thể bạn chưa biết”, trong đó mô tả, một trong tám cách thức mà công an dùng để tra tấn người đang bị giam giữ là dùng “tù đánh tù”.
Theo Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp quốc, định nghĩa, tra tấn là “hành vi cố ý gây ra đau đớn nghiêm trọng lên thể xác hay tinh thần nhằm lấy lời khai hay để trừng phạt một người, được thực hiện bởi công chức hay mất kỳ một người nào khác dưới sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức”.
Như vậy, đối với trường hợp tử vong của ông Nguyễn Quang Lập, ngay cả khi công an huyện Châu Đức không trực tiếp gây ra cái chết cho ông, nhưng khi có dấu hiệu cho thấy công an ở nhà tạm giữ xúi giục hay đồng tình để Quang đánh ông Lập dẫn đến tử vong, thì cũng đủ cơ sở để khởi tố các viên công an tại nhà tạm giữ, phạm tội tra tấn.
Kết quả giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải cần phải hủy bỏ vì vi phạm tố tụng
Sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao công bố quyết định bác kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải hôm 8/5, nhiều luật sư lên tiếng cho biết, phiên tòa giám đốc thẩm này đã vi phạm thủ tục tố tụng và cần phải bị hủy bỏ.
Luật sư Trần Đình Triển viết trên facebook cá nhân: “Ông Nguyễn Hoà Bình khi đương nhiệm là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khẳng định và có văn bản không chấp nhận kháng nghị đối với vụ án Hồ Duy Hải. Nhưng hiện tại, ông Nguyễn Hoà Bình, với tư cách thẩm phán, thành viên Hội đồng thẩm phán, Chánh án TAND Tối cao làm Chủ toạ phiên toà Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải”.
Qua đó, luật sư Triển nhận định việc ông Nguyễn Hòa Bình được làm phẩm phán chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm này là “không vô tư khách quan” và “vi phạm nghiêm trọng pháp luật”.
Nhận định của vị luật sư này hoàn toàn có cơ sở khi căn cứ vào Điều 53 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định “thẩm phán phải từ chối xét xử hoặc bị thay đổi khi đã tham gia tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách Kiểm sát viên”.
Luật sư Triển viết: “Nếu được tham gia phiên toà này, lời đầu tiên tôi sẽ đề nghị mời ông Nguyễn Hoà Bình ra khỏi thành phần Hội đồng xét xử”.
Còn Luật sư Phạm Công Út thì cho rằng, kết quả phiên tòa này cần phải hủy bỏ vì đã vi phạm điều cơ bản về cơ cấu thành phần Hội đồng thẩm phán.
Luật sư Út nói với Đài Á Châu Tự Do: “Theo quy định của pháp luật, 17 vị này không được phép ngồi trong phiên tòa giám đốc thẩm này bởi vì phiên tòa giám đốc thẩm này chỉ có 5 thẩm phán mà thôi. Và 5 thẩm phán đó là ai trong số 17 vị, không hề có quyết định nào phân công. Do đó 17 người không được phân công mà số lượng không phù hợp với Luật Hình sự tố tụng thì phiên tòa hôm nay dù xử đúng hay xử sai, minh oan hay không minh oan, có chấp nhận quyết định kháng nghị hay không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đều là vô giá trị dưới góc nhìn của tôi”.
Được biết, kể từ năm 2018, tổ chức Ân xá Quốc tế đã mở chiến dịch “hành động cho Hồ Duy Hải”, vận động nhà chức trách Việt Nam xem xét lại bản án tử hình đối với ông. Sau kết quả giám đốc thẩm vừa qua, ông Nguyễn Trường Sơn, đại diện tổ chức Ân xá Quốc tế, phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương nói rằng:
“Chắc chắn Ân xá Quốc tế sẽ không thể dừng lại công việc của mình trong việc bảo vệ tính mạng Hồ Duy Hải cũng như yêu cầu công lý cho anh. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để kêu gọi chính quyền Việt Nam phải xem xét lại quyết định hôm nay của Tòa án Tối cao. Những công việc cụ thể mà chúng tôi làm sắp tới, bây giờ tôi chưa thể nói ra nhưng tôi có thể khẳng định, Ân xá Quốc tế sẽ không bao giờ bỏ cuộc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét