Chính quyền Trump và phương tiện truyền thông (Phần 7)
Dịch giả: Song Phan
16-4-2020
Cuộc chiến về rò rỉ tin tức
Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, Trump đã tìm cách đàn áp thẳng tay đối với thông tin mà báo chí có thể thu thập được về chính quyền ông từ các nguồn tin bí mật trong chính phủ và thậm chí cả tòa Bạch Ốc.
Dòng tin rò rỉ đáng ngạc nhiên bao gồm dự thảo về các sắc lệnh (executive order) gây tranh cãi, các thay đổi chính sách được đề xuất, thảo luận chiến lược của tòa Bạch Ốc, các mối liên hệ giữa một số cố vấn của ông và Nga, và thậm chí một số cuộc gọi điện thoại của Trump với các lãnh đạo nước ngoài. Các rò rỉ dường như là kết quả của sự cạnh tranh và lo ngại của nhân viên tòa Bạch Ốc trong các bộ và cơ quan liên bang về chương trình làm việc của Trump và biện pháp củng cố việc ra quyết định trong Phòng Bầu dục.
Dalglish, từ trường Đại học Maryland nói với tôi: “Một điều kỳ lạ đang diễn ra. Chính quyền Obama rất kỷ luật. Nhưng trong chính quyền Trump, tin tức bị rò rỉ từ cấp cao nhất. Họ đang cố gắng tìm mọi cách để đưa thông tin ra ngoài. Các phóng viên nói với tôi rằng bạn có thể tìm thấy những người trong tòa Bạch Ốc để nói chuyện”.
Baron, biên tập viên của Washington Post nói: “Việc truy cập truyền thống vào tòa Bạch Ốc và các Bộ bị hạn chế hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều cách truy cập vào từng cá nhân vì sự đối đầu, thiếu định hướng và bất đồng về chính sách. Mọi người đang cố làm suy yếu lẫn nhau”.
Phóng viên Jeremy Peters của báo New York Times nói với tôi: “Người của tòa Bạch Ốc trả lời các cuộc gọi tương đối nhanh chóng, ngay cả khi họ ghét New York Times và báo chí. Có ít trung thành, nhưng có nhiều rò rỉ”.
Scott Shane, một phóng viên an ninh quốc gia lâu năm ở Washington của báo New York Times, nói rằng, những người còn lại trong chính phủ, “cố gắng rất nhiều để đưa thông tin ra công chúng. Có một động lực để quan điểm của họ về sự phát triển được công bố. Đã có sự leo thang ở cả hai phía – một cuộc truy bức về sự rò rỉ và động lực để đưa mọi thứ ra ngoài mạnh hơn một chút”.
Trump bắt đầu tweet về “những người rò rỉ tin hạ cấp” đầu tháng 2 năm 2017. Ông thề rằng, “họ sẽ bị bắt!” Sau đó, trong một cuộc họp riêng vào ngày 14 tháng 2, Trump đã đề nghị với Giám đốc FBI James Comey lúc đó rằng, Comey nên bỏ tù các nhà báo công bố thông tin bí mật gây tổn hại cho chính quyền của Trump, theo một tường thuật trên báo New York Times ngày 17/5/2017, dẫn lời một trong những cộng sự của Comey.
Trong cuộc họp báo ngày 16 tháng 2, Trump nói, “Tôi thật sự đã gọi Bộ Tư pháp xem xét các vụ rò rỉ tin. Đó là những rò rỉ mang tính hình sự”.
Tháng 7 năm 2017, Trump đã phàn nàn trong một tweet rằng Jeff Sessions, Tổng chưởng lý lúc đó là người “rất yếu” trong việc điều tra rò rỉ. Sessions phản ứng bằng cách thông báo rằng, Bộ Tư pháp đã tăng gấp ba số lượng điều tra về rò rỉ tin mật so với hoạt động vào cuối thời chính phủ Obama, chính điều này đã làm tăng đáng kể các cuộc điều tra hình sự và truy tố các vụ rò rỉ đó.
Sessions không nói có bao nhiêu cuộc điều tra mới liên quan đến việc rò rỉ tin cho các phóng viên. Vào thời điểm đó, chỉ có một trường hợp như vậy đã bị Bộ Tư pháp của ông truy tố. Một nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia là Reality Winner, đã bị buộc tội hồi tháng 6 năm 2017 qua việc gửi một báo cáo tình báo bí mật về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 tới một trang tin tức về sau được xác định là ‘The Intercept’. Nhiều vụ truy tố sẽ xảy ra.
Tại một phiên điều trần quốc hội hồi tháng 10 năm 2017, Sessions nói: “Chúng tôi có 27 cuộc điều tra mở ra hôm nay”, một lần nữa cũng không xác định có bao nhiêu vụ rò rỉ liên quan đến báo chí. “Chúng tôi dự định sẽ tìm ra tận đáy những vụ rò rỉ này”.
Ngày 8 tháng 9 năm 2017, cố vấn an ninh quốc gia của tòa Bạch Ốc lúc bấy giờ H.R .McMaster đã đưa ra một bản ghi nhớ, ra lệnh “mỗi bộ và cơ quan liên bang” tổ chức các buổi đào tạo cho nhân viên “về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin mật và những thông tin không mật nhưng có kiểm soát”. Chỉ vài ngày, một bản sao của bản ghi nhớ đã bị rò rỉ ra cho báo BuzzFeed News, tờ báo này đã công bố toàn văn.
Dưới thời chính quyền Barack Obama, 10 nhân viên chính phủ và nhà thầu đã bị truy tố vì rò rỉ thông tin mật, trong đó có 8 người bị buộc tội theo Đạo luật Gián điệp năm 1917. Luật được ban hành để chống do thám cho nước ngoài, can thiệp và việc không tuân lệnh quân đội Mỹ trong Thế chiến I. Từ lúc đó cho tới thời chính quyền Obama, chỉ có 3 vụ truy tố theo luật đó trong vòng 90 năm.
Cuối năm 2019, chính quyền Trump đã truy tố 8 nhân viên chính phủ và các nhà thầu trong ba năm vì rò rỉ thông tin mật cho các nhà báo. Chính quyền cũng buộc tội Julian Assange, lãnh đạo WikiLeaks, về việc thu lấy các tài liệu ngoại giao và quân sự bí mật và công bố chúng trên trang web WikiLeaks năm 2010, khiến chúng có thể bị các tổ chức báo chí ở Mỹ và trên thế giới truy cập. Sáu trong số 9 bị can đã bị truy tố vì vi phạm Đạo luật Gián điệp.
Reality Winner, khi đó là cựu chiến binh Không quân 25 tuổi, là người đầu tiên bị chính quyền Trump truy tố theo Đạo luật Gián điệp. Cô đang làm việc với tư cách là nhà thầu cho Cơ quan An ninh Quốc gia khi cô bị bắt và bị buộc tội vào tháng 6 năm 2017 vì đã rò rỉ một báo cáo tình báo tuyệt mật của Cơ quan Anh ninh Quốc gia (NSA) về sự can thiệp bầu cử của Nga được The Intercept công bố một phần. Cô đã nhận tội vào tháng 6 năm 2018 và bị kết án hơn 5 năm tù, trừ đi một năm cô đã ngồi tù trong khi chờ xét xử.
The Intercept cũng được Đài phát thanh công cộng Minnesota xác định là nơi nhận tài liệu mật bị cựu đặc vụ FBI Terry Albury rò rỉ ra hồi năm 2016 và 2017, về các quy định của FBI trong việc tuyển dụng người cung cấp tin và xác định những kẻ cực đoan tiềm năng trong cộng đồng người Mỹ gốc Somalia ở Minneapolis. Albury, người Mỹ gốc Phi, tin rằng kiểu cách hoạt động của FBI là phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc, theo luật sư của ông. Albury bị bắt hồi tháng 3 năm 2018 và tháng sau đó đã nhận tội với hai vi phạm nặng về Đạo luật Gián điệp. Ông bị kết án 4 năm tù.
Tháng 6 năm 2018, James Wolfe, giám đốc an ninh đã nghỉ hưu của Ủy ban Tình báo Thượng viện, đã bị truy tố vì đã nói dối FBI về các mối tiếp xúc và mối quan hệ của ông với các phóng viên. Bản cáo trạng tuyên bố, Wolfe đặc biệt phủ nhận có biết phóng viên an ninh quốc gia Ali Watkins, là người đang làm việc cho New York Times khi Wolfe bị buộc tội. Wolfe và Watkins đã có một mối quan hệ lãng mạn hơn ba năm khi cô đưa tin về ủy ban của ông ta, trước khi cô được New York Times thu nhận vào tháng 12/2017. Trong khi hẹn hò với Wolfe, Watkins đã làm việc lần lượt cho báo HuffPost, BuzzFeed News và Politico. Cô thông báo cho cả ba tờ báo này về mối quan hệ của cô, nhưng nói rằng ông không phải là nguồn cấp những câu chuyện của cô.
FBI đã mở cuộc điều tra sau ngày 3/4/2017 khi bài viết của Watkins trên báo BuzzFeed News tiết lộ mối liên hệ năm 2013, giữa một [nữ] gián điệp Nga và Carter Page, là người sau này trở thành cố vấn trong ban vận động tranh cử tổng thống của Trump. Khi FBI phỏng vấn Wolfe vào tháng 12 năm 2017, ông phủ nhận rằng mình đã liên lạc với bất kỳ phóng viên nào. Sau đó, khi họ cho ông ta xem một bức ảnh của ông ta với Watkins, ông nói rằng hai người đã có quan hệ cá nhân nhưng ông chưa bao giờ cung cấp cho cô bất kỳ thông tin bí mật nào của chính phủ.
Ngày 13/2/2018, Bộ Tư pháp thông báo cho Watkins bằng thư rằng, họ thu theo trát tòa họ một số hồ sơ điện thoại và email của cô trong thời gian vài năm trước cho đến tháng 12 năm 2017. Theo lời khuyên của luật sư, cô đã không nói với New York Times về trát tòa và vụ thu giữ cho đến sau khi Wolfe bị truy tố. Bộ Tư pháp đã không thông báo trước cho Watkins hoặc New York Times về trát tòa, điều này sẽ cho họ cơ hội tranh luận trước tòa.
Bản cáo trạng tuyên bố rằng, Watkins và Wolfe liên lạc thường xuyên trong khoảng thời gian có câu chuyện Carter Page. Cáo trang cũng trích dẫn một tin nhắn hồi tháng 12 năm 2017, trong đó Wolfe nói với Watkins, “Anh luôn cố gắng cung cấp cho em càng nhiều thông tin mà anh có thể và làm điều đúng với tin đó, để em có thể nhận được tin sốt dẻo đó trước bất kỳ ai khác”. Wolfe đã nhận tội vào ngày 15/10/2018, chỉ tội nói dối với các nhà điều tra liên bang về các liên hệ của ông với các phóng viên. Ông bị kết án hai tháng tù giam và bị phạt 7.500 đô la. Ông không hề bị buộc tội vì đã tiết lộ thông tin mật, điều mà ông phủ nhận.
Ngày 3/7/2018, New York Times thông báo rằng, Watkins đang được chuyển từ văn phòng Washington đến New York để đưa tin về tội phạm địa phương và thực thi pháp luật. Biên tập viên điều hành Dean Baquet đã viết trong một bản ghi nhớ cho nhân viên của báo New York Times, rằng tờ báo đã bị “rắc rối” bởi hành vi của cô. “Đối với một phóng viên có mối quan hệ thân mật với một người mà mình sẽ đưa tin là không thể chấp nhận được”, ông viết.
Baquet cũng tuyên bố rằng, “chúng tôi ghê tởm hành động của chính phủ trong trường hợp này. Không thông báo trước, các nhà điều tra đã lục soát hồ sơ điện thoại và email của một nhà báo trong nhiều năm, một vụ xâm phạm đặt biện pháp bảo vệ Tu Chính Án số 1 vào chỗ nguy hiểm và vi phạm các hướng dẫn của Bộ Tư pháp có sự ủng hộ của lưỡng đảng. Một nhân viên biên phòng bí mật dường như đã truy cập bất hợp pháp hồ sơ đi lại của cô, cũng cố gắng gây áp lực để cô theo dõi các phóng viên khác và các nguồn cung cấp tin của họ”.
Ông đang đề cập đến một sự việc kỳ lạ, trong đó Jeffrey Rambo, một nhân viên của Cơ quan Hải quan và Biên phòng (CBP), đã gửi email cho Watkins hồi tháng 6 năm 2017, để sắp xếp một cuộc gặp gỡ trong một quán bar ở Washington, tại đó ông ta đã hỏi cô về các nguồn cung cấp tin của cô. Rambo nói rằng, anh ta biết về kỳ nghỉ gần đây của cô với Wolfe ở Tây Ban Nha và đe dọa sẽ tiết lộ mối quan hệ của họ nếu cô không giúp xác định quan chức chính phủ nào đang rò rỉ tin cho báo chí. New York Times sau đó báo rằng, chính phủ đang điều tra hành động của Rambo, anh này tạm thời được phân về Trung tâm National Targeting bên ngoài Washington, nơi lưu trữ dữ liệu đi lại của người Mỹ và công dân nước ngoài.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả và Ủy ban Phóng viên Tự do Báo chí đã nộp đơn kiện theo Đạo luật Thông tin Tự do vào ngày 8/8/2019, buộc CBP đưa ra các tài liệu, bao gồm các email phi chính phủ của Rambo với Watkins, bất kỳ thông tin liên lạc nào đến CBP có chứa các cụm từ “leaks” hay “unauthorized disclosure” (tiết lộ trái phép) và “policies” (chính sách) mô tả vai trò của CBP trong việc điều tra việc tiết lộ thông tin chính phủ cho các phương tiện truyền thông.
Joshua Schulte, cựu kỹ sư phần mềm của CIA, đã bị truy tố theo Đạo luật gián điệp vào ngày 18/6/2018, vì đã gửi WikiLeaks các tài liệu mật nêu chi tiết về các công cụ và kỹ thuật, được CIA sử dụng để hack vào điện thoại thông minh, trình duyệt web, TV thông minh và ô tô. Sau khi WikiLeaks bắt đầu công bố các tài liệu này vào tháng 3 năm 2017, các đặc vụ liên bang đã đột kích căn hộ ở New York của Schulte và được cho là đã tìm thấy trên máy tính của ông ta một kho ảnh ấu dâm. Schulte lần đầu tiên bị buộc tội sở hữu nội dung ấu dâm và sau đó bị truy tố tổng cộng 15 tội danh liên quan đến sở hữu và phân phối thông tin mật.
Ngày 9/3/2020, Schulte bị kết án vì hai tội, đưa ra lời khai gian với các nhà điều tra và khinh thường tòa án bởi một bồi thẩm đoàn liên bang ở New York, bồi thẩm đoàn này vẫn bế tắc về các tội danh còn lại. Chính phủ dự kiến sẽ xử lại ông ta về các tội danh còn lại. Vụ sở hữu phim ảnh ấu dâm vẫn đang chờ xử lý.
Từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2018, BuzzFeed News đã đăng tải những câu chuyện về các giao dịch ngân hàng đáng ngờ do các nhà ngoại giao Nga và các cộng sự của Trump thực hiện, trong đó có cả người quản lý ban vận động cũ của Trump là Paul Manafort. Ngày 11/10/2018, Natalie Mayflower Sours Edwards, một cố vấn cao cấp về tội phạm tài chính trong Bộ Tài chính, đã bị bắt và bị buộc tội đưa cho một phóng viên của BuzzFeed News báo cáo mật về các giao dịch đáng ngờ. Khiếu nại hình sự cho thấy, FBI đã sử dụng lệnh khám xét để có quyền truy cập vào tài khoản email cá nhân và hồ sơ điện thoại di động của Edwards cho email, các cuộc gọi điện thoại và hoạt động tin nhắn giữa cô và phóng viên Jason Leopold của BuzzFeed. Edwards đã nhận một tội về âm mưu vào ngày 13/1/2020. Ngày tuyên án được ấn định là 9/6/2020.
Một trường hợp tương tự bắt đầu khi John C. Fry, nhà phân tích điều tra của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), bị buộc tội vào ngày 21/2/2019 với “tội tiết lộ bất hợp pháp” xảy ra hồi tháng 5/2018 qua các báo cáo của chính phủ về các giao dịch tài chính đáng ngờ ở nước ngoài của cựu luật sư Michael Cohen của Trump. Luật sư Michael Avenatti đã đăng thông tin lên mạng và đưa nó cho một phóng viên không tiết lộ tên của báo the New Yorker. Washington Post đã đăng một bài viết về dòng tiền chảy vào và ra khỏi tài khoản của một công ty mà Cohen đã sử dụng để sắp xếp các khoản thanh toán tiền bạc cho khách hàng của Avenatti là Stephanie Clifford, ngôi sao phim người lớn được biết đến với cái tên Stormy Daniels, là người nói rằng đã ngoại tình với Trump. Fry đã nhận tội vào ngày 14/8/2019, về tội danh tiết lộ bất hợp pháp cho Avenatti thông tin mật của IRS. Fry bị kết án 5 năm tù treo và phạt $5.000. (Trong khi đó, trong các vụ không liên quan, Avenatti đã bị buộc tội và kết tội tại New York khi cố tìm cách tống tiền công ty may mặc thể thao Nike hơn 20 triệu đô la, và ông ta đã không nhận tội ở California về các tội thuế vụ và gian lận).
Daniel Hale, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia và nhà thầu Cơ quan Tình báo Không gian Quốc gia, đã bị truy tố theo Đạo luật Gián điệp vào ngày 9 tháng 5 năm 2019, vì đã đưa cho một phóng viên từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2014 tổng cộng 36 tài liệu về chiến tranh máy bay không người lái của Mỹ, 15 trang trong số đó là tài liệu mật. Các tài liệu đã được sử dụng trong các câu chuyện của Intercept và một cuốn sách về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, chống lại các mục tiêu khủng bố trên khắp thế giới. Mùa Thu năm 2019, luật sư biện hộ lập luận trong quy trình tố tụng của tòa, rằng Hale là một người tố giác (whistleblower), không phải là gián điệp, và rằng việc truy tố ông sẽ nhụt chí việc góp nhặt tin tức. Các công tố viên cho rằng, Hale đã ký các thỏa thuận từ bỏ quyền tiết lộ thông tin an ninh quốc gia trong khi làm việc cho chính phủ. Không phiên xử nào đã được ấn định cho tới cuối tháng 3.
“Rò rỉ thông tin mật gây thiệt hại cho an ninh quốc gia”, John Demers, người đứng đầu bộ phận an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp nói trong môt tuyên bố ngày 9/10/2019, thông báo bản cáo trạng vi phạm Đạo luật Gián điệp của nhà phân tích thuộc cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) Henry Kyle Frese vì chia sẻ thông tin mật với hai nhà báo. Hồ sơ tòa án đã xác định một trong hai phóng viên là bạn gái của ông ta, Amanda Macias, một phóng viên về an ninh quốc gia tại CNBC. Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2018, tên của cô xuất hiện trên các câu chuyện của CNBC về sự phát triển, thử nghiệm và triển khai các hệ thống vũ khí mới của Trung Quốc, được cho là do “các nguồn tin có hiểu biết trực tiếp về báo cáo tình báo Hoa Kỳ”. Bản cáo trạng nêu rằng, thông tin đó là từ các báo cáo tình báo mật của DIA mà Frese truy cập được. FBI nói họ đã chặn một số cuộc gọi điện thoại, tin nhắn và dữ liệu Twitter của Frese. Các công tố viên từ chối không nói họ đã có xem dữ liệu của hai phóng viên này hay không. Frese đã nhận tội vào ngày 20/2/2020, về việc cố tình truyền thông tin mật cho hai nhà báo. Buổi tuyên án đã được lên lịch vào ngày 18/6/2020.
Gabe Rottman, giám đốc dự án tự do báo chí và kỹ thuật của Ủy ban Phóng viên Tự do Báo chí, nói: “Xu hướng của các vụ truy tố quan trọng hơn các vụ án”, như là mối quan hệ lãng mạn của các phóng viên với nguồn cung cấp tin. Các vụ truy tố “cố gắng ngăn cản các nguồn chuyển tin và cung cấp thông tin cho các nhà báo”.
Phần lớn các vụ truy tố các nguồn cung cấp tin của Bộ Tư pháp thời Trump “là lỗi của chính quyền Obama”, chuyên gia truyền thông Sullivan của báo Washington Post nói với tôi. “Nó tạo ra một bản thiết kế dễ theo dõi. Việc sử dụng Đạo luật gián điệp cho loại việc này là khủng khiếp”.
Các cuộc truy bức nhiều mặt về việc rò rỉ tin của cả chính phủ Obama và Trump đã khiến các nguồn cung cấp tin sợ hãi. Shane, phóng viên an ninh quốc gia của báo New York Times, nói: “Hiện nay, rất nhiều nguồn cung cấp tin cẩn thận hơn. Các nhân viên của chính quyền Trump đã phát hiện ra những ưu điểm của những thứ như Signal”, một công cụ mã hóa tin nhắn. “Có một vụ tăng cường học hỏi”.
Biên tập viên Baron của Washington Post nói, “mọi người cẩn thận hơn, các phóng viên đang sử dụng liên lạc được mã hóa và gặp gỡ riêng”.
Kumar thuộc báo Politico, liệt kê trên email của cô một số điện thoại di động có thể gọi tới thông qua mã hóa của Signal hoặc WhatsApp. Cô ấy nói với tôi: “Mọi người đều muốn nói chuyện theo cách khác nhau. Họ lo lắng hơn về việc sử dụng email và các cuộc gọi điện thoại. Họ muốn sử dụng Signal hoặc WhatsApp. Không chỉ người trong chính quyền mà cả người gần gũi với chính quyền và bên ngoài”.
Không có phóng viên nào đã bị truy tố. Nhưng vụ của người sáng lập WikiLeaks Julian Assange có nhiều người ủng hộ tự do báo chí lo ngại rằng nó vượt qua lằn ranh đó. Ngày 23/5/2019, Assange bị truy tố về 17 tội vi phạm Đạo luật Gián điệp qua việc âm mưu với cựu quân nhân Hoa Kỳ Chelsea Manning vào năm 2010 để có được và phát tán một kho tài liệu kỹ thuật số khổng lồ của chính phủ. Bộ Tư pháp đang tìm cách dẫn độ Assange từ Anh sang, ông ta bị bắt ở đó sau khi Ecuador kết thúc mấy năm ông sống đời tị nạn tại đại sứ quán của họ ở London. Jennifer Robinson, Luật sư của ông ở Anh, nói rằng, Assange không phạm tội qua việc công bố thông tin trung thực.
Assange có được tin từ Manning và công bố trên WikiLeaks các tài liệu thô về quân sự và ngoại giao liên quan đến các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Các tổ chức báo chí sau đó đã công bố nhiều câu chuyện về nội dung của các tài liệu này, sau khi thực hiện nghiên cứu để tránh công bố thông tin có thể gây hại cho các cá nhân có tên trong đó. Manning bị kết án tại tòa án quân sự và đã thụ án 7 năm tù trong bản án 35 năm, trước khi được Tổng thống Obama giảm án. Chính quyền của ông cũng mở một cuộc điều tra bồi thẩm đoàn lớn về Assange nhưng chưa từng truy tố ông này, một phần vì lo ngại rằng nó có thể hình sự hóa các kỹ thuật đưa tin, được các nhà báo tại các tổ chức tin tức dòng chính sử dụng.
Vụ việc đã được để mở cho chính quyền Trump. Chính quyền Trump đã quyết định truy tố Assange sau điều mà Washington Post mô tả là một cuộc tranh luận dài trong Bộ Tư pháp về tác động tiềm năng của nó lên Tu Chính Án số 1. Bản cáo trạng cáo buộc rằng, Assange đã cấu kết với Manning để “tạo điều kiện cho Manning có được và truyền tin mật liên quan đến quốc phòng của Hoa Kỳ để WikiLeaks có thể phát tán công khai thông tin trên trang web của mình”.
Các nhóm tự do báo chí phản ứng với sự quan ngại. Rottman thuộc Ủy ban Phóng viên nói: “Mặc dù chính phủ tuyên bố rằng, bị cáo Julian Assange ‘không phải là nhà báo’, lý thuyết pháp lý mà các công tố viên đang sử dụng sẽ trừng phạt các hoạt động như xúi giục, tiếp nhận và công bố thông tin mật”.
Luật sư truyền thông nổi tiếng Theodore J. Boutrous Jr. nói với báo New York Times: “Không phải là tội khi khuyến khích ai đó rò rỉ thông tin mật cho bạn trong tư cách là một nhà báo. Đó gọi là thu thập tin tức, và có các biện pháp bảo vệ của Tu chính án số 1 cho việc thu thập tin tức. Sự phân nhánh việc này rất nguy hiểm và nghiêm trọng đối với khả năng các nhà báo thu thập và phổ biến thông tin mà người dân Mỹ có quyền được biết”.
Trevor Timm, giám đốc điều hành Tổ chức Tự do Báo chí, nói với tôi rằng: “Hành động chưa từng có tiền lệ mà Bộ Tư pháp đã thực hiện đối với Julian Assange chắc chắn là nỗi lo lớn nhất của tôi. Ông ta là người không ở trong chính phủ đầu tiên bị truy tố theo Đạo luật Gián điệp. Nó có khả năng đưa ra ngoài vòng pháp luật nhiều loại bài báo về thông tin an ninh quốc gia”.
Như Joel Simon, Giám đốc điều hành CPJ viết trên báo Washington Post hồi tháng 5 năm 2019, việc truy tố Assange là “mối đe dọa trực tiếp đối với các nhà báo khắp nơi trên thế giới” vì Assange là người Úc, không phải là công dân Mỹ và hành động mà ông ta là bị buộc tội đều xảy ra bên ngoài Hoa Kỳ. “Bất cứ ai trên thế giới công bố thông tin mà chính phủ Hoa Kỳ coi là mật, đều có thể bị truy tố vì tội gián điệp”, Simon viết. Ông lập luận rằng, đây có thể là mối đe dọa đối với các nhà báo ở Colombia, “từng đưa tin về sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ ở nước họ”, những nhà báo ở Pakistan, “từng viết lên báo về mối quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ và công tác tình báo mờ ám của nước này”, những phóng viên ở Pháp, “từng đưa tin về các hoạt động chống khủng bố của Mỹ ở Bắc Phi”.
Assange phải đối mặt với một tội bổ sung theo Đạo luật Lừa đảo và Lạm dụng Máy tính Hoa Kỳ, như Avi Asher-Schapiro, phóng viên cấp cao của CPJ về công nghệ toàn cầu, viết, làm dấy lên lo ngại rằng luật pháp có thể được sử dụng khiến các nhà báo trở nên liên can trong các hoạt động tội phạm của các nguồn cung cấp tin của họ.
Paul Steiger của ProPublica nói với tôi, “xu hướng truy tố của báo chí, các hành vi phạm quyền riêng tư của chúng ta, đào bới vào hồ sơ điện thoại và các văn bản là cách tồi tệ hơn bất cứ điều gì tôi đã nhìn thấy trước đó. Chính quyền Trump đang đe dọa khả năng đưa tin của chúng ta”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét