Tiền ủng hộ…
11-5-2023
Một người bạn tôi buồn bã nói, con đi học về bảo rằng cô giáo trách: bố con không cho tiền đóng Quỹ nhân đạo à, ai cũng như bố con thì làm sao… Tôi giận lắm.
Việt Nam hiện có khoảng 24 triệu học sinh, mỗi em 10k thôi đã thành 240 tỉ đồng. Còn công chức, viên chức thì “tự nguyện” ủng hộ bằng cách bị trừ thẳng vào lương, 1 ngày. Mỗi ngày lương khoảng 200k, với hơn 2 triệu người, thành hơn 400 tỉ đồng. Chỉ riêng cái Quỹ nhân đạo, “ủng hộ tự nguyện” theo kiểu “chỉ tiêu” và “tối thiểu” này, đã thành gần 700 tỉ đồng. Đó là chưa nói đến những thành phần khác trong xã hội như công nhân, nhân viên công ty và người dân nói chung. Có lẽ không dưới 1000 tỉ (?).
Vấn đề là số tiền ấy không ai biết đã được dùng vào việc gì, giải ngân ra sao… Không bao giờ người ủng hộ được biết những đồng tiền mồ hôi cùng tấm lòng của mình đã đi đâu, về đâu. Sự thiếu minh bạch này không những là một thái độ coi thường người dân mà còn là cơ hội cho tham nhũng, lãng phí.
Mà mỗi năm đâu chỉ có mỗi cái Quỹ nhân đạo ấy, nào là ủng hộ bão lụt, nào là ủng hộ người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, v.v và v.v.. Số tiền mỗi người góp vào tuy nhỏ, nhưng góp nhiều lần, nhiều món và hàng triệu người bị thu theo kiểu “bổ đầu” thế này, sẽ thành nhiều nghìn tỉ. Một con số khổng lồ.
San sẻ, giúp đỡ nhau là điều tốt lành nên làm, nhưng sự minh bạch và hiệu quả phải là thứ mà những “tấm lòng vàng” vốn chẳng giàu có gì phải được quyền biết.
Sự dễ dãi của người dân trong những việc “ủng hộ” này cũng là một biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm: trách nhiệm với đồng tiền của mình làm ra, trách nhiệm với người mình giúp đỡ, và trách nhiệm giám sát xã hội để nó trở nên ngay ngắn và trong sạch hơn mỗi ngày.
Nay, một cô giáo công khai trách cứ học sinh trên lớp học vì một món tiền mà cha mẹ em không biết sẽ được sử dụng ra sao, dùng vào việc gì và chưa từng nhìn thấy một bản báo cáo, thì đó là hành vi thao túng tâm lý và phản giáo dục.
Trách nhiệm và trách nhiệm. Mỗi người dân, nếu muốn xã hội mà mình đang sống tốt lên hàng ngày thì không những phải có trách nhiệm chia sẻ mà cao hơn, là trách nhiệm giám sát, lên tiếng và đòi hỏi. Những món tiền “ủng hộ” theo kiểu “nọc cổ ra thu” hàng năm kiểu này, là chỗ mà chúng ta nên khởi động cho một sự bắt đầu cái trách nhiệm ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét