Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

Thân thể, nhân phẩm người phụ nữ không thể chỉ được bảo vệ nhằm bảo toàn “Chế độ hôn nhân và gia đình”

 

Thân thể, nhân phẩm người phụ nữ không thể chỉ được bảo vệ nhằm bảo toàn “Chế độ hôn nhân và gia đình”

Nguyễn Quốc Tấn Trung

11-5-2023

Sự khác biệt giữa nhóm Tội cố ý gây thương tích/Đe doạ “gi” người (Điều 133-134 Bộ Luật Hình Sự hiện nay) với Tội ngược đãi, hành hạ người trong gia đình (bao gồm vợ/chồng, ở Điều 185) là một trong những mối quan tâm từ khi mình còn ngồi trên trường đại học, nhưng xưa nay không có không gian và cơ hội để nói.

Nay vừa nghe tin một nữ giảng viên mình quen biết phải chịu đựng “bạo hành gia đình” và nhiều lời đe doạ với dày vò về tinh thần lẫn thể xác trong suốt ba năm, Trung muốn chia sẻ một vài vấn đề về hai nhóm điều khoản này. Đồng thời, cũng hy vọng kêu gọi thêm được sự ủng hộ cho cô.

***

Về mặt cấu thành, khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan, các luật sư sẽ cười vào mặt Trung khi Trung nói rằng mình muốn so sánh hai tội danh này.

Ảnh: Báo Phụ Nữ

Đúng là nếu diễn giải pháp lý, hai tội danh này hoàn toàn khác nhau: từ tính nghiêm trọng của hành vi, mối quan hệ giữa các chủ thể với nhau, cho đến mối quan hệ xã hội mà pháp luật hướng tới bảo vệ.

Tuy nhiên, trong áp dụng thực tiễn, khi chồng hành hung, “doạ gi”, và gây tổn hại nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, hoặc thậm chí là tương lai phát triển, sinh sống một cách bình thường của người vợ của mình, các cơ quan tư pháp gần như luôn luôn biến nó thành “Tội ngược đãi hoặc hành hạ… vợ…”.

Vấn đề ở chỗ, tội danh này nằm trong nhóm các tội “xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình”, không phải nằm trong nhóm tội danh “xâm phạm tính mạng, nhân phẩm, sức khoẻ con người”

Điều này dẫn đến một mệnh đề luận lý kỳ khôi trong một số trường hợp:

(1) Thân thể – tinh thần của người phụ nữ bị xâm hại liên tục, nghiêm trọng (thậm chí trên 11% hay 21% tỷ lệ thương tật),

(2) Hành vi của người chồng kéo dài có tác động khổng lồ đến sức khoẻ tinh thần về lâu dài của người vợ (trầm cảm, âu lo, sang chấn tâm lý…)

(3) Hệ quả những hành vi này gây ra và để lại có thể nặng nề hơn hẳn so với kiểu ẩu đả, cố ý gây thương tính giữa hai người hoàn toàn xa lạ…

=> Song thứ mà hệ thống tư pháp hình sự chúng ta hiện nay hướng tới bảo vệ lại là ‘CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH”, chứ không phải “TÍNH MẠNG, NHÂN PHẨM, SỨC KHOẺ” của chính người phụ nữ đó?

Chắc chắn sẽ có các luật gia/luật sư nghĩ khác, nhưng Trung nói ra ở đây không phải để bàn về cách tiếp cận của luật thực định (positive law), mà để đặt câu hỏi để mọi người có thể chiêm nghiệm về ưu tiên của công lý.

Chúng ta có đang thật sự đặt ưu tiên đúng trong những trường hợp như thế này chưa?

Liệu chúng ta có đang biến sự an toàn về thân thể/sự toàn vẹn về nhân phẩm của người phụ nữ thành một khái niệm trừu tượng nằm sau cái vỏ của định chế hôn nhân?

***

Cũng cần phải nói rõ là tình trạng này không khá hơn ở phương Tây.

Ngay từ cách sử dụng ngôn ngữ “domestic violence” (bạo lực gia đình) khi so sánh với “assault” (hành hung, cố ý gây thương tích), cũng đã cho thấy pháp luật nhiều quốc gia vẫn còn chịu ảnh hưởng phụ hệ rất cao.

Nghiên cứu về hiệu quả kém của các cáo trạng về “bạo hành gia đình” ở phương Tây cũng rất nhiều, nhưng đây không phải là chủ đề chính của bài viết.

***

Cho đến thời điểm này, Trung rất trân trọng công sức và sự dũng cảm của U.

Không phải người phụ nữ nào cũng đủ sức khoẻ, sự vững vàng và thậm chí là niềm tin để có thể theo đuổi một vụ án mà người Việt Nam hay gọi là “vạch áo cho người xem lưng”.

Trung cũng bất ngờ khi một Toà án quân sự (vì bị cáo là quân nhân) có thể đưa ra kết quả rất cấp tiến và có tinh thần nhân văn như thế (xét trên hiện trạng hiện nay).

Song cân nhắc những lý luận và quan điểm như trên, Trung hy vọng là khi phúc thẩm, chúng ta sẽ có một bản án với một tội danh phù hợp hơn.

***

Ngoài ra, vì bản thân cũng là nam, mình không thể lợi dụng câu chuyện của U để đóng vai “savior” và nói về nó mãi. Các anh chị, bạn bè muốn theo dõi, chia sẻ câu chuyện của bản thân, hay ủng hộ U có thể theo dõi thêm thông tin từ: <https://www.facebook.com/justice4uyen>

Mọi người cũng có thể cân nhắc ký petition liên quan để tăng cường thông tin, nhận thức xã hội và hỗ trợ U trong các phiên toà có thể có sắp tới: Justice for Le Do Phuong Uyen & domestic violence victims

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét