Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

Điều không thể lý giải về… Tư bản (Tiếp theo)

 

Điều không thể lý giải về… Tư bản (Tiếp theo)

Hiệu Minh

10-5-2023

Tiếp theo Phần 1

Phim ảnh và văn hóa

Thời đó, chả hiểu sao Ba Lan cho phép chiếu phim tư bản thoải mái. Từ Romeo Juliet đến Spartacus, rồi Cao bồi tìm vàng, Bố già Mafia, Động đất, rạp chật kín người, dù ít cảnh hở hang, nhưng xem thì hồi hộp từ đầu đến cuối.

Trong khi ấy phim Ba Lan ế ẩm dù phim nào cũng có vài pha trần truồng, làm tình trên màn ảnh rộng. Sứ quán cấm sinh viên đi xem phim tư bản nhưng không cấm xem phim Ba Lan.

Bọn sinh viên thì thầm, cũng cảnh làm tình, nhưng phim tư bản có nội dung đưa đến việc trên giường, trong khi phim Ba Lan thì sống sượng, vừa đi làm về là nhảy vào quấn lấy nhau, trườn như lươn trên sofa, hùng hục cả trong thang máy.

Mỗi lần lên sứ quán họp, phổ biến chính sách, các bác dặn kỹ, các em phải nhớ trung thành với CNXH, vì tư bản bóc lột người, thực dụng, toàn đi xâm lược các nước, mang của cải về nên mới giầu có như thế.

Có lần mấy thằng rủ nhau đi xem trộm phim Mỹ. Chọn một rạp cách xa trung tâm Warsaw tới 30 km, tin rằng khó có người Việt nào tới đây. Chỉ là phim “Samuraj và Cao bồi”, kể về cuộc phiêu lưu của samuraj đi khắp nước Mỹ, dùng kiếm đấu với cao bồi có súng lục, khi nào cũng thắng. Có vài phút cảnh diễn viên nữ cởi truồng bên suối là lãng mạn chút.

Mấy đứa chọn lúc đèn trong rạp tắt mới vào để không ai nhìn thấy, phim gần hết thì ra trước, sẽ không gặp ai. Nhưng lần đó lại gặp mấy bác sứ cũng chiến thuật như mình. Cả hai cùng ngượng và cười trừ. Các bác còn nói, nghe nói tư bản bậy bạ, mà chẳng thấy bậy như phim Ba Lan.

Hàng hóa tư bản lấn át XHCN sau 1975

Nhớ lần về phép (1973), đất nước còn chiến tranh, sinh viên về nước được đón như những người giầu có. Tôi mang về cái xe đạp Wilga (Ba Lan), cái đài National bán dẫn cũ của Nhật, một ít vải vóc của Ba Lan, sữa ong chúa mua bên Nga, vài củ sâm Trung Quốc. Thế mà cả huyện đã cho nhà tôi giầu nhất.

Cụ già thích nhất cái đài, tối nào cả xóm cũng tập trung nghe tin thời sự, ca nhạc, ngâm thơ. Đôi khi ông anh mang ra bụi tre, dò được cả đài BBC và VOA, mấy anh em trong xóm nghe trộm. Có lẽ tôi đã có lỗi tuyên truyền hàng tư bản về làng quê hồi đó.

Tốt nghiệp đại học (1977), chúng tôi về nước đúng vào thời kỳ sau 1975, hàng hóa khuân từ Ba Lan thành vô duyên. Xe máy Honda Nhật, tivi National, đầu Akai và loa thùng, quạt Nhật… tràn từ Nam ra Bắc.

Xe máy con muỗi (Komar), Jawa phè phè của Tiệp, ngay cả Simson Đức cũng không thể địch nổi. Tại ga Hàng Cỏ, xe lửa chở sinh viên từ nước ngoài về không được đón long trọng như cán bộ miền Nam ra.

Sau vài năm, quan hệ Việt Nam dễ dàng hơn với Pháp, các đoàn công tác đi Tây Âu bắt đầu lục tục.

Chuyện đi tư bản hay XHCN là câu chuyện nhà lầu xe hơi hay đi xe đạp và nhà cấp 4. Đi tư bản ba tháng bằng đi Liên Xô hay các nước XHCN ba năm. Chỉ cần một con xe DD (xe máy Nhật) đời mới có thể mua được một căn hộ Thành Công, hơn đứt một container bàn là, xe cuốc và vải vóc nhập từ Liên Xô.

Giáo dục cũng không miễn dịch

Thời tôi du học phải xét lý lịch ba đời, có cống hiến cho cách mạng, có anh em tham gia chiến trường. Tất nhiên phải học rất giỏi. Nhưng khó mà nghĩ đến chuyện đi tư bản.

Thời toàn cầu hóa có thể gặp sinh viên Việt Nam ở London, Paris, Rome, Tokyo. Họ du học khắp thế giới mà không bị trở ngại gì.

Khi Việt Nam bình thường hóa với Mỹ thì việc lựa chọn giữa Mỹ và Pháp lại được đặt ra. Tiếng Anh thay dần tiếng Pháp. Khoa Nga chẳng còn ai muốn xin vào học. Khoa Pháp cũng ít dần đi.

Sau 40 năm quan hệ Mỹ Việt bình thường, hiện đã có 30 ngàn sinh viên vào Mỹ du học so với 7-8 ngàn sinh viên thời cao điểm nhất trong những năm 1970-1980 tại Liên Xô và các nước Đông Âu. Chưa tính hàng chục ngàn sinh viên đi Anh, Pháp, Đức, Úc và nhiều nước khác.

Con số đó nói lên, giáo dục tư bản cũng hấp dẫn không kém mấy món hàng xa xỉ.

Vĩ thanh

Hôm nay đi trên đường Hà Nội, Sài Gòn hay bất kỳ thành phố nào ở Việt Nam, thử tìm ra một chiếc xe hơi nào do XHCN sản xuất.

Hàng rẻ tiền do Trung Quốc nhái của phương Tây. Cửa hàng sang trọng tràn ngập đồ tư bản. Có những cái túi giá mấy chục ngàn đô la nhưng không phải Made in Russia or China.

Nhân vụ Ukraine, thấy trên mạng nhiều bạn lên án chủ nghĩa tư bản, xâm lược, bóc lột, xấu xa. Chẳng hiểu sao dân vẫn tranh nhau đi tư bản, mua hàng tư bản, gửi con học tư bản.

Hồi công tác ở HN những năm 1980, tôi quen một cô bé có bố là đại tá. Tới nhà chơi, bà mẹ đuổi khéo “Nhà này con gái lấy chồng phải duyệt lý lịch thông gia”.

Ngày nay, con cái các vị lãnh đạo cao cấp cưới tây là chuyện thường, không ai tìm nguồn gốc. Con gái một vị rất cao còn lấy người Mỹ hẳn hoi, và anh còn giúp đưa McDonald vào xứ Việt.

Sau gần 40 năm kể từ hồi du học, tôi vẫn không thể lý giải nổi sự lạ lùng của Tư bản, từ hàng hóa, phim ảnh, giáo dục hay văn hóa.

Nước ta có một phần nhỏ có thể thay đổi được. Theo CNXH thì cứ theo thôi, phải độc lập là đúng rồi, nhưng hàng hóa sản xuất phải có qui trình và chất lượng tư bản mới mong tồn tại trong thế giới phẳng.

Rất mong Việt Nam sản xuất được nhiều hàng chất lượng quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét