Cựu cán bộ của sở GD-ĐT Nghệ An lên tiếng
10-5-2023
Về vụ án Hưng Nguyên, liên quan đến căn cứ buộc tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn” vì cô Lê Thị Dung đã không gửi Quy chế chi tiêu nội bộ cho sở GD-ĐT phê duyệt, bên dưới bài đăng tối qua của tôi, anh Nhượng Nguyễn – là cựu cán bộ của Sở GD-ĐT Nghệ An – đã có một bình luận công khai và rất giá trị.
Anh khẳng định: “Quy chế chi tiêu nội bộ sẽ được giám đốc TTGDTX giao cho kế toán (bộ phận tài vụ đơn vị) chủ trì phối hợp với một số bộ phận chuyên môn xây dựng, trình giám đốc cho ý kiến, sau đó được thông qua, biểu quyết tại hội nghị CNVC đơn vị, đồng thời gửi cho kho bạc cấp huyện để theo dõi, kiểm soát chi; quy chế chi tiêu nội bộ KHÔNG PHẢI NỘP cho sở GD-ĐT. Khi thực hiện bất cứ khoản chi gì thì bộ phận có liên quan lập danh sách, định mức gửi kế toán đơn vị thẩm định, sau đó kế toán đơn vị trình GĐ kí, sau đó kế toán đơn vị gửi kho bạc thẩm định, cho phép chi thì đơn vị mới thực hiện chi. Hàng năm TTGDTX được phòng Tài chính huyện duyệt Quyết toán – các đơn vị này cùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Cũng trong bài viết trên, bạn Dzung Nguyễn đặt câu hỏi cho tôi, rằng: vấn đề là có quy định bằng văn bản là yêu cầu phải gửi QCCTNB cho sở Giáo dục và Đào tạo không? Và cũng chính anh Nhượng Nguyễn trả lời thay, gãy gọn: “không quy định”.
Là một cán bộ công tác tại sở GD-ĐT địa phương cho đến khi về hưu, chắc hẳn anh Nhượng Nguyễn không những không xa lạ gì với các quy định thường niên này, mà còn nắm rất rõ nên đã thông tin rất có trách nhiệm cho cộng đồng được biết.
Tôi chỉ băn khoăn rằng, tại sao trước một nút thắt “chết người” như thế [quy định về gửi/không phải gửi QCCTNB cho Sở] mà tòa án huyện Hưng Nguyên khăng khăng bảo vệ để buộc tội cô Dung, nhưng sở GD-ĐT Nghệ An lại không có ý kiến để minh bạch và tháo gỡ, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho giáo viên của mình? Như thế là thiếu trách nhiệm hay có gì khuất tất ở đây?
Cũng về vụ án này, liên quan đến cáo buộc chi 2 lần cho một khoản thanh toán, sáng nay, trong một bài báo trên tờ Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Phan Anh Tuấn khẳng định: “nếu tiền chuyên môn, tiền quản lý được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị thì việc bị cáo Dung kê khai theo quy chế này là không sai quy định, vì phần tiền này là tiền thu nhập tăng thêm của đơn vị sự nghiệp công có thu”.
Và ông cảnh báo: “Nếu hiểu như các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hưng Nguyên thì người quản lý các đơn vị sự nghiệp có thu (như các trường đại học…) đều có thể bị xử lý hình sự”. https://plo.vn/vu-co-giao-o-nghe-an-nhin-tu-quy-che-chi-tieu-noi-bo-post732565.html
Xin khẳng định lại một lần nữa, toàn bộ vụ án cô giáo Lê Thị Dung là ở nút thắt phải gửi hay không phải gửi QCCTNB cho sở GD-ĐT phê duyệt vì nó xác nhận bị cáo có “lợi dụng chức vụ quyền hạn” hay không. Và đến giờ phút này, với ý kiến của những người trong cuộc nắm chắc và hiểu rõ quy định, như cán bộ sở Giáo dục hay tiến sĩ luật học, thì chúng ta có thể khẳng định rằng, cô Dung không phạm tội “lợi dụng”. Nghĩa của 2 chữ “lợi dụng” một khi đã không còn, thì bản án này mất căn cứ buộc tội.
Dư luận dù có bất bình đến đâu cũng chỉ là biểu hiện của niềm khao khát công bằng xã hội sẽ được thiết lập bởi công lý và thực thi bởi sự công tâm. Ngoài ra, không có gì khác nữa. Bởi thế, tôi nghĩ, chưa bao giờ chính quyền Nghệ An có được một cơ hội tốt đến vậy để xây dựng hình ảnh của mình trong mắt người dân, được quyết định bằng sự lựa chọn một cách xử lý khôn ngoan khi đứng trước vụ án này của cô giáo Lê Thị Dung. Đừng bỏ lỡ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét