Về bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc
Lê Quang Ngọ và Lê Quí Trọng
20-12-2021
Là những người yêu văn học nước nhà, chúng tôi đã chăm chú theo dõi Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức ở Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua. Dĩ nhiên, chúng tôi không thể bỏ qua bài phát biểu của người đứng đầu đảng, cơ quan tổ chức và điều hành Hội nghị này.
Qua bài phát biểu chỉ đạo hội nghị của TBT Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi nhận thấy có vài lỗi sơ đẳng về kiến thức trong bài phát biểu đó, khiến cho nó mất đi sức cuốn hút người nghe. Sau đây là một số nhận xét của chúng tôi.
Trong phần thống kê về sự lãnh đạo sáng suốt của đảng “trong suốt thời kỳ từ năm 1960 đến năm 1975 đã góp phần phát huy vai trò của văn hóa Việt Nam thực hiện nhiệm vụ vừa kiến quốc, vừa kháng chiến” (1), thì mạch văn trong bài phát biểu của TBT Trọng bắt đầu thiếu mạch lạc, và thiếu tính thuyết phục khi ông liệt kê những câu nói mà ông cho là “hồn cốt thiêng liêng của văn hóa Việt Nam! ‘Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!’ thậm chí ‘Còn cái lai quần cũng đánh!’ (chị Út Tịch). Đồng thời: ‘Đạp quân thù xuống đất đen, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa!’.”
Không hiểu sao trong cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” mà đảng phát động có biết bao câu nói hay hơn, ý nghĩa hơn của quần chúng, mà đảng đã từng đưa lên tận mây xanh như: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn!” của Nguyễn Viết Xuân đã được viết thành bài hát, hoặc câu nói: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” của Lê Mã Lương sau khi được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang vào tháng 9 năm 1971 – Chỉ riêng ở Hà Nội câu nói này đã được sở Văn hóa Thông tin đưa vào những tấm áp phích cỡ lớn treo trên các cột điện khắp các phố phường để động viên các tầng lớp thanh niên hăng hái tòng quân – lại bị TBT Trọng bỏ qua.
Phải chăng sau khi dẫn dụ câu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” ông thấy nó chung chung quá (2), nó không phản ánh được thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh nhân dân mà đảng là người phát động và lãnh đạo trực tiếp và nhờ đó đã phát huy cao độ tinh thần bất khuất của dân tộc, cho nên ông phải bổ xung thêm “thậm chí ‘Còn cái lai quần cũng đánh!’ (chị Út Tịch)”, để đưa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà nó đã đi vào tác phẩm văn học cách mạng thời kỳ này, để chứng minh cho người nghe dễ hiểu?
Do thiếu hiểu biết về lĩnh vực quân sự nên việc đưa phần dẫn chứng này đã làm tổn hại đến danh tiếng của Giáo sư Tiến sĩ Xây dựng đảng. Đây là câu nói bộc trực đâm chất Nam bộ của một người phụ nữ nhà nghèo, từ 8 tuổi đã đi ở đợ, thiếu học, “có tánh khí như đàn ông, hễ nói là làm” (3), được bạn bè nhận xét là người “hì hườm” lắm”. Năm 13 tuổi bà được đảng giác ngộ và thời thế cách mạng trong giai đoạn Kháng chiến chống Pháp và Đồng khởi đã kích hoạt hành động ấy, khí chất ấy của bà, những tố chất cần thiết cho đảng trong thời kỳ này, và bà đã được đảng xây dựng thành nhân vật anh hùng và qua sự trang điểm thẩm mỹ của Nguyễn Thi, bà đã đi vào nền văn chương cách mạng với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của ngưòi phụ nữ Việt Nam “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”, dưới thời đại của đảng quang vinh.
Từ ‘còn’ trong tiếng Việt khi đứng đầu câu thường biểu thị sự tiếp diễn của hành động với một điều kiện nào đó để đạt được mong muốn hoặc quyết tâm. Ví dụ câu: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử, hết cơm hết rượu, hết ông tôi” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, và cũng như Hồ Chí Minh đã viết trong di chúc:
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Như vậy, nếu chịu khó suy ngẫm thì người ta dễ dàng nhận thấy câu nói của bà Út Tịch không phải là câu nói hay, bởi nó không có cái vế thứ hai để đạt được mục đích mong muốn, vì vậy không đáng để tôn vinh và nhất là về phương diện mỹ học.
“Lai quần” là đường viền của ống quần được may cuốn vào trong để chiếc quần trở nên chuẩn form và cứng cáp hơn. Một chiến binh chỉ còn mỗi cái lai quần mà vẫn quyết đánh giặc thì chỉ là hành động thiếu suy nghĩ dẫn đến cái chết vô ích.
Trong chiến tranh có hai yếu tố chính để đi đến thắng lợi là ý chí chiến đấu và trang bị vũ khí. Cho dù đề cao câu nói này trong văn học nặng tính tuyên truyền của mình nhưng đảng không muốn ứng dụng nó trong thực tiễn, cho nên trong cuộc Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đảng đã không thể dùng lai quần để chống lại các cuộc phản kích của đối phương và giữ được các đô thị đã chiếm được, cũng như phải bỏ lại thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch Xuân Hè 1972, bởi chiến tranh không hề đơn giản như lời bài hát của trẻ con mà Nguyễn Thi đã viết trong Người mẹ cầm súng:
“Anh em ta như bạn con ruồi
Nó có súng mình có dao găm
Nó nghéo cò thì mình nhảy vô đâm”.
Và sự dẫn chứng của GS TS Trọng càng khiên cưỡng hơn khi hai câu thơ trong trường ca Bài thơ Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi sáng tác năm 1958 lại được đưa vào giai đọan này (4).
Khi đề cập đến phần “tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả một số giải pháp”, TBT Trọng cũng yêu cầu “giữ lấy ‘nếp nhà’, giữ lấy ‘chân quê’ (bài thơ của Nguyễn Bính năm 1936)” trong giải pháp thứ tư mà ông đề ra.
Khi đưa ra dẫn dụ như vậy, liệu TBT có lường trước được sự phản tác dụng của nó, bởi ông đã bỏ qua tính dự báo của văn chương?
Bài “Chân quê” được Nguyễn Bính sáng tác năm 1936, khi đó Nguyễn Ái Quốc đang “nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa tại Mátxcơva (Liên Xô). Kiên trì con đường đã xác định cho cách mạng Việt Nam”. (5). Bài thơ lấy đề tài là một câu chuyện tình yêu giữa chàng trai và cô gái thôn quê. Tuy nhiên, cô gái ấy xuất hiện trong hoàn cảnh mới “đi tỉnh về”. Bao nhiêu nhớ nhung mong ngóng của người ở nhà bỗng trở thành nỗi xót xa, đau đớn khi thấy người đi xa trở về với những thay đổi bất ngờ. Người ở nhà đau đớn xót xa không chỉ vì bản chất trong trắng của người mình yêu đang bị mai một mà dự cảm nhận ra một sự đổi thay trong tình cảm của hai người.
Nếu nhìn lại quá trình lịch sử từ khi bài thơ này ra đời cho đến nay với hiện tình đất nước, người ta sẽ nhận thấy dường như Nguyễn Bính đã dự cảm trước được những biến cố lớn sắp xảy ra của đất nước qua những tín hiệu ẩn nấp trong bài “Chân quê”.
Và khi nghe TBT Trọng nêu tên bài thơ này trong bài nói chuyện của mình, có lẽ sẽ có nhiều người đặt câu hỏi:
Nếu Nguyễn Bính sáng tác bài “Chân quê” này sau năm 1954, thì liệu công chúng có được đảng cho thưởng thức hay không, hay nó sẽ lại được lưỡi kéo kiểm duyệt của đảng đối xử như số phận truyện “Cuộc phiêu lưu của Văn ngan tướng công” của Vũ Tú Nam (6)?
Ai cũng biết Nguyễn Bính là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Bởi ông nổi tiếng như vậy nên trong thời gian kháng chiến chống Pháp cả Chính phủ Nam Kỳ tự trị và chính quyền Việt Minh đều muốn lôi kéo ông về phục vụ cho đằng mình. Chính Lê Duẩn đã làm mối cho ông kết hôn với người thuộc cấp để tăng thêm sự ràng buộc của ông với Việt Minh, nhưng do vướng vào vụ Nhân văn Giai phẩm nên Nguyễn Bính đã bị thất sủng, và đảng không còn “đối đãi đàng hoàng, chăm sóc chu đáo tác giả Lỡ bước sang ngang” (7) nữa. Từ một ông chủ bút tờ báo Trăm hoa ở Hà nội, tác giả “Chân quê” phải quay về làm công việc của người nhân viên quèn tại Ty Văn hóa Hà Nam và mất ở đây trong độ tuổi chín muồi của tài năng.
Với cách đối đãi nhân tài của đảng như vậy thì vấn đề “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ,” mà TBT Trọng trăn trở, đã được chính ông tự giải đáp một phần.
Được biết, bài phát biểu này của TBT được chuẩn bị rất công phu, có hẳn một “ban cố vấn bài phát biểu của Tổng bí thư tại hội nghị”, trong đó Hữu Thỉnh – cựu chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, cựu chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam là một thành viên. “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt cho hội nghị lần này” (8), bởi ông biết thính giả của ông toàn là những người lắm chữ.
Ấy vậy mà điều đáng tiếc vẫn xảy ra, những lỗi sơ đẳng về kiến thức vẫn nổi cộm trong bài phát biểu. Mà hình như nó như một cái dớp luôn thường vẫn xảy ra, mỗi khi các quan chức gặp gỡ và lên lớp trước các ông chủ đất nước về thân phận của mình, bởi người đời vẫn còn chưa quên việc cựu “thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 2 lần dẫn cùng 1 bài thơ, trong 2 bối cảnh khác nhau nhưng cả 2 lần đều sai tên tác giả”. (9)
Do đó những người viết bài này chỉ còn biết buồn, ngao ngán và thở dài: “Thật bất hạnh cho dân tộc Việt Nam khi có những người cầm lái như vậy!”
Còn quý độc giả, quý vị thì nghĩ gì về bài phát biểu này?
______
Chú thích:
(2) https://1thegioi.vn/nguon-con-lich-su-cua-cau-giac-den-nha-dan-ba-cung-danh-17040.html
(3) https://trian.vn/ve-thap-huong-cho-nguoi-phu-nu-con-cai-lai-quan-cung-danh-/d2020090415271821.htm
(4) https://vanhaiphong.com/nhan-ngay-quoc-khanh-doc-lai-viet-nam-que-huong-ta-cua-nguyen-dinh-thi/
(6) https://anninhthudo.vn/nha-van-vu-tu-nam-va-cau-chuyen-van-ngan-tuong-cong-post444112.antd
(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_B%C3%ADnh
(8) https://vietnamthoibao.org/vntb-van-hoa-the-nay-thi-nhan-quyen-ra-sao/
https://vanmau.com/nguyen-binh/
(9) https://www.danchimviet.info/tt-nguyen-xuan-phuc-2-lan-dan-tho-sai-tac-gia/07/2017/5345/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét