Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Dồn mọi nỗ lực để bảo vệ “Nền dân chủ kiểu Trung Quốc” đã để lộ những vết nứt trên áo giáp của Tập Cận Bình

 

Dồn mọi nỗ lực để bảo vệ “Nền dân chủ kiểu Trung Quốc” đã để lộ những vết nứt trên áo giáp của Tập Cận Bình

The Jamestown Foundation

Tác giả: Willy Wo-Lap Lam

Lê Minh Nguyên, dịch

14-12-2021

Trước thềm “Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ” của Hoa Kỳ do Tổng thống Joe Biden chủ trì vào hai ngày 9-10 tháng 12, đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) đã tìm mọi cách để thuyết phục thế giới rằng “nền dân chủ có tiến trình toàn diện” của TQ là ưu việt hơn các lý tưởng dân chủ được Hoa Kỳ và các đối tác ủng hộ.

Sách Trắng về Dân chủ do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện (SCIO) của TQ ban hành và các tài liệu khác do các đơn vị đảng và chính phủ xuất bản khẳng định rằng “nền dân chủ toàn diện” của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) đã hiện thực hóa “các tiến trình dân chủ và thành quả của nền dân chủ ”. Sách Trắng khẳng định rằng, ở TQ có “sự tổng hợp giữa dân chủ của nhân dân và ý chí của nhà nước” và quả quyết rằng, nền dân chủ TQ là “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa toàn diện nhất, thực tế nhất và hiệu quả nhất”.

Thanh gươm hai lưỡi?

Mặc dù thể hiện sự tự tin ra bên ngoài và khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội kiểu TQ vượt trội hơn so với nền dân chủ đại diện của Tây phương, nhưng nó có thể boomerang/ bay ngược trở về cái gọi là “nhà lãnh đạo suốt đời” của đảng CSTQ, tức Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo Sách trắng của SCIO, tiêu chí quan trọng để đánh giá rằng trật tự chính trị của một quốc gia có dân chủ và hiệu quả hay không, là “liệu ​​cấp lãnh đạo của một quốc gia có thể tự thay thế một cách có trật tự theo luật pháp hay không”. Tuy nhiên, việc ông Tập sửa đổi hiến pháp nhằm xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước – cũng như sự phóng đại một cách không tương xứng về những đóng góp của ông cho đảng trong Nghị quyết mới được công bố về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử của đảng trong thế kỷ qua (dưới đây gọi là Nghị quyết), chỉ ra rằng lãnh đạo tối cao không có kế hoạch để trẻ hóa sự lãnh đạo của đảng nào cả.

Sự tương phản giữa luận điệu của đảng CSTQ và thực tế được minh họa bằng một bài nói chuyện gần đây do Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tổ chức đảng Chen Xi đưa ra, trong đó ông cho rằng tuổi tác không phải là yếu tố quan trọng nhất trong việc tìm kiếm người kế nhiệm vị trí lãnh đạo hiện tại. Chen, một người cận thần lâu năm của ông Tập, nói rằng những người trách nhiệm đảng không nên chọn những người kế nhiệm tiềm năng “chỉ vì tuổi [còn trẻ] của họ”. “Việc lựa chọn không phải là càng trẻ càng tốt,” Chen nói thêm, cho rằng “lòng trung thành chính trị” là tiêu chí quan trọng nhất. “Trung thành chính trị” được hiểu rộng rãi là trung thành với ông Tập. Điều này được chứng minh bằng thực tế là Nghị quyết và các văn kiện khác đã nhấn mạnh các giá trị như “hai biện pháp bảo vệ, một là bảo vệ việc giữ vững Tập Cận Bình là “cốt lõi của các cơ quan trung ương Đảng” và “bảo vệ thẩm quyền cùng sự hợp nhất lãnh đạo của quyền lực trung ương (dangzhongyang)”. Việc thiếu vắng sự kiến trúc một cơ chế kế thừa “cốt lõi trọn đời” của đảng có thể dẫn đến cuộc tranh chấp phe phái khốc liệt khi sức khỏe hoặc khả năng nắm giữ quyền lực của ông Tập bắt đầu suy giảm.

Hàng loạt các bài báo và bài phát biểu gần đây ủng hộ nền dân chủ kiểu TQ cũng tập trung vào việc cho rằng tuyệt đại đa số người TQ tham gia vào việc lựa chọn các nhà lập pháp cấp cơ sở. Ví dụ, một tài liệu đầu tháng 12 do Ủy ban Công tác Pháp chế của Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức Quốc hội Trung Quốc, tuyên bố rằng 97,18% người Trung Quốc trên 18 tuổi là cử tri đã đăng ký cho các cuộc bỏ phiếu ở Đại hội Nhân dân các quận và làng cũng như các quận, huyện của thành phố. Tài liệu cũng khẳng định rằng tỷ lệ cử tri đi bầu luôn đạt trên 90%. Tuy nhiên, Ủy ban Công tác Pháp luật cũng chỉ ra rằng hệ thống NPC “đề cao sự lãnh đạo của đảng CSTQ” và nền chính trị Trung Quốc xoay quanh trên nguyên tắc “tổng hợp giữa đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ đất nước, và quản lý theo pháp luật ”. Hơn nữa, ai cũng biết rằng để đảm bảo “sự lãnh đạo của đảng”, các ứng cử viên đủ điều kiện cho các cuộc bầu cử cấp cơ sở – những người hầu hết đều là đảng viên đảng CSTQ – phải có được sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Vào tháng 10, có 14 luật sư nhân quyền có trụ sở tại Bắc Kinh và người thân của họ đã không thể ứng cử trong cuộc bầu cử lập pháp ở các quận của thủ đô và các quận lân cận do họ không phải là đảng viên của đảng CSTQ.

Sức ép toàn cầu càng tăng

Một ngày trước hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ do Hoa Kỳ tổ chức, Viện Văn học và Lịch sử Đảng của Ủy ban Trung ương đảng CSTQ đã xuất bản một tập tài liệu mới gồm những đoạn trích được chọn lọc của Tập Cận Bình về sự tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Tuyển tập mới này tìm cách chứng minh rằng đảng CSTQ đã luôn cố gắng “tích hợp nguyên tắc nhân quyền với thực tế của TQ bằng cách khởi hành trên con đường nhân quyền phù hợp với điều kiện quốc gia”. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, hàng chục nhà bất đồng chính kiến ​​và nhà hoạt động nhân quyền, bao gồm cả luật sư nổi tiếng thế giới Quách Phi Hùng (Guo Feixiong), đã bị giam giữ hoặc bị ngăn cấm rời khỏi nơi cư trú của họ.

Bất chấp những nỗ lực của TQ muốn thể hiện mình lãnh đạo thế giới về nhân quyền, thành tích kém của CHNDTQ về việc tôn trọng các quyền cá nhân vẫn không thoát khỏi sự lên án. Một tuyên bố nghiêm khắc của Hội đồng Châu Âu đã lên án tình trạng nhân quyền tồi tệ ở TQ và các quốc gia độc tài khác. Một số quốc gia phương Tây bao gồm Hoa Kỳ, Canada và Úc cũng viện dẫn việc CHNDTQ đối xử tệ với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ là lý do biện minh cho việc không cử quan chức đến Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sắp tới, được tổ chức vào tháng 2 năm 2022.

Thật vậy, những lời chỉ trích gần đây đối với hồ sơ nhân quyền của CHNDTQ bởi các nước dân chủ nó khác hẳn với những điệp khúc mà quốc tế lên án trong quá khứ. Liên minh do Biden dẫn đầu đã nói rõ trong Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ rằng họ sẽ gây áp lực lớn hơn lên CHNDTQ dưới hình thức trừng phạt kinh tế và công nghệ. Tổng thống Hoa Kỳ cho biết, khối dân chủ đã cam kết cùng nhau định hình “các quy luật chi phối sự tiến bộ của chúng ta trong thế kỷ 21, bao gồm các vấn đề về an ninh mạng và các công nghệ mới nổi”. Nhiều lệnh cấm đang được áp dụng đối với các thực thể của CHNDTQ bị nghi ngờ là một phần của khu vực phức hợp công nghiệp-quốc phòng của TQ.

Trong Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ, Washington đã thông báo rằng sẽ không có nguồn vốn nào của Hoa Kỳ được đầu tư vào SenseTime, một công ty công nghệ thông tin chuyên về nhận dạng khuôn mặt có liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Điều này theo sau một quyết định chung của chính quyền Hoa Kỳ và Liên Âu vào tháng 9 nhằm ngăn cản TQ có được các linh kiện hoặc tiếp cận chuỗi cung ứng trong lĩnh vực bán dẫn, cùng với thỏa thuận tăng cường hợp tác Mỹ-Âu về trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và quyền riêng tư kỹ thuật số. Nó nhằm tăng cường nỗ lực tách rời hệ thống TQ và phương Tây, được tiến hành trong lúc nền kinh tế CHNDTQ đang phải đối mặt với những cơn gió to thổi ngược.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phải chịu gánh nặng do khu vực bất động sản bị nợ nần nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, sinh hoạt tiêu dùng bị trì trệ, các nhà sản xuất nước ngoài rời TQ vì chi phí cao và các lý do khác, và ngân quỹ của chính phủ bị thu hẹp, bằng chứng là lương công chức bị cắt giảm đáng kể trong một số các tỉnh và thành phố lớn.

Do sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với các phương tiện truyền thông ở TQ, hầu hết các hãng thông tấn chính thức đã lên án Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ của Washington cũng như các tuyên bố của các nước phương Tây tố cáo việc thiếu các quyền của công dân ở TQ. Tuy nhiên, những người TQ bình thường cảm thấy không hài lòng về các chính sách “chống phương Tây” của đảng CSTQ làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước và hạ thấp mức sống của họ. Hơn nữa, ít nhất là trong giới trí thức được giáo dục tốt, tiếng nói kêu gọi lãnh đạo đảng CSTQ áp dụng các chuẩn mực quốc tế, bao gồm cả việc cai trị bằng hiến pháp “kiểu phương Tây” cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Ví dụ, ông Trương Thiên Phàm (Zhang Qianfan), một giáo sư luật đáng kính tại Đại học Bắc Kinh, gần đây đã chỉ trích chủ nghĩa độc đoán của đảng CSTQ trong một bài nói chuyện trong lớp học. Ông lưu ý rằng kinh nghiệm toàn cầu đã chứng minh rằng “một loại chủ nghĩa độc tài xảo quyệt và ngoan cố” thường đưa tới một cuộc cách mạng. Ông cũng cáo buộc chính phủ TQ cắt giảm tiền lương của người lao động và khai thác quá mức tài nguyên đất nước. “Chỉ khi mỗi cá nhân dám khẳng định phẩm giá của mình thì người TQ mới có thể thực sự trở thành chủ nhân [của quốc gia họ],” ông giải thích.

Một đòn giáng mạnh vào uy tín của Tập?

Hơn nữa, việc thế giới phương Tây ngày càng sẵn sàng tẩy chay TQ đã bắt đầu có tác động tiêu cực đến uy tín và quyền lực của Chủ tịch Tập. Các nhà phân tích đã khá ngạc nhiên khi thấy rằng sau khi TQ phát hành Tài liệu về lịch sử đảng, sử dụng ngôn ngữ phong thánh để tôn vinh chiến tích ngoạn mục của người hùng – thì chỉ một số lượng tương đối nhỏ các nhà lãnh đạo địa phương và quân đội tiếp tục truyền thống thể hiện lòng trung thành ra công khai trước công chúng (biaotai) để ca ngợi Tập. Các ông sếp của đảng ở Thiên Tân và Sơn Đông, như Lý Hồng Trung (Li Hongzhong) và Lý Cán Kiệt (Li Ganjie) là hai trong số ít bí thư tỉnh ủy cam kết trung thành với nhà lãnh đạo tối cao. Ví dụ như, trong một buổi nói chuyện với sinh viên đại học, Lý Hồng Trung ca ngợi ông Tập đã “điều phối chiến lược phục hưng vĩ đại của dân tộc TQ… và giải quyết nhiều vấn đề lâu nay chưa được giải quyết”. Các tướng hàng đầu cũng tỏ ra khá kín tiếng khi nói đến Nghị quyết và vị trí lịch sử của ông Tập. Trong một phiên học tập ở Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương do Quân ủy Trung ương (QUTƯ) tổ chức, hai Phó Chủ tịch QUTƯ, Tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) và Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) dường như chỉ muốn làm cho qua thủ tục là đồng ý sự lãnh đạo của ông Tập. Cam kết trung thành của mỗi ông chỉ khoảng 150 chữ, ngắn hơn nhiều so với số chữ thông thường dành cho nghi lễ cam kết trung thành (biaotai) này.

Hấp dẫn hơn nữa là một bài viết trên Nhân Dân Nhật Báo ngày 9 tháng 12 có tựa đề “Chính sách cải cách và mở cửa là sự thức tỉnh tuyệt vời của đảng”, nó tương đương với một cách giải thích Nghị quyết của phe ủng hộ cải cách. Tác giả Khúc Thanh Sơn (Qu Qingshan) là Giám đốc Học viện Nghiên cứu Lịch sử và Lưu trữ hồ sơ Đảng của Ủy ban Trung ương đảng CSTQ. Sử dụng Nghị quyết làm điểm xuất phát, ông Khúc đã ca ngợi “sự hiểu biết sâu sắc về cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa” của Đặng Tiểu Bình.

Ông dẫn lời Kiến trúc sư vĩ đại của Cải cách này, nói rằng sự thái quá của phe cánh tả trong Cách mạng Văn hóa đã thuyết phục ông rằng “sẽ không thành công nếu chúng ta không tiến hành cải cách và thiết lập các chính sách mới trong [các đấu trường] chính trị, kinh tế và xã hội”. Ông Khúc nói thêm rằng sự thức tỉnh tuyệt vời do cải cách của Đặng Tiểu Bình “đã chứng tỏ nhận thức sống động của mọi người về [nhiệm vụ] tạo ra lịch sử”. Tác giả cũng ca ngợi các cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào vì đã phát triển các lý thuyết định hướng thị trường của Đặng Tiểu Bình. Toàn bộ bài văn không nhắc đến Tập dù chỉ một lần. Cũng không có bất kỳ đề cập nào đến “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm TQ trong kỷ nguyên mới” được ca tụng trong tác phẩm.

Việc một bài báo xem thường thành tích của ông Tập có thể được đăng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo là dấu hiệu cho thấy sự khác biệt lớn về quan điểm giữa các cán bộ cấp cao về đóng góp của nhà lãnh đạo tối cao này đối với lịch sử đảng CSTQ. Tương tự, cả tên của ông Tập và Tư tưởng Tập Cận Bình đều không được đề cập đến trong một văn bản chính thức khác để giải thích tầm quan trọng của Nghị quyết. Giống như bài bình luận của ông Khúc, bài báo trên Tân Hoa xã, có tựa đề “Viết một tuyên bố mới về cải cách trong thời kỳ mới và chính sách mở cửa từ một góc độ cao hơn,” chỉ đơn thuần ghi lại những tiến bộ đạt được của chính sách cải cách và mở cửa trong các vùng khác nhau của TQ.

Cùng lúc, sự kiểm soát của ông Tập đối với bộ máy chính trị-pháp luật (cảnh sát, mật vụ và các sở tư pháp) tiếp tục bị suy yếu do sự thay thế liên tục các cán bộ cấp cao trong Bộ Công an. Năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công an kiêm lãnh đạo Hình Cảnh Quốc Tế, ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) bị bắt. Tiếp theo là sự sụp đổ của một thứ trưởng công an khác Tôn Lập Quân (Sun Lijun) vào năm 2020. Cả ông Mạnh và ông Tôn đều bị cáo buộc phạm tội kinh tế và tổ chức “nhóm âm mưu” chống Tập trong nội bộ hệ thống an ninh. Kinh ngạc hơn nữa là vụ bắt giữ vào tháng 10 vừa qua đối với một cựu Thứ trưởng Bộ Công an Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), người đã có một sự nghiệp lừng lẫy trong hệ thống chính-pháp (zhengfa). Ông Phó được coi là người bảo vệ ông Tập, do vai trò hạ gục kẻ thù cay đắng của ông Tập, cựu Thường vụ Bộ Chính trị và người đứng đầu bộ phận an ninh nội bộ Chu Vĩnh Khang vào năm 2014.

Tháng trước, ông Tập báo hiệu rằng cuộc thanh trừng hệ thống chính-pháp vẫn chưa kết thúc, bằng việc bổ nhiệm Giám đốc điều hành, Thứ trưởng Bộ Công an Vương Hiểu Hồng (Wang Xiaohong) làm Trưởng ban đặc trách bộ của đảng CSTQ. Ông Vương, xưa làm việc với ông Tập khi Tập là phó thị trưởng Hạ Môn (Xiamen) vào giữa những năm 1980s, được coi là thành viên chủ chốt của phe Tập Cận Bình. Sự nổi lên của ông Vương đồng nghĩa với việc Bộ trưởng Bộ Công an đương nhiệm và là cựu lãnh đạo cấp ủy của bộ này Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi), người được coi là thân cận với các cấp phó cũ là ông Tôn và ông Phó, có thể bị cách chức trong tương lai gần.

Kết luận

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước phương Tây và các quốc gia thiên về dân chủ đã sử dụng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của TQ làm lý lẽ để áp đặt các biện pháp chế tài và các hình thức trừng phạt khác đối với CHNDTQ. Mặc dù hầu hết các tổ chức phi chính phủ và các nhà bất đồng chính kiến ​​của TQ đều nằm dưới sự kiểm soát của cảnh sát, nhưng việc ông Tập không thể hàn gắn với Hoa Kỳ cùng các thành viên hàng đầu của Liên Âu và NATO khác, tạo cơ hội cho các đối thủ của ông Tập lợi dụng để chống lại nỗ lực của nhà lãnh đạo tối cao này muốn đạt nhiệm kỳ trọn đời.

Những sự rêu rao mà các thành viên của phe Tập đã sử dụng để vĩ đại hoá ông chủ của họ cũng bị phản tác dụng. Lấy ví dụ, bài bình luận của ông Phó Trưởng ban Tuyên truyền Thận Hải Hùng (Shen Haixiong) để đề cao sự vĩ đại của ông Tập. Ông Thận, người từng làm việc cho ông Tập khi ông Tập làm bí thư tỉnh Chiết Giang (Zhejiang), cho rằng nhà lãnh đạo tối cao là một “chính khách, nhà tư tưởng và nhà chiến lược vĩ đại”, người tuân theo mệnh lệnh “Tôi sẽ trở nên vị tha để không làm người dân thất vọng.”

Ông Thận còn tuyên bố rằng, ông Tập trong những năm gần đây đã “lật ngược tình thế [chính trị quốc gia] và ngăn lâu đài đồ sộ [của nhà nước] sụp đổ”. Việc ông Thận mô tả ông Tập như một cán bộ “vị tha” làm cho người ta hiểu ngược lại là làm nổi bật lòng ham muốn quyền lực của ông Tập. Và khi nói rằng ông Tập đã “ngăn không cho ngôi lâu đài đồ sộ của nhà nước sụp đổ”, ông Thận vô hình chung ngụ ý rằng CHNDTQ bị nghiêng ngã, do rõ ràng là họ đã không đáp ứng được những thách thức trên nhiều mặt trận.

Tóm lại, sự điên cuồng bảo vệ hồ sơ nhân quyền TQ và các vấn đề khác dưới sự lãnh đạo của ông Tập – cộng với chứng hoang tưởng “cốt lõi” về việc sợ mất đi quyền lực toàn diện của mình – đã phản bội lại những dấu hiệu bất ổn đang xảy ra trong các cấp lãnh đạo hàng đầu của đảng CSTQ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét