Từ việc thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải: Trả phí và… trả giá môi trường
Nguyễn Đăng Anh Thi
30-12-2021
Dù đã gần 20 năm thu phí bảo vệ môi trường, bài toán xử lý nước thải sinh hoạt cả nước vẫn còn dang dở. Nay, khoản thu mới “giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải” có tên dài hơn và mức đóng cao hơn, nhưng câu hỏi “môi trường có sạch hơn không” có lẽ không ai dám trả lời…
Hóa đơn tiền nước của người dùng tại TP.HCM, và tiếp theo là các tỉnh thành khác, sẽ tăng từ năm 2022.
Trong hóa đơn nước sạch hiện nay, mỗi hộ dân, doanh nghiệp đang đóng 10% phí bảo vệ môi trường (và 5% thuế giá trị gia tăng). Từ tháng 1.2022, “phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” được mang tên mới “giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải”[1]. Người dân từ chịu “phí” sẽ chuyển sang trả “giá”.
Trạm thu phí thành ‘trạm thu giá’, học phí thành ‘học giá’, viện phí thành ‘viện giá’… Những thuật ngữ tối nghĩa và từng gây xôn xao xã hội ấy tưởng đã đi vào bảo tàng, nay đã “lây lan” sang lĩnh vực môi trường.
Đổi tên đi kèm tăng thu. Tỷ lệ 15% sẽ áp vào tổng hóa đơn nước sạch của người dùng tại TP.HCM từ năm 2022. Tỷ lệ này mỗi năm sẽ cộng thêm 5 điểm phần trăm. Đến năm 2025, giá thoát nước và xử lý nước thải sẽ bằng 30% tổng giá nước sạch.
Nghĩa là trong 4 năm tới, nếu nhà bạn dùng 1 triệu đồng nước sạch mỗi tháng, bạn sẽ trả thêm 300 ngàn đồng “giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải”. Cộng 50 ngàn đồng thuế giá trị gia tăng, tổng hóa đơn thanh toán lên đến 1 triệu 350 ngàn đồng. So với tên gọi cũ, bạn phải chi ra thêm 200 ngàn đồng mỗi tháng.
12 năm trước, khi nhà tôi ở quận Tân Bình, TP.HCM, ngày “có nước phông-tên” được trẻ con trong hẻm hô to như một ngày trọng đại.
“Phông-tên” có gốc từ tiếng Pháp “fontaine”, nôm na là nguồn nước sạch cung cấp qua hệ thống tập trung. Cả xóm hàng chục căn nhà lâu nay vẫn phải xài nước giếng bỗng rộn ràng.
Nhưng đối diện nhà tôi, anh Minh vẫn hờ hững, “ổng kêu gắn đồng hồ nước thì tui làm cho vui thôi, tui đâu có xài”. Tôi hỏi tại sao, anh giải thích, bơm giếng khoan cho rẻ, chạy xe ôm lấy đâu ra tiền mua nước vòi. “Nhưng xài giếng khoan đâu có tốt?”, tôi tranh luận, “Ê, tui ‘châm cứu’ kỹ rồi nghe cha nội. Tốt hay xấu chưa nói, nhưng xài nước phông-tên tui phải trả gấp 10 lần nước giếng”.
Anh nói tiếp: “Thêm cái phí nước thải 10% nữa. Gọi là phí bảo vệ môi trường mà có bảo vệ gì đâu?”
Có lẽ bạn đồng ý với tôi một mệnh đề cơ bản: xả nước thải chưa xử lý ra môi trường không phải là “bảo vệ môi trường”. Đó đơn thuần chỉ là chuyển nước bẩn từ chỗ này sang chỗ khác.
Hóa đơn tiền nước của gia đình tôi từ ngày ấy đã phải trả kèm theo phí bảo vệ môi trường. Đây là khoản thu môi trường được áp dụng trên toàn quốc sớm nhất tại Việt Nam, theo Nghị định 67/2003. Qua nhiều lần sửa đổi, phí này hiện được điều chỉnh bởi Nghị định 53/2020 cũng như Luật Phí và lệ phí 2015. Theo đó, nó được giải thích “là khoản chi trả nhằm bù đắp chi phí cho dịch vụ công được cung cấp bởi đơn vị sự nghiệp công lập”.
Tôi tham gia giám sát môi trường dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè[2] từ những ngày đầu. Về mặt môi trường, những “lô cốt” dọc kênh Nhiêu Lộc mới chỉ làm một việc là gom nước thải sinh hoạt của các hộ dân rồi dùng trạm bơm ở đường Nguyễn Hữu Cảnh sục xuống sông Sài Gòn.
Việc quan trọng hơn của dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè là vận hành nhà máy xử lý nước thải[3] – tức làm nước bẩn thành nước sạch hơn. Gần 10 năm sau khánh thành dự án giai đoạn I, con sông Sài Gòn vẫn ngày đêm gồng mình “uống” nước thải sinh hoạt của hàng triệu dân. Oái ăm thay, kết nối với sông Sài Gòn là sông Đồng Nai, nơi là họng lấy nước cho nhà máy nước Thủ Đức[4] đang cấp nước cho dân TP.HCM mà người Mỹ đã xây hơn 50 năm trước.
Thực tế, dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn II với mục đích xử lý nước thải sinh hoạt toàn lưu vực đã bị chậm trễ 5 năm, và có thể còn tiếp tục kéo dài đến cuối thập kỷ này, theo đề xuất của Ủy ban Thành phố đầu năm ngoái[5].
Toàn TP.HCM hiện chỉ có ba nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt vận hành, chỉ xử lý được 13% lượng nước thải, theo nguồn của Bộ Xây dựng[6]. Vẫn còn đến 87% lượng nước thải sinh hoạt, lên đến hàng triệu mét khối mỗi ngày chưa được xử lý, đang ngày đêm đổ ra sông và kênh rạch.
Trên cả nước, có đến 802 đô thị nhưng chỉ có 43 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cũng với tỷ lệ xử lý chỉ khoảng 13%, theo Bộ Xây dựng tính đến hết năm 2019[7].
Vấn đề là, chỉ khoảng 13% lượng nước thải được xử lý, nhưng phí bảo vệ môi trường đã bị thu đều trên toàn bộ người dân suốt 17 năm qua. Nói đơn giản, nhà nước đã thu phí trên 100 người dân, dù thực tế chỉ mới cung cấp dịch vụ cho 13 người.
Khi mà hầu hết nước thải chưa được xử lý, việc thu phí bảo vệ môi trường rộng rãi toàn dân cũng đã danh không chính, ngôn không thuận vì sự vênh nhau giữa ngữ nghĩa và thực tiễn cuộc sống. Nếu gọi đó là phí thoát nước, có khi tôi còn dễ bề ăn nói với anh Minh.
Ngạc nhiên ở chỗ, dù đã áp dụng lâu như vậy, tôi vẫn không tìm thấy một định nghĩa chính thức nào về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải cả trong Luật bảo vệ môi trường hay Luật phí và lệ phí. Kỳ lạ hơn nữa, từ Nghị định 67/2003 đến Nghị định 53/2020 đều cho phép dùng đến 35% tiền phí môi trường thu được từ dân chúng để chi trả cho hoạt động thu phí. Trong đó, tổ chức cung cấp nước sạch được hưởng 10% và ủy ban nhân dân phường, thị trấn được hưởng 25%. Nghĩa là, cứ thu 100 đồng thì đã tốn hết 35 đồng trả công thu phí. Chỉ còn 65 đồng được nộp vào ngân sách để chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác nhau, mà không phải dành riêng cho đầu tư xử lý nước thải.
Vì được tính trên giá nước, nên khi giá nước tăng thì người hưởng lợi đầu tiên của việc thu phí môi trường là công ty cấp nước, kế đến là chính quyền địa phương chứ không phải “môi trường”. Đòn bẩy này vô tình tạo động lực để các công ty cấp nước tăng giá bán.
Dù đã gần 20 năm thu phí bảo vệ môi trường, bài toán xử lý nước thải sinh hoạt cả nước vẫn còn dang dở. Nay, khoản thu mới “giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải” có tên dài hơn và mức đóng cao hơn, nhưng câu hỏi “môi trường có sạch hơn không” có lẽ không ai dám trả lời.
Bất cập ở chỗ, “giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải” ngoài việc được “tính đúng, tính đủ” còn cộng thêm một khoản “lợi nhuận hợp lý” vì tuân theo Luật giá 2012 và Nghị định 80/2014. Về nguyên tắc, tổ chức đang quản lý vận hành hệ thống thoát nước được quyền ấn định mức giá này vì không thuộc danh mục nhà nước định giá hay bình ổn giá.
Từ trước đến nay, tuyệt đại đa số hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị được xây dựng từ ngân sách nhà nước, được huy động chủ yếu từ tiền thuế của dân. Do vậy, hệ thống này thuộc quyền sở hữu toàn dân và vẫn thuộc dịch vụ công, do nhà nước quản lý.
Liệu có phù hợp về mặt pháp lý và đạo lý để thu “lợi nhuận hợp lý” trên dịch vụ công trình được xây nên từ tiền thuế của dân?
Dù bất cập như trên, hiện đã có trên 20 tỉnh thành ban hành và thực hiện “thu giá” như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Khánh Hòa, An Giang… Hà Nội dự kiến cũng sẽ áp dụng sớm[8].
Quyền được cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh đã được Liên hợp quốc thừa nhận là một trong những quyền con người từ năm 2010, kèm theo bốn yêu cầu về cấp nước: an toàn, sạch, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Trong đó, chi trả tiền nước không nên vượt quá 3% thu nhập của mỗi hộ gia đình.
Tại Việt Nam, một hộ thu nhập trên 20 triệu đồng mỗi tháng có thể không quan tâm đến hóa đơn tiền nước dù nó có thể là một triệu đồng. Nhưng với hàng triệu hộ có thu nhập dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, một hóa đơn tiền nước 300 nghìn đồng cũng là cả vấn đề.
Thuế, phí môi trường là những như công cụ kinh tế tác động vào chi phí để mọi thành viên của xã hội thay đổi hành vi ứng xử theo hướng có lợi cho môi trường. Trong đó, mức thu bao nhiêu sẽ được Nhà nước tính toán dựa trên quy mô tác động hay thiệt hại môi trường. Với chức năng quản lý và điều tiết xã hội, Nhà nước sẽ dùng các khoản thu này nhằm khắc phục ô nhiễm, cải tạo môi trường để duy trì chất lượng môi trường và giữ cân bằng sinh thái. Đây là cách thức mà Nhà nước điều hòa xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Nay từ phí chuyển sang giá để bao gồm thêm một khoản “lợi nhuận hợp lý”, điều này đem lại lợi ích cho ai?
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói những khoản thu môi trường phải đưa vào ngân sách và phải chi lại cho bảo vệ môi trường thì “người dân mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác”[9].
“Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”[10]. Khẩu hiệu này sẽ đi vào lòng dân, nếu những nhà quản lý “sòng phẳng” với những khoản thu chi về môi trường.
Nếu không, thế hệ này đang “ăn mặn” vào môi trường nhưng những thế hệ sau sẽ “khát nước”.
Nguyễn Đăng Anh Thi (Chuyên gia năng lượng và môi trường)
[1] https://nguoidothi.net.vn/nguoi-dan-tp-hcm-xai-1-trieu-dong-tien-nuoc-se-dong-phi-thoat-nuoc-150-000-dong-28978.html
[2] https://nguoidothi.net.vn/du-an-ve-sinh-moi-truong-tp-hcm-nhieu-goi-thau-cham-tien-do-31899.html
[3] https://vnexpress.net/nghi-van-quanh-goi-thau-307-trieu-usd-cua-tp-hcm-3998070.html
[4] https://nguoidothi.net.vn/nguon-nuoc-cho-cu-dan-sai-gon-o-nhiem-cap-do-moi-xu-ly-an-toan-nhung-van-lo-15198.html
[5] https://thanhnien.vn/tp-hcm-de-xuat-keo-dai-du-an-ve-sinh-moi-truong-den-nam-2029-post929502.html
[6] https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/68775/tp-ho-chi-minh–nang-nang-luc-xu-ly-nuoc-thai-do-thi.aspx
[7] https://ussh.vnu.edu.vnhttps://uploads.nguoidothi.net.vn/ussh/news/2021_10/annual-report-so-2-final.pdf
[8] https://vnexpress.net/ha-noi-du-kien-tang-phi-dich-vu-thoat-nuoc-thai-4013821.html
[9] https://vnexpress.net/tang-thue-moi-truong-voi-xang-dau-tu-1-1-2019-3812805.html
[10] https://nguoidothi.net.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-kien-quyet-khong-danh-doi-moi-truong-de-phat-trien-kinh-te-20636.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét