Việt Nam đưa nhân quyền vào chương trình giáo dục quốc dân, các nhà hoạt động nói gì?
Việt Nam nói đề án giáo dục quyền con người nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa và hạn chế vi phạm quyền con người.
Việt Nam hôm 21/12 công bố đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động về dân chủ nhân quyền tại Việt Nam tỏ ra nghi ngờ về nội dung cũng động cơ đằng sau của chương trình, mặc dù theo họ, đây cũng là một bước tiến hay thành quả của quá trình đấu tranh của người dân và giới hoạt động nói chung.
Trong Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký, Việt Nam nêu rõ giáo dục quyền con người “có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền con người”.
Theo Chỉ thị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng với các bộ, cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người; biên soạn tài liệu, giáo trình; tập huấn đội ngũ giảng viên, giáo viên để thực hiện lồng ghép nội dung quyền con người vào các chương trình giáo dục, đào tạo, TTXVN đưa tin.
Nhân quyền kiểu Việt Nam, ai mới là đối tượng chính?
Phản ứng trước thông tin mới này, một số nhà hoạt động về dân chủ nhân quyền tại Việt Nam lập tức tỏ ra nghi ngờ về nội dung “nhân quyền” mà Việt Nam sẽ giảng dạy cho thế hệ trẻ sắp tới.
“Tôi nghĩ rằng nếu họ đưa vào dạy về nhân quyền đúng như của Liên Hiệp Quốc thì đấy là một điều đáng mừng, nhưng tôi e rằng họ hiểu khác với thếgiới chứ họ không hiểu giống như thế giới người ta hiểu. Họ hiểu theo cách của họ”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động chuyên vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam nhận xét với VOA.
Cũng đồng quan điểm như TS. Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cũng tỏ ra không mấy lạc quan về nội dung “nhân quyền” sẽ được giảng dạy trong các trường học ở Việt Nam sắp tới.
Ông nói: “Tôi chưa được xem những nội dung màngười ta đưa vào chương trình giáo dục, nhưng tôi tin chắc rằng trong những nội dung đấy người ta sẽcó những cách rất khéo léo để né tránh hoặc để đưa ra những cái gọi là ‘đặc thù’ và người ta biện giải rằng đấy là những đặc thù của Việt Nam”.
Sự trùng hợp về thời gian khi đề án giáo dục nhân quyền đưa đưa ra ngay vào thời điểm Việt Nam đang ráo riết vận động cho việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc càng làm tăng thêm mối nghi ngờ của giới hoạt động về động cơ thực sự của đề án này. Cả hai nhà hoạt động Nguyễn Quang A và Nguyễn Lân Thắng đều cho rằng đây có thể là một bước trong kế hoạch nhằm hỗ trợ cho mục đích ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
“Học viện Chính trị Quốc gia mà soạn thảo thì phải gọi là nhân quyền Cộng sản Việt Nam thì chính xác hơn. Chương trình đấy phải cho những người am hiểu về quyền con người soạn thảo, phải là một uỷ ban độc lập thì lúc đấy nó mới có ý nghĩa”, TS. Nguyễn Quang A nhận xét, và cho rằng chính động thái này càng làm tăng thêm mối nghi ngờ của ông về động cơ của đề án.
Theo TS. Nguyễn Quang A, việc giáo dục nhân quyền nếu để nhằm mục đích hạn chế những vi phạm, đàn áp nhân quyền thì đó là một điều “đáng hoan nghênh”, và đối tượng thực hiện đàn áp mới chính là những người cần được ưu tiên giáo dục nhân quyền.
Ông nói: “Mà thực sự ở đây ai làm cái chuyện (đàn áp) đấy, chỉ có chính quyền thôi. Tức là thực sự việc giáo dục về nhân quyền phải đặt chính quyền làm đối tượng chính, mà chủ yếu ở đây là công an, toà án, các lực lượng chấp pháp và kể cả các doanh nghiệp”.
Điểm tựa tham chiếu
Đánh giá về tác động tiềm tàng của đề án, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng nó không có “giá trị tác động lớn” về ngắn hạn. Ông viện dẫn những đề án tương tự của Việt Nam trước đây như đề án về môi trường, phát triển khoa học kỹ thuật, tinh giản bộ máy nhà nước…, mà theo lời ông là thường được “nói rất hay” nhưng không hiệu quả hoặc hiệu quả rất hạn chế trên thực tế.
Tuy nhiên, ông Thắng nói: “Về lâu dài, tôi nghĩ việc này cũng có một giá trị nhất định. Đó là thừa nhận những giá trị nhân quyền vốn bao lâu nay không được giáo dục, không được truyền thông”.
Bởi theo ông, trên thực tế lâu nay các chương trình giáo dục hoặc truyền thông báo chí về những nội dung “chống diễn biến hoà bình” thường có một sự dè chừng hoặc “ngầm đe doạ” người dân bớt quan tâm đến vấn đề nhân quyền hay dân chủ.
Một điểm tích cực khác, theo ông Nguyễn Lân Thắng, mặc dù có thể việc đưa nội dung “nhân quyền” vào giáo dục dù là không sát hay chưa sát với chuẩn mực quốc tế, thì đây cũng là một bước tiến tốt để nâng tầm nhận thức và sự quan tâm của người dân đến các vấn đề nhân quyền.
“Hiểu biết chung của người dân Việt Nam mà được nâng lên một bước như thế thì người ta sẽ đối chiếu, dần dần sẽ so sánh và người ta mới thấy được sựkhác nhau giữa lời nói và việc làm khác nhau giữa cái ở trên sách vở và trong thực tế. Lúc đó, thái độ của số đông người dân sẽ khác khi nhà nước hay các cơquan công quyền vi phạm nhân quyền”, ông Thắng nói.
“Đó là một điểm tựa rất lớn bởi vì những điều màcác nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền nói có đúng đến đâu nhưng không được sự hưởng ứng, quan tâm của dư luận thì cũng rất khó để đấu tranh trước những sự việc sai trái của cơ quan công quyền”, ông Nguyễn Lân Thắng nhận định thêm với VOA.
Theo ông, nhân quyền được đưa vào giáo dục còn mang đến một điểm tựa rất tốt “giúp cho giới hoạt động nhân quyền có thể có những tham chiếu để đấu tranh trong lĩnh vực này với nhà nước”.
Riêng TS. Nguyễn Quang A đề xuất thêm rằng việc giáo dục nhân quyền phải đi đôi với hành động trên thực tế.
Ông nói: “Nếu mà họ nghiêm túc về mặt nhân quyền, thì họ phải xoá bỏ ít nhất 3 điều, 117 và mấy điều khác, chuyên môn dùng những điều tù mù đấy để truy bức những người hoạt động nhân quyền. Đấy mới làquan trọng. Chứ họ bảo họ dạy theo kiểu của họ thìcũng lại để nói với nước ngoài rằng chúng tôi cũng làm thế đấy”.
Ngoài việc đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân, Chỉ thị mới của chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng trang thông tin phổ biến, giáo dục quyền con người trên cổng thông tin điện tử của Bộ và hướng dẫn sử dụng trong toàn ngành.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét