Nông sản Việt khó thoát phụ thuộc vào Trung Quốc?
Tuệ Minh
Lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc đang xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài nhưng biện pháp duy nhất hiện nay chỉ là chờ phía bạn hàng Trung Quốc.
Lưu lượng xe chở hàng hoá dồn về phía các cửa khẩu phía Bắc ngày càng đông gây ra tình trạng ùn ứ kéo dài
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan cho biết, tính đến sáng 21/12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực của khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) là 4.461 xe.
Các khu vực bến bãi tại các cửa khẩu đã quá tải, khó bố trí, sắp xếp được thêm (gồm cả các khu vực tạm sử dụng), ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, tăng thời gian xuất khẩu cũng như tăng chi phí, khó khăn cho công tác kiểm soát phòng, chống dịch và bố trí, sắp xếp các phương tiện vận chuyển, ông Tuấn cho biết.
Hàng hoá xuất khẩu chủ yếu là nông sản do Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Điều này dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20- 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường.
Hiện tượng ùn tắc còn có nguyên nhân liên quan thông tin chính quyền thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) có thông báo sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan cho người, hàng hóa qua cửa khẩu này (gồm cả khu mậu dịch cặp chợ biên giới) từ 0h ngày 21/12/2021, thời gian thông quan cụ thể sẽ có thông báo sau.
Về phía Việt Nam, nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc vào những tháng cuối năm tăng cao.
Cách thức mua bán hàng hóa nông sản vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam
Ông Âu Anh Tuấn
Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan
Trong khi đó, thông tin về tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu vực biên giới đến các doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái không được đầy đủ, chi tiết dẫn đến hàng hóa vẫn tiếp tục được đưa lên cửa khẩu với số lượng lớn, không được điều tiết theo diễn biến tình hình thực tế.
“Cách thức mua bán hàng hóa nông sản vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế (hợp đồng thương mại quốc tế, các điều khoản quy định cụ thể về phương thức giao nhận hàng hóa, thanh toán tiền hàng cũng như các điều khoản quy định trong trường hợp rủi ro…) nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam”, ông Tuấn nhận định.
Nói cụ thể hơn về tình hình tại các cửa khẩu Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, hiện duy nhất có cửa khẩu Hữu Nghị còn thông quan. Theo số liệu của ban quản lý cửa khẩu, tính đến ngày 19/12 chỉ thông quan 95 xe, rất chậm so với trước đây.
Riêng tại cửa khẩu Tân Thanh đang ùn ứ hơn 2.000 xe, số hàng hoá này sẽ tiếp tục phải "nằm chờ" vì Tân Thanh hiện nay đang đóng biên.
Khi được hỏi bao giờ sẽ giải quyết hết hàng hoá ùn ứ, ông Thiệu cho biết, điều này phụ thuộc vào phía Trung Quốc.
"Nếu phía bạn đồng ý cho thông quan cả ở cửa khẩu Tân Thanh và Chi Ma thì một ngày có thể thông quan hơn 500 xe, hàng hoá ùn ứ sẽ được giải quyết", ông Thiệu nói.
Lâu nay dù đã ghi được dấu ấn tốt với các thị trường Âu, Mỹ nhưng với ưu thế về địa lý nên vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi hơn các nước.
Theo nhận định của giới chuyên gia, trong 10 đến 15 năm tới Trung Quốc vẫn là thị trường lớn rất tiềm năng của nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, dù đã có thâm niên 30 năm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nhưng đến nay các hàng hóa Việt Nam vẫn trong tình trạng bị động và phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối ở Trung Quốc.
Không phải đến bây giờ mà nhiều năm trước, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đều gặp những khó khăn nhất định dẫn đến việc ùn ứ, tắc nghẽn, đặc biệt là vào mùa thu hoạch chính vụ của nhiều loại nông sản. Cùng với đó là những quy định của phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi trong những thời điểm nhất định gây nhiều cản trở cho việc thông quan.
Do vậy, để gỡ khó cho những khó khăn này, nhất là khi việc kiểm soát ngày càng chặt chẽ do ảnh hưởng của dịch bệnh và những yêu cầu khắt khe hơn của phía Trung Quốc, việc ký hết các hợp đồng thương mại, chuyển sang xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch là giải pháp cần thiết và cần được tăng cường thực hiện để giảm thiểu rủi ro cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường này.
T.M.
Nguồn: TheLEADER
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét