Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Làm sao để tiếng kêu cứu của con trẻ không rơi vào thinh không?

 

Làm sao để tiếng kêu cứu của con trẻ không rơi vào thinh không?

Bước đầu tiên: đừng phục tùng quyền lực tuyệt đối.

Y Chan

Nạn bạo hành trẻ em trong gia đình phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam. 

Lại thêm một đứa trẻ hứng chịu những đòn thù từ người lớn.

Lần này, đứa bé ấy chết trước khi được ai đó cứu thoát khỏi địa ngục. [1]

N.T.V.A, 8 tuổi, tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện, với dày đặc những vết bầm vết sẹo trên người.

Những vết thương vật lý hằn sâu lên cơ thể bé nhỏ khiến bất kỳ ai có lương tri cũng thấy đau đớn. Nhưng nó không thể ám ảnh bằng những tiếng khóc, những lời kêu cứu trong tuyệt vọng suốt một thời gian dài của đứa bé.

Những người xung quanh đã nghe thấy những tiếng khóc, tiếng kêu cứu đó. Họ đã biết việc cô bé bị người thân nhiều lần đánh đập. Họ đã không làm gì.

Họ rất giống chúng ta.

***

Bất kỳ ai sống ở Việt Nam có lẽ phải ít nhất một lần từng nghe những tiếng than khóc cầu cứu của trẻ con khi bị người lớn đánh.

Và nhiều hơn một lần, chúng ta quay mặt đi trước những cảnh tượng đó.

Đó là chuyện nhà người ta – chúng ta nhún vai.

Người ta đang dạy con thôi mà – chúng ta lý giải giùm.

Chắc đứa nhóc đó phải hư lắm mới bị đánh vậy – chúng ta tiến thêm một nấc, đổ lỗi cho nạn nhân.

Những phản ứng thuần thục một cách bản năng.

Đó không phải là thứ bản năng sinh ra đã có. Nó là sản phẩm được tôi luyện từ loại xã hội chúng ta đang có.

Một xã hội đầy rẫy những nghịch lý.

Nơi đó, những vấn đề riêng tư, kể cả chuyện giường chiếu của người khác, đều không được mấy ai tôn trọng, còn chuyện cha mẹ đánh con, vợ chồng đánh lộn, cả nhà đánh nhau thì lại được thông cảm “chuyện nhà người ta, đừng xen vô”.

Nơi đó, người ta nhanh nhảu báo công an khi thấy những nhóm người lạ cầm gậy phang nhau, nhưng chần chừ tặc lưỡi bỏ qua khi người quen dùng bạo lực để “nói chuyện trong nhà”.

Nơi đó, người ta lồng lộn lên khi con cháu của mình bị người ngoài đánh, nhưng thản nhiên cho phép bản thân cầm gậy đét mông, quất thẳng chân hay vung thẳng tay tát sưng mặt chúng.

“Thương cho roi cho vọt” là thứ thường được dùng để giải thích cho hành động bạo lực nhắm đến những đứa trẻ. Người ta dễ dàng chấp nhận lý giải đó để không can thiệp vào chuyện hàng xóm.

Nhưng nạn nhân của bạo hành đâu chỉ có trẻ con. Phụ nữ cũng là đối tượng thường xuyên chịu bạo hành. Chẳng ai lấy cớ “thương cho roi cho vọt” khi đánh phụ nữ, nhưng người ngoài cũng không mấy khi can thiệp khi phụ nữ gặp bạo hành trong gia đình.

Thống kê cho thấy trong số phụ nữ (từng) có gia đình ở Việt Nam, hơn một nửa là nạn nhân của các loại bạo hành. [2] Trong khi đó, gần 70% trẻ em Việt Namtừng bị bạo hành, xâm hại. [3]

Mọi cái cớ yêu thương đều là những chống đỡ vụng về cho một thực tế: chúng ta có thói quen để mặc cho nạn nhân bạo hành phải chịu đựng sự hành hạ từ những người thân quen.

***

Nhiều người sẽ chỉ ngay đến mấu chốt của vấn đề: văn hóa Khổng giáo, Nho giáo bám rễ sâu trong xã hội.

Tuy vậy, thứ văn hóa đó, hay nói chính xác hơn là phần dạy dỗ người khác phải phục tùng quyền uy của người đàn ông trong gia đình, lại chẳng phải độc quyền sáng tạo của Khổng hay Nho nào.

Nó là thứ trật tự cổ hủ đã tồn tại hàng ngàn năm ở khắp các nền văn hóa cả Đông lẫn Tây, được gọi chung là “patriarchy” – một hệ thống xã hội được xây dựng trên quyền lực độc tôn của người đàn ông.

Đến thế kỷ 21, trong khi nhiều xã hội đã ít nhiều đẩy lùi, thậm chí là bứng rễ thứ uy quyền cổ lậu đó, vẫn còn một số nơi mà nó được xem là hiển nhiên, và tiến hóa theo hướng phục tùng mọi thứ quyền lực độc tôn.

Đừng xen vào chuyện trong nhà người khác là một tàn dư của nó.

Và đó không phải chỉ là chuyện riêng của mỗi nhà.

“Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.”

Nếu không nói, sẽ không ai nghĩ người phát ngôn ra điều trên đang nói về chuyện chính trị, về quyền lực của nhà nước.

Những câu trên được cho là lời của bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, trong một cuộc gặp ở Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Washington, Mỹ. [4]

Bà Ninh tất nhiên không nói về chuyện gia đình. Bà ví von vấn đề nhân quyền ở trong nước và yêu cầu các quốc gia khác không được can thiệp vào chuyện nội bộ của người Việt Nam.

Tư duy của bà, một người phụ nữ được giáo dục đầy đủ và có điều kiện tiếp thu các tri thức văn minh, là thứ tư duy phổ biến của những người nắm giữ quyền lực trong các chính thể độc tài.

Có ngạc nhiên không khi vấn đề bạo hành trong gia đình ở Việt Nam lại khó chữa tới vậy? Có khó hiểu không khi chứng kiến những người yếu thế bị người thân dùng vũ lực đàn áp, ta mặc nhiên xem đó là chuyện riêng của họ? Có lạ lắm không khi nghe tiếng những đứa trẻ kêu khóc vì bị người lớn đánh, ta dễ dàng đổ lỗi cho chúng trước khi nghĩ tới chuyện can thiệp?

***

“Cha đã không xin phép con khi đưa con đến với thế giới này, vì thế con chẳng nợ gì cha mà cha nợ con tất cả mọi thứ.”

Đó là lời của người cha mà Yanni, nhạc sĩ nổi tiếng thế giới người Hy Lạp, thuật lại trong quyển tự truyện của ông. [5]

Thời điểm đó, Hy Lạp vẫn còn nằm dưới sự cai trị của chế độ độc tài quân sự, nhưng cha của Yanni thì không lựa chọn cư xử như những kẻ độc tài.

Nhờ vậy, thế giới có được một nhạc sĩ thiên tài, người suốt nhiều thập niên qua không ngừng lan truyền cảm hứng về cái đẹp của sự sống đến hàng triệu người.

Tôi vẫn thường nhớ về Yanni và cha của ông như một cách tự nhắc nhở, rằng bất kỳ lúc nào, lựa chọn làm người ra sao luôn là của mình, bất kể xã hội chúng ta đang sống là kiểu gì.

Dĩ nhiên, sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chung quanh ta nhiều người cũng lựa chọn như vậy.

Nhưng đó là chuyện của họ. Chuyện của tôi là phải làm cho tốt lựa chọn của mình.

Để những đứa trẻ, những người yếu thế không còn phải chịu đựng sự hành hạ dưới tay kẻ khác, dù với bất kỳ lý do cao đẹp gì.

Để lần tới, khi nghe thấy những tiếng kêu cứu, việc ít nhất tôi có thể làm là không câm lặng.

Y.C.

Nguồn: Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét