Thấy gì từ Hội nghị Khí hậu COP26 (Tiếp theo)
Phần 2 : Tình thế NGÀN CÂN TREO SỢI TÓC và cuộc chơi ĐA PHƯƠNG
Trong ảnh : Bộ trưởng Ngoại Giao của đảo quốc Tuvalu (Thái Bình Dương), Simon Kofe, đọc bài diễn văn trực tuyến tại COP26 ngay trong lòng biển, để minh họa cho tình trạng dễ bị tổn thương của quốc đảo trên “tuyến đầu” của cuộc chiến khí hậu. Trên thực tế, nơi ông Simon Kofe đứng
từng là một công trình quân sự của Mỹ. Ảnh: Bộ Ngoại Giao Tuvalu / Reuters
4 - Niềm hy vọng mong manh
Rốt cục thượng đỉnh COP26 là một thất bại ê chề, hay một “BƯỚC TIẾN DÀI” như lời thủ tướng Anh?
Liên Hiệp Quốc cố đưa ra một cái nhìn trung dung.
Sau khi COP26 kết thúc, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhận định: COP26 là “một bước tiến quan trọng, nhưng không đủ”. Nhiều mục tiêu căn bản đã không đạt được, tuy nhiên Hội nghị cũng tạo lập một số nền tảng để tiếp tục tiến lên. Người đứng đầu LHQ có thông điệp riêng nhắn gửi tới giới trẻ, các cộng đồng thổ dân, nữ giới, cũng như giới bảo vệ môi trường:
“Tôi biết các vị thất vọng. Nhưng con đường của sự tiến bộ không phải bao giờ cũng là đường thẳng. Đôi khi cần phải đi vòng. Đôi khi có những hố sâu. Nhưng tôi biết chúng ta có thể đi đến đích. Đây là cuộc chiến quyết định vận mệnh chúng ta, chúng ta phải chiến thắng. Đừng bỏ cuộc. Đừng bao giờ lùi bước! Hãy tiếp tục tiến lên!”.
Tuy nhiên, tiến lên như thế nào, trong lúc tất cả cùng đang trên CHIẾC XE TỬ THẦN lao hết tốc lực?
5 - Cuộc chơi “ĐA PHƯƠNG”
Có thể ví nền kinh tế toàn cầu như một cỗ xe chạy hết tốc lực. Sau hơn hai thế kỷ công nghiệp hóa, dựa chủ yếu vào các năng lượng hóa thạch thường được coi là “giá rẻ”, cỗ xe đầy năng lượng cùng động cơ liên tục được cải tiến để trở nên hết sức hoàn hảo, đang chạy với vận tốc ngày một nhanh hơn. Rất nhiều người trên chuyến xe hoan hỉ về tốc độ, về tiện nghi của chiếc xe, và hy vọng xe tiếp tục phóng nhanh hơn. Nhưng cùng lúc đó, rất nhiều người khác đã hiểu ra những gì chờ đón nhân loại.
Khó có thể hãm phanh chiếc xe đang phóng đi với tốc độ như vậy, khó có thể ngăn cản biết bao người đang vô cùng hào hứng trong xe – nhất là khi họ không hề biết rằng họ đang trên chuyến xe của Tử Thần.
Vì sao chủ tịch COP26 lại rỏ nước mắt? Rất có thể chính ông Alok Sharma cũng cảm thấy hơi lạnh của TỬ THẦN? Rất có thể ông thừa biết nhân loại không còn nhiều xác suất thoát hiểm?
Để giữ nhiệt độ trên Trái đất tăng không quá 1,5°C, theo các nhà khoa học, cộng đồng quốc tế phải cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 so với 2010. Cụ thể là, theo tính toán của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, thì “NGÂN SÁCH CACBON”, tức lượng cacbon còn lại được phép của nhân loại, cho phép giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5°C là 420 tỉ tấn CO2. Điều đó tương đương với việc thế giới chỉ còn có 11 năm phát thải tương đương như lượng phát thải của năm 2021. Trong khi đó, tình hình hoàn toàn ngược lại, lượng khí thải gia tăng năm này qua năm khác, hứa hẹn sẽ tăng đến 15% vào năm 2030. Xác suất đạt mục tiêu 1,5°C có thể coi gần như bằng không!
Rõ ràng tình thế hiện nay chẳng khác nào Ngàn cân treo sợi tóc. Tuy nhiên, thế giới hiện nay không có cách nào khác. Con đường thoát khỏi tình thế hiểm nghèo hiện nay không gì khác hơn là khai thác các luật chơi của định chế “đa phương” đang có, được cộng đồng quốc tế từ từ xây đắp từ hơn nửa thế kỷ nay.
Theo giám đốc điều hành Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (CCNUCC – định chế tổ chức các Hội nghị thường niên về Khí hậu), bà Patricia Espinosa, bản chất của các thương lượng quốc tế là tôn trọng nguyên tắc “đa phương” và “sự đồng thuận”. Theo LHQ, nhiều quốc gia thất vọng về Tuyên bố chung, nhưng cũng phải thừa nhận Tuyên bố này là mang “tính cân bằng” căn cứ trên “khả năng mà mỗi nước có thể chấp nhận vào thời điểm cụ thể này”.
Gánh nặng trách nhiệm rất lớn đặt trên nỗ lực tự xác định của từng quốc gia, từng tác nhân kinh tế. Thay vì lối hành động mạnh ai nấy sống, hơn bao giờ hết chỉ có hành động tập thể mới mang lại giải pháp cho tình huống hiểm nghèo này. Chắc không phải ai cũng thấm thía được rằng nỗ lực hợp tác và tìm kiếm hợp tác quốc tế vì khí hậu hiện nay đã phải trải những thời điểm gian nan như thế nào mới có thể đến được mức độ như hiện nay, cho dù đầy mâu thuẫn, đầy xung khắc.
Nếu cộng đồng quốc tế không đạt được Hiệp định Khí hậu tại Paris vào năm 2015, để chậm một năm nữa, khi cử tri Mỹ bầu ông Donald Trump làm tổng thống (vào năm 2016), một thỏa thuận toàn cầu về Khí hậu là hoàn toàn bất khả. Tương lai nào sẽ đón chờ một thế giới không có hợp tác về Khí hậu, trong lúc khí thải tiếp tục tăng vọt: Có lẽ không khó hình dung.
T.T.
Nguồn: FB Trọng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét