Trực tuyến Trung – Mỹ: Ổn trước mắt, bất trắc lâu dài
Hải Đăng
23-11-2021
Có hai nhóm vấn đề rất được giới phân tích và bình luận Việt Nam quan tâm, bởi vì chúng sát sườn đến an ninh và phát triển của đất nước: Đó là Biển Đông và quan hệ bộ ba Trung – Mỹ – Đài.
Trước cuộc đối thoại qua video giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ tối 16/11/2021, các quan chức Tòa Bạch Ốc đã nỗ lực hạ thấp kỳ vọng đối với cuộc gặp vốn đã được chuẩn bị từ khá lâu. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều gọi đây là cuộc gặp “ảo”, thay vì là hội nghị thượng đỉnh, để hạ bớt sự đón đợi của công luận.
“Cuộc họp này là để bàn về những nỗ lực đang diễn ra của chúng tôi để quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm, chứ không phải để đồng ý với kết quả nhanh chóng nào hay có cái gì đó đưa ra cụ thể”, một quan chức cấp cao của chính quyền cho biết trong cuộc họp báo tối ngày 15/11.
Theo đánh giá của Asia Times ngày 19/11, mặc dù còn quá sớm để nói về việc “cài đặt lại” các mối quan hệ, nhưng kết luận hợp lý là Biden và Tập Cận Bình ít nhất đã đưa bang giao trở lại trạng thái “bình thường mới” sau thời kỳ hỗn loạn của Trump.
Nhận xét hai bên về cuộc thượng đỉnh: Nhìn chung, chương trình nghị sự không có nhiều vấn đề, nhưng cả hai đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì đối thoại.
Mỹ tập trận đúng ngày “tái ngộ”
Trên tổng thể, cả hai nước đều muốn tránh xung đột, nhưng dường như không bên nào sẵn sàng xuống nước trên những vấn đề họ coi là giá trị và lợi ích cốt lõi. Mà nhiều giá trị và lợi ích cốt lõi này đơn giản là không hài hòa được với nhau.
“Không có bằng chứng nào cho thấy một trong hai nhà lãnh đạo đã xem xét lại một cách căn bản các lợi ích, mục tiêu và chiến lược của mình,” ông Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ thuộc Trung tâm Wilson, cho biết. “Vì vậy, họ tìm kiếm công thức đáp ứng mục tiêu tối thiểu của nhau, vốn cho phép cố gắng quản lý cuộc cạnh tranh này, thay vì để nó leo thang thành xung đột”.
Washington và Bắc Kinh đã đạt được một bước tiến tích cực nhỏ trước cuộc họp. Tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland hồi đầu tháng này, hai nước phát thải CO2 lớn nhất thế giới bất ngờ tuyên bố họ sẽ làm việc cùng nhau để cắt giảm khí thải và gặp gỡ thường xuyên để bàn cách ứng phó khủng hoảng khí hậu (VOA 16/11/2021).
Đối với giới phân tích và bình luận Việt Nam, có hai nhóm vấn đề rất được quan tâm, vì chúng sát sườn đến an ninh và phát triển của đất nước: vấn đề Biển Đông và quan hệ bộ ba Trung – Mỹ – Đài. Về vấn đề Biển Đông, trong quá trình chuẩn bị cho cuộc nói chuyện trực tuyến, Phía Trung Quốc đã bắn tin cho chính quyền Biden rằng, Biển Đông là một trong những vấn đề Mỹ không có quyền can thiệp.
Bằng kênh này hay kênh khác, Trung Quốc hàm ý Biển Đông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Lúc làm việc với Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại Thiên Tân ngày 26/7/2021, Bắc Kinh nói mập mờ, Biển Đông được xếp vào danh sách “những quan ngại hàng đầu” của Trung Quốc. Bởi lâu nay, Biển Đông đều được “ưu tiên” cùng với các vấn đề Tân Cương, Đài Loan và Hong Kong như là những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Trong trao đổi với Cố vấn An ninh Quốc gia Jack Sullivan tại Zurich ngày 6/10/2021, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Ngoại vụ Trung ương ĐCSTQ Dương Khiết Trì cũng tái khẳng quan điểm nhất quán của Bắc Kinh, coi bốn vấn đề nói trên đều thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc và Mỹ không được can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Trở lại với cuộc gặp gỡ 16/11 vừa qua, ít nhất, trên phương diện công khai, không thấy truyền thông Trung Quốc nhắc lại luận điểm càn rỡ này. Vấn đề Biển Đông được phía Mỹ nhắc tới, dù không trực tiếp, nhưng thể hiện thông qua cụm từ “tự do hàng hải và an toàn hàng không”.
Thông báo của Nhà Trắng đã cho biết: “Tổng thống Biden nhắc lại tầm quan trọng của tự do hàng hải và an toàn hàng không đối với sự thịnh vượng của khu vực”. Truyền thông quốc tế không tiết lộ tuyên bố từ phía ông Tập.
Tuy nhiên, đúng vào ngày 16/11, tại Biển Đông, theo nhật báo Yomiuri (Nhật Bản), Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật (JMSDF) đã cùng với Hải quân Mỹ, tiến hành các cuộc tập trận chống lại tàu ngầm. Sự kiện này diễn ra đúng vào ngày Tập Cận Bình và Biden nói chuyện với nhau. Cùng với hàng loạt các cuộc tập trận rầm rộ trong tháng 11/2021 này, được cho là nhằm củng cố năng lực tác chiến và phản ứng trước những động thái bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Truyền thông quốc tế nhận định, trong bối cảnh hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ có quá nhiều khác biệt trong hàng loạt vấn đề chủ chốt, từ Đài Loan cho đến Biển Đông, cuộc gặp vừa qua tuy chưa có gì đột phá để thu hẹp bất đồng nhưng cạnh tranh khốc liệt được bổ sung thêm bằng ngoại giao nguyên thủ. (TTKTG ngày 19/11/2021, số 263-TTX)
Bắc Kinh doạ Mỹ đừng “đùa với lửa”
Nhưng xem ra, lãnh đạo của hai cường quốc kinh tế hàng đầu vẫn đối chọi nhau gay gắt trên vấn đề Đài Loan. Nguyên thủ Trung Quốc kêu gọi đồng nhiệm Hoa Kỳ không nên “đùa với lửa” trong hồ sơ Đài Loan, trong khi Tổng thống Mỹ tuyên bố chống lại việc thay đổi một cách đơn phương nguyên trạng của hòn đảo mà Bắc Kinh xem là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh, cuộc họp thượng đỉnh đã đi thẳng vào các vấn đề, nêu bật những quan hệ rất phức tạp giữa hai quốc gia và nói rất rõ là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích và các giá trị của mình cùng với các đồng minh, để bảo đảm là hệ thống thế giới được tự do, rộng mở và công bằng.
Về Đài Loan, vấn đề chủ yếu gây căng thẳng giữa hai cường quốc, Tổng thống Joe Biden một lần nữa tuyên bố chống lại mọi thay đổi nguyên trạng một cách đơn phương, trong khi Bắc Kinh thì liên tục biểu dương sức mạnh đối với hòn đảo này (Đài RFI ngày 16/11/2021).
Thông cáo của Nhà Trắng tỏ ý muốn có những biện pháp ngăn ngừa để tránh cho cuộc tranh đua giữa hai nước biến thành xung đột. Tuy không giúp làm giảm căng thẳng, thượng đỉnh Tập Cận Bình – Joe Biden ít ra đã là dịp để hai bên giải thích về các mối căng thẳng này.
Theo bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố: “Nhà cầm quyền Đài Loan đã nhiều lần muốn dựa vào Hoa Kỳ để đòi độc lập và một số người ở Mỹ đã muốn dùng Đài Loan để kềm chế Trung Quốc”. Theo lãnh đạo họ Tập, “đây là một xu hướng rất nguy hiểm, chẳng khác gì đùa với lửa”.
Hoa Kỳ công nhận và có quan hệ chính thức với Trung Quốc. Nhưng Mỹ cũng cam kết sẽ giúp Đài Loan tự vệ trong trường hợp bị tấn công. Thời báo Hoàn Cầu nhắc lại nguyên văn lời ông Tập đổ lỗi cho những căng thẳng gần đây là do “các nỗ lực lặp đi lặp lại của chính quyền Đài Loan nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ cho vấn đề độc lập của họ, cũng như do ý định của một số người Mỹ muốn sử dụng Đài Loan để kềm chế Trung Quốc”.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, Tập Cận Bình nói rằng ông hy vọng Biden có thể chứng tỏ “khả năng lãnh đạo chính trị” để đưa chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc quay trở lại quỹ đạo “hợp lý và thực tiễn”.
Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh và từng là quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định rằng mặc dù cuộc đối thoại trực tuyến này đã góp phần giúp ổn định lại quan hệ song phương Mỹ – Trung thời gian trước mắt, song những thách thức căn bản dài hạn trong mối quan hệ Mỹ – Trung vẫn chưa được giải quyết theo bất kỳ phương thức đáng kể nào.
Theo ông Paul Haenle, việc tham gia đối thoại trực tuyến với Biden và nỗ lực đưa quan hệ song phương đi theo quỹ đạo bình thường cũng giúp cho các mục tiêu đối nội của Tập Cận Bình khi nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bước vào một năm rất có ý nghĩa chính trị (Đại hội ĐCSTQ lần thứ XX vào 2022).
Trong khi đó, Chủ tịch Viện Brookings John R. Allen đã có một báo cáo chung cùng TS. Ryan Hass đã đúc kết ba nguyên tắc để vượt lên thách thức trong quan hệ: điều hướng cạnh tranh, tránh khủng hoảng và thúc đẩy lợi ích của Mỹ trong bang giao với Trung Quốc.
Khi trả lời trên CNN, TS. Hass cũng đánh giá cuộc thượng đỉnh vừa qua: “Cả hai nhà lãnh đạo đều không muốn bị coi là nhún nhường trước đối phương, nhưng đồng thời, cả hai đều không thấy có lợi ích gì trong việc để cho mối quan hệ leo thang vượt quá mức độ căng thẳng hiện tại”.
Trả lời đài VOA, Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát chính trị ở Canada dự đoán quan hệ Mỹ – Trung sẽ không có biến chuyển gì lớn, ít nhất là trong thời gian ngắn sau cuộc gặp. Theo ông, nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự cuộc họp này với tâm thế không có ý định giải quyết các vấn đề với Mỹ và Bắc Kinh chỉ muốn giữ cho hai bên không đi đến xung đột (VOA ngày 18/11/2021).
***
Cuộc thảo luận kéo dài hơn ba giờ đồng hồ kết thúc với bầu không khí lạc quan hơn nhiều nhà quan sát dự đoán, với việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Biden rằng nhiệm vụ quan trọng nhất đối với hai nước trong 50 năm tới là “tìm ra lộ trình phù hợp để chung sống hòa thuận”.
Còn thông cáo của Nhà Trắng đã nhắc lại điều ông Biden nhấn mạnh với ông Tập rằng, “nước Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích và giá trị của mình, cùng với các đồng minh và đối tác, đảm bảo các quy tắc để thúc đẩy một hệ thống quốc tế tự do, cởi mở và công bằng trong thế kỷ 21”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 17/11 cảnh báo, căng thẳng đối với vấn đề Đài Loan vẫn là mối quan ngại lớn. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mới do Tập đoàn Bloomberg tổ chức, ông Lý nói: “Chúng ta nên quan ngại về tình hình này. Tôi không cho rằng sẽ xảy ra chiến tranh nay mai, nhưng chúng ta đang ở trong tình cảnh mà bạn có thể sơ suất hoặc tính toán sai lầm, do ở trong một trạng thái nhạy cảm. Tất cả những động thái này làm dấy lên những nghi ngờ, căng thẳng và lo lắng, đồng thời có nhiều khả năng xảy ra sơ suất hoặc tính toán sai lầm”.
Reuters nhận định rằng trong bối cảnh hai nước có quá nhiều khác biệt trong hàng loạt vấn đề từ Đài Loan, thương mại cho đến Triều Tiên, Afghanistan, Iran và Biển Đông, cuộc gặp này dường như không làm được gì để thu hẹp khác biệt. Ổn định trước mắt đấy, nhưng về lâu dài vẫn bất trắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét