Phỏng vấn Đệ nhất Phu nhân Việt Nam Cộng Hoà: Bà Nguyễn Văn Thiệu
Bà nói trong cuộc phỏng vấn, “Vâng, tôi cũng nghĩ nhiều chuyện có thể xảy ra và thỉnh thoảng tôi đọc báo thấy nói bọn khủng bố định đặt bom, nhưng tôi không thể lúc nào cũng phải sống trong sợ hãi. Tôi tin nếu mình sống tốt thì Chúa luôn che chở mình."
Bà Thiệu là người Công giáo ngoan đạo và chồng bà lúc lấy bà cũng đổi đạo từ Phật giáo sang Công giáo. Bà nói bà ít khi dùng đến tầng hầm an ninh ở dinh Độc lập. “Chúng tôi trữ thực phẩm ở dưới tầng hầm an ninh cho những người lính bảo vệ chúng tôi," bà nói, “Nhưng tôi không thích nó vì nó kín mít quá.”
Những bao cát chất đống bên ngoài cửa sổ phòng khách của dinh nhìn ra sân chính trong dinh thự bằng bê tông rộng lớn, hiện đại ở trung tâm Sài Gòn…
Bà Thiệu, tên Mai Anh, là phụ nữ 40 tuổi đẹp, khiêm nhường, thuộc tầng lớp thượng lưu tại Mỹ Tho ở đồng bằng sông Cửu Long ở phía nam Sài Gòn. Nói tiếng Anh qua người thông dịch, và hay cười, bà thú thật rằng bà không thích cho lắm chính trị hay cuộc sống tù túng ở trong dinh vốn được canh gác nghiêm ngặt này.
Bà nói “Tôi khác với bà Nhu, tôi không khuyên nhà tôi về việc chính trị hay chỉ cho ông cách điều hành chính quyền. Mối quan tâm của nhà tôi là chính trị còn mối quan tâm của tôi là phúc lợi xã hội. Tôi có thể giúp nhà tôi nhiều nhất như vậy thôi.”
Bà nhắc đến bà Ngô Đình Nhu, người em dâu quyền thế nhưng gây ra nhiều tranh cãi dưới chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, người đã bị lật đổ và bị sát hại vào năm 1963.
Phúc lợi xã hội
Đệ nhất Phu nhân tự hào là chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Phụng sự Xã hội và tự hào bà đã giúp quyên góp tiền bạc để xây Bệnh viện Trưng Vương, mà chuyên giúp đỡ trẻ em tàn tật. Bà cũng dành rất nhiều thời gian đi thăm các thương binh hay giúp đỡ các quả phụ của những người lính tử trận.
Bà nói "Tôi đã làm các công tác xã hội từ lâu trước khi nhà tôi trở thành tổng thống. Chắc bà biết, tôi đã là vợ của quân nhân Việt Nam cho nên tôi luôn luôn thấy cần thiết giúp đỡ mọi người."
Bà thường xuyên diễn thuyết để vận động gây quỹ, “nhưng tôi vẫn không bao giờ hết sợ hãi khi tôi nói trước công chúng.” Bà nói mỗi tháng bà nhận hàng trăm lá thư từ những người xin tiền bạc hay xin chính quyền giúp đỡ.
Với sự trợ giúp của thư ký, bà đích thân phúc đáp phần lớn thư từ và thường xuyên gởi tiền riêng của bà giúp đỡ họ.
* * *
Gia đình ông Thiệu có hai con, Anh, 16 tuổi, đang theo học trường dòng tại Thụy sĩ và Lộc, 8 tuổi, đang theo học tại Đài Loan và sống với người anh của tổng thống.
“Chúng tốt hơn nên học ở ngoại quốc," bà giải thích. “Nếu chúng sống với cha mẹ ở dinh thì chúng sẽ hư vì nuông chiều."
Theo tất cả những lời kể lại thì điều thú vị ở cuộc hôn nhân của ông bà Thiệu là điều hiếm xảy ra ở Châu Á: cuộc hôn nhân của họ không vì môn đăng hộ đối, mà vì tình yêu.
Tấm hình về một cô gái xinh đẹp mà một đồng nghiệp của ông mang theo trong người đã khiến ông Thiệu lúc ấy là một sĩ quan trẻ đem lòng say mê. Ông tìm cách gặp bà, yêu bà rồi lập gia đình với bà vào năm 1951.
Bà Thiệu là người thích nấu ăn. Bà có một căn bếp nhỏ xây kế bên khu nhà ở của gia đình là nơi bà có thể tha hồ nấu ăn mà không phải dùng đến các phòng bếp thường dùng ở trong dinh.
Bà cảm thông với nỗi khổ của những người nội trợ Việt Nam mỗi khi họ đi chợ trước cảnh vật giá tăng lên do lạm phát, nhưng bà chỉ nói“chồng tôi cố gắng hết sức để làm được gì đấy về giá cả, nhưng xem ra cũng khó."
Khi được hỏi liệu sẽ bãi bỏ lệnh cấm khiêu vũ ở Sài Gòn vì tình hình chiến sự có vẻ đang dịu đi. Bà đáp "Khi hoà bình được vãn hồi, thì chúng tôi sẽ khiêu vũ trở lại."
* * *
Bà Thiệu đang mong đợi chuyến thăm viếng Nhật cùng với Tổng thống vào giữa tháng Tám khi Ngày Việt Nam được tổ chức ở hội chợ thế giới EXPO’70. Bà nói bà dự định đặt may vài chiếc áo dài cho chuyến đi này… Bà thích áo dài với cổ đứng cao và tay áo dài hơn là thích âu phục.
Vì bà đích thân giải quyết phần lớn thư từ của bà đồng thời tham gia vào nhiều công tác xã hội cho nên ngày nào bà cũng bận.
Bà nói “tôi cuối cùng thường dùng cơm trưa vào giữa chiều, còn Tổng thống và tôi dùng cơm tối vào lúc nửa đêm.” Bà thường đi với ông Thiệu thăm viếng binh sĩ hay khi ông đi diễn thuyết chính trị.
Dinh Độc lập ít khi tiếp đãi khách, mặc dù bà cũng đón tiếp những nhóm nhỏ khách thăm viếng quốc gia, vào những dịp như thế bà thường được phu nhân của các bộ trưởng giúp đỡ.
Bà thích nấu những món ăn thuần túy Việt Nam hay những món ăn Đông phương khác.
Giống như bao người vợ khác, bà cảm thấy bị tổn thương trước bao chỉ trích công khai về chồng bà.
“Phản ứng ban đầu của tôi là muốn đáp trả,"bà nói, "nhưng nhà tôi bảo tôi rằng chỉ trích cũng là một phần của chính trị, cho nên tôi phải làm quen với nó thôi."
10 tháng Tư, 1970
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét