Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Vài điều về chấn hưng văn hóa

 

Vài điều về chấn hưng văn hóa

Nguyễn Đình Cống

28-11-2021

Qua theo dõi hội nghị Diên Hồng về văn hóa ngày 24 tháng 11, tôi vừa phấn khởi vừa lo ngại. Phấn khởi vì thấy rằng một số cán bộ có trách nhiệm ở cấp cao đã thấy được tầm quan trọng của văn hóa, lãnh đạo Đảng đã công khai nói về yêu cầu chấn hưng văn hóa, từ đó  có hy vọng đất nước sẽ phát triển đúng hướng. Lo ngại vì thấy rằng nhận thức của một số cán bộ và nhân dân về văn hóa có phần lệch lạc, họ có thể làm chệch hướng của sự phát triển hoặc phạm vào lỗi ‘đánh trống bỏ dùi’.

1. Chớ trộn lẫn hai lĩnh vực văn hóa

Hội nghị toàn quốc về văn hóa đã thảo luận nhiều vấn đề. Mục tiêu của Hội nghị là bàn việc thực hiện Nghị quyết đại hội 13, phần  về văn hóa. Khái niệm văn hóa rất rộng lớn, định nghĩa văn hóa rất đa dạng. Vậy văn hóa viết trong nghị quyết có cần được làm rõ phạm vi hay không? Nếu chỉ nói về văn hóa chung chung thì khi thực hiện có thể phát sinh các nhận thức và hành động khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Trong lời phát biểu ở hội nghị, ông Nguyễn Phú Trọng có nói rằng, văn hóa ở đây theo nghĩa hẹp, nhưng hẹp đến đâu?

Văn hóa rất đa dạng, để nhận thức về nó cần phân biệt hai lĩnh vực: Hoạt động và Bản chất.

Hoạt động văn hóa là phần bề nổi, rất phong phú, như văn học nghệ thuật, biểu diễn, phim ảnh, lễ hội, di sản, bảo tồn, bảo tàng, du lịch, thờ cúng v.v… Người ta còn tạo tác ra văn hóa trong các lĩnh vực khác nhau (kinh doanh, sản xuất, vận tải, trường học, công ty v.v..). Chúng được Bộ Văn hóa, các cơ quan, tổ chức về văn hóa lãnh đạo, quản lý, có các tập thể và cá nhân hoạt động. Để phát triển các hoạt động này cần đào tạo người, cần có cơ sở vật chất và tài chính, cần có đường lối và luật lệ.

Bản chất của văn hóa là phần chìm, là đạo lý làm người, là cơ sở của đạo đức. Nó thể hiện ở quan hệ của con người với nhau, với thiên nhiên và với tự bản thân. Giữa các con người cơ bản nhất là đức tính trung thực, tình thương yêu, sự tôn trọng, niềm tin cậy, bao dung và hợp tác. Với thiên nhiên là bảo vệ môi trường cùng sự đa dạng của nó.  Với bản thân là tự tin, ý chí và bản lĩnh của cá nhân. Đó là tinh hoa của mỗi dân tộc được truyền giữ, là chuẩn mực để làm người lương thiện và tử tế. Để nâng cao bản chất văn hóa rất cần những trí tuệ, những nhân cách lớn.

Hoạt động văn hóa là những việc làm mà ai cũng thấy vì thế mà nhiều người nhầm, đem đồng nhất nó với văn hóa nói chung. Khi nói tới văn hóa người ta nghĩ ngay đến các hoạt động đó mà quên đi, mà không thấy lĩnh vực quan trọng hơn là bản chất của văn hóa.

Về bản chất, theo như các điều vừa mô tả thì tưởng đã rõ ràng, nhưng khi thực hành lại vướng rất nhiều thứ vì  nó bị chi phối bởi truyền thống của dân tộc, bởi tôn giáo. Đặc biệt là nền chính trị độc quyền toàn trị thường can thiệp và làm thay đổi bản chất văn hóa. Cơ bản nhất của bản chất văn hóa là tính trung thực và tình thương yêu. Trong một xã hội chịu sự thống trị của độc tài tham lam và kém trí tuệ thì cả hai thứ đó đều thiếu. Bản chất văn hóa gắn chặt với Nhân quyền. Ở một xã hội ít tôn trọng nhân quyền thì văn hóa khó giữ được bản chất.

Vì chưa phân biệt rõ giữa hoạt động và bản chất nên trong chỉ đạo ở Hội nghị ngày 24 tháng 11 đã có những trộn lẫn (trong 9 giải pháp trọng tâm do ông Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày, trong 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp do ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra, trong lời phát biểu tổng kết của ông Vũ Đức Đam). Thí dụ giải pháp thứ bảy của ông Nghĩa: “Xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân. Tạo mọi điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước”. (Trộn lẫn bản chất vào hoạt động). Hoặc như một vị tiền bối nào đó đã nói câu vô nghĩa “Văn hóa mất thì dân tộc mất”.

2. Phải chăng tại con người?

Năm 1946, Hồ Chủ tịch chủ trì cuộc họp, bầu ra một Ủy ban Văn hóa toàn quốc gồm 15 ủy viên nhưng rồi vì không thể thống nhất quan điểm về chính trị và triết học mà 9 ủy viên đã dần dần từ bỏ hoặc bị loại bỏ. Sau hội nghị văn hóa ấy dấy lên phong trào thảo luận về Con người mới VN. Tôi còn nhớ một đoạn văn của Hoài Thanh như sau: “Con người mới Việt Nam là đặc biệt. Nó không giống như người trí thức thời Phục hưng, vừa tin lý trí vừa tin Chúa Trời, hay như người quân tử đạo Khổng, không dám nói dứt khoát quỷ thần có hay không có. Nó không tin có quỷ thần, không tin vào Thượng đế, không tin có kiếp sau. Nó biết con người chỉ là loài động vật có vú, vũ trụ chỉ là vật chất và con người cùng thể với vũ trụ. Nhưng không phải vì thế mà hạ thấp phẩm giá con người, vì nó biết khả năng sáng tạo của con người là vô hạn và phẩm giá con người không phi tách rời vũ trụ, đặt mình vào thế giới viễn vông mà chính là gắn với cuộc sống hàng ngày và làm chủ cuộc sống ấy”.

Con người mới của VN đã làm cách mạng, kháng chiến, đã làm giáo dục và kinh tế theo đường lối triết học duy vật, theo  chủ thuyết chính trị Mác Lê, theo định hướng XHCN, rồi bỗng nhiên phát hiện ra  sự xuống cấp đạo đức của một số đông.

Năm 2021 họp để thảo luận về văn hóa mà chủ chốt là xây dựng Con người. Hội nghị kiểm điểm thành tích và thiếu sót của văn hóa trong 35 năm qua. Thành tích chủ yếu là về các hoạt đông. Thiếu sót chủ yếu thuộc về bản chất, thuộc đạo đức. Vì sao vậy, và nguyên nhân cơ bản từ đâu? Trong hội nghị, hình như không có ai thảo luận sâu về nguyên nhân cơ bản của những thiếu sót và sai lầm. Mà chưa tìm đúng nguyên nhân cơ bản thì khó mà có được biện pháp hữu hiệu. Phải chăng những “Con Người Mới” sặc mùi duy vật như Hoài Thanh mô tả và tuyên truyền, con người quá coi trọng quyền lợi vật chất đã tham gia vào cuộc đấu tranh đầy bạo lực và dối trá mà vi phạm vào đạo đức nhân bản.

3. Không đánh trống bỏ dùi

Ở nước ta, có một số phong trào ban đầu rất rầm rộ, nhưng nhanh chóng bị xẹp xuống. Gọi  là lửa rơm hoặc đánh trống bỏ dùi. Nghị quyết “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” thể hiện một dạng như vậy. Đó là vì có thừa người nói mà thiếu người làm, vì công việc chưa trở thành nhận thức sâu sắc và tình cảm nồng nàn của những người lãnh đạo cao nhất, mới chỉ đọng lại và phát ra từ khoang miệng chứ chưa vào đến tân tâm can.

Hội nghị rầm rộ đã qua. Bây giờ nên tiếp tục như thế nào đây để khỏi rơi vào thảm cảnh chệch hướng hoặc bỏ dùi. Tôi đề nghị chia ra hai mảng để tiến hành.

Mảng thứ nhất là đẩy mạnh các hoạt động văn hóa. Mảng này giao cho Bộ Văn hóa chủ trì. Xin tạm không bàn sâu.

Mảng thứ hai quan trọng hơn. Đó là nâng cao bản chất văn hóa, tác động vào phẩm chất con người. Tôi đề nghị chính Chủ tịch nước hoặc ít ra cũng là Chủ tịch Quốc hội phải đặc trách việc này và người tham gia phải là những trí tuệ và nhân cách lớn, được sự tín nhiệm của nhân dân và đặc biệt là của giới tinh hoa.

Cần thành lập một Ủy ban văn hóa toàn quốc như hồi năm 1946 để lo việc này. Ủy ban văn hóa của Quốc hội và Hội đồng lý luận trung ương không làm được vì chủ yếu gồm những người “hữu danh vô thực”. Kể cả Bộ Chính trị của Đảng cũng không nên ôm đồm.

Cần lập được một Ủy ban gồm một số người có trí tuệ cao, có đạo nghĩa lớn, Tôi cũng đã nghĩ cách làm sao để chọn được những người như vậy, nhưng xin tạm chưa trình bày, để sau.

Khi đã bầu chọn được những người có trí tuệ và nhân cách lớn thì không cần có ai lãnh đạo họ. Trách nhiệm của họ là trước dân tộc, trước Quốc hội và Chủ tịch nước. Ủy ban không cần có nhiệm kỳ, ủy viên không bị hạn chể tuổi tác, họ có thể xin nghỉ khi không còn đủ năng lực, bị Chủ tịch nước bãi nhiệm khi tỏ ra không xứng đáng. Ủy ban có thể bổ sung thêm ủy viên theo đề nghị của đa số.

Tôi tạm hình dung ra những việc mà Ủy ban văn hóa sẽ làm: Đánh giá thật sát thực trạng xã hội, tìm được nguyên nhân cơ bản của tình trạng đạo đức bị thoái hóa, của nền giáo dục bị xuống cấp, nạn bạo hành, những vi phạm nhân quyền, điều kiện để hòa hợp và đoàn kết dân tộc, những công việc cần làm để chấn hưng văn hóa v.v… Những  kết quả công việc của họ sẽ đề xuất lên Quốc hội, Chủ tịch nước và thông báo cho toàn dân biết. Trên cơ sở đó mà Nhà nước sẽ vạch đường lối, chính sách cần thiết.

Có làm được như vậy mới có khả năng tránh chệch hướng và đánh trống bỏ dùi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét