Chặt cây
28-11-2021
Chỉ cần một cây cổ thụ cả trăm năm trốc gốc, người ta lại chặt cây của một con đường. Có lẽ trên thế giới, kể cả các nước lạc hậu, người ta cũng không bao giờ xử sự như thế. Đó là quan niệm không quản được thì diệt. Một lối tư duy kỳ lạ và hiếm thấy.
Đấy là trường hợp hàng cây lâu năm ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đang bị xử lý gây tiếc nuối trong lòng dân Sài Gòn. Nhất là những người có nhiều kỷ niệm với hàng cây trên con đường này. Đó là một trong mấy con đường đẹp của Sài Gòn còn sót lại sau những chiến dịch triệt hạ những cổ thụ của thành phố. Một con đường Tôn Đức Thắng (Cường Để) đẹp như tranh mất hàng trăm năm mới có được đã từng bị chặt hạ, san phẳng. Và giờ đến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Con đường đã từng đi vào văn học, nghệ thuật với tà áo dài Trưng Vương, với khung trời nhiều kỷ niệm của những chàng học sinh trường Võ Trường Toản một thời. Khu này ngày xưa còn nổi tiếng với loài chim vành khuyên xanh, dân chơi chim gọi là khoen Ba Son, tiếng líu hay và vang xa nhất trong các loại vành khuyên. Giờ cũng chẳng còn chim khi không còn cây nữa. Khoen Ba Son tuyệt chủng luôn rồi.
Con đường chỉ dài một cây số với hai hàng cây cao vút giờ xuất hiện những cây chặt cụt đầu ngậm ngùi với khoảng trời xanh. Chỉ vì một cây bị bật gốc, người ta hạ sát nhiều cây của một con đường. Và từ nay khung trời kỷ niệm đó chỉ còn những gốc cây nham nhở và rồi năm tháng sẽ xoá nhoà đi. Cùng đợt này, nhiều cây lớn trong thành phố cũng sẽ bị đốn cụt như hàng cây ở đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Công xã Paris (quận 1); Võ Thị Sáu, Pasteur, Nguyễn Thiện Thuật (quận 3); Mai Văn Thưởng (quận 6); Trường Sơn (quận 10); Hồng Bàng, Nguyễn Kim (quận 5).
Đến một lúc nào đó, thành phố sẽ chỉ là những khối bê tông sừng sững, khô cứng, lạnh lùng, sẽ không còn bóng cây xanh. Hồn của những con phố cũng không còn nữa, ký ức cũng bị đánh cắp và vẻ đẹp của thành phố này cũng chẳng còn. Phải mất gần cả thế kỷ, thành phố mới có được những hàng cây. Nhưng chỉ cần một nhát cưa, người ta sẽ xoá sạch. Vẫn biết cây cối trăm năm sẽ bị mối mọt, côn trùng tấn công làm gãy đổ. Nhưng nhiệm vụ của những tổ chức liên quan là chăm sóc, là nuôi dưỡng cho nó tồn tại chứ không phải là chặt đầu nó khi có sự cố xảy ra. Quản lý như thế thì cần gì có chuyên môn nhỉ? Ở nước ngoài có những con đường với những cây cổ thụ mấy trăm năm, khoa học kỹ thuật bây giờ dư sức để bảo dưỡng và chăm sóc chúng tồn tại. Sao lại phải chặt đi? Nhìn những gốc cây bị đốn hạ, lõi cây còn quá đẹp chưa bị hư hỏng chút nào, nếu nuôi dưỡng đúng cách chúng sẽ vẫn sống cả thế kỷ nữa.
Có người bảo rằng khi chặt cây, Công ty Công viên Cây xanh đã dùng máy siêu âm thấy cây đã mục nên chặt bỏ. Và cho rằng đó là việc làm đúng quy trình. Thử hỏi Công ty này lập ra để làm gì? Có phải để bảo dưỡng, chăm sóc, theo dõi cây xanh trong thành phố không? Nếu thế thì tại sao lâu nay không lưu tâm đến những cây trăm năm này, tại sao khi bên làm đường, làm vỉa hè xâm phạm và gây hại cho cây, Công ty không có ý kiến hay có biện pháp khắc phục. Đó là công việc, là trách nhiệm của công ty cơ mà. Tại sao ngồi chờ lúc cây hỏng, cây mục, cây đổ mới giải thích lý do rồi đem chặt bỏ. Thế có phải nhiệm vụ của công ty là cưa bỏ và đốn hạ?
Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Công viên cây xanh TP.HCM, cho biết hiện trong tổng 14 cây xanh, đơn vị đã chặt và di dời 11, còn 3 cây trên đường Trần Hưng Đạo, Mai Xuân Thưởng và Nguyễn Kim sắp xử lý. “Các cây sau khi đốn hạ được cắt thành từng lóng, sau đó kiểm đếm và đưa về bãi gỗ ở huyện Hóc Môn, chờ làm các thủ tục thẩm định để đấu giá”.
Thử hỏi số tiền thu được khi bán cây được bao nhiêu mà phải đánh đổi những mảng xanh nhiều kỷ niệm của một thành phố? Đấu giá thu về mấy tiền mà phá nát hồn của những con đường?
Chỉ biết buồn và tiếc nuối cho những hàng cây và những con đường rợp bóng từ đây không còn thấy nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét