Lịch sử “Dư luận viên”
Mạ Thủ 罵手
Tôi mới học được một danh từ mới: mạ thủ. Một cách ngắn gọn, mạ thủ là một kẻ chuyên nghề chửi, giống như “dư luận viên” ngày nay. Lịch sử ra đời của mạ thủ vẫn còn mang tính thời sự ngày nay.
“Mạ Thủ” - Theo tác giả Huy Phương (báo Người Việt), danh từ này xuất phát từ thời Hán Sở tranh hùng và Tam Quốc Chí bên Tàu. Thời đó, nhà cầm quyền huy động những người có lá phổi lớn, tiếng nói vang, và có cách chửi độc địa để làm ‘mạ thủ’. Mạ thủ chỉ có một việc đơn giản là chửi bới đối phương. Họ trong tư thế trần truồng, xông lên phía trước, sát cổng thành của đối phương, và tung ra những lời chửi bới tục tĩu và dơ bẩn nhất nhắm vào đối phương. Mục đích là hạ nhục và khiêu khích đối phương bằng cách thoá mạ ông bà tổ tiên của đối phương, sao cho họ mở cửa thành để lính xông vào. Điều trớ trêu là mạ thủ là những người bị chết đầu tiên vì họ không có vũ khí khi xông trận. Họ có thể xem như là những con chốt thí cho bọn cầm quyền.
Tàu ngày xưa là nơi sản sinh ra những mạ thủ, thì Tàu ngày nay cũng có những đội quân mạ thủ, nhưng họ mang một danh xưng văn hoa hơn: dư luận viên. Tiếng Hoa là "wumao". Báo chí phương Tây gọi họ là "50 cent Army" ("Lực lượng 50 cent"). Tại sao là '50 cent'? Tại vì mỗi mạ thủ được trả lương 50 cent cho mỗi 'bình luận' họ viết trên mạng.
Ai là những mạ thủ thời nay? Theo nghiên cứu của GS Gary King (ĐH Harvard), họ là những nhân viên, cán bộ của Nhà nước. Nhưng họ không phải cán bộ bình thường, mà phải qua một quá trình tẩy não sao cho họ không còn khả năng suy nghĩ một cách logic. Nói tóm lại, bọn mạ thủ là những kẻ không có khả năng đánh giá đúng sai, họ chỉ đơn giản là những cái máy phun ra những câu chữ mà có khi họ không hiểu.
Theo ước tính của GS King [1], Tàu có chừng 500,000 đến 2 triệu mạ thủ, túc trực 24/24 trên mạng để theo dõi và ... chửi. Chiến trận của họ là trên mạng. Phương tiện của họ không còn là tiếng nói mà là chữ viết. Mỗi năm, đội quân phi chính thống này tung lên mạng 450 triệu thông tin giả. Họ đặc biệt nhắm đến thoá mạ những cá nhân và nhóm chỉ trích đảng cộng sản Tàu. Họ tận dụng nguỵ biện tối đa để tấn công đối phương, thay vì bàn luận. Thật ra, mạ thủ không có khả năng nghị luận, vì mục đích tồn tại của họ đơn giản là chửi bới và nhục mạ đối phương. Họ trong thực tế là những tên hề rẻ tiền, những kẻ tâm bệnh.
Bọn mạ thủ cũng rất thích làm ra vẻ 'worldly' bằng những bình luận về quan hệ quốc tế. Đối với họ, biến cố Thiên An Môn là không có thật, mà chỉ là sản phẩm tưởng tượng của bọn phản động phương Tây. Đài Loan phải là của Tàu. Biển Đông là của Tàu, còn bọn “nước nhỏ” như Việt Nam và Phillipine chỉ là đám thừa cơ hội gặm nhấm lãnh hải của Đại Quốc.
Ngoài chửi, các mạ thủ cũng có khi tung ra những thông tin đánh trống tinh thần quốc gia và giấc mơ một Trung Hoa Vĩ Đại. Họ rất thích chỉ trích nhạo báng các nền dân chủ phương Tây, các giá trị phương Tây, nhưng hết lời ca ngợi các lãnh đạo cộng sản Tàu. Họ cũng thích lan truyền những bản tin về hoạt động thường ngày của các cấp cán bộ cộng sản như là những kẻ yêu nước thương dân. Những bài viết ca ngợi cán bộ cộng sản và quảng bá sự tiến bộ của Tàu chiếm chừng 60% tổng số tin tức do bọn mạ thủ tung ra.
Phải nói rằng sự ra đời của mạ thủ 罵手 hay wumao 五毛 là một quái thai xã hội. Thử tưởng tượng một thể chế như chính phủ Úc mà tung tiền ra để tổ chức và mướn những kẻ hạ cấp và những lưu manh mạng chỉ để tung ra những lời ca ngợi mình và tấn công đối phương. Một viễn cảnh không thể nào xảy ra, vì người dân sẽ nổi giận với chính phủ dùng tiền thuế của họ cho chuyện ... tào lao. Chỉ có những chính phủ bất tài và thiếu tự tin, những chính phủ hắc ám biết mình làm điều ác với xã hội mới có những đội quân wumao, bởi nếu chính phủ chánh nghĩa và có thực tài thì cần gì đến bọn hạ cấp đó. Mà, thực ra, một chính phủ được những kẻ hạ cấp ca ngợi thì chính phủ đó cũng thuộc loại hạ cấp mà thôi. Thành ra, sự hiện diện của đội quân mạ thủ hay wumao không chỉ là một căn bệnh ung thư xã hội, mà còn là tín hiệu mạnh nhất về một chính phủ bất chính và bất tài.
N.V.T
[1] Nghiên cứu về đội quân wumao - mạ thủ:
https://gking.harvard.edu/files/gking/files/50c.pdf
“Mạ Thủ” theo Báo Người Lao động, Thanh Niên
Các báo này cũng nói về "Mạ thủ" nhưng tránh nhắc đến đội quân "Mạ thủ" VN ăn lương hoặc phụ cấp ngày nay
Đọc Tam quốc chí [diễn nghĩa] hay Hán Sở tranh hùngcủa văn học cổ Trung Quốc, người đọc không thể không tức cười về một thứ quân đặc biệt luôn luôn có trong bất cứ một đội quân nào của những phe phái khác nhau.
Mạ thủ
Người ta chọn ra những sĩ tốt có buồng phổi to, tiếng nói khỏe và đặc biệt là có “kiến thức” về những câu chửi bới thô lỗ, tục tĩu nhất. Cánh quân ấy chuyên ra trận để... chửi bên địch. Những sĩ tốt này được phong một danh hiệu khá lạ lùng là “Mạ thủ”. Vậy mạ thủ là những tên quân ra trận không dùng đao thương, chỉ chuyên chửi bới, thóa mạ kẻ địch; chửi cho sướng miệng mình và vui dạ tướng chỉ huy của mình.
Khi tướng thủ thành hoặc nhà vua bên địch tự cảm thấy thế lực của mình yếu, bèn đóng cửa thành, treo miễn chiến bài (bảng không đánh nhau nữa). Viên tướng chỉ huy phe bên công thành muốn đánh cho nhanh, bèn đưa quân mạ thủ ra “chiến đấu”. Thông thường thì các mạ thủ này mặc áo quần tử tế, cũng có khi theo lệnh tướng chỉ huy, họ phải... ở truồng để lâm trận. Cứ vậy, họ đưa “bộ đồ nghề” ra tô hô, tiến sát cửa thành phía bên địch; hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi; cùng kêu tên nhà vua hay tướng chỉ huy thành bên địch ra mà chửi bới.
Về hình thức, đây là một thứ tâm lý chiến, phải ngoác miệng ra mà chửi, chửi làm sao cho có ca có kệ, có vần có điệu theo cái kiểu hợp xướng một giọng cho phía bên kia nghe được. Thời ấy làm gì có loa phóng thanh cho nên các mạ thủ phải học “bài bản” cho thuộc, chửi lên cùng một giọng càng lớn càng tốt để nhà vua hay tướng thủ thành bên kia thủng màng nhĩ.
Về nội dung, bài chửi làm sao phải đạt yêu cầu “đào mồ cuốc mả” của kẻ địch, đem hết cái xấu, cái dơ, cái bẩn trút lên đầu lên cổ người ta. Tất nhiên, những bài chửi này có quyền xuyên tạc, vu khống, đục cây tra cành để lung lạc lòng sĩ tốt bên địch. Nhà vua hoặc tướng thủ thành bên địch nghe chửi nín nhịn không nổi, phải mở cửa thành nhảy ra đánh nhau. Nhiệm vụ của mạ thủ được coi là thành công. Món võ ấy được gọi là võ lưỡi (thiệt chiến).
Mạ thủ là một loại chiến tranh đặc biệt của người Trung Quốc xưa, một hình thái chiến tranh mà không quốc gia nào học tập và làm theo. Sách vở Trung Quốc cũng ghi nhận nếu nhà vua hay tướng thủ thành bên kia đột ngột mở của thành xông ra đánh thì quân mạ thủ ưu tiên... chết trước. Bởi vì bọn họ phải áp sát cửa thành bên địch mà chửi nên chạy không kịp về trận địa của mình. Cho nên những chiến sĩ ấy cơ bản là “dũng cảm hy sinh”, chỉ tội nghiệp là có người hy sinh khi đang lõa lồ thân thể, thành thử hoàn cảnh của các mạ thủ nói riêng và chiến trường nói chung là rất lu bu.
Thế kỷ 20, Kim Dung viết Lộc đỉnh ký. Bộ tiểu thuyết này có mấy chương thuật lại cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Nga La Tư. Vua Khang Hy dặn tư lệnh Vi Tiểu Bảo: “Ngươi biết nhiều trò huê dạng, phải làm sao để quân ta từ trên xuống dưới đều khinh khi quân man tử”. “Quân man tử” ở đây là sĩ quan và binh lính của Sa hoàng Nga. Để đám tướng sĩ Thanh binh có thể khinh khi người Nga, Vi Tiểu Bảo áp dụng mọi cách làm nhục tướng sĩ của Sa hoàng Nga, trong đó có vai trò chửi bới của quân mạ thủ.
Vi Tiểu Bảo học cách của người xưa, cho quân mạ thủ Trung Quốc chửi bới tư lệnh quân Nga là A Lịch Tư Đồ Nhĩ Bố Thanh (Alexei Tolbusin) đang đồn trú tại thành Nhã Tác Khắc (Nertohinsk). Bọn mạ thủ này chửi bằng tiếng... quan thoại mà người Nga thì không biết thứ tiếng này. Vi Tiểu Bảo bắt được một số quân Nga, buộc họ phải làm mạ thủ chửi lại Đồ Nhĩ Bố Thanh. Hàng binh và tù binh Nga ra trước thành chửi bới nhưng họ lại khiến Vi Tiểu Bảo thất vọng tràn trề. Lý do là ngôn ngữ chửi bới của người Nga rất nghèo nàn, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy câu “Ngươi là đồ heo, đồ chó”; hoàn toàn thua xa “bài bản” lâm ly biến ảo của mạ thủ Trung Quốc! Vi Tiểu Bảo nghiệm ra chỉ có người Trung Quốc chửi bới mới nghe... được.
Đó là chuyện của mạ thủ cổ điển, chỉ chửi bới trên trận địa cho kẻ thù nghe. Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã có hành động xâm lấn, gây hấn vùng lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam. Năm 1974, họ đánh chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1979, họ gây ra cuộc chiến tranh biên giới. Năm 1988, họ tiến đánh đảo Gạc Ma. Lần nào cũng như lần nào, các mạ thủ đời mới ở Trung Quốc cũng có những bài bình luận đao to búa lớn, ngôn ngữ thóa mạ hằn học khiến người tự trọng nghe qua phải nổi da gà.
Trong vòng nhiều năm liên tiếp trở lại đây, Trung Quốc không ngừng gây ra những sự cố tranh chấp với các lân bang Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam. Hết đòi đảo, họ đơn phương công bố đường “lưỡi bò” chín đoạn trên biển Đông. Sau đường “lưỡi bò”, họ đơn phương công bố khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông.
Ngày 1.5.2014, lợi dụng những ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5 của Việt Nam, họ rê giàn khoan Hải Dương 981 vào đặt ngay trong vùng biển Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 117 hải lý. Cùng với giàn khoan, Trung Quốc cho máy bay, tàu hải giám, hải cảnh, tàu quân sự hù dọa, o ép, va đâm, xịt vòi rồng vào các lực lượng thi hành pháp luật trên biển của Việt Nam và ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hải sản trên ngư trường Hoàng Sa truyền thống.
Cái lạ của Trung Quốc là họ ngang nhiên tấn công ngư dân, đâm chìm ghe cá, phá hoại tài sản đánh cá của ngư dân, khiêu khích các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam mà không hề nhớ rằng họ đã thò tay ký vào các công ước quốc tế như Công ước luật Biển năm 1982.
Cùng với những hành động sai trái, ngang ngược trên hiện trường, lực lượng mạ thủ của họ mà đặc biệt là tờ Global Times đưa ra những thông tin xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, chửi bới các lân bang, trong đó ưu tiên chửi Việt Nam. Cứ theo cái anh mạ thủ to mồm này thì Trung Quốc đang bị các lân bang xâm lược, Trung Quốc đang là nạn nhân của sự xâm lấn bởi nhiều nước nhỏ ở khu vực Đông Nam Á, thật là kỳ.
Trong Đối thoại Shangri-La mới đây ở Singapore, tướng Vương Quán Trung - Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã to tiếng... xái bạc lớn ngay cả với Thủ tướng Abe của Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Bỏ hẳn bài diễn văn được soạn trước, ông Vương đã ứng khẩu độc diễn lên án Mỹ và Nhật “có hành động khiêu khích với Trung Quốc” khi hai vị này lên tiếng cảnh báo những nguy hiểm mà Trung Quốc đang thể hiện trên vùng biển Việt Nam.
Vui nhất là chuyện ông Vương nói đường “lưỡi bò” chín đoạn trên biển Đông đã có từ 2.200 năm trước (thời nhà Hán) nhưng đến năm 1947 Trung Quốc mới công bố. Trong khi đó, ông Chu Thành Hổ - một thành viên khác của Trung Quốc trong đối thoại này, tỏ ra rất hiếu chiến khi nói “Nếu Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù thì Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù của Mỹ”.
Nhìn một cách nào đó thì hai vị này cũng là... mạ thủ đời mới, với một thứ ngôn ngữ ngoại giao quái chiêu, nặng về khiêu khích. Thương thay, họ đã... nói ngọng trước Đối thoại Shangri-La, khiến các phái đoàn quốc tế phì cười. Nhà phân tích chiến lược quốc tế Bonnie Glaser nhận định: “Có lẽ phần tuyên bố của ông Vương chủ yếu nhắm vào khán giả trong nước Trung Quốc nhiều hơn... Ông ta dành mười phút nói vòng vo về đường chín đoạn nhưng cuối cùng cũng không giải thích được nó là cái gì”.
(Vũ Đức Sao Biển)
https://tinnong.thanhnien.vn/giai-tri/ma-thu-9803.html
Báo Người Lao động, Thanh Niên cũng nói về "Mạ thủ" nhưng tránh nhắc đến đội quân "Mạ thủ" ăn lương hoặc phụ cấp ngày nay
Sách vở ghi lại nhiều tích bên Trung Hoa, thời Tam Quốc, khi các vương triều tranh đoạt cương thổ, quyền lực đã biết dùng đến "mạ thủ".
"Mạ thủ" là đội quân chuyên về chửi bới đối phương, kiểu như tâm lý chiến, để đối phương tức giận dẫn tới ra quyết định sai hoặc xuống tinh thần, dễ thua cuộc. Lực lượng "mạ thủ" thường đóng vai trò tiền quân khi công đồn, vây thành. Trong "Tam thập lục sách" - tập hợp 36 kế sách quân sự của Trung Hoa cổ đại - có đúc kết chuyện Tào Tháo sử chiêu khi đánh Viên Thuật thành kế thứ 26 là "Chỉ tang mạ hòe" (chỉ cây dâu mà mắng cây hòe, nghĩa khác: chỉ chó nhưng mắng mèo), nhờ đó mà thắng. Ấy cũng từ "mạ" mà ra. Tóm lại, từ xưa, chửi càn đã được sử dụng như là một thứ vũ khí.
Ở xứ ta, lấy chửi bới để ăn thua đủ, công kích hay hạ bệ người khác cũng là chuyện phổ biến. Dòng văn học hiện thực phê phán 1930-1945 có nhân vật Chí Phèo ("Chí Phèo" - Nam Cao) gắn chặt với hình ảnh tiêu cực "Hắn vừa đi vừa chửi"; hay nâng tầm lên thành "nghệ thuật" là bài chửi mất gà có lớp lang, vần điệu của bà mụ nhà quê trong "Bước đường cùng" (Nguyễn Công Hoan). Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, trong bài "Ăn nói thô tục", đăng Đông Dương tạp chí năm 1914, đã thở dài về một thói xấu của người Việt: "... Lắm câu chửi rủa của ta, không tiếng nước nào dịch nổi..."!
Tất nhiên, đã là thói xấu thì phải phê phán, không học theo. Nếu thành cố tật thì phải gắng tìm mọi cách tẩy trừ nó khỏi đời sống cộng đồng. Trong xã hội văn minh, chửi là hành động phản cảm, đi ngược lại toàn bộ các giá trị cao đẹp chung mà cộng đồng đang xây dựng, hướng về.
Nhưng bao giờ cũng vậy, cuộc sống muôn mặt, bên cạnh cái tốt đẹp và thiện lành vốn chiếm ưu thế thì con người - không còn cách nào khác - buộc phải chung sống với cái xấu, cái ác. Nó là một phần của xã hội, thời nào cũng thế.
Sống chung nhưng không có nghĩa là chấp nhận chịu đựng mãi mãi, mà phải chế ngự, đấu tranh và đẩy lùi nó. Không lên án hành vi xấu, như vô cớ lăng nhục người khác, tức là sống thiếu trách nhiệm; hào hứng đón nhận, hùa theo đám đông hoặc cá nhân nào đó để thóa mạ tha nhân, cũng là một kiểu sống xấu, sống ác. Thực tế, đã có không ít nạn nhân tự kết liễu đời mình vì không chịu nổi sức ép từ sự miệt thị của đám đông, trong đó có những trường hợp bị chửi bới, lên án một cách oan ức.
https://nld.com.vn/.../thoi-xau-chui-can...
Nguồn: FB Hoàng Hưng BVN bổ sung chữ Hán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét