Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Chúng ta có cần “Tiên học Lễ, hậu học Văn” hay không?

 

Chúng ta có cần “Tiên học Lễ, hậu học Văn” hay không?

Đào Tăng Dực

29-11-2021

I. Dẫn nhập:

Theo trang mạng BaoQuocTe.VN ngày 24-11-2021:

“Tại hội thảo Giáo dục Việt Nam chủ đề ‘Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo’ do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức vừa qua, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) trình bày quan điểm trên trong tham luận: ‘Xây dựng Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo’.

Ông khẳng định, sáng tạo thuộc về tài năng trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ Lễ, ‘tiên học lễ hậu học văn’, đề cao sự phục tùng. Trong khi đó, để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình.

GS Trần Ngọc Thêm kiến nghị: ‘Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo’.

‘Chừng nào còn đề cao chữ Lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển’, ông Thêm nhấn mạnh”.

Câu thành ngữ “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” là một khái niệm giáo dục truyền thống lâu đời của dân tộc Việt nói riêng và của nền văn hóa Đông Á nói chung, bao gồm những quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho Giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Trong một nền dân chủ chân chính, sự phản biện dĩ nhiên rất quan trọng và đúng như GS Trần Ngọc Thêm quan niệm là cần thiết cho sự tiến bộ.

II. Tại sao GS Thêm đề xuất như trên:

Khi GS Thêm đề xuất như trên, chúng ta không ngạc nhiên vì ông là một nhà trí thức Cộng Sản và người cộng sản thuần túy, chủ trương tiêu diệt tất cả các tư tưởng “suy đồi” tiền cộng sản. Tại Âu châu thì các tư tưởng Thiên Chúa Giáo, tại Á Đông thì các tư tưởng Nho Giáo, vì các hệ tư tưởng này là nguyên nhân lẫn hậu quả của nhiều thế hệ nhân loại “đồi trụy”, trước khi ánh sáng huy hoàng của tư tưởng Mác Lê được khai sinh.

Tuy nhiên, câu “Tiên Học Lễ, Hậu học Văn” từ từ được phục hoạt dưới chế độ cộng sản vì sau nhiều thập niên thất bại, hàng ngũ đảng viên thoái hóa.

Đề xuất của GS Thêm chỉ là phản ứng mang tính bản năng của một bệnh nhân hấp hối trước khi trút hơi thở cuối cùng.

Tuy nhiên một vấn đề quan trọng đã được đặt ra. Chúng ta cần trả lời nghiêm chỉnh. Muốn thế, chúng ta cần nhận diện chính xác vị trí của chữ “Lễ” và chữ “Văn” trong nền văn hóa Nho Giáo.

III. Phân tích các khái niệm nền tảng

Vì sự quan trọng của chữ “Lễ”, chúng ta sẽ giải thích chữ này thật chi tiết sau. Bây giờ phải hiểu ngắn gọn chữ “Văn” trước. Chữ Văn không có nghĩa thuần túy là văn chương, mà bao gồm sự trau dồi trí tuệ, hầu người quân tử có thể trị quốc bình thiên hạ. Chữ Văn này đồng nghĩa với chữ Trí trong Ngũ Thường như sẽ giải thích sau.

Chữ Lễ là một trong Ngũ Thường tức năm đức tính trọng yếu của người Quân Tử là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín.

1. Ý nghĩa chữ Nhân (Humanity hay Love):

Một cách tổng quát thì Nhân có nghĩa là lòng nhân ái, thương yêu đồng loại. Chữ Nhân cũng bao gồm một quan niệm nền tảng của Nho Giáo về con người (Nhân) như là “linh ư vạn vật” tức có vị trí vượt lên trên muôn loài trong hoàn vũ.

Ở điểm nền tảng này thì Nho Giáo hoàn toàn tương đồng với Thiên Chúa Giáo bao gồm mọi hệ phái từ Tin Lành đến Công Giáo và Chính Thống Giáo. Các tôn giáo Tây Phương quan niệm lòng nhân ái (love) cũng giả định con người có vị trí vượt trội trên muôn ngàn sinh vật khác vì được Thượng Đế tạo ra theo hình tượng của Ngài.

2. Ý nghĩa chữ Nghĩa (proper conduct):

Chữ Nghĩa là một sự thể hiện trực tiếp của chữ Nhân qua phương thức hành xử của người quân tử. Tóm lại, trong hành động của mình, người quân tử sẽ không bao giờ hành xử đi ngược với lòng Nhân Ái, thể hiện qua luân thường đạo lý trong xã hội.

3. Ý nghĩa chữ Trí (Knowledge hay Wisdom):

Chữ Trí được khai triển rõ rệt hơn trong câu châm ngôn “Thành ý chính tâm, cách vật trí tri, tu thân tề gia, trị quốc bình thiên hạ”. Nho Giáo không phải thuần là một tôn giáo căn bản trên niềm tin đơn thuần mà có một cơ sở tư tưởng sâu xa. Câu này có nghĩa là muốn nhận thức các hiện tượng trong vũ trụ khách quan thì tâm phải chính và ý phải thành, có nghĩa là phải thành thật với chính mình.

TBT Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm dĩ nhiên không thỏa mãn được đòi hỏi đầu tiên này vì ông Trọng biết là Xã Hội Chủ Nghĩa là vô vọng mà vẫn hô hào xây dựng XHCN cho dân Việt. Còn ông Lâm thì miệng hô hào cần kiệm liêm chính nhưng cũng chính cái miệng đó “đớp” thịt bò dát vàng không do dự.

Chỉ sau khi thành ý chính tâm mới thực sự có khả năng phân tích sự kiện (cách vật) và đạt đến sự hiểu biết trí tuệ chân chính (trí tri). Sau cùng trên nền tảng trí tuệ chân chính đó mới kiện toàn bản thân, gia đình êm ấm và dấn thân vì quốc gia dân tộc (tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) được.

4. Ý nghĩa chữ Tín (Trust hay honour):

Chữ Tín một cách nôm na là giữ lời hứa. Tuy nhiên nền tảng của nó cũng là Nhân, Nghĩa, Trí và Lễ. Đơn giản mà nói chúng ta phải giữ chữ Tín không những vì lòng nhân với đối tượng mà cũng vì chữ Tín hợp với luân thường đạo lý, vì một người có trí tuệ biết được hậu quả lâu dài của sự bội tín và vì chữ Lễ như sẽ giải thích ở đoạn sau không cho phép chúng ta làm điều thất tín.

Dĩ nhiên chữ Tín cũng giả định sự kính trọng của người quân tử đối với nhân phẩm của mọi người.

Nói cho cùng thì cả 5 khái niệm trong Ngũ Thường đều bao gồm lẫn nhau, bổ sung cho nhau, tương sinh và tương tùy.

5. Ý nghĩa chữ Lễ (Civility hay respect):

Chữ Lễ theo Wikipedia là “Lễ bao gồm việc thờ cúng, lễ bái thánh thần, trời Phật và cả những quy định có tính chất pháp luật, những phong tục, tập quán và kỷ luật tinh thần của cá nhân”.

Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, định nghĩa như thế là chỉ định nghĩa về các hình thức khác nhau của Lễ. Tinh thần của chữ Lễ nằm nơi sự “kính trọng nhân phẩm của từng cá nhân thành phần nhân loại” (respect for each member of the human family) đối tượng của chúng ta vì tất cả mọi thành phần của nhân loại đều là “linh ư vạn vật”. Chính vì thế, khi chữ Lễ được áp dụng triệt để thì không những con kính trọng cha, vợ kính trọng chồng, trò kính trọng thầy, dân kính trọng vua, trẻ kính trọng già, mà các mệnh đề ngược lại cũng đúng y chang.

Khi hiểu được như thế, chúng ta mới ý thức rằng, sự “tương kính” (mutual respect) giữa các cá nhân không những là nền tảng của chữ Lễ, mà còn là nền tảng của cả 4 ý niệm còn lại trong Ngũ Thường là Nhân, Nghĩa, Trí và Tín nữa.

Khi suy nghĩ sâu xa, chúng ta mới ý thức được vai trò nền tảng của khái niệm “tương kính” (mutual respect) xuyên thấu cả 5 ý niệm nền tảng của Ngũ Thường.

Nếu chữ Nhân được hiểu là lòng nhân ái, sự thương yêu là đứng đầu và nền tảng của Ngũ Thường, thì chúng ta sẽ đi đến các kết luận vững chãi như sau:

a. Cha mẹ không thể yêu thương con cái thật sự nếu không “tương kính” tức tôn trọng nhân phẩm của con mình và ngược lại.

b. Chồng không thể thương yêu vợ nếu không tôn trọng nhân phẩm của vợ và ngược lại.

c. Thầy không thể thương yêu trò nếu không tôn trọng nhân phẩm của trò và ngược lại

d. Vua không thể thương yêu dân nếu không tôn trọng nhân phẩm của dân và ngược lại.

e. Già không thể yêu thương trẻ nếu không tôn trọng nhân phẩm của trẻ và ngược lại.

Rộng hơn nữa: Trên bình diện trị quốc bình thiên hạ thì một chính quyền không thể thương yêu nhân dân nếu không tôn trọng nhân phẩm của người dân.

IV. Nếu sự tương kính (mutual respect) là trọng yếu thì chính quyền yêu dân phải tôn trọng những gì nơi nhân dân?

Câu hỏi quan trọng kế tiếp của chúng ta là: nếu sự tôn trọng nhân phẩm của người dân là nền tảng nghệ thuật trị quốc bình thiên hạ, thì chính quyền phải tôn trọng điều gì nơi nhân dân?

Nơi đây, các tư tưởng gia Tây Âu và Đông Phương lại gặp nhau một lần nữa vì sự tương đồng giữa 2 khái niệm nền tảng của Nho Giáo và Thiên Chúa Giáo. Đó là các khái niệm “Nhân Trị” và “Nhân Quyền”. Tuy có những dị biệt hình thức vì hoàn cảnh xã hội, thể chế chính trị và đà tiến hóa khác nhau, nhưng tựu trung cũng phát xuất từ sự tôn vinh con người như sinh vật vượt trội trên muôn loài trong hoàn vũ.

Thật vậy, vì con người là trọng tâm vũ trụ, từ đông sang tây, nếu thật sự yêu dân, một chính quyền phải tôn trọng bật nhất, 2 điều thiết yếu của con người: đó là mạng sống và trí tuệ của người dân.

Một bên là thể xác. Một bên là tinh thần.

Bản tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ năm 1948 chi tiết hóa cụ thể cả 2 điều nêu trên.

Ngoài những vi phạm trắng trợn về thể xác nhân dân Việt Nam, đảng CSVN còn trắng trợn khinh thường trí tuệ và sự thông minh của cả dân tộc qua trò đảng cử dân bầu cố hữu, sau cuộc cướp chính quyền xảo trá năm 1945.

Nếu giả tỷ Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh đều chấp nhận mệnh đề của Nho Giáo là “tiên học lễ, hậu học văn” thì đã không có những thảm sát hằng trăm triệu người tại Liên Xô, Trung Quốc dưới bàn tay các đảng CS liên hệ và hằng triệu người đã không bỏ mạng tại Việt Nam vì Cuộc Cải Cách Ruộng Đất từ thập niên 50, cuộc di cư vĩ đại vào Nam 1954, cuộc vượt biên vĩ đại 1975 và các trại tập trung cải tạo cùng thời.

Dĩ nhiên nếu mệnh đề của Nho Giáo này được chấp nhận thì đảng CSVN đã không tiếp tục bám víu trò đảng cử dân bầu thô bỉ này đến tận hôm nay.

Thêm vào đó, tại Đông Á, Nho Giáo không phải là hệ tư tưởng thống trị tuyệt đối. Một luồng tư tưởng khác cũng ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Thật vậy trong tư tưởng Phật Gia, khái niệm tình thương không còn giới hạn nơi nhân loại mà bao gồm lòng từ bi lân mẫn cho mọi chúng sinh trong hoàn vũ. Lòng tương kính nêu trên, theo nhà Phật, còn phải nới rộng để bao trùm mọi chúng sinh trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới và bao gồm cả 2 hình thức sống thấp hơn nhân loại lẫn cao hơn nhân loại.

Sự tôn trọng phẩm giá của từng chúng sinh càng rõ rệt hơn khi Phật Gia quan niệm mọi chúng sinh đều có Phật tính và cũng sẽ đạt đến chánh đẳng chánh giác trong tương lai.

Cũng vì quan điểm Từ Bi vô lượng của Chư Phật và sự Tôn Kính Phật Tính trong bản chất của từng chúng sinh trong hoàn vũ, Phật Giáo trong bản chất là phản đề hùng mạnh nhất bác bỏ chủ nghĩa Mác Lê.

Chính vì thế, khi GS Thêm đề xuất hủy bỏ câu châm ngôn “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” là ông chủ trương phục hồi lại quan điểm Mác Lê nguyên thủy. Hậu quả là đảng CSVN hoàn toàn danh chánh ngôn thuận, theo lý luận Mác Lê, có thể tiếp tục trị quốc bình thiên hạ mà không cần tôn trọng thể xác và trí tuệ của nhân dân.

Dĩ nhiên điều này hoàn toàn vi phạm những khái niệm nhân ái của người Tây Phương trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, lẫn cốt lũy các tôn giáo truyền thống của nhân dân Việt Nam.

Đề xuất của GS Thêm chỉ là tiếng kêu gào vô vọng của một trí thức cộng sản thuần túy trong một thế giới không còn chỗ đứng cho độc tài đảng trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét