Sài Gòn từ “đỏ” tới “xanh”
Quận 7 nhà mình là quận đầu tiên ở Sài Gòn, theo tuyên bố của chính quyền, kiểm soát được dịch và sắp tới có lẽ sẽ hạ xuống 15+ chứ không 16+ nữa.
Kỳ thực, mình thấy khái niệm “xanh”, “đỏ” ở đây phản ánh sự dịch chuyển về nhận thức và thái độ – ở cả chính quyền lẫn người dân – nhiều hơn là phản ánh số ca nhiễm.
Như hẻm của mình, khi chính quyền ban bố lệnh cấm túc hồi đầu tháng 7, một không khí căng thẳng bao trùm. Đầu hẻm một chốt gác, vào bên trong, mỗi khu nhà trọ có ca nhiễm lại thêm một cái chốt nữa.
Đã nhiều ngày trôi qua, mình vẫn không quên được vẻ mặt nghiêm trọng của cậu dân phòng hôm đó: “Trong này có ‘ép không’ anh ơi, bữa giờ nó đạp xe long nhong ở đây nè. Giờ cả hẻm phong tỏa cứng rồi!”
Sau đó là những tháng ngày nín thở, giữa lúc thành phố chìm trong khủng hoảng – thiếu giường bệnh, thiếu ôxi, thiếu đói và nỗi lo bị “dính” cứ lơ lửng trên đầu tất cả mọi người.
Thế rồi một tháng trôi qua, hẻm mình từ vùng đỏ chuyển thẳng lên vùng xanh. Chốt gác của công an được thay thế bằng chốt gác tự quản của tổ dân phố. Sinh khí bắt đầu trở lại. Rồi thêm một tháng nữa được sống trong vùng xanh.
Nhưng vùng xanh có nghĩa là gì?
Ở Sài Gòn, vùng xanh không hề mang nghĩa là vùng không có ca nhiễm. Ở hẻm mình, số ca nhiễm hiện nay không khác mấy hồi còn vùng đỏ. Hôm kia xe vẫn vào, chở đi một người vừa qua đời.
Nhưng thay vì giăng dây, rào chắn và cắt cử người canh phòng như vài tháng trước, giờ đây chính quyền chỉ dán một tờ giấy be bé nơi cánh cửa, chữ vàng nền đỏ: Nhà có bệnh nhân Covid-19 đang điều trị.
Bạn phải thật để ý mới thấy.
Những vẻ mặt nghiêm trọng hồi đầu cũng dần giãn ra. Sống chung với vi rút hiểu đơn giản có lẽ là điềm tĩnh hơn, không quay cuồng hăng máu “chống dịch như chống giặc” hay nín thở cảnh giác “hãy coi mỗi người đối diện là một ép tiềm năng”.
Sau chừng hai tháng đau thương và với việc vắc xin phủ sóng khá rộng, người Sài Gòn dần dịch chuyển, từ trạng thái chỉ một F0 thôi cũng hung hăng truy vết, quyết liệt phong tỏa, đến bây giờ, có dăm ba F0 vẫn là vùng xanh tươi phơi phới.
Những ngày gần đây, mình đã đi qua nhiều vùng xanh như thế, từ Nhà Bè, quận 7, quận 8, quận 11, quận 3, quận 4, Phú Nhuận, thấy vẫn còn căng.
Bên trong nhiều con hẻm “xanh” vẫn có rất nhiều ca bệnh chưa tiếp cận được y tế đúng nghĩa, lúc gặp vấn đề không biết hỏi ai, hỏi tổ dân phố thì không hồi đáp.
Mình nói ca bệnh tức là những người phát triệu chứng rõ rệt, ít nhất cũng sốt, đau nhức, ho và phải dùng thuốc. Những người dương tính nhưng chưa có triệu chứng hoặc có sơ sơ thì mình không gọi là bệnh nhân.
Ở quận 8, mình ‘phôn’ cho một cô gái trẻ. “Anh ơi, anh chờ em xíu, để em nhờ cô tổ trưởng ra lấy vì em là F0,” cô bé nói, rụt rè và khẽ ho. Vài phút sau, cô gọi lại: “Anh ơi, cô tổ trưởng không ra lấy, bây giờ làm sao ta!” Mình bảo em cứ ở yên đấy, rồi mình tới xin anh bộ đội chốt hẻm, không nghĩ là có thể vào được, nhưng anh bộ đội nghe mình nói “ôxi” thì liền cho vào mà không hỏi thêm gì cả.
Trong con hẻm sâu chừng 300 mét, cô gái trẻ hé cửa. Mình hỏi em nhận được gói thuốc của chính quyền chưa, cô bảo dạ chưa, mà trong nhà này xét nghiệm chưa hết anh ạ, chỉ mới có mình em.
Lúc trở ra, mình tranh thủ kiếm số điện thoại của phường, y tế phường và quận nhắn vào Zalo: “Em gọi số này, không được thì gọi số này, nói người ta đưa thuốc tới. Bảo họ anh Đam, anh Mãi chỉ đạo thuốc là phải phát tới F0 chứ không phải để ở phường.” (Mình nhớ có ông to nào nói câu đó, không chắc có phải anh Đam, anh Mãi không!?)
Trên bến Phú Định, quận 8, mình nói chuyện với một cô gái có em là bà bầu sắp sinh bị dương tính. Cô đang tìm cách đưa em vào bệnh viện mà không biết có thông chốt được không. Mình bảo bà bầu thì cứ ào mà đi, không ai chặn đâu.
Qua tính năng Zalo Connect, mình nhắn tin cho người dương tính cần giúp đỡ trong hẻm mình, thấy họ cũng chưa được hỗ trợ y tế.
Một cô gái trẻ nhắn: “Không thấy phường cho thuốc hay gọi gì cả, bây giờ người ta đang cho công an đi bắt F0 đi cách ly.” Mình nói không phải đâu, có bệnh mới đi chữa chứ, còn dương tính mà còn khỏe thì làm theo chỉ dẫn của bác sĩ, ăn uống nhiều vào. Rồi mình nhắn lại cái câu y chang với cô bên quận 8, đưa thêm anh Minh Chính vào để tăng độ ép phê, chỉ thay số điện thoại liên lạc.
Sài Gòn vẫn căng. Số người bệnh tự xoay xở còn nhiều. Số người đói ăn còn nhiều hơn nữa. Nhưng về mặt tinh thần, mình thấy Sài Gòn tháng này đã đỡ hơn một hai tháng trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét