Sau 123 ngày giãn cách, Sài Gòn mưa dầm dề…
Ngày cuối cùng của tháng 9, cả Sài Gòn mưa dầm dề từ một giờ sáng. Suốt từ ngày Sài Gòn “thiết quân luật” 23-8 tới giờ, Sài Gòn hầu như ngày nào cũng mưa. Mưa liên tục. Mưa rải đá xuống Thủ Đức đêm 22-8. Mưa sùi sụt sáng 30-9.
“Để thấy nước mắt trong giọt nước
Để thấy nỗi xót xa rung động trong giọt nước
Để thấy vũ trụ khóc trong giọt nước…”
Các chốt chặn, rào chắn khắp nơi ủ rũ. Trời đất lẫn lòng người não nuột như nhau. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Kiều)…
Từ 31-5 đến 30-9, 123 ngày của bốn tháng giãn cách. Riêng tháng cuối cùng của quý 3-2021, thành phố giãn cách nghiêm ở mức mà ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM còn phải nói trước khi áp dụng, đại ý: Nếu dịch không giảm, không biết còn cách nào khác hơn nữa…
Nhưng thôi, hình ảnh này coi như đã là “cuộc tình dĩ vãng đã trôi đi vào quên lãng” và chắc chắn không ai muốn gặp lại nó nữa. Sáng 30-9, trước khi lãnh đạo thành phố công bố: TP.HCM sau 30-9 mở cửa từng bước, không đồng loạt ra đường và 13 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động sau 30-9 ở TP.HCM thì ở khu Ông Tạ (gồm bảy phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7) của tôi, vô số cửa hàng đã mở toang cửa từ sáng sớm.
Cả bảy phường khu Ông Tạ tôi qua hầu hết đã “sạch bóng” rào chốt trong các phường, hẻm hóc. Chốt liên quận, bộ đội đóng có biểu hiện dọn gọn lại. Hầu hết của hàng, cửa tiệm đã mở, kể cả bánh canh Hai Nhiên ngay ngã ba Ông Tạ. Thậm chí đối diện hẻm Gà – chợ Ông Tạ cũ có cả một quầy thịt chó quen thuộc (!). Tức bà con đã chuẩn bị từ trước… Giá cả gần bằng trước “thiết quân luật” 23-8: đậu hủ miến 6.000đ/miếng, bánh giò 15.000đ/cái, bánh da lợn 5.000đ/miếng, trứng gà 28.000đ/chục, phở 40.000 đồng/tô, bún riêu 30.000đ/tô… Một siêu thị ở cầu số 2, khi tôi vô, chỉ lác đác vài khách.
Việc công bố của thành phố, xin nói thật, chỉ là thừa nhận thực tế mấy tuần nay trong dân: nhiều bà con đã len lén mở cửa rồi. Ai dân Sài Gòn mấy tuần nay chưa từng mua chui, bán lén – khi mô hình “Đi chợ hộ” thực sự không thành công, đủ chuyện bi hài. Cả mấy xe bán hàng lưu động, chợ lưu động… chỉ như điểm xuyết hương hoa cho bức tranh toàn cảnh mua bán mấy tuần nay.
Dân đã tự “xé rào” như “đêm trước đổi mới”. May mà thành phố, ngành chức năng mấy tuần nay đã xác nhận rành rành trên truyền thông: dịch Covid ở TP.HCM đã qua cao điểm, đã giảm mạnh số tử vong. Mong đừng đổ tội dân ”thiếu ý thức”.
Dân bị bó chân bó gối trong nhà, không biết nên buồn hay nên giận về một số cách phòng chống rõ ràng có nhiều vấn đề, hiệu quả mà sau này bình tĩnh lại, nó sẽ rõ hơn. Trước mắt, thương mại và nền kinh tế cả đô thị lớn nhất, sôi động nhất nước này “chết đứng”. Đầu tầu kinh tế TPHCM và mấy tỉnh xung quanh chiếm hơn một nửa GDP cả nước bị “trói chân trói tay” suốt bốn tháng tới giờ cũng chưa hết.
Hậu quả: tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay (tức từ khi đổi mới 1986) – Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế – xã hội sáng 22-9.
GDP quý 3-2021 giảm sâu khiến GDP 9 tháng năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,42% – thấp hơn năm trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp.
Theo thông lệ quốc tế, một nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nếu tăng trưởng âm liên tiếp hai quý. Trong khi đó, dù có mở cửa, bối cảnh rõ rệt nhất là đại đa số người dân cạn tiền, chắc chắn sức mua sẽ giảm rất mạnh, khó hy vọng khởi sắc lại nền kinh tế dịch vụ – cốt lõi kinh tế Sài Gòn.
Mai là 1-10, sang quý mới, tất cả nỗi lo vẫn ngổn ngang trong dịch, từ hàng hóa ra vào thành phố, giá cả kit xét nghiệm rõ ràng có vấn đề… đến tổng số ca nhiễm, ca tử vong và cái app xanh coi bộ chưa phải đã ổn. Chiều 29-9, thành phố phải dời việc công bố sinh hoạt cụ thể ở TP.HCM từ ngày mai 1-10. Có lẽ quý vị ở trên cũng căng thẳng, chưa thống nhất về tiêu chí, biện pháp.
Gần 10 triệu dân Sài Gòn tả tơi chờ đợi. Hơn hai triệu bà con nhập cư ở Sài Gòn tiếp tục nguyện vọng về quê trước tình hình từ đây đến cuối năm rõ ràng không sáng sủa, như câu thơ thứ 2021 trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du: “Chỉn e quê khách một mình”.
Đường nội thành đã thông, hẻm Sài Gòn đã thoáng. Đó là tất yếu nếu không muốn sụp đổ nền kinh tế. Ngân sách thành phố tới giờ âm rồi. Không mở, tiền đâu chi tiếp cho hơn 7,3 triệu người, mỗi người một triệu đồng như hiện nay?!
Cũng đừng “ảo giác” Sài Gòn trong nay mai sẽ như trước dịch. Ca nhiễm còn nhiều trong cộng đồng. Tiền trong dân bốn tháng ăn không ngồi rồi cũng đã cạn kiệt. Hàng quán mở ra nhưng khó hy vọng sức mua như cũ…
Chỉ một niềm tin còn lại: dân Sài Gòn giờ sợ dịch hơn sợ giặc. Gặp nhau, mua bán… ai cũng đứng xa xa; khỏi cần ai nhắc nhở.
Và sau bốn tháng giãn cách, nỗi sợ thiếu đói đã hiển hiện trong từng gia đình, mỗi con người. Sài Gòn kiệt sức đã bốn tháng và giờ sinh hoạt cũng chưa hẳn bình thường. Nhiều loại hình vẫn chưa mở.
Một Sài Gòn tả tơi đang “lồm cồm” gượng dậy, khó mơ như cũ – ít nhất đến cuối năm nay…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét