Đôi điều băn khoăn muốn hỏi ông Trọng (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 115)
Tương Lai
Ông lại đăng đàn rao giảng và dạy dỗ. Tôi lại phải ráng căng mắt để đọc bằng hết những lời “răn dạy” mà ông tự huyễn như những lời “lãnh tụ” dạy dỗ “quần chúng” hay của “đấng quân vương” ban lời chỉ dụ cho “đám thần dân”.
Cũng vẫn là những lời quen thuộc mà bộ hạ của ông dự thảo để ông thêm bớt bổ sung “sáng tạo” tí chút để in dấu ấn của mình. Của đáng tội, một trong những “thư ký” của ông mà tôi có dịp gặp gỡ từ hồi anh ấy ta làm viện trưởng một Viện Nghiên cứu về quản lý, cách nay cũng đã hơn 30 năm có lẻ, theo nhận xét có phần cảm tính của tôi, anh ấy là một người tử tế, có học hành hẳn hoi, nên lời văn, câu chữ chân phương, gọn ghẽ. Cũng là đoán mò thế, không biết có phải anh ấy chấp bút không. Thì cứ cho là thế đi để an tâm mà đọc bài rao giảng gồm 16 trang, 539 dòng và 8934 chữ đều đều thẳng tắp. Ấy là nói chép nguyên văn bài VOV.VN đưa ngày 15.9.2021.
Vẫn ngần ấy ý tứ đã quá quen thuộc nên thật sự là nhàm chán. Nhưng khi nghe ông Trọng nói thì ngoài những ề à vốn có của người có quyền muốn nói gì thì cứ thế phán mà ông ta thêm vào, để tỏ ra mình đã đỗ cử nhân văn chương ở Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội như kiểu sử dụng mấy câu tục ngữ “Cá cậy vây, cua cậy càng” mà ông đắc ý dùng mãi. Chắc là ông ta không biết cũng ý ấy còn có nhiều câu hay hơn. Có lẽ trí tuệ cỡ ông không biết và nếu biết cũng không hiểu nổi lời răn dạy của người xưa: “Sức hèn chớ vác quá nặng, tiếng nói không có mấy trọng lượng chớ dạy dỗ người” (Lực vi hưu phụ trọng, ngôn khinh mạc khuyến nhân, 力微休負重. 言輕莫勸人).
Ấy thế mà với bài rao giảng này, ngữ điệu của ông Trọng cố làm cho sang trọng nhằm gây dấu ấn “Như tôi đã nói là: “Tiền hô hậu ủng, Nhất hô bá ứng, Trên dưới đồng lòng, Dọc ngang thông suốt” theo lối phường tuồng như ta đây ở trên đỉnh cao quyền lực, thay mặt Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân…
Nhưng, sự nhầm lẫn lớn nhất khi mà ông cao giọng mà rằng “một gia đình muốn êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): "Trên kính dưới nhường", tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, "cá mè một lứa", "thượng hạ bằng đẳng"...; không có cái kiểu "nhà kia lỗi phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng" như cụ Tú Xương đã từng phê phán; như thế là một gia đình vô phúc… Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước”.
Phải chăng vì ông quá muốn “trên kính dưới nhường” nên ông đòi khôi phục lại “chế độ gia trưởng”? “Trên”là trên ai? Và ai là trên? Phải chăng “trên” chính là ông? Trên vị thế chót vót của quyền lực, ông nhìn xuống đám thần dân và đòi họ phải kính. Thì chẳng phải ông nói rất rạch ròi: thay mặt Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân… vậy thì ngoài việc “thay mặt Đảng và Nhà nước” ra còn có thêm “tình cảm cá nhân” của riêng ông, tách khỏi việc “thay mặt Đảng và Nhà nước” kia. Khi nói như vậy, ông tự cho cá nhân mình một vị thế riêng, đứng trên tất cả, trên dân, trên Đảng, trên Nhà nước?
Do hoang tưởng hay huyễn tưởng vì loá mắt bởi quyền lực đang nắm trong tay mà ông Trọng rơi vào sai lầm nghiêm trọng về kiến thức khi ông định áp đặt mô hình gia trưởng kiểu Nho giáo vào trong sự vận hành bộ máy quản lý. Tôi những muốn trách giáo sư Hà Minh Đức, bạn tôi, và các giáo sư khác dạy Khoa Văn Tổng hợp liệu có phải hồi ấy đã quên không dạy điều cơ bản này cho ông?
Giáo sư Trần Đình Hượu đã viết rất rõ rằng: “Gia đình là một thiết chế xã hội nhưng không giống xã hội. Trong xã hội bình đẳng, công bằng và dân chủ là chuẩn, nhưng trong gia đình thì hoà thuận, nhường nhịn nhau mới làm cho cuộc sống êm ấm. Biến xã hội thành gia đình như trước, hay biến gia đình thành xã hội như hiện nay đều không đúng”! (trang 90 sách trên, bên phải).
Nhà Xã hội học Thuỵ Điển, giáo sư Rita Liljestrom, đồng chủ biên (với Tương Lai) cuốn sách “Những nghiên cứu Xã hội học về Gia Đình Việt Nam” cách nay đúng ba mươi năm, năm 1991, do NXB Khoa học Xã hội in, đã lưu ý: “Gia đình Nho giáo là một hệ thống chặt chẽ và cố kết, trong khi đó thì thời đại chúng ta được đánh dấu bằng sự cởi mở và xáo động” (trang 23, sách bên trái) Cũng trong cuốn sách này, giáo sư Trần Đình Hượu phân tích rõ thêm: “Gia đình được Nho giáo đặc biệt chú ý không chỉ vì nó quan tâm đến xây dựng gia đình, đề cao gia đình trong đời sống xã hội mà còn vì nó chủ trương tổ chức nhà nước và xã hội theo mẫu hình gia đình” (tr. 29).
Nhà nghiên cứu Quang Đạm, trong tác phẩm “Nho Giáo Xưa và Nay” gửi tặng tôi ngày 14.6.1993, đã dành hẳn một chương quan trọng “Phạm trù Nhà” để phân tích khá kỹ về thói gia trưởng: “Trong các chế độ đã qua người cai quản gia đình, gia tộc… vốn có nhiều điểm cơ bản giống nhau, đối với bên dưới là đương nhiên có quyền “mệnh” nghĩa là ra lệnh và “sử” nghĩa là sai khiến, được “ban ơn” và “quở trách” theo sự yêu ghét của mình. Trong xã hội mới vẫn có nhiều con người cũ ở cương vị “thủ trưởng” thích đứng một mình trên đỉnh cao của những cái tháp đẳng cấp tôn ti, với những khoảng cách rộng hẹp tuỳ mình, để tuỳ ý yêu và ghét “mệnh” và “sử”, “ban ơn” và “quở trách”… Xoá bỏ tác phong gia trưởng ở những con người thủ trưởng là một yêu cầu quan trọng không thể tách rời với tinh thần nâng cao chí khí vươn lên… xây dựng nếp sống, nếp làm việc bình đẳng, dân chủ” (tr. 21, sách bên phải). Hãy chỉ dẫn ra đây một trường hợp Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Toà án Tối cao, đã bị Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội qua điều tra nghiên cứu đã chỉ ra rất nhiều sai sót từ khâu điều tra, xét xử và giám đốc thẩm, và đã báo cáo rõ ràng với Thường vụ Quốc hội. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là có căn cứ, đúng pháp luật và cho biết quan điểm của viện trưởng là sẽ kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Đoàn Luật sư cũng đưa ra những chứng cứ ngoại phạm và nhiều nhân vật mới xuất hiện để làm rõ vụ án. Thế nhưng tất cả đều bị chìm xuồng. Và Nguyễn Hoà Bình ngang nhiên ngồi vào ghế Bộ Chính trị của Trọng. Tất cả im thin thít trước sự ngỡ ngàng và phẫn nộ của công luận khắp cả nước.
Một luật sư đang sống ở nước ngoài thì nói thẳng thừng: “1- Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng sử dụng Nguyễn Hòa Bình như một công cụ chủ chốt để tiêu diệt những kẻ tham nhũng không cùng phe cánh với mình cũng như để tiêu diệt những người lên tiếng mạnh mẽ, chống lại các phương pháp điều hành của chính quyền như gia đình ông Lê Đình Kình và những người dân Đồng Tâm khác; 2- Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên tòa giám đốc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải cho dù thừa nhận "các cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm tố tụng"!!!; 3- Chừng nào Tổng bí thư Trọng còn tại vị trí thì Nguyễn Hòa Bình còn tại vị, đồng nhất với Hồ Duy Hải phải bị giết oan”.
Chỉ muốn nhắc lại tuyên bố của vua Pháp Louis XIV "L'État, c'est moi" (Nhà nước là ta), còn nhà nghiên cứu đang sống ở Pháp thì than rằng: “Vậy là chúng ta đang bỗng nhiên có những ông giả vương mới rồi!”.
Trí tuệ không mấy sáng láng, kiến thức lại hạn hẹp nên không để ý đến điều mà Chủ nghĩa Mác-Lênin ít bàn đến, chuyện ấy dễ hiểu, nhưng đã thế thì đừng phán bừa. Cũng như việc ông đắc ý dẫn Tú Xương “không có cái kiểu "nhà kia lỗi phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng" như cụ Tú Xương đã từng phê phán; như thế là một gia đình vô phúc”. Nếu Tú Xương sống lại, chắc sẽ chỉ vào ông mà nhắc lại câu thơ “Chỉ trách người sao chẳng trách mình/Mình trung đâu đấy trách người trinh”.
Hơn nữa, chỉ gia đình vô phúc thôi ư? Còn “xã hội” thì sao? Tú Xương từng chỉ ra sự băng hoại của đạo lý xã hội, sao ông không dẫn ra để nói về sự xuống cấp thảm hại của hệ thống giá trị đang bị đảo lộn hiện nay dưới triều đại ông thao túng suốt ba nhiệm kỳ Tổng bí thư và một nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội?
“Kẻ yêu người ghét hay gì chữ
Đứa trọng thằng khinh chỉ vị tiền”…
“…Chẳng dại khôn, cũng chẳng thân sơ
Có hơi kẽm mới tha hồ ngang ngửa”.
Ông không dẫn những câu có ý nghĩa phê phán mạnh mẽ hơn của nhà thơ sống vào “buổi Tây sang”, xã hội phơi bày bao nhiêu sự nhố nhăng, kệch cỡm: “Nào có ra chi lũ hát tuồng / Cũng hò cũng hét cũng i uông / Dẫu rằng dối được đàn con trẻ / Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn”. Cùng với đó không thiếu những câu đau lòng có tính cập nhật rất cao: “Nhân tài đất Bắc nào ai đó / Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà”, để rồi đau đớn xót xa “Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ / Giương mắt trông chi buổi bạc tình”.
Ngẫm nghĩ mãi, tôi đành tự giải thích cho mình bằng mấy câu thơ sắc như dao cắt của Tú Xương, khi chưa được ông Trọng trả lời:
“…Ý hẳn thịt xôi lèn chặt dạ
Cho nên con tự phải thòi ra”.
để rồi:
“ …Xuống chân lên mặt ta đây nhỉ?
Chẳng biết rằng dơ dáng dại hình”
Cái “dơ dáng dại hình” tệ hại nhất mà ông Trọng phạm phải không chỉ là ở thói dạy đời qua mỗi lần rao giảng ý thức hệ Mác-Lênin – bài kinh nhật tụng ông dùng để áp đặt vào đám “bộ hạ” và lũ “thân dân” – mà ông tưởng là ông đang cai quản được họ bằng “mệnh” và “sử”, ra lệnh và sai khiến để tuỳ tiện “ban phát” và “quở trách”. Ban phát hấp dẫn nhất và cũng “rẻ” nhất, vì ông đã nắm chặt và thao túng cái quy trình được dẫn dắt theo ý muốn và tình cảm yêu ghét của ông nhưng lại có giá trị nhất vì “quyền sẽ đẻ ra tiền, tiền lại đẻ ra quyền”. Chính vì vậy ông đòi phải “kính trên nhường dưới”, trên là ai và dưới là những ai thì đã trình bày ở trên. Chỉ muốn nói thêm một câu là với cái “quy trình” rất chặt chẽ đó thì đã nảy nòi ra ngay những cán bộ phải bị kỷ luật vì phạm nhiều trọng tội vừa bị xử lý và những người khác đang trong tầm ngắm để cho “vào lò”. Như Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương, Uỷ viên Trung ương Đảng là một ví dụ nóng hổi.
Nhưng chính vì sự hoang tưởng ấy mà vừa rồi ông Trọng đã phạm vào tội “Đại Bất Kính” đúng vào ngày “Giỗ Bác Hồ”. Một ông bạn tôi từng làm việc ở Văn phòng Chính phủ đã viết thư cho tôi trong đó có đoạn “ngày giỗ Bác Hồ. Ông Trọng và một đoàn tháp tùng khá đông đến thắp hương tại nhà lưu niệm trong Phủ Chủ tịch. Ngôi nhà này được giữ đơn sơ như từ lúc Bác còn sống, nhưng vì Bác ốm nặng rồi mất tại đây nên từ ngày Bác mất thì đã lập một bàn thờ tại đây và đây cũng là nơi duy nhất để các vị lãnh đạo đến dâng hương vào ngày giỗ Bác. Tất nhiên xưa nay, ai đến dâng hương cứ đến, không tuyên truyền ầm ĩ gì cả.
Lúc đương thời, các ông Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải thường năm nào cũng đến thắp hương vào ngày giỗ. Văn phòng Chính phủ chỉ chuẩn bị cho các vị một bó hoa huệ và đến thắp hương xong là về cơ quan, không có TTX và Đài truyền hình đi theo. Năm nay, đoàn của ông Trọng khá đông, điều bất thường là khi thắp hương xong, hoặc ông Trọng đã quá mệt do phải đi bộ vài trăm mét, hoặc không còn đủ tỉnh táo nên ông quay ra, kéo luôn "ghế hiện vật", ngồi quay lưng về bàn thờ làm luôn một bài giảng về "Đạo đức Bác Hồ".
Ai cũng biết ông Trọng sức khỏe yếu, đi đứng khó khăn, nhưng đáng trách cho đoàn tháp tùng, không ai lấy cho ông Trọng một cái ghế khác để ông ngồi lại để ông tự nhiên ngồi vào ghế cấm. Mà cái ghế này, chỉ có Bác là người duy nhất ngồi vào đó lúc sinh thời.
Tuy gọi là nhà lưu niệm, nhà tưởng niệm, nhà bảo tàng hay nhà gì đó, nhưng Bác mất ở đây, Lăng Bác lại được xây dựng tại khu vực này, dù tên gọi gì đi nữa thì theo truyền thống phương đông, đây thực chất là Thái Miếu của ông vua lập ra triều đại mới. Bởi thế, hành động này của một vị vua đời sau khi vào Thái Miếu phạm vào tội bất kính. Nhưng đây lại là sự bất kính trong thế giới tâm linh đối với chư vị Thánh, Thần thì thử hỏi có nguy cho chính vị vua này và cho vận nước hay không? Đây là điềm rất xấu chưa từng xẩy ra trong quá khứ”.
Đọc kỹ những dòng viết trong lá thư điện tử, tôi biết là ông bạn tôi đã cố gắng kìm nén để giảm nhẹ sức nặng của chữ nghĩa nên đã miêu tả nhẹ nhàng và đổ những lời trách móc vào những người tháp tùng Tổng Bí thư “khi thắp hương xong, hoặc ông Trọng đã quá mệt do phải đi bộ vài trăm mét, hoặc không còn đủ tỉnh táo nên ông quay ra, kéo luôn "ghế hiện vật", ngồi quay lưng về bàn thờ làm luôn một bài giảng về "Đạo đức Bác Hồ". Ai cũng biết ông Trọng sức khỏe yếu, đi đứng khó khăn, nhưng đáng trách cho đoàn tháp tùng, không ai lấy cho ông Trọng một cái ghế khác để ông ngồi”.
Cũng có điều ấy, nhưng nghĩ lại, đối chiếu với ngôn từ, thái độ, ngữ điệu khi rao giảng, dạy dỗ thần dân – trong đó có đám bộ hạ của ông ta – thì e không phải vì “ông Trọng đã quá mệt do phải đi bộ vài trăm mét, hoặc không còn đủ tỉnh táo nên ông quay ra, kéo luôn "ghế hiện vật", ngồi quay lưng về bàn thờ làm luôn một bài giảng về "Đạo đức Bác Hồ". Theo tôi thì ông rất tỉnh và không “quá mệt do phải đi bộ vài trăm mét”! Ông ta nghĩ rằng ông ta được quyền làm như thế!
Bởi lẽ, trong clip do VTV.VN Báo Điện tử quay ngày 2.9.2021 thấy ông ta đi khá thoải sau khi đã có lời giáo huấn “nói vo” khá mạch lạc (không cầm giấy viết sẵn) không hề mệt mỏi: “Tiêu cực là gì thì phân tích những tiêu cực ra, tiêu cực thì nói nhiều lắm, trước là đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, thì lãng phí này chỉ là một chi tiết, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống sa vào chủ nghĩa cá nhân, mới dẫn đến tham nhũng. Cho nên là cái gốc con người cán bộ đảng viên không hô khẩu hiệu nói chung chung theo Bác, mà phải học thật lòng thực tế có hành động trong cuộc sống...” (Văn Hiếu/ VOV1).
Ngồi thoải mái trên chiếc ghế của Bác Hồ ngồi, Trọng nói lời giáo huấn, lên bổng xuống trầm, hai tay vung ra tạo dáng cũng khá điêu luyện. Kết thúc lời giáo huấn, Trọng đứng dậy đi ra “Ao cá Bác Hồ”, dáng đi thoải mái, chỉ có người cầm tay cùng đi (chắc là để phòng hờ “ngài bất thần đột quỵ” chứ chưa phải dìu). Cánh tay vung ra cho cá ăn cũng khá mạnh mẽ đủ để tạo dáng. Điều ấy bác bỏ chuyện ông Trọng mệt và không đủ tỉnh táo nên đã phạm vào tội “Đại Bất Kính” kia!
Cần lưu ý rằng, trước khi ngồi, ông Trọng đã đứng, một tay vịn vào ghế, một tay chỉ vào hiện vật được đặt trên bàn lưu niệm rồi mới ngồi xuống chính chiếc ghế vốn chỉ để Bác Hồ ngồi, nay được đặt ngay ngắn đầu chiếc bàn, kỷ vật thiêng liêng trên đó cũng đặt những kỷ vật, đối diện với Bàn thờ Bác đang bày cúng lễ và cắm hương (không rõ là hương đang cháy hay hương đã tàn hết, vì ảnh chụp không rõ, nhưng chắc là đang cháy vì Trọng và những người tháp tùng vừa thắp hương trước ban thờ) để mở đầu cho buổi huấn thị. Bức hình trên nói rõ, trước khi kéo ghế ngồi Trọng không hề mệt để lú lẫn phạm vào tội đại bất kính mà trước anh ta, thế hệ chú bác của anh ta, nhiều tuổi hơn anh ta, không hề có ai ngu như anh ta để phạm phải điều tệ hại đó!
Cứ nhớ lại những câu đắc ý của anh ta: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Có phải đây là một kỳ tích trong bối cảnh nước ta đứng trước những bề bộn khó khăn và tình hình thế giới có nhiều biến động mạnh mẽ, phức tạp” (VNExpress ngày 1.2.2019).
Cũng ý ấy năm sau 2020, anh ta hùng hồn nhắc lại: “Đất nước ta chưa bao giờ được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay”. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh điều này khi trả lời TTXVN dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, đúng vào dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Và năm nay, 2021 khi mà đất nước lâm vào thảm trạng chưa từng có ông vẫn ngâm nga cái luận điệu sặc mùi hãnh tiến đó. Chẳng ai bằng anh ta cả!
Anh ta thích trở lại với thói “gia trưởng” để thụ hưởng sự “kính trên, nhường dưới” theo lối “mệnh” và “sử”, ra lệnh và sai khiến để tuỳ tiện “ban phát” và “quở trách” theo mẫu hình Nho giáo. Vậy mà anh ta quên, hoặc đúng hơn anh ta không biết là sách Lễ Ký từng viết: “Bậc quân tử có ba cái lo: lo rằng mình không nghe biết nhiều. Lo rằng mình đã biết nhiều nhưng không học được những điều đã biết. Lo rằng mình đã học được nhưng không thực hành được những điều đã học”. (Quân tử hữu tam hoạn: vị chi văn, hoạn phất đắc văn dã; ký văn chi, hoạn phất đắc học dã; ký học chi, hoạn phất năng hành dã, 君 子 有 三 患:未之聞,患弗得聞也;既聞之,患弗得學也;既學之患弗能行也。).
Thật ra, “kẻ ngu dốt có học, ngu dốt hơn người vô học nhiều”. Đấy là nhận định của Benjamin Franklin, thành viên trong nhóm lập quốc của Hoa Kỳ. Các sử gia thì gọi ông là “Người Mỹ đầu tiên”, một nhà khoa học đa tài và uyên bác trong kỷ nguyên Ánh sáng.
Phải chăng “kẻ ngu dốt có học” là kẻ tự trói mình vào cái dây trói giáo điều đã quá lạc hậu rồi rứt không ra. Đó là ý thức hệ Mác-Lênin đã quá lạc hậu, hầu hết những Đảng Cộng sản và Đảng cánh tả trên thế giới – đảng cầm quyền hay đảng đối lập – đã vứt bỏ từ hơn mấy thập kỷ của thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI. Nhưng với ông Trọng, thì đó là phao cứu sinh, nếu ông buông ra thì sẽ chết chìm ngay trong cơn bão tố của lòng dân. Có bám vào phao cứu sinh đó thì ông mới có thể tìm chỗ dựa vào “người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN – hoàng đế Tập Cận Bình – người mà ông ta níu chặt để cố giải toả ám ảnh khủng khiếp về “thay ngựa giữa dòng” khi ông đã là con ngựa già bệnh tật ốm yếu!
Gần đây, trong thời điểm diễn ra những sự kiện ngoại giao dồn dập tại nước ta, cái cách “đu dây” thảm hại của ông Trọng đã phơi bày quá rõ khiến dư luận công phẫn. Nhiều nghiên cứu nghiêm túc của các Tổ chức Quốc tế đã đưa những kết luận rõ ràng từ những số liệu họ thu thập được về tâm lý chống Trung Quốc của ngườiViệt Nam. Xin dẫn ra đây một chuyên gia quốc tế có uy tín và rất quen thuộc với độc giả Việt Nam: giáo sư Carl Thayer.
Ông đã từng giải thích: “Tất cả người Việt Nam ngày nay đều biết về lịch sử các mối quan hệ giữa Việt Nam với các triều đại Trung Quốc, và đó là nền tảng cơ bản của tâm lý bài Trung Quốc hôm nay… Sử sách đã ghi nhận là nhiều triều đại Trung Quôc đã xâm lăng Việt Nam ít nhất là 11 lần. Việt Nam đã thành công trong việc đánh bật kẻ xâm lược. Chuyện Hai Bà Trưng chống lại Trung Quốc đã trở thành huyền thoại của Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ. Dù không thành công, nhưng Hai Bà Trưng đã cho thấy tình thần bất khuất của người Việt Nam, muốn độc lập và chống lại sự xâm lược của ngoại bang... Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay xem hành vi xâm lăng của Trung Quốc ở Biển Đông là một mối đe dọa trên sự tồn tại của chủ quyền Việt Nam. Việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hoá 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa gần các thực thể do Việt Nam kiểm soát được xem như là bằng chứng về mối đe dọa này. Tâm lý chống Trung Quốc còn dựa trên suy nghĩ cho rằng chế độ hiện tại không tích cực bảo vệ sự toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Chính quyền Việt Nam có thể là đã chiến thắng trước tòa án công luận thế giới vào năm 2014, nhưng sau đó lại lùi bước trước áp lực của Trung Quốc trong hai năm 2017 và 2018, khi đình chỉ thăm dò dầu khí trong vùng biển quanh Bãi Tư Chính… Nếu thêm vào “nồi súp Biển Đông” các gia vị khác như là chính sách Trung Quốc sử dụng lao động Trung Quốc trong các dự án viện trợ và phát triển ở Việt Nam, và nghi vấn rộng khắp về sự thông đồng giữa các doanh nhân Trung Quốc với giới lãnh đạo Việt Nam ở địa phương và trung ương, ta sẽ có một hợp chất bài Trung Quốc tai hại.
Cái “hợp chất bài Trung Quốc” mà Carl Thayer nêu lên đó là của cả dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, trước hết là giới trí thức và lớp trẻ sục sôi lòng yêu nước, tràn đầy khát vọng tự do. Còn đối với Nguyễn Phú Trọng và những người gắn bó với ông ta thì sao? Cứ xem cung cách Trọng đón tiếp Vương Nghị thì đủ thấy làm gì có cái hợp chất bài Trung Quốc ấy? Vẻ mặt nhâng nháo của viên Bộ trưởng Ngoại giao ngồi cạnh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam chính là ứng xử của những viên sứ của Thiên triều xưa kia mà lớp hậu duệ “đồng chí” của Trọng vận dụng nhuần nhuyễn. Hắn thừa biết tại làm sao Trọng phải lờ đi không tiếp Bà Phó Tổng thống Mỹ mặc dầu hồi Trọng sang Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ (nay là Tổng thống) đã mở tiệc chào mừng với nhiều quan khách là những chính khách quan trọng của Hạ viện, Thượng viện. Chính tại đây, ông Phó Tổng thống Mỹ hồi ấy đã lẩy Kiều ca ngợi mối quan hệ Mỹ Việt đang mở ra một chương mới:
“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Chắc các nhà ngoại giao Việt Nam không ngờ nghệch đến độ có thái độ ứng xử không mấy nhiệt tình trong việc đón tiếp Bà Phó Tổng Thống Hoa kỳ. Nhưng họ biết thái độ của Trọng. Anh ta không dám làm phật ý “thiên triều” với những chiêu dằn mặt thô bạo và ngang ngược của viên Đại sứ Tàu ở Hà Nội, và tiếp đó là thái độ nhâng nháo của Vương Nghị, viên Bộ trưởng Ngoại giao Tàu. Trọng sợ mất chỗ dựa vào lúc “thiên triều” với hoàng đế họ Tập đang là phao cứu sinh của y trước cơn bão phẫn nộ của lòng dân, kể cả không ít những người trong bộ máy quyền lực kề cận với Trọng.
Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu am hiểu về Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á có nhận xét rất sâu sắc đã dẫn ra ở trên: “Tâm lý chống Trung Quốc còn dựa trên suy nghĩ cho rằng chế độ hiện tại không tích cực bảo vệ sự toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ của đất nước”. Nhà nghiên cứu đã tế nhị sử dụng cụm từ “chế độ hiện tại”, nội hàm rất rộng nhưng không chĩa vào ai cả. Nhưng với chúng ta thì biết khá rõ. Cái gọi là chế độ hiện tại là chế độ toàn trị phản dân chủ do Trọng thao túng đang đánh mất lòng dân, kể cả đông đảo đảng viên có hiểu biết và có lòng tự trọng, cũng mất lòng tin vào Trọng và một nhóm những kẻ đang bám chặt lấy Trọng để bảo vệ cái ghế họ đang ngồi, lợi ích họ đang có. Nếu thấy Trọng bị chao đảo và hất bỏ thì họ sẵn sàng quay lưng, chẳng ai liều “xả thân” cứu Trọng đâu!
Vừa rồi anh Vũ Ngọc Hoàng – người mà tôi nhiều lần gặp và chân tình trao đổi – gần đây anh đã cho đăng trên mạng bài viết của mình trước Đại hội XIII – bài viết ngay lập tức nhận được sự hưởng hưởng ứng nhiệt liệt của công chúng. Bài của anh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Thường trực Ban Tuyên Giáo Trung ương như một ngọn gió lành thổi vào bầu không khí oi bức ngột ngạt bởi những bài rao giảng cực kỳ ngoan cố và giáo điều bảo thủ trong suốt cả ba nhiệm kỳ Trọng chiếm giữ ngôi vị tổng bí thư với những thủ đoạn ngang ngược và xảo trá chưa có tiền lệ, kể cả việc ngang nhiên dẫm đạp lên Điều lệ Đảng.
Xin được trích vài đoạn trong bài viết ấy của anh:
“Vào lúc này công việc lớn lao nhất, quan trọng nhất, hơn bất cứ thứ gì, là bảo vệ Đất nước, trước mắt là Biển Đông. Tổ Quốc trên hết! Có thể đình hoãn nhiều việc khác, kể cả việc quan trọng, để tập trung suy tính kỹ cả chiến lược, sách lược và giải pháp cụ thể (đừng chủ quan nói đã tính kỹ hết rồi).
Đây mới chính là “đại cục” chứ còn cái đại cục gì nữa? Đây là nội dung quan trọng nhất và là cốt lõi, chính yếu của Đại hội lần này, chứ không thể nội dung nào hơn được. Đây là phương hướng và quan điểm để chọn nhân sự chứ không có bất cứ tiêu chí gì quan trọng hơn vào lúc vận mệnh đất nước như thế này. Theo đó, tiêu chí đầu tiên để chọn cán bộ lãnh đạo các cấp là thái độ rõ ràng, mạnh mẽ và tư duy mạch lạc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc ở Biển Đông.
Vừa qua, Chính phủ, Bộ Ngoại giao VN và các lực lượng cảnh sát biển, hải quân… đã có nhiều cố gắng, và lần này thái độ ta có mạnh mẽ hơn các lần trước. Chúng tôi xúc động khi được biết tình hình các sĩ quan và chiến sĩ của quân đội ta lúc xung trận húc nhau với các tàu xâm lăng của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính, đã thể hiện một tinh thần rất dũng cảm xứng đáng là con em của một dân tộc anh hùng. Tuy nhiên, nhìn chung thái độ tổng thể bộ máy lãnh đạo quản lý đất nước thì thấy sự thể hiện rất chưa đủ, chưa tương xứng với tính chất nghiêm trọng của tình hình. Và tất nhiên, muốn bảo vệ được Biển Đông thì không chỉ có tinh thần, bản lĩnh, trách nhiệm với Tổ Quốc (mặc dù phải bắt đầu từ các yếu tố ấy), mà quan trọng hơn nữa là phải đổi mới cách tiếp cận vấn đề, đổi mới tư duy, quan điểm, kể cả chủ trương và hành động.
Tiêu chí quan trọng nhất để chọn bạn lúc này là ai thật sự tôn trọng và ủng hộ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Trong số các đối tác chiến lược của VN thì một “đối tác” đã lộ diện rõ ràng là kẻ có âm mưu cưỡng chiếm Biển Đông của nước ta. Trong khi đó lại có nước tuy chưa gọi là đối tác chiến lược nhưng chính họ đã lên tiếng sớm nhất và mạnh mẽ nhất để ủng hộ chủ quyền của VN. Theo tôi, với thực tế đó, họ xứng đáng là đối tác chiến lược của chúng ta, kể cả trường hợp trước đây họ có lúc đã không phải với ta. Ít nhất là họ xứng đáng hơn nhiều so với “đối tác chiến lược toàn diện” kia đang xâm lăng đất nước ta. Thực tiễn đã kiểm nghiệm ai tốt ai không tốt. Một dân tộc biết điều không thể quay lưng lại với thực tế trong văn hóa ứng xử với bạn bè. Nước có chủ quyền phải biết tự chủ trong chọn bạn mà chơi, không phải sợ gì ai bất bình hay quở trách. Cái Phương Bắc bá quyền ấy có động cơ và âm mưu xấu với ta, họ luôn tìm mọi cách để giữ ta trong vòng kiểm soát của họ, không muốn và không cho ta thoát ra khỏi họ để quan hệ thân thiết với các cường quốc khác.
Ta không gây thù hận với ai và luôn thật lòng mong muốn sống hòa hiếu với lân bang, nhưng đồng thời ta cũng phải biết cảnh giác và có bản lĩnh tự cường. Hãy đừng bao giờ quên mà ngược lại phải luôn nhớ đến bài học cay đắng thuở ông cha ta vì nhẹ dạ mất cảnh giác mà bị Phương Bắc cướp nước để cho cả một dân tộc phải sống nô lệ lầm thang điêu đứng trong cảnh “chim lồng cá chậu” đầu rơi máu chảy suốt một nghìn năm mới thoát ra được.
Nhân dân ta không cần thứ "Chủ nghĩa xã hội" đi xâm lược.
Còn có ý kiến khác cho rằng, ta với Trung Quốc là anh em đồng chí, cùng XHCN với nhau, cùng một hệ tư tưởng và còn có quan hệ giữa hai đảng cộng sản đang cầm quyền, vì vậy cần kiên trì trao đổi ý kiến, đối thoại với nhau, không nên kiện ra quốc tế, không nên tỏ ra căng thẳng… Tinh thần hữu nghị với mọi người nói chung là tốt, nhưng nếu nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, để cho những người có tâm địa và âm mưu xấu lợi dụng làm hại đến chủ quyền quốc gia thì sẽ là sai lầm lớn, thậm chí là có tội lớn với dân tộc mà lịch sử, không thể tha thứ.
Đồng chí anh em gì mà vô cớ bất ngờ đem 60 vạn quân sang VN để bắn giết dân chúng và đốt phá các làng mạc, nay lại quyết dùng mọi thủ đoạn để độc chiếm Biển Đông? CNXH gì mà đi xâm lược VN? Nhân dân ta chắc không ai cần cái kiểu CNXH xâm lược ấy. Đừng có nhân danh XHCN để lừa phỉnh nhau. Không có CNXH chân chính nào lại như thế cả (chuyện XHCN và TBCN cũng cần có cách tiếp cận khác căn bản so với cách hiểu, cách nghĩ lâu nay – sẽ nói sau ở bài khác). Đó chỉ là một đế chế phong kiến trá hình và biến tướng. Một quốc gia bảo vệ độc lập chủ quyền và một quốc gia khác đi xâm lăng sao lại cùng tư tưởng?... Còn kiên trì trao đổi, đối thoại? Trung Quốc đâu có cần trao đổi đối thoại với ta. Họ không tôn trọng và không coi VN là đối tác bình đẳng. Họ chỉ áp đặt và chèn ép. Còn VN ta đâu có tỏ ra căng thẳng gì. Sự căng thẳng là do họ chủ ý gây ra đấy chứ. Sao lại đổ vấy cho ta. Còn việc ta buộc phải kiện họ chính là do họ đẩy ta đến đó, không còn con đường nào khác.
Lòng tự trọng dân tộc không cho phép ta nhân nhượng thêm nữa, vì ta càng nhân nhượng thì họ càng lấn tới”.
Cập nhật nhất là sự nhân nhượng trước sức ép phải nhận vaccine Tàu. Theo tin Vnexpress vừa đưa: “Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa có quyết định phân bổ thêm 8 triệu liều vaccine Sinopharm cho 25 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội nhận nhiều nhất”.
Trong bài “Cảnh giác với vacine của Tàu”, Tiến sĩ Tô Văn Trường đã đưa ra những thủ đoạn hèn hạ và thâm độc. “Nhiều nước phản ánh hiệu quả tiêm vaccine của Tầu rất thấp so với các loại vaccine khác. Ngay cả trên YouTube cũng có nhiều clip phân tích các tác hại của vaccine Trung Quốc như “5 sự thật về vaccine Trung Quốc” làm dân tình hoang mang nhưng không thấy những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế phản bác? Rất lạ, lại có thông tin loan truyền nếu không chích vaccine kể cả của Tầu, thì người dân không được ra đường, không được đi làm. Như thế có phải là ép dân phải tiêm vaccine của Tầu?
Từ bài học cảnh giác về an ninh vaccine, chúng ta hãy cùng nhau phân tích về một số dự án phát triển hạ tầng cơ sở có nhà thầu Trung Quốc… Nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thầu với âm mưu gây chậm tiến độ và chi phí phát sinh, đến khi làm việc còn gây ra bao nhiêu sự cố đáng ngờ, không đáng có đối với nhà thầu quốc tế. Chi phí dự án tăng vọt, là những thiệt hại kinh tế thấy rõ. Mỗi ngày chậm trễ là thêm thiệt hại cho đất nước Việt Nam do các lợi ích chưa thành hiện thực, tính ra thành tiền không phải nhỏ. …Rồi chuyện các thương lái Trung Quốc đang mua cau non, lại nghĩ về những đợt mua rễ tre, rễ tiêu, móng trâu, mèo, vỏ cây thông, hoa thanh long... đầy ý đồ phá hoại. Hoặc là ồ ạt thu mua khoai lang, chuối, chè cổ thụ, lúa đang trổ bông... rồi ngưng hẳn khiến cho nông dân ồ ạt gia tăng sản lượng rồi khốn đốn vì lượng hàng ế ẩm. Rồi việc thu mua những thứ quái đản như đĩa, cây dó liệt, cá lìm kìm biển, bọ 3 sọc, giun đất... Cá nhân thương lái chân chính không làm các chiêu trò ác độc đó. Không ai bỏ ra khối tiền đặt cọc lớn và thu mua với giá khủng rồi giữa chừng lặn mất tăm mà không thu hồi vốn. Không loại trừ khả năng Chính phủ của họ bỏ tiền ra cho thương lái của họ thực hiện những mưu mô ác độc đó... Tôi chưa dám đi xa tới mức ngờ người Tầu có pha trộn cái gì vào vaccine đưa vào ta để hại người của ta hay không, vì đến bây giờ chưa có chứng cứ để chứng minh. Nhưng người dân ta có đủ kinh nghiệm và có quyền nghi ngờ như vậy, và họ hoàn toàn có quyền từ chối vaccine Tầu, nhà nước có trách nhiệm tìm vaccine khác cho người dân. Đề nghị công khai số liệu mà Chính phủ hứa với dân hai tháng trước là 150 triệu liều vaccine bao gồm những chủng loại nào.
Không rõ có cơ quan chuyên môn nào, để phòng xa, làm những xét nghiệm rộng rãi để tìm ra chất “lạ” nào đó trong vaccine Trung Quốc hay không? Như hóa chất có độ độc chỉ gây hại trong tương lai về sau, hoặc hóa chất ảnh hưởng đến sự sinh nở của giống nòi, hoặc là gì nữa cần các nhà chuyên môn xác định… Đây không phải là tưởng tượng quá xa, xét theo những gì Trung Quốc đã làm cho người Việt trong mấy thập kỷ qua. …Cứ theo cái kinh nghiệm làm việc với người Tàu mấy chục năm qua, người dân còn đang ngờ: mũi 1 tiêm vaccine Tàu; đến mũi 2 họ không chịu rót vaccine sang nữa hoặc ép ta... thì tiêm cái gì đây? Bộ Y tế đã tính đến chuyện này chưa? Người dân thậm chí còn sợ cái vaccine Sinopharm và Vero cell mà Tàu bán cho mình có thể không cùng chất lượng như loại sử dụng nội địa của nó. Tuần trước, có thông tin là Bộ Y tế yêu cầu kiểm nghiệm chất lượng vaccine Vero cell nhưng rồi im bặt chẳng biết vì sao và kết quả thế nào. Có thông tin cho rằng là Tàu bán vaccine cho Việt Nam nhưng yêu cầu Hà Nội phải tiêm thì mới bán, chứ chuyển hết cho các tỉnh thì không bán”.
Tôi muốn anh Trường đặt lại rõ ràng hơn thắc mắc: “im bặt chẳng biết vì sao” đang làm kiểm nghiệm, một công việc nghiêm túc và quá cần thiết, dưới áp lực nào mà phải “im bặt”. Lương tâm của nhà khoa học đòi hỏi những chuyên gia phải lên tiếng chỉ rõ kẻ nào gây áp lực. Thật đáng trân trọng nỗi niềm của nhà khoa học Tô Văn Trường: “Thật vô cùng đau lòng cho đất nước mình còn lệ thuộc Tầu quá nhiều, và thể chế có quá nhiều bất cập trong lúc đất nước hoạn nạn như thế này”! Vậy, ai gây nên hoạn nạn. Những điều trình bày ở trên liệu đã phần nào chỉ rõ AI?
Bài đã quá dài, xin kết thúc bằng một cảnh báo của Voltaire:
“Rất khó để giải phóng những kẻ ngu xuẩn ra khỏi thứ xiềng xích mà họ tôn thờ”.
Ngày 23.9.2021
T. L.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét