Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Ngoại giao vaccine và chính sách Biển Đông

 

Ngoại giao vaccine và chính sách Biển Đông

Dương Quốc Chính

25-9-2021

Cả Mỹ, Anh, Nhật, Nga và TQ đều là những cường quốc sớm kiểm soát được dịch Covid. Hiện tại các nước này không còn bị quá tải y tế và chỉ còn các đợt bùng phát ở mức vừa và nhẹ. Chủ yếu là do khả năng miễn dịch cộng đồng đến từ việc tiêm vaccine đại trà.

Đối với Việt Nam, dường như Mỹ và Nhật đã nhanh chân hơn 2 đối tác truyền thống là TQ và Nga, để gây ảnh hưởng. Đặc biệt là Nhật, tuy không phải là nước tự sáng chế vaccine nhưng Nhật đã nhanh chóng viện trợ vaccine Astra Zenecca cho Việt Nam. Đến nay Nhật đã viện trợ cỡ ba triệu liều Astra Zenecca cho Việt Nam trực tiếp, không qua Covax.

Mỹ cũng nhanh chân viện trợ cho Việt Nam khoảng 6 triệu liều vaccine, thông qua cơ chế Covax. Cho tới nay Mỹ là nhà tài trợ vaccine lớn nhất cho Việt Nam và có thể nói họ là ân nhân của người Việt cùng với Nhật do thời điểm hai nước này cung cấp vaccine đúng là lúc Covid bùng phát ở Việt Nam. Lượng người chết vì Covid ở Sài Gòn vừa qua chủ yếu là do chưa kịp tiêm vaccine và hiện tại số ca chết giảm rất nhiều cũng chủ yếu vì lượng vaccine đã kịp tiêm chứ không vì lý do giãn cách.

Tuy là nước chế tạo ra vaccine rất phổ biến ở các nước nghèo là Astra Zenecca, do dễ bảo quản với nhiệt độ của tủ lạnh thường, khác với vaccine Mỹ phải bảo quản với độ lạnh âm mới được lâu, nhưng Anh lại không phải là nhà tài trợ vaccine Astra Zenecca cho Việt Nam mà lại là Nhật. Điều đó cho thấy tầm nhìn ngoại giao của Nhật và Mỹ cũng như sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với chính sách ngoại giao của Mỹ và Nhật đối với Việt Nam. Hai nước này đều quan tâm nhiều đến tự do hàng hải ở biển Đông, trong đó với Nhật thì chuyện này là sự ảnh hưởng sống còn.

Nhật xưa nay vẫn có chính sách ngoại giao mềm dẻo với Việt Nam để duy trì Việt Nam trong vòng tay bất chấp sự khác biệt về mặt thể chế. Mỹ thì ngoại giao cứng rắn hơn với Việt Nam do sự khác biệt thể chế và quá khứ chiến tranh. Vì thế, việc Nhật và Mỹ sốt sắng với Việt Nam trong việc cung cấp vaccine không thuần tuý là vấn đề nhân đạo mà chính là muốn gây ảnh hưởng.

Trong khi đó, TQ đã chậm chân hơn Mỹ và Nhật rất nhiều trong việc gây ảnh hưởng vaccin tới Việt Nam. TQ chỉ thực sự giật mình khi phó TT Mỹ Harris tới công du ĐNA và tới Việt Nam. Chính vì thế, đại sứ TQ tại Việt Nam mới có một cuộc họp khẩn với Thủ tướng Việt Nam ngay trước thềm chuyến viếng thăm. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ đối với Việt Nam.

Bà Harris thăm Việt Nam với món quà là một triệu liều vaccine chuyển ngay sau 24h, nâng số lượng vaccine tặng Việt Nam lên 6,2 triệu. Điều này càng khiến cho TQ giật mình với chính sách ngoại giao vaccine của Mỹ. Nên ngay sau đó bộ trưởng ngoại giao TQ Vương Nghị đã sang Việt Nam và hứa tặng thêm 3 triệu liều Vero Cell trong năm nay, nâng tổng số vaccine viện trợ cho Việt Nam lên tới 5,7 triệu liều, vẫn kém Mỹ và vẫn phải chờ tới cuối năm.

Có thể thấy, vaccine TQ sang Việt Nam khá nhỏ giọt. Việt Nam mới chỉ tiêm ồ ạt Vero Cell sau khi đã qua đỉnh dịch ở HCM và là đợt tiêm vét trong khoảng một tuần trước thời hạn 15/9 ở HN. Tức là cho tới nay, vai trò của vaccine TQ ở Việt Nam là rất thấp, thua xa vai trò của Nhật và Mỹ. Như vậy, trước mắt là TQ đang thua 1-0 và có thể thấy ngoại giao vaccine đang gắn chặt với ngoại giao biển Đông.

Sự khác biệt rất lớn nữa giữa chính sách ngoại giao vaccine của Nhật và Mỹ so với TQ đó là Mỹ và Nhật không kèm yêu cầu cho Việt Nam là phải tiêm cho người Mỹ và người Nhật ở Việt Nam. Trong khi đó, TQ lại có yêu cầu ngay từ đợt viện trợ đầu tiên 500 ngàn liều là phải ưu tiên tiêm cho người TQ, người làm việc với TQ và dân biên giới với TQ. Ban đầu, chúng ta tưởng chính sách này là do Việt Nam nghĩ ra, có một số KOLs còn ca ngợi sự khôn khéo từ chối sử dụng vaccine TQ của Việt Nam. Nhưng họ đã nhầm!

Ngược lại, chính sách của Mỹ là không được ưu tiên người Mỹ tại Việt Nam được tiêm vaccine trước. Họ không muốn người Mỹ ở Việt Nam trở thành nhóm ưu tiên và buộc người Mỹ cũng phải tuân thủ chính sách sở tại cho dù Mỹ tài trợ vaccine nhiều nhất cho Việt Nam. Bạn mình là Việt kiều Mỹ ở Sài Gòn và phải tiêm Astra Zenecca ở phường cũng khá muộn (chưa tiêm mũi 2)! Điều đó cho thấy tính nhân văn và công bằng trong chính sách ngoại giao vaccine của Mỹ và Nhật, hoàn toàn khác với TQ, khiến chúng ta phải nể trọng họ hơn.

Trong khi đó, nước Nga, đối tác chiến lược truyền thống lâu đời của Việt Nam thì mới viện trợ 1.000 (một ngàn) liều Sputnik V cho Việt Nam, dù Nga là nước công bố vaccine Sputnik V đầu tiên trên thế giới và gần đây Nga hứa sẽ cung cấp thêm 20 triệu liều cho tới cuối năm. Không rõ khái niệm hỗ trợ này là viện trợ hay là mua, dự là mua! Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhà máy sản xuất Sputnik V tại Việt Nam vừa công bố sản xuất thành công lô đầu tiên vào hôm qua và chờ phía Nga kiểm định chất lượng để tung ra thị trường. Tất nhiên, muốn dùng vaccine thì phải trả tiền. Điều này cho thấy Nga không có mặn mà gì với Việt Nam và chúng ta cũng thấy rằng Nga chẳng quan tâm đáng kể tới biển Đông như 3 nước nói trên.

Ngoài các nước nói trên thì một số nước thuộc EU và Úc cũng viện trợ vaccine cho Việt Nam. Nhưng mình đánh giá là chủ yếu mang tính nhân đạo chứ không phải vì muốn gây ảnh hưởng. Đức là nước viện trợ nhiều nhất trong nhóm kể trên với khoảng 2,5 triệu liều Astra Zenecca, nhưng hình như chưa về tới Việt Nam?

Về việc Việt Nam mua vaccine từ Mỹ và TQ. Mình cho là không phải hoàn toàn do việc “lại quả” khiến Việt Nam phải mua hàng Tàu mà cũng là chính sách đu dây quen thuộc của Việt Nam. Vì Việt Nam ký hợp đồng với Pfizer mua 30 triệu liều thì cũng phải mua 20 triệu liều từ Sinopharm, để tránh bị đàn anh coi là tham vàng bỏ ngãi! Nếu không khéo là anh em môi răng lẫn lộn ngay vì song song với chiến dịch ngoại giao vaccine thì TQ cũng tập trận ngoài biển Đông.

Ngoài các nguồn vacine từ các cường quốc. Việt Nam còn dựa vào người anh em siêu thuỷ chung là Cuba. Trên lý thuyết là Cuba sẽ viện trợ cho Việt Nam 150 ngàn liều Abdala và VN ký hợp đồng mua 10 triệu liều khác. Nhưng Việt Nam lại cũng đem gạo tặng bạn. Chưa rõ giá tiền chỗ quà tặng đó nhưng tạm coi số vaccine này là mua bán! Hơn nữa vaccine Abdala còn chưa được WHO chấp thuận và Việt Nam mới chỉ phê duyệt khẩn cấp nhưng hãng CIGB không phải bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng; việc tranh chấp hợp đồng (nếu có) được thực hiện theo luật pháp Cuba; y chang như Việt Nam ký hợp đồng với Sinopharm! Anh em tin nhau là chính!

Như vậy, từ việc viện trợ vaccine của các cường quốc, chúng ta có thể suy ra được tầm quan trọng của Việt Nam trong mắt mỗi nước cũng như tâm địa của mỗi “người anh em”. Nói gì nói, Mỹ và Nhật vẫn ra dáng đàn anh và cư xử văn minh hơn TQ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét