Việt Nam lôi kéo Campuchia và Lào ra khỏi Trung Quốc
Tác giả: David Hutt
Trúc Lam, chuyển ngữ
27-9-2021
Cuộc họp gần đây của các lãnh đạo Đông Nam Á nhấn mạnh việc Hà Nội thúc đẩy khôi phục mối quan hệ với các đồng minh là những nước láng giềng cũ.
Ngày 26/9, lần đầu tiên sau nhiều năm, Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng có buổi hội đàm ba bên với Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Các nhà phân tích và quan sát xem cuộc hội đàm do Hà Nội chủ trì là một hành động quan trọng khi Việt Nam cố gắng khẳng định lại ảnh hưởng đối với hai đồng minh lịch sử của mình, vốn ngày càng quay sang Trung Quốc trong những năm gần đây.
Từ lâu, đảng Cộng sản Việt Nam coi mình là ân nhân và là “anh cả” của hai đảng cầm quyền Campuchia và Lào, cả hai đảng này đều được [Việt Nam] giúp đưa lên nắm quyền vào thập niên 1970. Việt Nam gần như một mình ủng hộ chính phủ xã hội chủ nghĩa của cả hai nước cho đến khi họ mở cửa ra với thế giới bên ngoài vào thập niên 1990.
Carl Thayer, giáo sư danh dự từ Đại học New South Wales ở Úc, nói với Asia Times, rằng việc triệu tập một cuộc họp ba bên “là một dấu ấn quan trọng về nỗ lực của Việt Nam để bảo đảm rằng mình không bị Trung Quốc đẩy ra ngoài lề”.
Thủ tướng Hun Sen đến Hà Nội, đại diện cho đảng Nhân dân Campuchia (CPP), là đảng cầm quyền, cũng đã gặp Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Thongloun, chủ tịch nước Lào cũng vậy. Hun Sen được cho là cũng đã gặp Thủ tướng Việt Nam, Phạm Minh Chính.
Đảng cầm quyền CPP lên nắm quyền vào năm 1979 sau khi một số người trốn thoát khỏi Khmer Đỏ, gồm cả Hun Sen, quay trở lại với sự hỗ trợ của quân đội Việt Nam để lật đổ chế độ diệt chủng. Trung Quốc, một ân nhân chính của Khmer Đỏ, sau đó đã nổ ra một cuộc chiến tranh biên giới chống lại Việt Nam, cuộc xung đột cuối cùng mà cả hai nước tham chiến.
Việt Nam ủng hộ chế độ xã hội chủ nghĩa bị quốc tế tẩy chay ở Phnom Penh cho đến cuối thập niên 1980, khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu đưa Campuchia trên con đường tiến tới một nền dân chủ hợp hiến và Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia khi đó đổi tên thành Đảng Nhân dân Campuchia CPP.
Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là ân nhân chính của đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP), đảng này đã được giúp lên nắm quyền vào năm 1975 sau nhiều thập niên nội chiến ở đất nước không có bờ biển này.
Cả ba nước này có chung lịch sử bị Pháp đô hộ, khi ba nước bị gộp lại với nhau thành một phần của Đông Dương thuộc Pháp. Cải thiện hợp tác với các đồng minh thời Chiến tranh Lạnh là mục tiêu chính của đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm gần đây.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc hồi tháng 1, một sự kiện năm năm diễn ra một lần để lựa chọn lãnh đạo mới, tranh luận về các chính sách, báo cáo chính trị tuyên bố rằng, Việt Nam cần “coi trọng việc phát triển các mối quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng”.
Chủ tịch nước mới của Việt Nam, cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Lào hồi tháng 8 năm nay. Thongloun là người được bầu làm tổng bí thư đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) và là chủ tịch nước Lào hồi tháng 1, đã đến thăm Việt Nam hồi tháng 6.
Ba ngày trước cuộc họp ba bên của các lãnh đạo hồi cuối tuần, các phiên họp chung đã được tổ chức giữa Ủy ban Đối ngoại Quốc hội của hai nước Đông Nam Á, nơi thảo luận về đại dịch và phục hồi kinh tế.
Ông Thayer cho biết: “Sáng kiến của Việt Nam trong việc triệu tập cuộc họp ba bên này dựa trên một chủ đề chính sách đối ngoại nổi bật đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 tán thành, tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương”.
Ông nói thêm: “Việt Nam dường như đang nỗ lực hướng tới khôi phục hợp tác ba bên trong thời kỳ hậu Covid”.
Cải thiện quan hệ giữa ba nước Đông Nam Á này có lý đối với chính nó, đặc biệt là khi các liên kết kinh tế hiện đang trên đà phát triển.
Việc di cư giữa các nước là phổ biến và đó là nguyên nhân chính dẫn đến các ca nhiễm Covid-19 từ nước ngoài vào ở cả ba nước, ba nước này hiện đang phải vật lộn để kiểm soát con số lây nhiễm.
Cả ba nước Đông Nam Á đều có chung đường biên giới không rõ ràng, trong khi các vấn đề như buôn bán trái phép hàng hóa và con người, cũng như các tội phạm xuyên quốc gia khác, đã trở thành những vấn đề cấp bách hơn kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Từ năm 2016 đến năm 2020, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ ba ở Lào và vốn đầu tư của nước này đã tăng lên 130% so với cùng kỳ năm 2020, theo số liệu chính thức. Thương mại song phương giữa hai nước láng giềng này đạt giá trị 570 triệu Mỹ kim trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam cũng là nhà đầu tư quan trọng ở Campuchia, với kim ngạch thương mại song phương đạt 6 tỷ đô trong 7 tháng đầu năm 2021, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết: “Vì ba nước đều quan trọng đối với nhau, nên sự phối hợp chặt chẽ của họ trong các vấn đề khác nhau, đặc biệt là hợp tác kinh tế, là điều cần thiết cho nền kinh tế và an ninh quốc gia của mỗi nước”.
Tuy nhiên, con voi không được chú ý trong phòng là Trung Quốc, mặc dù có rất ít đề cập rõ ràng về siêu cường phương Bắc này, khi lãnh đạo ba nước Đông Nam Á gặp nhau hồi cuối tuần qua.
Kể từ giữa thập niên 2010, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư bên ngoài lớn nhất ở cả Campuchia và Lào, đồng thời là một đồng minh chính trị ngày càng quan trọng của hai nước này.
Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng khoảng 16 tỷ đô la vào Lào kể từ năm 1989, theo một tuyên bố gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào.
Nhiều đập thủy điện gây tranh cãi của Lào đã được Bắc Kinh xây dựng và chi trả, và các tỉnh phía bắc của nước này hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào vốn của Trung Quốc.
Bắc Kinh trở thành nhà đầu tư chính của Campuchia vào khoảng năm 2014, giúp phát triển phần lớn cơ sở hạ tầng yếu kém của đất nước, mang lại sự đoàn kết quốc tế cho chính phủ ngày càng độc tài hơn ở Phnom Penh.
Đầu năm 2017, chính quyền Campuchia đã đơn phương đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung với Hoa Kỳ và vài tháng sau đó, bắt buộc đảng đối lập lớn nhất của đất nước phải giải tán, với cáo buộc sai sự thật rằng đảng này âm mưu một cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn.
Mối quan hệ Campuchia – Mỹ sau đó xấu đi rõ ràng và vẫn tiếp tục căng thẳng trước những cáo buộc kéo dài của Washington, rằng Campuchia có kế hoạch cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân lớn nhất của nước này, một sự phát triển về cơ bản sẽ làm thay đổi cán cân chiến lược ở Biển Đông.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam có các tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc về lãnh thổ ở Biển Đông, mà một số chuyên gia cho rằng, một ngày nào đó có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang.
Hơn nữa, các nhà chức trách Việt Nam ngày càng lo ngại về những diễn biến trên các đoạn sông Mekong chung của Trung Quốc và Lào, đặc biệt là khi việc xây đập quy mô lớn ở thượng nguồn, gây ra những rủi ro tiềm tàng đối với các ngành công nghiệp ven sông của Việt Nam.
Hạn hán đang trở nên phổ biến hơn và người ta lo ngại rằng, việc Lào và Trung Quốc xây dựng hàng trăm đập thủy điện có thể hủy hoại ngành đánh cá của Việt Nam, cũng như tàn phá ngành nông nghiệp của nước này.
Nhưng Việt Nam và Thái Lan, một đồng minh lịch sử khác của Lào, cho đến nay vẫn chưa thuyết phục được chính quyền Viêng Chăn xem xét lại tác động của Lào đối với sông Mekong.
Các nhà phân tích cho rằng, Hà Nội có thể sớm mất toàn bộ ảnh hưởng ở Viêng Chăn vì Bắc Kinh không chỉ trở thành đối tác tin cậy nhất của Lào, mà các công ty Trung Quốc còn chính thức phụ trách các tài sản chiến lược của đất nước này.
Hồi tháng 9 năm ngoái, chính quyền Viêng Chăn về cơ bản đã giao quyền kiểm soát lưới điện của đất nước này cho một công ty Trung Quốc, trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, hiện nay Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Lào.
Việc Campuchia đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên hàng năm của ASEAN vào năm 2022, cũng có những lo ngại rằng Phnom Penh có thể sử dụng vị trí này để thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh.
Việt Nam cần đặc biệt lo ngại về viễn cảnh này, nhất là khi khối [ASEAN] trong khu vực được cho là cuối cùng đã đồng ý với Bộ Quy tắc ứng xử với Bắc Kinh vào năm 2022, liên quan đến Biển Đông.
Nếu Phnom Penh đặt lợi ích của Bắc Kinh lên trên lợi ích của các nước láng giềng ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, thì điều đó có thể làm thay đổi đáng kể động lực của các tranh chấp trên biển.
Ông Hiệp nói: “Đối với Việt Nam, các cuộc gặp ba bên là một cơ chế quan trọng để gắn kết hai nước láng giềng và duy trì ảnh hưởng truyền thống của Việt Nam đối với họ”, ông nói thêm rằng, điều này ngày càng trở nên quan trọng “do những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng chiến lược của mình đối với hai nước này với cái giá mà Việt Namphải trả”.
“Tuy nhiên, liệu Việt Nam có thể thành công trong nỗ lực này hay không, vẫn còn phải xem xét. Các nhà lãnh đạo Campuchia và Lào rất thực dụng”, ông Hiệp nói thêm.
Theo các nhà phân tích từng nói chuyện với Asia Times, Việt Nam hiểu rõ những hạn chế của mình và không tìm cách gây áp lực, buộc Campuchia và Lào phải lựa chọn bên nào.
Hầu hết các nước Đông Nam Á hiện đã được tập dượt tốt trong nghệ thuật phòng ngừa rủi ro địa chính trị, đặc biệt là, bằng cách cố gắng để Hoa Kỳ và Trung Quốc chống lại nhau và không bao giờ đứng về nước nào, để có được lợi ích kinh tế và chính trị lớn hơn bao giờ hết, từ cả hai nước này.
Bằng cách tương tự, Lào và Campuchia hiện cũng đang là rào cản giữa đồng minh lịch sử của họ là Việt Nam và đối tác siêu cường mới của họ là Trung Quốc.
Ông Hiệp nói: “Họ có thể làm việc với Việt Nam về một số vấn đề để giải quyết các mối quan tâm của Việt Nam trong khi vẫn cởi mở với các hoạt động kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc để phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia của họ. Suy cho cùng, cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Việt Nam-Trung Quốc đối với hai nước kia, mang lại lợi ích nhiều hơn tác hại”.
Đối với Việt Nam, ông Thayer cho rằng, họ hiểu cuộc chơi hiện đang được chơi bởi các đồng minh lịch sử của mình. Ông nói: “Việt Nam không coi quan hệ của mình với Lào và Campuchia là trò chơi có tổng bằng không với Trung Quốc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét