Lan man lắm chuyện (Phần 10)
26-9-2021
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7 — Phần 8 — Phần 9
Đêm qua lại mất ngủ, nằm trằn trọc suốt đến sáng, cái đầu nghĩ đủ mọi thứ chuyện. Đêm Sài Gòn những ngày cuối của cuộc phong toả kéo dài vẫn êm ắng lạ thường. Không nghe tiếng rú của xe, không một tiếng người. Cách nhà tôi có một appartement và sát đó là một khách sạn toàn khách Tây với Đại Hàn.
Bình thường khách Tây đi về khuya không ồn ào bằng đám Đại Hàn, xí xa xí xồ ỏm tỏi. Lúc trước thì bực, bây giờ lại nhớ. Bởi đêm khuya còn có âm thanh của con người. Lại nhớ tiếng rao đêm suốt mấy tháng nay không còn nghe nữa. Đó là giọng khàn khàn của ông bán bánh giò đi trên chiếc xe đạp cũ. Bánh giò nóng đ..â..y. Giọng Bắc kéo dài nghe mệt mỏi giữa khuya vắng. Rồi tiếng lắc của chùm thẻ nhôm của những thanh niên hành nghề đấm bóp. Rồi tiếng rao bánh mì Sài Gòn nóng dòn đặc ruột. Những âm thanh của đêm. Giọng rao nào cũng buồn, khuôn mặt của những người bán hàng nào cũng héo hắt.
Có lẽ cuộc sinh kế khó khăn hay phần số cuộc đời khiến họ chẳng vui. Thỉnh thoảng cũng có tiếng gõ của xe mì gõ nhưng thời sau sau này cũng hiếm rồi. Giữa đêm tiếng gõ vang lên trong hẻm vắng như mang sinh khí cho đêm. Giờ thì mất hẳn. Nửa đêm có đói thì chỉ còn mì gói. Suốt mùa giãn cách, ăn toàn mì gói, giờ cứ thấy bát mì là ớn tận cổ nhưng cũng chẳng biết còn gì để ăn đêm. Còn tiếng chổi quét rác của những công nhân vệ sinh nữa, hình như cũng vắng trong cơn đại dịch. Tiếng chổi tre quẹt xuống đường cũng là âm thanh của phố về đêm. Khuya ở thành phố không có những âm thanh đó, phố xá như thành phố ma với những ngọn đèn vàng vọt. Rồi đây đêm Sài Gòn sẽ trở lại tiếng rao, tiếng xe rú, tiếng nhạc từ quán bên đường phát ra ầm ĩ. Nhưng chắc lòng người ở thành phố này sẽ có đổi thay.
Chỉ còn 5 hôm nữa, Sài Gòn sẽ mở cửa. Đó là lối thoát duy nhất. Trưa hôm nay ngõ phố nhà tôi đã gỡ dây giăng và chướng ngại vật. Nhưng con phố vẫn vắng. Sau mấy tháng trời ngăn chận, giờ gỡ dây kẽm thấy sự thông thoáng của con đường, lòng thấy bình an và lạc quan hơn một chút. Mở cửa để bình thường hoá theo nhà nước gọi là bình thường mới. Sau cơn đại dịch với có quá nhiều đau thương và mất mát. Với thời gian dài tù hãm không được thực hiện quyền của một con người. Chắc chắn mỗi người sẽ không còn có cuộc sống bình thường như xưa nữa.
Thay đổi lớn nhất là gia đình có người thân yêu mất trong cơn đại dịch, là hàng ngàn đứa trẻ bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi. Là rất nhiều người bỗng không còn một số bạn bè, người thân. Họ biến mất khỏi cuộc đời một cách đột ngột và xác thân chỉ còn là một nhúm tro. Những ngôi nhà có thêm những hủ tro cốt. Những người thoát khỏi cơn bệnh, thoát khỏi lằn ranh sinh tử và chứng kiến nhiều cái chết lặng lẽ ở cạnh mình. Họ sẽ có nhiều suy nghĩ. Và chúng ta sẽ tự đặt cho mình một câu hỏi, trước đây chúng ta đã sống đúng chưa? Rồi mốt mai ta sẽ sống thế nào? Yêu thương hơn hay hận thù hơn?
Thoát được và còn được khoẻ mạnh và gia đình không thất thoát người nào sau cơn đại dịch là điều may mắn và đó cũng là niềm hạnh phúc. Đến lúc này, ta sẽ hiểu hơn, thấm hơn cái nghĩa của vô thường để rồi từ đó sẽ khiến ta có một cách sống khác, một suy nghĩ khác về cuộc sống. Cũng có thể tử tế hơn nhưng lắm khi cũng chụp giựt, tàn tệ hơn. Nỗi đau thấm trong lòng cũng có thể biến người ta thiện lương hơn. Nhưng cũng có khi đi qua những chết chóc, những mất mát, những cái chết đột ngột khiến người ta tàn nhẫn hơn, tận dụng cơ hội và tranh giành nhau hơn. Bằng chứng là trong khi nhân dân mình, đồng bào mình chết hàng ngày cả trăm người, vẫn có lắm kẻ lợi dụng cơ hội để làm giàu, dửng dưng, vô cảm trước những cái chết của đồng loại. Danh và lợi lắm khi biến con người thành những con thú tham lam vô độ.
Dây giăng rồi sẽ gỡ, những cuộn kẽm sẽ cuốn đi, những ba ri e sẽ được dẹp, nhưng trong lòng lãnh đạo, trong lòng dân vẫn còn đó những nỗi lo. Ngày hôm trước, con số nhiễm bệnh ở thành phố vẫn là 4.046 ca, số người chết là 123 người. Số người chết giảm là tín hiệu tốt nhưng con số người bệnh nặng và thở máy vẫn còn cao. Khi giảm giãn cách, những tỉnh lân cận thành phố cũng là điều cần quan tâm vì nó có mối liên hệ mật thiết với nhau. Giảm ở Sài Gòn mà không kiểm soát được dịch ở những tỉnh chung quanh thì vẫn còn đó mối đe doạ. Ngày 24.9, Bình Dương vẫn có thêm 3.629, cũng xấp xỉ thành phố dù dân số thấp hơn nhiều. Đồng Nai cũng 996 ca bệnh. Đó cũng là một mối bận tâm.
Vaccine vẫn còn là mối lo lớn nhất. Dù cố gắng nhưng số người tiêm mũi 2 vẫn còn thấp, không đảm bảo được an toàn trong khi vaccine ở thành phố không còn, đang chờ phân bổ. Tính đến sáng 24.9, thành phố đã tiêm chủng được 9.068.787 liều vaccine, trong đó có 6.790 745 mũi 1 (đạt 94,2% dân số từ 18 tuổi trở lên) và 2.278.042 mũi 2 (đạt 31.6% dân số từ 18 tuổi trở lên). Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tỷ lệ tiêm mũi 2 như vậy là chưa đạt yêu cầu. Và đó là một nỗi lo âu của thành phố khi mở cửa để có bình thường mới.
Do vậy, trong chiều nay 26.9, Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cho biết TP.HCM vừa có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế. Lý giải quyết định này, ông Hải cho biết theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về “Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch tại TP.HCM như địa lý, dân số…
“Do đó, Chủ tịch UBND TP có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng quy định riêng phù hợp hơn với tình hình và điều kiện tại TP.HCM”.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải thông tin về kế hoạch tháo gỡ rào chắn tại thành phố. Ông Bằng cho biết hiện, thành phố đang dự thảo chỉ thị về các giải pháp sau 1.10, trong đó có các lộ trình tháo gỡ rào chắn sau 1.10. Ông Bằng khẳng định vấn đề này mới chỉ đang dự thảo. Cùng với đó, Sở GTVT cũng đang tham mưu thành phố về tổ chức giao thông trong thành phố và giao thông liên vùng sau 1.10. Còn có mấy ngày mà cứ bàn hoài, chưa có chi cụ thể. Cái chuyện app chích ngừa hình như thấy im luôn rồi. Chẳng thấy ai nhắc nữa.
Các giải pháp đang được dự thảo và nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, ông Bằng lưu ý vấn đề lưu thông liên vùng cần có ý kiến của các địa phương.
Về vấn đề các chốt chặn, người dân thắc mắc là sau 1.10 có được chạy xe về quê không khi họ đã tiêm vaccine và có thẻ xanh? Sau 4 tháng chịu đựng ở thành phố, giờ rất nhiều người có nguyện vọng được về quê bởi họ không còn kiếm được công việc, thấy tương lai bấp bênh và không còn tiền bạc, vốn liếng để trụ lại được nữa. Xe khách, tàu hỏa, máy bay chưa đi lại bình thường, nhiều người chọn đi xe máy như một giải pháp tình thế để tiết kiệm. Trả lời thắc mắc này, đại diện Phòng Tham mưu Công an thành phố cho hay, đến thời điểm này, các chốt kiểm soát nội đô, cửa ngõ đang kiểm tra bình thường. Việc gỡ các chốt kiểm soát, Công an phải chờ có chỉ đạo của Ủy ban thì mới thực hiện. Như vậy, tuy giảm giãn cách, bình thường mới nhưng những người dân muốn rời thành phố về lại quê nhà vẫn chưa có lệnh. Và họ đành chịu đựng thêm một thời gian nữa.
Ngày 24.9 vừa rồi, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh xô xát giữa nhân viên y tế và nhóm người dân ở quận 8. Được biết, cuộc ẩu đả xảy ra do mâu thuẫn trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, trong quá trình lấy mẫu, một gia đình sống tại hẻm trên địa bàn phường 4, quận 8 đã đề nghị được tự test nhằm tránh tập trung đông người, dễ lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, phía nhân viên y tế không đồng ý và cho rằng người dân tự test là không đúng quy trình, sẽ cho kết quả không chính xác. Do mâu thuẫn dẫn đến cự cãi, xô xát, 3 thành viên của gia đình này đã dùng bàn, ghế ném vào người các nhân viên y tế. Sự việc chỉ dừng lại khi người dân xung quanh đến can ngăn và các nhân viên y tế bỏ đi.
Vụ xô xát này cho thấy dân đã quá chán ngán với việc xét nghiệm, hai, ba ngày chọc mũi một lần, gặp người chọc ngoáy nhẹ nhàng thì không sao, nhưng phần lớn là do người không có chuyên môn nên làm cho người được test đau đớn dễ đưa đến bực bội. Đã stress vì bị giam trong nhà quá lâu, ức chế vì không còn tiền bạc để sinh hoạt hàng ngày, lo lắng vì sợ lây nhiễm. Tất cả dồn lại làm sang chấn tâm lý rất dễ nổi cơn khi gặp nhân viên tiêm chủng có thái độ, tác phong làm việc không tốt.
Hơn nữa trong suy nghĩ của rất nhiều người dân cho rằng việc xét nghiệm là việc làm thừa, vô ích và tốn kém vô lý nên sinh ra tâm lý không đồng thuận. Một Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ từng chủ nhiệm bộ môn ở ĐH Y Dược đã cho rằng: “Thứ nhất, theo tôi chỉ nên xét nghiệm những bệnh nhân có triệu chứng hoặc những người từng tiếp xúc với F0, F1. Tỉ lệ dương tính khi tầm soát chỉ có 0,5%, muốn tìm ra được 1 ca dương tính phải mất tới 330 triệu đồng tiền kit test thì rất tốn kém.
Thời gian tầm soát diện rộng như vậy thật sự không cần thiết. Thứ hai, ví dụ hôm nay test diện rộng, người đó âm tính nhưng đã chắc gì 3 ngày sau người đó không bị nhiễm. Chẳng lẽ chúng ta cứ phải test diện rộng 3 ngày/lần như vậy mãi? Tầm soát diện rộng liên tục để làm gì trong khi kết quả đó chỉ hiệu nghiệm trong 3 ngày. Sau này khi chúng ta dần bình thường trở lại, họ lại ra ngoài và có thể sẽ lây nhiễm nữa, thành ra việc làm ngày hôm nay rất vô nghĩa. Chúng ta cứ test diện rộng mãi như thế rất tốn kém”.
Việc cần làm lúc này chính là ngưng xét nghiệm tầm soát cộng đồng, mà tập trung nguồn lực cho việc tiêm vaccine. Từ đó, nhiều vấn đề trong công tác chống dịch sẽ được giải quyết và ngày “bình thường mới” sẽ đến nhanh hơn.
Quan điểm của vị Bác sĩ này phù hợp với các nhà chuyên môn cũng như nhiều người dân mong muốn lâu nay, chẳng hiểu sao Bộ Y tế và chính phủ cứ tiếp tục xét nghiệm trên diện rộng và toàn diện, thần tốc để làm gì nhỉ? Cho đến nay kể từ 27.4.2021, lượng xét nghiệm đã thực hiện 17.805.333 mẫu cho 51.127.500 lượt người. Xét chi mà lắm thế?
Chuẩn bị cho ngày mở cửa, sáng nay hì hục xịt nước rửa hết đống xe gắn máy và cho nổ máy. Mấy chục chiếc chỉ có được 3 chiếc nổ máy sau mấy phút đề. Xe hơi thì thua luôn. Hỏi ra là do xe để lâu ngày không nổ máy, không chạy nên hết bình accu. Thành phố chưa cho phép dịch vụ sửa xe hoạt động, các cửa hiệu bán phụ tùng cũng chưa mở cửa, biết làm sao bây giờ. Điện hỏi thợ quen thì họ bảo có thể dùng bình accu khác để kích bình. Sau khi có thể nổ máy thì bình trên xe sẽ tự động được sạc, tầm 20 phút sẽ đủ điện để đề máy.
Nếu vẫn không đề được thì bình đã hư, chuẩn bị mua bình mới. Ối trời! Mấy chục chiếc mà sắm bình thì phen này nghèo luôn rồi. Mỗi cái bình gần 300.000 chứ ít đâu. Cả năm nay thất nghiệp chẳng làm ăn chi ra tiền mà giờ cho đám xe này nổ được chắc cũng tốn bộn tiền. Xe gắn máy thì thay bình, xe ô tô thì không biết phải làm sao. Chắc phải đi kiếm cách kích bình accu. Nghe nói giá cũng mấy triệu. Ôi chao! Đau lòng quá đi. Phong toả lâu ngày không chỉ hư người mà còn hỏng xe. Chán thật!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét