Lan man lắm chuyện (Phần 8)
24-9-2021
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7
Mấy hôm nay trên mạng râm ran chuyện Chính phủ phê duyệt mua 20 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm Trung Quốc. Việt Nam đang thiếu vaccine trầm trọng. Muốn mở cửa, điều kiện quan trọng là phải có tỷ lệ chích vaccine cao trong cộng đồng. Lãnh đạo Việt Nam gần đây đã đi khắp nơi để xin, để mua vaccine. Từ ông Vương Đình Huệ đến ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước. Nhưng hình như chẳng xin được bao nhiêu. Ừ thì xin không được thì mua, nhưng mà mua vaccine Tàu thì dân không khoái lắm.
Hơn nữa sở dĩ dân mạng nói nhiều chuyện này là vì trong nghị quyết này cho thấy việc mua bán này ta bị ép quá, mua trả tiền chứ có phải đi xin đâu. Giá cũng đắt chứ không hề rẻ. Thế mà ta bị nằm kèo dưới bị ép đủ điều. Đọc qua văn bản mà tức anh ách. Theo nghị quyết này, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26 của Luật đấu thầu đối với việc mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Sinopharm Trung Quốc.
Việc mua 20 triệu liều vaccine Vero Cell thực hiện trong các điều kiện gồm: Chấp nhận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin, hoặc việc sử dụng vắc xin.
Chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng. Chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Việc ký kết, hiệu lực, giải thích và thực hiện, giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo pháp luật Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được, tranh chấp do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc phán quyết.
Theo nội dung này, vaccine mua về sử dụng có chuyện xảy ra bên bán không có trách nhiệm gì. Nếu có tranh chấp lại áp dụng theo luật của Trung Quốc, không giải quyết được thì cũng do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc phán quyết. Thế là bên bán vừa thu tiền vừa cầm dao bằng cán. Người mua nắm đằng lưỡi, đứt tay ráng chịu. Chơi gì kỳ vậy? Mua bán mà chẳng công bằng, bình đẳng chi cả, chơi vậy thì chơi với ai? Thế mà ta vẫn cố đấm ăn xôi là sao? Không hiểu được.
Cùng thời điểm này, Chính phủ cũng đã phê duyệt việc mua hơn 51 triệu liều vaccine Pfizer; 10 triệu liều vaccine phòng Abdala của Cuba; hơn 30 triệu liều vaccine AstraZeneca… với tổng số 50 triệu liều vaccine các loại khác nhau đã được tiếp nhận. Sao không duyệt luôn mua mấy loại thuốc tốt đã được kiểm chứng và thế giới đã sử dụng, dân ta cũng thích xài mà mua chi vaccine Tàu nhỉ? Có lẽ ta đăng ký mua trễ quá, các hãng của Mỹ, của Anh không bán nhiều cho ta chăng?
Hay là mấy đợt trước, ta chống dịch có hiệu quả, ca ngợi quá nên thế giới cho rằng ta không cần phải có thêm vaccine? Nếu đúng thế thì bệnh cũng từ cái miệng mà chết cũng vì cái miệng. Rõ khổ. Giờ mở miệng xin viện trợ cũng gượng cái mồm chứ nhỉ! Và thế là dân cũng đành chép miệng mà chìa tay ra chích, biết làm sao nữa, hên xui, may thì chích được đủ 2 liều tư bản, xui thì chơi 2 cú thuốc Tàu.
Cứ tạm an ủi cho an lòng là đã có chút kháng thể trong người để qua được cơn đại dịch. Để cầm trong tay cái thẻ xanh đi kiếm ăn chứ nằm nhà hoài kiểu này chưa chết vì dịch đã chết vì thiếu ăn, thiếu thuốc. Hôm qua nghe ông Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với một nhóm Việt kiều ở Mỹ mà lòng bỗng nghẹn ngào. Ổng nói rằng ở Việt Nam dù trải qua cơn đại dịch, dù giãn cách kéo dài nhưng tình trạng “đói cơm lạt muối” rất ít xảy ra. Ông Phúc dùng chữ nghĩa khéo thiệt.
Dân Sài Gòn trong những thời gian đầu của dịch, khi chính quyền chưa có nghĩ tới chuyện hỗ trợ dân nghèo, nếu không có gói mì, hộp cơm của các tổ chức từ thiện, các người thiện nguyện mang cho thì xin lỗi làm gì có cơm, cũng làm chi có muối mà tính chuyện lạt, mặn. Giờ nhà nước đã thực hiện 2 lần hỗ trợ và sắp tới sẽ có đợt 3, nhưng cũng còn sót người đáng được giúp, cũng còn lắm chuyện gây bất bình trong dân.
Hệ thống cán bộ ở địa phương yếu quá, lại thêm nhiều nơi không có tâm, thiếu trách nhiệm với dân nên dân kêu cũng đúng thôi. Dân đang chờ là chờ ngày giãn cách được nới lỏng, làng xóm không còn dây giăng, phố phường không còn khung kẽm chắn đường, dẹp bỏ chốt chặn để được ra đường kiếm sống. Bất đắc dĩ vì bị giam hãm nên mới ngửa tay nhận gói hỗ trợ, chứ dân chỉ muốn kiếm tiền bằng sức lao động của mình, kiếm ăn bằng công việc và được tự do kiếm sống, chẳng phải mong nhờ ai. Ba bốn tháng kiệt quệ, ba bốn tháng không công việc kiếm ra tiền, họ chỉ muốn được thoát ra khỏi những tù hãm để tự lực cánh sinh, tự do kiếm sống dù biết còn lắm khó khăn.
Trưa nay 24.9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tính đến 12h cùng ngày, thành phố ghi nhận thêm 4 ca dương tính, trong đó, 1 ca tại khu vực ổ dịch cũ và 3 ca tại khu cách ly. Hi vọng những ngày tới, số người nhiễm dịch không tăng ở Hà Nội sau đêm rộn ràng xuống đường đón Trung thu. Nếu được như thế, nhà nước cũng nên xem lại kiểu cách ly, phong toả, hạn chế có hiệu quả chi không? Nếu thấy không có tác dụng thì dẹp ngay kiểu ngăn chận ấy cho rồi. Có thể lối ngăn sông cấm chợ ấy đã lỗi thời rồi đấy.
Giờ chấp nhận sống chung với virus mà dây vẫn giăng, đường vẫn có chướng ngại vật với kẽm gai thì không hợp chút nào, nhìn căng thẳng lắm. Mà Hà Nội cũng lạ, cho phép tiệm hớt tóc, gội đầu, siêu thị, trung tâm mua sắm mở cửa mà lại cấm người dân đi tập thể dục thì cũng hơi tréo ngoe thiệt. PGS Nguyễn Huy Nga cho biết, việc thiếu tập luyện trong thời gian dài khiến cho trẻ nhỏ dễ béo phì, cận thị, người lớn thừa cân, tăng nguy cơ mắc bệnh không lây, trầm cảm.
Việc phạt người dân tập luyện ngoài trời là cách làm chưa được khoa học. Ở thành phố HCM thì ngược lại, chưa cho mở các dịch vụ trên nhưng lại có văn bản cho phép người dân được tập thể dục ngoài trời. Thế nhưng lệnh đã ký nhưng mấy ai thực hiện được. Cứ xuất hiện ra khỏi ngõ là xét giấy, là kiểm tra lấy đâu mà ra được sân tập. Mấy anh dân phòng ở các chốt chặn lâu ngày thành quan lớn hết rồi, oai lắm, lệnh vua thua lệ làng.
Cũng sáng hôm nay, sau một thời gian dài bàn bạc, cân nhắc, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản về ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch thành phố thống nhất đề xuất của Sở Y tế rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm vắc xin AstraZeneca. Có nghĩa là những người trước đây đã tiêm chủng vaccine AstraZeneca khỏi phải chờ đợi đủ 8 tuần, cứ đủ 6 tuần là chích tiếp mũi 2.
Sở Y tế TP.HCM hôm 20.9 đề xuất Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ hơn 6 triệu liều vaccine các loại để tiêm cho người dân đến cuối tháng 10. Mục tiêu là sớm hoàn tất bao phủ mũi 2 cho hơn 7,2 triệu người trên 18 tuổi tại thành phố.
Thành phố dự kiến nhu cầu vaccine từ ngày 20.9 đến 31.10 là khoảng 472.000 liều để tiêm mũi 1. Số lượng vaccine để tiêm mũi 2 là gần 5,6 triệu liều, gồm: hơn 4,9 triệu liều AstraZeneca hoặc Pfizer để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca đủ 8-12 tuần và 624.000 liều Vero Cell để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 đủ 3 tuần.
Nói chuyện vaccine cũng lại nhắc vaccine Nanocovax của Nanogen. Sau khi chạy tới Thủ tướng không xong, khẩn cấp đề nghi Hội đồng đạo đức cũng không được, nhờ ông thầy Thích Nhật Từ cầu nguyện cho cũng chưa có kết quả. Giờ chạy tới Viện Nghiên cứu Tịnh tiến về Khoa học Công nghệ Y học (THSTI) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ ký bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu với Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học dược Nanogen của Việt Nam, thông qua hội nghị trực tuyến, theo thông cáo của Đại sứ quán Ấn Độ. THSTI sẽ giúp Nanogen thử nghiệm đánh giá khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nanocovax do Việt Nam nghiên cứu và phát triển.
Kết quả nghiên cứu đánh giá sẽ là cơ sở quan trọng để Nanogen xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Nanocovax. Đúng là phải vái tứ phương vì cuộc chiến chiếm thị phần vaccine ở Việt Nam đang ở trong giai đoạn cạnh tranh ác liệt, bắn chậm thì chết. Khi Nanocovax đang tìm đủ mọi cách để được phê duyệt thì ngày 24.9, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) – Bộ Y tế, đã chính thức công bố sản xuất thành công lô vaccine phòng Covid-19 Sputnik V (Gam-COVID-Vac) đầu tiên tại Việt Nam. Thị trường Vaccine ở Việt Nam lại có thêm một đối thủ. Nanogen lại mệt rồi, hay là lại mời thầy cầu nguyện thêm lần nữa cho chắc ăn?
Đã qua thời gian dài với lối bóc tách, cách ly, phong toả để diệt virus. Đã đến lúc ai cũng đã hiểu rằng, “Zero Covid” là không khả thi, nhất là trong tình hình dịch đã ngấm sâu và lan rộng như ở nhiều tỉnh phía Nam. Do vậy, phải có suy nghĩ khác, cách làm khác, biện pháp khác phù hợp với thực tế. Cách xét nghiệm toàn diện, rộng khắp và thần tốc như đang làm là đã lỗi thời. Nên chấm dứt để khỏi tốn công sức và làm phiền dân.
Không thể cứ mãi tìm và diệt. Khi những con số bệnh nặng và tử vong giảm, thành phố hãy mạnh dạn mở cửa cho một cuộc sống nói theo lãnh đạo là “bình thường mới”. Chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ trở lại bình thường như cũ nữa nhưng ít ra cũng có lại được những sinh hoạt của một con người bình thường.
Sài Gòn đang chờ. Hơn 10 triệu người Sài Gòn đang mong chờ ngày mở cửa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét